Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

Thi quỷ



Hồi nhỏ, nhà mình bán tạp hóa ở chợ. Lúc ấy, mình có thú vui là sưu tầm các vỏ bao thuốc lá. Các nhãn hiệu thuốc là thời bấy giờ có 555, Fine, Bastos, Jet, Marlboro, Capstan....và nhiều hiệu nữa. Các vỏ bao thuốc này mình về ráp thành siêu nhân Hezman rất đẹp, nhưng giờ quên cách làm rồi. Đặc biệt, vỏ bao thuốc CAPSTAN còn lưu truyền 2 câu thơ mà tất cả bọn trẻ thời đó đều khoái, do mỗi chữ đầu là chữ cái viết tắt, xuôi xong rồi ngược:
Cho Anh Phát Súng Tim Anh Nát
Nhưng Anh Tin Số Phận Anh Còn
Các bác cỡ mình có nghe quen không?  Riêng mình thì quá khoái nên nhớ tới giờ, cũng nghĩ là đứa nhỏ nào cao hứng xuất thần sáng tác thôi nên không quan tâm đến tác quyền. Cách đây 2 năm, mình đọc tập truyện ngắn "Ma net" (tên tiếng Việt đàng hoàng nhé: một con ma trên internet) và thấy tác giả, Đặng Thân tự xưng là đã sáng tác 2 câu thơ lừng danh nọ. Thì ra tác giả của nó không hề là một đứa nhỏ tầm thường cao hứng nào, mà là một ông vua của ngôn ngữ hiện đại. Trước đây, Nguyễn Việt Hà đã làm mình ngất ngây vì kiến thức ngồn ngộn trong lối văn tưng tửng, thì Đặng Thân lại là tay tổ của việc sử dụng ngôn từ. Nếu các nhà thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử.... đã tạo nên một giai đoạn Thơ Mới độc đáo thì bây giờ, Đặng Thân cùng với Nguyễn Bảo Sinh, Nguyễn Huy Thiệp, Thái Bá Tân lại khai sáng ra một phong trào thơ còn mới hơn cả thơ mới. Thơ các bác ấy không chỉ đơn thuần là cuộc chơi với con chữ mà đèo bồng nhiều ý tưởng cứ như là điên rồ. Bởi các bác ấy là nhà văn làm thơ. Thơ của Nguyễn Huy Thiệp mình đã giới thiệu các bác qua bài "Chửi kiểu Nguyễn Huy Thiệp" rồi. Bây giờ mình giới thiệu thơ Nguyễn Bảo Sinh. Bác này thì mình chưa đọc nhiều, chỉ nghe thơ bác ấy qua giọng văn của các bác kia, nhưng mình rất kinh khiếp.
Hãy xem bác ấy tuyên ngôn về Đạo:
 Đạo nào tóm lại cũng là
Âm dương, đực cái, đàn bà, đàn ông.

Còn đây, giọng điệu của thiền giả:
Khi mê bùn chỉ là bùn
Ngộ ra mới biết trong bùn có sen
Khi mê tiền chỉ là tiền
Ngộ ra mới biết trong tiền có tâm
Khi mê dâm chỉ là dâm
Ngộ ra mới biết trong dâm có tình
Khi mê tình chỉ là tình
Ngộ ra mới biết trong tình có dâm!

Hoặc:
Ái tình mà uống đủ liều
Loài người sẽ thoát khỏi điều tà dâm
Ai ai mà cũng khỏa thân
Mặc quần lại sẽ khiêu dâm mọi người

Triệt ngộ về nhân quả:
Con ta không phải của ta
Tai họa của nó mới là của ta
Của chìm của nổi trong nhà
Của ta rồi sẽ lại là của con

Cái này lại trí tuệ cực đỉnh kiểu Lão - Trang
Cùng chung một chuyến đò ngang
Kẻ thì sang bến, người đang trở về
Lái đò lái mãi thành mê
Sang về chẳng biết mình về hay sang

Còn đây, những câu thơ ma mị của Đặng Thân:

Trích thơ "Văn chiêu hồn Giời"
".....
Lạm rồi tâm cảnh nhập bức hậu
Uất lên câm nấc khẩu thạch hồn
Rưng rưng vía dựng bên cồn
Đời kia trôi đấy mà hồn còn đây
Tình vắt tận chân mây xá kể
Tang thì lắng xuống bể dâu dài
Mồ hô từ trán xuống vai
Từ nách xuống háng từ tai qua mồm.
....."
Man mác mùi thiền kiểu bất lập văn tự đây:
Kiến thức áp bức cùm kiến giả
Vô học lõi lọc thoát vô minh
Hoặc:
Tiền hậu vốn chẳng ở đâu
Ngàn năm một thuở trong đầu hôm nay

Khinh mạn cứu cánh của mấy tay Tịnh độ:
"Người về cõi ấy làm chi
Triệu năm biết có vui gì hay không
Có vui bằng một sợi lông
Còn buồn hơn cả cái mông con bò
Thênh thang một giấc ngủ khò
Tiêu du một cõi to ho hơn trời
Cõi này dẫu có rối bời
Còn hơn cõi ấy ru hời ngàn năm.
..."

Đường hoa Nguyễn Huệ: Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ



Sáng nay xem thời sự, thấy mấy em biên tập viên xinh như hoa hớn hở thông báo, năm nay Tp. HCM lại tiếp tục trang trí đường Nguyễn Huệ hoành tráng, sặc sỡ sắc màu. Bất giác mình nhớ ngay tới tâm trạng Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích:
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
thấy rõ ràng túi tiền người dân ngày nay cũng như con người Thúy Kiều vậy: bị cưỡng bức tàn bạo mà vẫn phải cười tươi ngắm hoa vẽ bướm, phải "vui là vui gượng kẻo là" mà sống qua ngày.

Túi tiền người dân bị cưỡng bức bởi giá điện như một lưỡi búa trên đầu, cứ sau mỗi tháng được nghe công bố tháng này không tăng mới thở phào nhẹ nhõm mà mua thêm cho con một lốc sữa. Túi tiền người dân bị cưỡng bức bởi giá xăng tù mù giảm 1 mà tăng 10. Túi tiền người dân bị cưỡng bức bởi một thứ phí "yêu nước" cho việc tự do đi lại trên mảnh đất quê hương mình. Bị cưỡng bức tới nỗi Chủ tịch nước đã đau đớn thốt lên: "Lòng dân đang bất bình ghê gớm, phải nói thẳng như thế" (nguồn ở đây). 

Gần đây, bão số 8 tàn phá dữ dội miền Bắc với những con sóng cao hàng chục mét đánh sập hoàn toàn tuyến đê biển lớn nhất Bắc Trung Bộ nối cảng Hòn La với đảo Hòn Cỏ (nguồn đây), rồi núi Tà Vốc nổ (nguồn ở đây). Thật kinh, núi uất ức điều gì mà vang rền sấm nổ, hay lòng người uất hận bọn gian tà mà câm lặng dồn xuống đất sâu? Lại nghe người già chuyện báo SGTT tập bài tập vô cảm cho ông bạn mà muốn đột quỵ
(nguồn đây):
"....Đồng Nai có ông chồng đập chết vợ vứt xuống giếng vì ghen. Ở Gia Lai, một người cha bị con nhổ nước bọt rồi đánh, chém phải khâu 37 mũi. Tại Hà Nội, có thiếu niên đi cướp vì... rảnh quá không biết làm gì. Tại nhiều khu công nghiệp - khu chế xuất trên địa bàn TP.HCM, công nhân chỉ dám ăn sáng với số tiền 1.000 – 2.000 đồng. Một đôi vợ chồng nghèo ở Dăk Nông hết tiền chạy chữa cho con, bất lực nhìn con chết dần. Ở Quảng Trị, một người cha chờ con chết ở bệnh viện vì không đủ tiền đưa về nhà. Cũng ở Quảng Trị, một phụ nữ mới sinh bảy ngày phải đi kéo xe kiếm sống..."

 Kết nối các sự việc mình thấy Nguyễn Duy thật là lẩm cẩm với "thấy thiên nhiên cũng rưng rưng như người". Thiên nhiên đã nổi điên từ khuya rồi bác ơi. Có chăng bác nói "thiên nhiên cũng đã nổi điên như người" thì chắc đúng (thằng thiếu niên giết người vì rảnh chẳng nổi điên là gì).

Dân tộc Việt Nam có truyền thuyết con Rồng cháu Tiên với câu chuyện 100 trứng nở trăm con, 50 con theo mẹ Âu Cơ lên núi, 50 con theo cha Lạc Long Quân  xuống biển (nên chỉ duy nhất Việt Nam dùng từ đồng bào để nói về những người con Việt). Nay, biển nổi sóng thần phá tan đê, núi nổ nứt toác  toan sụp đổ, há có phải tổ tiên đang muốn dạy dỗ bài học gì đó cho con cháu đương thời?

Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

Một cái nhìn tích cực về cờ bạc


Cờ bạc, món đứng thứ tư trong tứ đổ tường: Tửu, Sắc, Yên, Đổ vốn được coi là thứ độc hại phải bài trừ. Nhưng, như mọi thứ mặc nhiên tồn tại trên cõi đời này, cờ bạc vẫn ung dung hiện hữu mặc cho cái sự độc hại của nó bị xã hội lên án. Có lẽ cần có tiếng nói trả lại chút công bằng cho cờ bạc bởi cái tích cực mà nó góp được cho xã hội.
Mình nói cờ bạc tích cực là căn cứ theo lời khuyên của bác sĩ hẳn hoi nhé. Lời khuyên ấy dành cho bà dì 84 tuổi của mình. Và nhờ áp dụng nó, mà đến nay bà vẫn đủ thể lực đi dự tất cả các đám, từ đám cưới, đám ma, đám giỗ, thôi nôi, đầy tháng.... không sót đám nào.
Nghĩ cũng đúng, lúc mình ở nhà trọ cùng với thằng Phong nhĩ và Ngọc Em, 3 thằng cứ khoảng 8 giờ tối là lôi ra quần nhau tiến lên. Chỉ 1 ngàn, 2 ngàn mà lúc nào khi tàn cuộc thì dòm ra căn hộ kế bên thấy mọi người lục tục chuẩn bị thể dục buổi sáng. Đấy, có bác nào thử ngồi coi phim hay đọc truyện hay thậm chí chơi game mà suốt 9-10 tiếng như vậy không, ngồi xếp bằng không dựa nhé. Thế mới thấy hấp lực cờ bạc, và lời khuyên bác sĩ chẳng ngoa.
Ngẫm nghĩ, hấp lực cờ bạc đến từ hy vọng, mà rõ ràng người ta sống vì hy vọng (như anh chàng trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư chết vì không còn hy vọng đấy). Chả phải Phật cũng bảo: Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng? Truy tận nguồn cơn, Chúa cũng là tay cờ bạc có hạng khi dám đặt cược cả thiên đường của mình vào quyết định tạo ra người đàn bà. Đến giờ thì không rõ Chúa thắng hay thua nữa, hehe.
Xem phim Tam quốc diễn nghĩa, thấy các anh hùng định thiên hạ toàn do đặt cược thắng mà thành. Lịch sử chinh phạt là một chuỗi nối dài những canh bạc. Tào Tháo đánh cược niềm tin và con ngựa Xích Thố vào sự trung thành của Vân Trường. Lưu Bị đặt cược Kinh Châu và cả tính mạng của mình vào tiếng tiêu chọn chồng của quận chúa Đông Ngô bằng màn dấn thân vào đất địch. Cục diện tam quốc phân định từ một canh bạc đặt cược vào ngọn gió Đông mà có lẽ Gia Cát Lượng cũng lầm bầm khấn Chúa.
Một dạo, coi báo thấy có vị Giám đốc dự án đường cao tốc nào đấy cũng dám đặt cược cái ghế của mình vào tiến độ của dự án. Vị này đáng trao huân chương anh hùng lao động. Bác ấy có thể đã khai sáng ra một văn hóa công chức mới tại Việt Nam. Mình làm việc cũng hay than van thiếu cái này tại cái kia, nhưng khi sếp hỏi tớ cấp đủ cho cậu hết, cậu dám cược hoàn thành không thì mình tịt. Mình nghĩ, Quốc hội nên soạn thảo Luật đặt cược, phạm vi áp dụng là các cán bộ viên chức, đặc biệt là quan chức. Mình cược 1 tháng lương còm của mình là đảm bảo không còn dự án nào chậm tiến độ, không còn công trình nào kém chất lượng.

Bây giờ thì hãy ủng hộ Luật đặt cược nào.

Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012

Một chuyện vui về suy đồi đạo đức


Số là mỗi khi ăn nhậu tối hôm trước thì hôm sau mình không nuốt nổi thịt cá nữa, phải ăn chay. Lò mò kiếm được quán cơm chay, vô ngồi ăn cạnh một bà cụ (chắc cỡ 70). Bà cụ bắt chuyện, nói cậu trẻ người vầy mà chịu khó ăn chay, công đức lắm lắm. Thời này lũ nhỏ cứ ăn nhậu đàn đúm thiệt không ra gì. (mình cười hihi, nói tui cũng mới ăn nhậu đàn đúm xong đây) Rồi bà cụ kể chuyện này nọ, mình cũng biết đại khái kinh tế của cụ dựa vào một dãy nhà trọ. Rồi đột ngột cụ rút từ trong giỏ ra hình một người bị cháy đen, thân thể quắp lại. Bức hình không  hiểu sao cụ ép nhựa rất cẩn thận. Bằng giọng hết sức thù hằn, cụ cao giọng: con nhỏ này bất hiếu với mẹ chồng, trời phạt nó bị chết cháy đen thui như vầy. Cậu thấy, đáng đời nó chưa. Nói xong, cụ đầy sảng khoái. Mình chăm chú nhìn hình, lắng nghe lời cụ, cảm nhận nét mặt của cụ, bất giác trả lời luôn: Dạ, con thấy mấy nàng dâu thơm thảo mà bị chết cháy thì cũng ra như vầy, không riêng gì nàng dâu bất hiếu đâu ạ. Mình vừa dứt lời, bà cụ nổi cơn cuồng phong quên hết những lời có cánh khen tặng mình trước đó, sỉ vả mình liên tục: cậu thiệt là suy đồi, lũ trẻ ngày nay thật suy đồi, đạo đức không còn thể thống gì nữa, trời ơi.....

Keke, mình nông nổi tuổi trẻ lại mông muội  ít học không biết đạo đức đích thực là gì nữa. Nhưng mình trộm nghĩ, nếu bà cụ chăm lo cho cái dãy nhà trọ của mình khang trang tươm tất, tiền điện, nước, giá thuê không tính tùy tiện thì đã là đạo đức lắm rồi. Còn hơn cứ căm hờn cái nàng dâu (không biết phải của bà hay không) đã cháy đen thế kia. Chúa Jesus khi ngăn chặn một vụ giết người dã man bằng ném đá vào một phụ nữ ngoại tình đã nói: Sao các ngươi cứ mải lo cái hạt bụi trong mắt người khác mà không nhổ cái gai trong mắt của mình?

Kết bài, mình xin kể lại một câu chuyện có liên quan tới vấn đề đạo đức phức tạp này: 

Một kĩ nữ hành nghề gần một giáo đường. Vị tu sĩ cực kì khó chịu, ông ấy luôn nói về sự suy đồi của người phụ nữ khốn khổ ấy với tín đồ của mình. Vô tình, hai người chết cùng một lúc. Đến cổng trời, thánh Phê-rô cho cô gái bước qua còn vị tu sĩ thì xuống địa ngục. Vị tu sĩ cực kì ngạc nhiên bảo oan quá. Thánh Phê-rô điềm đạm nói: Cô gái luôn ý thức tội lỗi của mình và tâm hồn lúc nào cũng hướng về điều thiện để mong cầu giải thoát, còn ngươi lòng lúc nào cũng đầy căm giận, tu mà tham lam muốn sướng thân mình, địa ngục là nơi phù hợp cho ngươi hơn cả.

Thánh Phê-rô hẳn đã am tường Kinh Dịch lắm (mới được Chúa giao canh giữ cổng trời): con ong sinh ra là để hút mật, con ruồi thì nếm phân. Hehe. Làm gì có chuyện sạch dơ để mà phán xét. Quỷ sứ cứ hành hạ tội nhân mãi rồi ai hành hạ quỷ sứ đây?

Cảnh giới nào thì phù hợp với tâm trạng ấy thôi mà.

Xe biển đỏ, biển xanh: trắng lại được chưa?


Lái xe trên đường, mỗi khi gặp phải những chiếc xe biển số xanh, số đỏ thì mình vừa ngưỡng mộ vừa sợ hãi. Ngưỡng mộ vì những chiếc xe ấy làm những chuyện mà cánh tài xế xe biển trắng chỉ lắc đầu è cổ: chạy lấn làn, vượt tốc, kèn inh ỏi...Và sợ hãi cũng vì đúng y những lý do như vậy.
Là dân đen thấp cổ bé họng, mình trộm nghĩ các bác đã ngồi trong xe ấy chắc phải đang thi hành những chuyện đại sự quốc gia cấp thiết đến nỗi tạm thời bỏ qua giới hạn tốc độ của Luật giao thông và những thân phận hèn mọn đang bon chen đời sống thường nhật trên chiếc xe 2 bánh nhỏ nhoi bên dưới? Hay thời giờ của bác ấy quý giá từng giây để lúc nào xe cũng phải ào lên phía trước? Thế thì mình nghĩ Luật giao thông nên quy định phạm vi điều chỉnh là các loại xe biển số trắng. Hoặc giả cấp hết các xe đều biển trắng, nhưng có những chiếc xe làm khác đi cho biết đây là những xe đang làm chuyện quốc gia đại sự, chẳng hạn như đập móp đi một bên đầu xe hay giăng băng rôn ngang đầu xe dòng chữ:" Xe này chạy không cần luật, cấm thổi" hay cái gì đại khái như vậy để bà con khỏi mắc công phân biệt. Bọn phóng viên ăn không ngồi cũng thôi rình mò trước các trường học, lễ hội, chùa chiền mà bấm máy ghi hình màu biển số xe của bác.
Ý tưởng làm khác đi những chiếc xe làm chuyện quốc gia đại sự này không phải của mình đâu nhé. Nó được tổng tư lệnh quân đội đời nhà Trần, thái sư Trần Thủ Độ đề xướng đấy. Chuyện là như vầy: bà vợ thái sư có một đứa cháu không học hành mà cứ lêu lổng, cũng muốn cho nó có chút công danh cũng là cơm áo, bèn xin Thủ Độ cho nó một chức quan (chắc bé hơn hàng cửu phẩm) gọi là câu đương (tạm hiểu là tổ trưởng tổ dân phố thời nay vậy) vi biết ông này vốn ghét chuyện con ông cháu cha. Thủ Độ OK, bảo cứ đến trình diện. Hôm nhậm chức, thằng nhỏ khoái chí nghe xướng tên chạy lên cháu đây cháu đây. Thủ Độ lúc ấy mới ôn tồn nói: nhà ngươi vì không phải qua thi cử mà làm quan như những người khác nên phải làm dấu phân biệt, thôi thì tạm chặt 1 ngón chân cho dễ biết vậy. Hehe.
Lich sử với cái nhìn phong kiến có thể khắt khe với Trần Thủ Độ vì những tội như bức tử Huệ Tông, dàn xếp nội chính, tiêu diệt tôn thất nhà Lý, nhưng những câu chuyện nhỏ về cách hành xử của ông cho thấy ông đúng là đủ phẩm chất của một nhà khai quốc. Tội của ông xét ra cũng chỉ là một thủ đoạn chính trị bình thường. Nhưng công của ông trong lần dẹp tan cuộc xâm lược của quân Nguyên -Mông lần thứ nhất thì hậu thế không thể làm ngơ được. Quốc Tuấn đã lập đại công ở cuộc chiến lần 2 và được ca ngợi hết lời, nhưng Thủ Độ với câu nói lừng danh: "Đầu hạ thần còn chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo" giữa lúc ngàn cân treo sợi tóc trong cuộc chiến lần 1 xứng đáng là bài học muôn đời cho những ai làm tướng.
Quân đội nhà Trần hùng mạnh há chẳng phải vì một vị tổng tư lệnh chí trung, nghiêm kỉ đã thiết lập nên nền móng vững mạnh ban đầu như Trần Thủ Độ sao?
Ngày nay, các xe chỉ cần biển đỏ hoặc xanh không biết có công vụ hay không (ví như xe biển đỏ đi bán sim điện thoại hoặc xe biển xanh đi móc cống) mà ngay cả Luật giao thông đường bộ cũng nghênh ngang coi không ra gì thì thử hỏi phép nước có bị xem thường?

Lòng tự hỏi, quân đội nước ta ngày nay liệu có mạnh như thời nhà Trần?

Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

Nói thay người cõi âm


Sáng nay đang làm việc, nghe trống kèn inh ỏi của đám ma, dòm xuống đường thấy một đống tiền âm phủ rải đầy đường. Nghĩ nghĩa tử là nghĩa tận mình không nói làm gì, nhưng cách hành xử của đám người sống khiến mình không thể không nói.

Trước nhất là đám người đưa ma ấy chỉ nghĩ có mỗi người chết của họ mà không thèm nghĩ đến người sống muốn sắp chết vì quét cái của nợ họ thê thảm ném từng vốc ra đường thế kia. Nhiều đám có lẽ người chết là ông bà cụ, nên đám con cháu chắc muốn tỏ lòng hiếu đạo nên xe cứ chạy vài mét là tung 1 nắm lớn tiền vàng bạc. Không biết người đã khuất có được hưởng lợi lạc gì từ mớ giấy màu mè kia không, nhưng tức khí từ người quét đường có lẽ ảnh hưởng phần nào đến vong linh người quá cố.

Nói chuyện ma chay, lại nhớ vụ bà cô đã mất của mình. Hôm cúng 49 ngày, nhà mình cũng sắm sửa nhà cửa, tiền bạc theo tục cũ. Thầy chùa làm xong lễ cũng lôi ra đốt, khói lửa ngợp trời. Ông thầy tụng xong, đứng nghỉ, ngó bọn mình đang hí hoáy khều lửa cho cháy hết ôn tồn bảo: tôi đọc bao bài kệ sám hối, tiếp dẫn, siêu thoát.... vong linh, các ông lại níu kéo họ ở lại. Mình cười hihi, nghĩ bụng ông thầy này trẻ tuổi mà cũng hiểu đạo, ít ra cũng không cổ xúy cho cái việc vô nghĩa này. Cái việc mà mình thấy bày tỏ một cách chân thực nhất thói tham si của đám người sống. Mình lên mạng tìm hiểu cái trò này, thấy Phật giáo nước ta cũng có chính kiến, có đăng bài giải thích (ở đây) cho người dân. Nhưng mà các bác ấy chắc là theo Thần Tú chứ không phải phải Huệ Năng nên thiếu tính triệt để. Thành ra các vị Phật tử, không Phật tử và tự nhận là Phật tử cứ ngây thơ hớn hở truyền cái tham si của mình cho người không còn khả năng từ chối nữa. Hic. Người chết mà biết nói năng. Thì thằng đốt mã đá văng vô lò. Hehe.


Gần đây, người già chuyện trên Sài Gòn Tiếp Thị có bài nói người cõi âm giờ mua 1 ổ bánh mì giá 1.000 tỉ đồng vì lượng tiền đổ xuống hàng ngày quá lớn. Lạm phát cõi âm phi mã hàng giờ chứ không phải hàng năm.
Thế nên mình có thơ rằng:
Người thì đã chết thì thôi
Còn đâu xác thịt mà đòi ăn chơi.

Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012

Đọc "Sầu trên đỉnh Puvan": Chông chênh niềm tin của một lớp người "trên đỉnh"?


Gần đây, Nguyễn Ngọc Tư ra mắt tiểu thuyết Sông, báo chí đua nhau phỏng vấn sao văn phong khác vậy, bác ấy điềm tĩnh trả lời rằng trái đã chín thì đổi vị chớ sao. Nhưng mình thì cho rằng từ khi tập truyện ngắn "Gió lẻ và 9 câu chuyện khác" ra đời thì Nguyễn Ngọc Tư đã "chín" lắm rồi. Mười truyện ngắn là 10 cảm xúc khác nhau, nhưng truyện "Sầu trên đỉnh Puvan" làm mình nhớ hơn cả.
Truyện kể rằng có 1 anh chàng thuộc giới thượng lưu (nhưng ăn chơi vừa vừa thôi) cái gì cũng đã nếm trải hết rồi, càng ngày càng khó có gì hấp dẫn anh ta. Cho đến một hôm anh nghe đồn là có một thứ hoa mọc trên núi đẹp đến nỗi "đáng đánh đổi cả đời người để một lần nhìn thấy nó". Nhiều huyền thoại của loài hoa này càng kích thích anh mãnh liệt. Anh quyết định leo lên đỉnh núi ấy.
Kết quả đúng như lời nguyền, sau khi ngắm những đóa hoa chết người ấy, anh quyết định không sống nữa. Anh quyết định chết vì không hy vọng rằng có điều gì tốt đẹp hơn có thể đến với anh nữa. Anh quyết định chết vì không còn đỉnh núi nào để anh có thể lên đỉnh. "Trên đỉnh núi, không có thêm đỉnh núi" (chữ NNT).

Mình chợt nhớ đọc ở đâu nói rằng, quân đội Ba Tư hùng mạnh có một lời nguyền độc ác dành cho kẻ thù: chúc an nghỉ mãi mãi. Thật kinh hoàng khi mỗi sáng ra thức dậy ta biết không có gì chờ đợi  mình ở phía trước. Không hy vọng. Không tình yêu. Không tín điều. Nhà sư trẻ Thích Tâm Thiện trong tác phẩm "Hài nhi tóc bạc" đã có chữ về lớp người như vậy là "lao đao với niềm tin chông chênh" và cứu cánh chỉ là tin rằng có một tình yêu "như mặt trời trên đỉnh non cao" đang ngày đêm chiếu rọi tâm hồn. Tình yêu ấy có thể là Chúa, có thể là Phật mà cũng có thể là một cái cây đang tỏa bóng mát trước nhà. Bỗng thèm nghe Quốc Bảo: "...Xin âu lo không về qua đây. Xin yêu thương dâng thành men say. Xin cho ta nhìn ngắm lung linh từ đáy đôi mắt rất trong". Phải chi anh chàng ấy mà được ngắm lung linh từ một đôi mắt rất trong nào đó thì đâu quyết định từ giã cõi đời.
Kết bài, xin chép tặng các bác bài thơ thấy hay hay của bác Thích Tâm Thiện trong tác phẩm đã nói của bác ấy, tựa thơ cũng là tựa sách: Hài nhi tóc bạc.

Người từ vô tận tái sinh
Đi qua trần thế mang tình nhân gian
Rồi từ cuộc mộng vừa tan
Quê hương một độ bàng hoàng ra đi
Ngày về bạc tóc hài nhi
Nắng chiều nhẹ đổ thầm thì trên vai
Giã từ giấc mộng thiên thai
Vô biên ngày ấy, Như Lai gọi về.

(Ghi chú: ai tìm được bức hình "hài nhi của thế giới thứ 3" thì gửi cho mình để chèn vào bài nhé)

Nỗi buồn mãnh thú


Tựa bài viết này mình đặt khi chú thích một bức hình chụp con hổ đang được nuôi nhốt ở Đại Nam nhân chuyến du hè năm 2009 cùng cơ quan. Cảm xúc khi giương máy chụp hình lúc ấy là mình nhớ mấy câu thơ của Thế Lữ:
Khinh lũ người kia ngạo mạn ngẩn ngơ
Giương mắt bé giễu oai linh rừng thẳm

Nhân gần đây có ghé thăm nhà một bác quan chức, bác này vốn có sở thích là nuôi thú (sở thích rất nhân văn, chứ không như một số bác khác sở thích là gái gú rượu chè bét nhè đàn đúm). Trong đám thú nuôi nhốt nào kỳ đà, khỉ, cá, chim nhà bác ấy, mình thấy có 1 con đại bàng. Chú đại bàng được nhốt trong chuồng mà đường kính chuồng có lẽ không lớn hơn sải cánh của nó. Chân bị xiềng và cánh không biết có bị cắt không mà mình chỉ thấy nó lâu lâu vỗ xoèn xoẹt. Cú đập cánh chẳng khác chi gà. Mình chợt liên tưởng đến cú sải cánh đầy uy dũng của loài đại bàng lúc tự do. Thật đúng là "Anh hùng khi đã sa cơ cũng hèn". Chả trách món quà cuối cùng mà Phạm Lãi tặng cho Ngô vương Phù Sai lúc Cô Tô thành thất thủ là một lưỡi gươm. Lưỡi gươm đoạn tuyệt với một tương lai tù hãm của bậc anh hùng.


Chỉ thương cho loài mãnh thú không có ai tặng gươm. Những anh hùng rừng thẳm này bất lực trước quỷ kế của con người, đành cam chịu phận "làm trò lạ mắt thứ đồ chơi" trong tay những tên người hèn sức nhưng lắm trò. Nhìn những con hổ đói meo đi đi lại lại và cú đập cánh tuyệt vọng của đại bàng, mình chợt nhớ câu:
Mỹ nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạc đầu.
Nỗi niềm của mỹ nhân đã qua mùa nhan sắc nào khác chi cái đa hận của anh hùng vận khứ.
Bi kịch tù đày của anh hùng là một, nhưng bi kịch bị kẻ thấp hèn trông thấy anh hùng sa cơ còn hơn gấp vạn lần. Mãnh thú rừng xanh đang bị giam cầm chính là chịu nỗi bi kịch đó.

Hỡi loài người, đừng sỉ nhục thiên nhiên bằng thú vui tầm thường là chà đạp lên những ông vua núi rừng như vậy.

Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

Một cách nghĩ khác về câu: "Gắp lửa bỏ tay người"

Mình nhớ đọc đâu đó có tin rằng bà đầm thép Margaret Thatcher về cuối đời mắc chứng mất trí nhớ một phần. Bệnh xem ra cũng có vẻ bình thường đối với người cao tuổi. Nhưng bi kịch kinh hoàng của bà ấy là mỗi khi nhớ lại sau một cơn mất trí, bà nhớ đúng vào thời điểm người chồng yêu quý của bà mất đi, cảnh tượng đang chôn cất cứ y như là sự thật đang diễn ra trước mắt bà vậy. Và cứ thế bà chịu nỗi đau dằn vặt tươi nguyên, thời gian không thể làm bà phai nhạt nỗi đau ấy. 

Câu chuyện dẫn mình đến một thần thoại Hy Lạp, thần Prometheus. Thuở loài người còn chìm đắm trong bóng tối đêm đen, và lửa là thứ đặc biệt chỉ dành riêng cho các vị thần, Prometheus đã cảm thương loài người mà lén mang lửa xuống trần gian. Sự việc làm Zeus nổi điên, và một hình phạt khủng khiếp đã giáng xuống vị thần bất hạnh: mỗi ngày, đại bàng tới moi tim của ông ăn, ngay sau đó, ông liền da trở lại. Cứ thế, Prometheus chịu đựng nỗi đau thể xác hàng ngày, không được chết. (thế mới thấy, chết cũng là một đăc ân mà Chúa ban cho loài người). 
Vậy là, chúng ta có lửa như ngày hôm nay là nhờ sự hy sinh của một vị thần liều lĩnh đã gắp lửa mà bỏ vào tay một ai đó. Và mình đồ rằng, ngọn lửa ấy chắc chắn đã được bỏ vào tay của Hermann Hesse, của Krisnamurti, của Osho và thậm chí, cả Nguyễn Tường Bách (chính bác này đã gọi các vị kia là "những ngọn lửa tâm linh vĩ đại").

Và ở Đại Việt thế kỉ thứ X, lửa chắc chắn đã bỏ vào tay của tiên chúa Ngô Quyền, người mà sử thần Lê Văn Hưu đã kính cẩn: "...chỉ một cơn giận mà được yên dân. Dù chỉ mới xưng vương mà đã nối lại quốc thống nước nhà." Để rồi gần 1.000 năm sau, lửa ấy lại được gắp vào tay của chí sĩ Phan Chu Trinh với ngọn cờ hưng quốc: Khai dân trí - Chấn dân khí - Hậu dân sinh. 
Ngẫm lại tình hình băng giá kinh tế những năm gần đây, bỗng dưng thèm lắm một ngọn lửa. Ngọn lửa cùng với cơn giận đủ để yên dân. Prometheus hẳn đã chưa chọn được ai để mà gắp lửa bỏ vào tay hay vẫn còn đớn đau với hình phạt của Zeus?

Xin Zeus hãy nguôi đi cơn thịnh nộ để thế gian có thêm một chút lửa hồng.

Tào Thực, cái nhìn xuyên 2.000 năm về Đại Việt


Đọc Tam Quốc diễn nghĩa có đoạn nổi tiếng người anh Tào Phi muốn loại trừ đứa em của mình là Tào Thực bằng cách bắt làm 1 bài thơ trong vòng bảy bước chân (còn hơn cả 6 nốt nhạc, thật nham hiểm). Trong thế cùng đường, Tào Thực bất kì xuất ý để lại một bài "Thất bộ thi" trứ danh cho hậu thế: (mình chỉ nhớ tiếng Việt)

Củi đậu nấu đậu sôi
Đậu khóc ở trong nồi
Vốn sinh cùng một gốc
Đốt nhau chi vậy ôi.

Lan man với tin tức thời sự chắp vá gần đây cái gì là họp hội, cái gì là đồng chí lạ, tội danh lạ ù cả tai mình bỗng thấy bài này cứ như là sấm truyền về nước Nam 2000 năm trước. May mà tay này đã bị Tào Phi cho về vườn, chứ nếu hắn cầm binh, thì e Đại Việt đến nay đã thành Giao Chỉ quận mất rồi.