Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

Tiếc chi một chút bình an


Mùa Noel đến, ra  đường thấy nô nức bà con trang trí hang đá, nhà thờ thì khẩn trương tập luyện đồng ca. Trong mấy hình thức trang trí mình thấy có một câu có 2 phiên bản là "Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an loài người dưới thế" (phiên bản 1) và "Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm" (phiên bản 2). Khi đọc phiên bản 1 mình thấy rất hạnh phúc, cảm giác Chúa luôn bên cạnh  mình để che chở để thương yêu. Nhưng khi đọc được phiên bản 2, mình lại thấy có vẻ Chúa hơi không rộng lượng. Có thể bà con cho rằng chỉ những người thiện tâm, lòng thành hướng về Chúa mới được Chúa cho hưởng bình an. Điều đó hoàn toàn đúng. Thế nhưng mình hơi băn khoăn như thế chúng ta có lấy cái tấc lòng hẹp hòi của mình ra mà đong đo tình yêu vô biên của Chúa? Lòng Chúa rộng lớn là thế, bao dung là thế, sá gì một chút bình an mà không ban phát cho loài người, dẫu người ấy không thiện tâm? Sự bình an của Chúa ban ra, mình nghĩ không chỉ cho riêng loài người mà cho cả thế giới hữu hình hay siêu hình nữa. Và, dẫu Chúa có được vinh danh hay không, dẫu loài người có thiện tâm hay không, thì tình yêu của Chúa vẫn không hề bớt đi một chút nào. Tình yêu ấy thấm đẫm cả đến từng ngọn cỏ, từng giọt sương, từng viên đá. Và có lẽ, chỉ cần lắng lòng một chút, bỏ bớt một chút, lặng nghe một chút, người ta sẽ dễ dàng trải nghiệm tình yêu ấy như mặt trời trên đỉnh non cao. Và Chúa, có lẽ cũng không chỉ ở trên trời để ngó xuống (hơi quan liêu?) mà mình đồ rằng Chúa lặn lội khắp cả sáu loài trong lục đạo để mà ban bình an. Loài ngạ quỷ bị uất ức vì ghen tị, loài địa ngục bị thiêu đốt vì giận dữ, loài súc sinh bị u mê vì định kiến, loài a tu la bị đau đầu vì âm mưu, loài người bị quay cuồng vì tham lam, loài trời bị trì trệ vì đơn điệu, có lẽ tất thảy đều được Chúa đến vỗ về yêu thương. Chỉ có lòng người tham lam muốn ôm hết phần sung sướng vào mình.
Hôm nay, nhân mọi người chúc nhau Giáng sinh an lành, trong niềm hân hoan sống trong tình yêu của Chúa, mình xin được sáng tác phiên bản 3, hy vọng bà con nào cùng suy nghĩ thì trang trí đêm Giáng sinh:
Vinh danh Chúa ở khắp nơi
Lành thay sáu cõi quỷ trời bình an.

Ghi chú: dẫu sao thì kẻ viết bài này cũng không mong muốn chút nào Chúa ban bình an dẫu chỉ bằng hạt cát cho cái bọn bất lương quyết tâm đẩy người dân vào chốn cơ hàn.

Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Đón năm mới bằng tin bị cưỡng bức


Thế là sau rất nhiều hăm he, vờ lấy ý kiến, đăng đàn kêu gọi yêu nước bằng đóng phí, cuối cùng cái chính sách cưỡng bức thậm tệ túi tiền người dân, đẩy dân đen lấm sâu chốn cơ hàn đã thành hiện thực bởi quyết tâm cao độ của những kẻ có quyền. 
Đọc bài Ván đã đóng thuyền trên báo SGTT thứ tư (ở đây) dẫu đã biết nhưng mình vẫn cứ đau nỗi đau bị cưỡng bức. Nó như một vết thương mãi mãi không lành miệng chừng nào mà mình vẫn còn phải bỏ tiền ra vì cái chính sách hà khắc này. Bài viết của Trung Đức có vẻ hiền (chắc là để được đăng?). Đám doanh nhân hơn 200 người đi họp cũng như cục đất càng làm tăng thêm nỗi thảm não của bức tranh ảm đạm trước Tết. Không biết cái vị nữ chủ doanh nghiệp vận tải nào đó đã có lần rất hùng hổ đòi đình công có tham dự hay không hay là đã được uốn nắn giáo dục sâu sắc mà cả hội trường cứ như rạp chiếu phim. Để rồi những vị giám đốc lừng lẫy hét ra lửa cứ như những con cừu non trước các vị ở Bộ GTVT đang rao giảng cái gọi là “Triển khai nghị định 18 và thông tư 197 về thu phí bảo trì đường bộ”. Tức là họ đã có chủ trương. Rất dễ để hình dung rằng nước lên thuyền lên. Toàn bộ phí đánh vào các doanh nghiệp vận tải này sẽ được đám dân đen có nhu cầu đi lại, giao thương hứng trọn.
Thực vậy, vận tải đường bộ chính là huyết mạch của nền kinh tế. Cũng như viễn thông, điện, nước, xăng dầu, nó là thành phần cơ bản làm nên giá thành hàng hóa. Giữa lúc tình hình kinh tế ảm đạm như hiện nay, phí đường bộ này quả là một đòn chí mạng đánh rơi những lon gạo cuối cùng của người cùn khổ. Thế là Tết này, đường về của những công nhân rời quê mưu sinh vốn xa nay lại càng thăm thẳm. Chút quà về quê ăn Tết vốn ít ỏi nay lại càng thêm hao mòn vì cái thứ phí vô lương. Những bệnh nhân oằn mình vì bệnh tật gắng góp chút tiền còm lên thành phố chữa trị lại phải bớt đi vài loại thuốc để dành tiền cho việc đi lại.  Các bác xe ôm cả ngày bạc mặt chờ khách kiếm chút tiền lương thiện bữa cơm vốn đạm bạc nay lại càng đạm bạc hơn, và phương tiện mưu sinh là cái xe cà tàng càng cọc cạch hơn vì bị xén bớt phần bảo dưỡng cho cái thứ phí trên trời rớt xuống. Đúng là chính sách bần cùng hóa người dân. Chả trách tình hình cướp giật xuất hiện với tần suất dày đặc hơn. Đặc biệt nó lại càng hung hãn khi biết chắc con mồi đang bơ vơ sợ hãi vì sự lỏng tay của bộ phận đặc trách an ninh người dân (nhưng hình như bộ phận này lại chặt chẽ một cách bất thường trong các cuộc tuần hành yêu nước, trong các phiên tòa xét xử những công dân như là Hoàng Khương). Sống lương thiện ngày nay khó lắm. Các lâm tặc hoàn lương hành nghề chụp ảnh cũng bị thằng vớ vẩn trông coi khu du lịch chèn ép bắt chụp bằng máy ảnh kỹ thuật số đắt tiền bởi đơn giản hắn có cửa hàng rửa ảnh kỹ thuật số. Hay trước đó, thằng nhân viên quèn ở Sở GTVT Vĩnh Long thẳng tay hạ sát đối tác vì dám không thuê cái máy đào đồng nát của hắn. Đúng là đại loạn. Thật ghê gớm khi quyền lực không được giám sát. Nó sinh ra những ảo tưởng quái dị của kẻ cầm quyền, gây ra những tổn hại khôn lường cho xã hội. Đặc biệt, nếu đủ mạnh, nó còn gây ra hỗn mang thế giới. Nhân loại ít nhất đã một lần trải nghiệm sự kinh hoàng của quốc trưởng Đức quốc xã và đã đúc kết được rằng trừ Chúa, ai cũng cần phải có người giám sát và bị thúc đẩy bởi áp lực để phát triển.
Thôi thì hãy nghe lời bác Dương Trung Quốc "Quốc hội nào chính phủ đó" mà "Tiên trách kỉ hậu trách nhân vậy". Lòng tự vấn không biết mình có thuộc số thằng bị Bùi Chí Vinh chửi hay không:"Ta sinh ra gặp buổi nhiễu nhương. Bất lương bàn luận chuyện hiền lương.."
Nhân hôm nay có lời đồn tận thế, mình xin chép lại bài thơ lượm được ở nhà bác bọ Lập, tác giả là Vũ Trung Hiếu. Xin trân trọng giới thiệu:

Có nhiều thứ đã từ lâu tận thế

Tận thế ư? Thật tình tôi chả sợ
Báo mỗi ngày đăng toàn những chuyện buồn
Khi cuộc sống hắt những ngày nặng trĩu
Thì có khi tận thế lại còn hơn

Tôi thấy quanh tôi hàng triệu nỗi buồn
Những câu hỏi im lìm trong đáy mắt
Những dối trá đang nhấn chìm sự thật
Những lời hứa vô tâm, những dự án vô hồn

Lên mạng online để càng thêm cô đơn
Nhà cửa càng rộng lòng người càng chật
Tiền vào túi mà chữ tình rơi mất
Ôi cuộc đời vụng dại những vòng si

Tận thế ư, tôi chả thấy sợ gì
Có nhiều thứ đã từ lâu tận thế
Người ta đua nhau mua gạo, mua mì
Tôi nhắm mắt thấy thiên đường hết vé

Tận thế ư? Bạn làm ơn nói khẽ 
Kẻo tôi giật mình vỡ mộng Nam Kha ...


Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

Giới thiệu một bài văn tế


Bài này mình lượm được ở nhà của bác bọ Lập, của tác giả Hoàng Lê tựa là: Văn tế sống một đồng nghiệp sắp về vườn, xin mời các bác thưởng thức:



Hỡi ôi!
 Thông báo đã về,
Làm ta sửng sốt!
Cả một đời bám ngành giáo học khi nổi khi chìm lắm lúc ô danh,
Mười mấy năm đăng nhiệm cán bộ phòng tiếng vang như mõ.

Nhớ năm xưa!

Thân phận thảo dân;
Gia đình nghèo khó;
Chưa quen sếp nọ, đâu biết mánh mung;
Chỉ biết mở “cua”, trường này, trường nọ…
Giáo án, bảng đen, phấn trắng tay vốn quen làm;
Diễn thuyết, rượu bia, khách sạn, xe hơi mắt chưa từng ngó.
Bả danh vọng đẩy lùi nhân cách, muốn lên quan như trời hạn mong mưa;
Mùi đại gia ngứa ngáy đã bao năm, ghét đứng lớp như nhà nông ghét cỏ.
Bữa thấy cô em tiểu học nhảy tót trưởng phòng, tức muốn sôi gan;
Mở truyền hình tỉnh, nhìn đứa bạn lên giám đốc uất toan vỡ mật.
Một tấm thân gái ngọc ngà, há để không cũng phí đời hoa;
“Mấy lạng” vốn trời cho, đâu dễ khiến các đàn anh trơ như gỗ đá.
Chẳng đợi ai đòi ai bắt, từ nay em sẽ quyết hiến mình
Không thèm “tiên học lễ hậu học văn”, phen này ắt sẽ thăng quan tiến chức.

Khá thương thay!

Vốn không phải anh hoa phát tiết, theo dòng học tập chỉn chu;
Chẳng qua là dân 10+3, sốt sắng  làm quan nên cố.
Đạo đức nhà giáo theo truyền thống nào đợi luyện rèn;
Quy chế chuyên môn hiện hành đâu cần phải nhớ.
Bề ngoài, cậy mình có gương mặt “yêu tinh” nào đợi ai xem đức, xem tài;
Bên trong, vốn tự có trình ra, đâu cần hội đồng kia giới thiệu.
Bằng sư phạm nhếch nhác nghiễm nhiên là giám khảo hội giảng nọ, trưởng ban thi đua kia;
Chưa một ngày làm quản lý nhà trường vẫn lên giọng ta đây, vênh mặt vung tay chém gió.
Chẳng sợ Ban nọ, Sở kia gióng trống, phất cờ, mở đợt thi đua, coi “tấm gương”, “đạo đức” có cũng như không;
Nào sợ chị em cùng giới cười cợt, khinh khi, cứ “xô cửa xông vào”, goodbye liêm sỉ.
Lúc dự giờ, khi sáng kiến, làm cho giáo giới hồn kinh;
Tay thi đua, tay phần thưởng, thậm thụt phong bì bợ đỡ.

Ôi!

Những mong thanh thế lẫy lừng;
Đâu biết hư danh vội bỏ.
Một góc căn phòng thờ chữ “nhẫn”, ngày ngày đọc báo, buôn dưa;
Năm nhăm, hưu trí ấy chữ quy, cái loa cũng đến ngày câm lặng.
Đoái trông cửa huyện, đám con nuôi thớ lợ võ vàng mặt ủ mày ê;
Nhìn lại cố hương, đấng lang quân đầu cắm đầy sừng hai hàng lệ nhỏ.
Chẳng phải án kỷ luật thải hồi đến nỗi bị mất chức cho cam tâm;
Vốn chỉ là háo lợi háo danh, đến lúc gặp vận đen cho đáng số.

Nhưng nghĩ rằng:

Cũng là nghiệp gõ đầu trẻ làm kế sinh nhai, thời buổi học trò ngồi nhầm chỗ;
Thế nên thầy chẳng ra thầy, đem cái ngàn vàng, dâng cho sếp đổi lấy chức quyền.
Vì ai khiến bao phen muối mặt, những phường “mèo mả gà đồng”;
Vì ai xui cười nói nổ trời, rặt lũ “mạt cưa mướp đắng”.
Ở lại làm chi, “xanh vỏ đỏ lòng”, ngày ngày trông thấy họ lại thêm buồn;
Ham hố làm chi, “thói đời lạnh nhạt”, tháng tháng vài đồng lương cũng khổ.
Thà nghỉ quách mà an toàn “hạ cánh”, cùng chồng vui hưởng tuổi già;
Còn hơn là “cố đấm ăn xôi” sẽ đến ngày đeo mo vào mặt.

Ôi thôi thôi!

Phòng giáo dục, cửa nay đóng chặt, oan Thị Màu đành gửi lại bóng trăng rằm;
Cổng huyện đường, chân mỏi gối chồn, tủi son phấn trôi theo dòng nước mắt.
Đau đớn bấy! Song thân đều cưỡi hạc, ngọn đèn khuya leo lét ma trơi;
Não nùng thay! Lũ nghĩa tử bơ vơ, nháo nhác chạy tìm nơi bợ đỡ.

Ôi!

Một kiếp phù du;
Nỗi buồn kim cổ.
Đồng nghiệp họ còn nơi công sở, tuổi năm nhăm nên phải về vườn;
Tổ tiên đều ở dưới suối vàng, ai cứu được tai qua nạn khỏi.
Son phấn trả nợ tình nợ nghĩa, danh tiết này sánh tựa Phó Đoan;
Đem vốn trời cho mà kinh doanh, công tích ấy, Tư Hồng còn kém .
Đương chức cũng đã oai, về hưu vẫn cứ oai, lưỡi vốn không xương, bẩy tấc  đong đưa;
Tại chức chưa trưởng phòng, về hưu còn hậm hực, nay quyết tự phong giám đốc công ty cho oách.
Nước mắt Hoạn Thư lau chẳng ráo, đau vì hai chữ “ô danh”;
Trăm năm bia miệng ấy vẫn ghi, hận bởi một câu “vô sỉ”.
Hỡi ôi, thương thay!
Có linh xin hưởng.

Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

Ấn tượng giao ban

Hàng tháng, các trưởng đơn vị cùng với Giám đốc Trung tâm phải họp giao ban với Công ty qua cầu truyền hình. Kết cấu một buổi họp thông thường là phần phát biểu tuần tự của từng Trung tâm, đến các phòng ban công ty. Sau đó, các phó Tổng giám đốc chỉ đạo theo từng mảng chức năng nghiệp vụ, đến tổng Giám đốc tổng kết chỉ đạo. Sau cùng là chủ tịch công ty kết luận cuộc họp. Năm nay, mình tham dự đã 10 cuộc họp như vậy vẫn thấy bình thường. Nhưng ở lần thứ 11 này, phần phát biểu của Chủ tịch Công ty mình có cảm giác là lạ. Những lời ông ấy nói lời lẽ thì vẫn thông thường, nhưng cảm xúc thì mạnh mẽ lắm. Lần này, ông nói về chủ đề tái cơ cấu, chủ đề vẫn được báo chí ra rả suốt cả năm nay. Đối với MobiFone, việc này có lẽ là hệ trọng, và ông nói về điều ấy trong một tâm thế đầy an nhiên. Như một triết gia, ông bình thản: "Thân phận chúng ta chỉ là một thành phần của vũ trụ, vũ trụ xoay vần thì ta phải xoay theo". Và vẫn với một tâm thế như vậy, ông căn dặn mọi người một điều ông tâm đắc, bởi vì mình thấy ông nhắc đi nhắc lại rằng nó luôn luôn đúng, đó là: "Dẫu trước hay sau cơ cấu, các bạn chỉ cứ làm điều đúng, làm một cách đầy trách nhiệm và nhiệt thành". Nghe điều ấy, mình thấy ông không còn là người lãnh đạo nữa, mà đó là một người anh, một người thầy đang dạy dỗ thế hệ đàn em bài học làm người. Bởi làm điều đúng ngày nay thật khó, sau rất nhiều thăng trầm cuộc sống, người ta trở nên lọc lõi hơn chứ ít khi tốt hơn. Vì vậy, đứng trước một quyết định, câu hỏi đầu tiên bật ra, thông thường không phải là: Làm điều đó có đúng không? (suy nghĩ về các giá trị đạo đức, các chuẩn mực xã hội), mà là: Làm điều đó có đáng không? (so sánh những được mất về các món lợi ích, các mối quan hệ) .
Sau những lời bộc bạch như một nhà hiền triết, ông trở lại vai trò người lãnh đạo, và những chỉ đạo lần này cũng khác. Nó không liên quan gì đến chỉ tiêu, nó không liên quan gì đến kế hoạch, nó chỉ là nguyên tắc đầy nhân văn của một người luôn trăn trở vì công ty mình quản lý, vì nhân viên mình lãnh đạo. Nguyên tắc đó là: 1- Mọi mục đích luôn hướng về khách hàng. 2- Luôn quan tâm đến hiệu quả của việc đầu tư. Nói thật, hai điều ấy mình vẫn thường nghe ra rả từ các vị giám đốc khác, đặc biệt là điều thứ hai, như câu thần chú vượt chất vấn của các bác quan chức. Và thường thì mình hơi cười, như khi mình nghe về việc kêu gọi tiết chế lòng tham trong việc chống tham nhũng vậy. Nhưng hôm nay, trong một không khí trang trọng hội nghị, trong một thời điểm nhộn nhạo bộn bề công việc cuối năm, trong một chủ đề tái cơ cấu nhạy cảm, bằng một giọng điệu trầm lắng nặng tâm tư, ông nói những điều ấy mình thấy thật thiêng liêng. Nó thoát ra một cách đầy tự nhiên bởi một người cả đời làm lãnh đạo đúc kết. Bóng dáng John C. Maxwell lại hiện rõ ở ông. Không nghi ngờ gì nữa, một trong những nhà lãnh đạo kiệt xuất nhất Việt Nam đang ở đây. Mình thấy hơi tiếc cho người dân khi ông không tham dự chính trường để mang những tâm huyết đó phụng sự cho đông đảo con người hơn. Ở cương vị lãnh đạo doanh nghiệp của mình, tầm ảnh hưởng của ông chỉ giới hạn trong vài ngàn con người. Nhưng nếu đứng đầu một đơn vị quản lý nhà nước, có lẽ hàng triệu người đã được hưởng lợi.
Cảm xúc về ông làm mình nhớ tới cựu chủ tịch Sacombank, ông Đặng Văn Thành. Vị đại gia này mình thần tượng không phải vì khối tài sản kếch xù của bác ấy, mà vì sự lao động miệt mài từ một người tay trắng xây dựng nên một thương hiệu ngân hàng hàng đầu Việt Nam. Đặc biệt tinh thần và ý chí mạnh mẽ đó được truyền thừa nguyên vẹn cho thế hệ tiếp theo của bác. Và sự ngưỡng mộ của mọi người dành cho bác chính là những giá trị gia đình truyền thống của nhà bác mà đa phần những đại gia nhiều tiền ít đức khác rất lạ lẫm. Trong một tình hình kinh tế nhiều rối ren cộng với sự hớ hênh của pháp luật, bác ấy gục ngã bởi thủ đoạn hiểm ác của một đám đại gia quen thói lọc lừa.  Không rõ bác ấy trải nghiệm cảm giác này như thế nào, nhưng mình luôn cầu mong bác ấy lại xây dựng nên cơ nghiệp rộng lớn khác để làm nản lòng bọn người cướp giật hung hiểm kia.
Những người tốt ở Việt Nam, hình như càng ngày càng đối địch với nhiều thế lực nham hiểm. Gần đây xã hội tăng đột biến tội phạm với nhiều hình thức ra tay cực kì man rợ. Mọi người đua nhau phân tích, do ảnh hưởng bạo lực từ phim ảnh, do internet, do thiếu quan tâm từ gia đình...Mình xin bổ sung thêm một lý do, tạm dẫn ý từ một châm ngôn: Thầy với trò như hình với bóng, hình ngay thì bóng thẳng. Hiểu nghĩa đen chữ thầy, thì thầy ngày nay quá nhiều hình không ngay như là gạ tình nữ sinh, như là chèn ép học sinh học thêm tăng thu nhập, như là điên cuồng chạy thành tích... Hiểu khác một chút, thầy như quan phụ mẫu chi dân, thì quan ngày nay cỡ như Nguyễn Bá Thanh chắc phải gọi là quan đột biến. Quan - thầy không ngay hình như vậy, làm sao cho dân - trò thẳng bóng? Không đại loạn là may. Xin được trích lại 3 điều trong đạo làm quan học được của bạn Kim Huệ như lời nguyện cầu cho một đất nước đàng hoàng hơn, tươi đẹp hơn:

1. Đạo thiên thừa chi quốc,kính sự nhi tính,tiết dụng nhi ái nhân, sử dân dĩ thời.
Dịch nghĩa:Trong việc trị quốc, phải thận trọng không hứa ẩu,biết đãi người hiền,phải được lòng dân.
2.
Vi chính dĩ đức,thệ như bắc thần,cư kỳ sở nhi chúng tinh cộng chi.
Dịch nghĩa: Trị quốc lấy đức làm trọng,mệnh lệnh như Sao Bắc đẩu,duy nhất rõ ràng để mọi người tuân theo.
3.
Đạo chi dĩ chính,tề chi dĩ hình,dân miễn nhi vô sĩ,đạo chi dĩ đức,tề chi dĩ lễ,hữu sỉ thả cách.
Dịch nghĩa: Trị dân dùng pháp chế, hình phạt là chính,dân không dám làm điều phạm pháp,trị dân dùng đạo đức, dùng phép tắc,lòng tốt và nhân cách sẽ cảm hóa được dân.


Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

Bàn về chữ cướp


Hôm nay, báo chí đồng loạt hướng dư luận vào chuyện cướp giật. Chịu khó để ý, báo chí ngày nay thống nhất lạ kì, bất kể tờ nào, miễn đã gọi là báo thì nhất nhất chỉ đăng có một nội dung, một luồng thông tin, một suy kiểu suy nghĩ. 700 tòa báo, hàng trăm ngàn phóng viên, hễ nói tới đề tài nào là đồng loạt chỉ nói đúng mỗi đề tài đó kèm với kiểu nhận xét  "thống nhất cao".
Không hiểu sao mình cảm giác hình như mỗi lần có vụ cướp lớn trên mặt nước thì ở nhà người ta lao nhao với bọn cướp trên mặt đất. Lần đầu là với bọn cướp chó, đâu cũng cả chục bài viết kéo dài cả tuần trên khắp các báo. Lần này, trong lúc một con tàu rất to đang chính danh làm việc thì "bị gây đứt cáp", báo chí cả nước đồng loạt nói về bọn cướp giật nhan nhản đầy đường mấy năm nay.
Cướp, có nhiều loại cướp, tùy theo địa bàn hoạt động mà có tên gọi riêng, và chữ dùng chung cho bọn này gọi là phường đạo tặc, đại khái nghĩa là giặc cướp. Giặc cướp có nhiều loại, như là cướp biển, cướp cạn, cướp nước...Ông bà lại có cách phân biệt đơn giản hơn là: Con ơi nhớ lấy câu này. Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan. 
Mệnh đề đầu của ông bà đúng nhưng chưa đủ, bởi giặc bây giờ cướp đâu cần đêm, chẳng những giặc cướp ngày mà còn ngông nghênh công bố cái sự cướp cho toàn thế giới biết nữa.
Nhưng mệnh đề sau thì tuyệt nhiên đúng. Và từ ngữ dành cho bọn cướp ấy sang trọng hơn nhiều: "nhóm lợi ích". Nhóm này cách cướp cũng khác hẳn, chúng không dùng hung khí, chúng chỉ dùng thủ đoạn vận dụng cơ chế và các điểm mập mờ của chính sách. Đặc biệt, chúng kinh doanh thì đụng tới cái nào lỗ cái nấy. Nhà nước càng hỗ trợ, chúng càng lỗ nhiều. Đào tài nguyên đất nước lên bán: lỗ. Dụng sức nước tự nhiên bán năng lượng: lỗ. Đầu tư xây dựng dự án khủng: không bao giờ hoàn vốn. Xây dựng các công trình phúc lợi: đắp chiếu. Đổ tiền núi kiếm thành tích thể thao: thua muối mặt.
Giữa lúc người dân đang sống trong lắm nỗi sợ hãi nào là phí đường bộ, nào là giá xăng giá điện tù mù giảm 1 tăng 10, thì chuyện cướp giật hung hãn mà báo chí đăng tải có vẻ rất man rợ mình cũng không cảm thấy sợ thêm tẹo nào. Chỉ đến khi đọc tin sáng nay trên SGTT mình mới bàng hoàng đột quy:

"Từ ngày 1.12.2014, xăng E5 sẽ là nhiên liệu duy nhất bắt buộc các phương tiện cơ giới sử dụng ở bảy tỉnh, thành phố trong cả nước gồm Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu" (nguồn ở đây). Đến đây thì sức chịu đựng của mình chạm đáy. Số là mình làm ăn lương thiện, tích cóp cả đời mua được 1 con xe giảm giá để tạm gọi là hạn chế cái nguy hiểm khi tham gia giao thông cùng bọn hỗn hào quái xế. Bác sản xuất xe mình trình độ chỉ mới nghiên cứu được xe chạy 100% xăng, không mảy may nghĩ rằng một ngày nào đó người ta đổ vào xe bác ấy thứ xăng gì đó gọi là sinh học có pha không biết bao nhiêu cồn. Thật tội con xe. Như là một con sói mà người ta cho ăn cỏ vậy. Thương cả cái túi tiền còm cõi của mình. Xe hư ai mà thèm bảo hành. Xe cháy tự lo thoát chết. Căn nguyên của việc xài xăng pha này là đám quái vật bán cồn bán hàng không được, bèn méc với bồ tát của chúng là chính phủ bắt xe thiết kế chạy xăng phải đổ cồn vào. Thôi thì bọn quái vật ấy muốn lợi nhuận bao nhiêu để đám tài xế hùn lại mà nạp cho, chỉ có mát tiền. Chứ chúng chơi kiểu này thì chẳng những mất tiền, mà còn mất xe, thậm chí mất mạng cho cái hóa chất ế ẩm trên trời ấn xuống này nữa.
Chợt nhớ bài thơ đi tiểu của Thái Bá Tân, tác giả mắc bệnh sỏi thận đái rát, nghe tiếng thằng nhỏ đái vô bô rồm rộp chợt ngộ ra hạnh phúc. Bây giờ mình mới ngộ ra, chạy xe được đổ xăng là niềm hạnh phúc vô biên. Bởi điều ấy chỉ hơn 300 ngày nữa thôi đã trở thành ước mơ xa vời. 
Huhuhuhuh. Xin trân trọng giới thiệu bài thơ Hạnh phúc của Thái Bá Tân:

Hạnh phúc


Về khái niệm hạnh phúc,
Người ta nói mãi rồi.
Xin phép kể câu chuyện
Từng xẩy ra với tôi.

Lần ấy nằm bệnh viện,
Phải mổ, đái không ra.
Có thằng nhóc giường cạnh,
Lên hai hoặc lên ba.

Hắn tè vào bô sắt,
Tiếng thật đều, thật êm.
Nói thật với các bác,
Tôi nghe thế mà thèm.

Và nghĩ, nếu đái được,
Chắc chắn tôi là người,
Dẫu nghèo, dẫu sắp mổ,
Hạnh phúc nhất, nhất đời.

Sau lần ấy, ra viện,
Tôi vẫn tè hàng ngày,
To và êm hơn nó,
Thế mà lạ điều này,

Tôi nghĩ sự tè ấy
Là bình thường, đương nhiên,
Không thấy mình hạnh phúc,
Cũng chẳng sướng như tiên.

Thế đấy, ta đang có
Nhiều cái để làm ta
Trở thành người ta muốn.
Vậy còn kiếm đâu xa?