Thứ Hai, 22 tháng 10, 2012

Suy nghĩ lại về chữ: Đồ rẻ tiền


Tối qua đi Big C, thấy câu slogan của siêu thị này là "Giá rẻ cho mọi người", bỗng mình nhớ tới câu miệt thị một ai đó: "Đồ rẻ tiền". Và mình quyết phải trả lại giá trị chân xác của chữ "rẻ tiền" như ý nghĩa ban đầu của nó.
Để có được sự "rẻ tiền" như Big C, người ta đã phải đạt tới một trình độ quản lý siêu hạng. Mình cho rằng những bộ óc đầy khoa học làm nên sự "rẻ tiền" ấy đã phải nghiên cứu xây dựng một quy trình đầy nghiêm ngặt cùng với những con người thực hiên quy trình ấy trong một kỉ luật khắt khe. Không có chỗ cho động tác thừa, không có chỗ cho cái gần tốt. Chỉ có sản phẩm đạt và không đạt để bán hàng.
Chợt nhớ về tư tưởng của Luật Đấu thầu. Ngay ngày học đầu tiên, thầy Hùng đã vỡ cho mình một câu mà cảm giác lúc ấy như là bừng ngộ: Mua cái phù hợp nhất chớ không phải cái tốt nhất. Thế là toàn bộ vấn đề nằm ở ta, thằng mua. Thằng mua phải hoàn toàn sáng suốt để biết mình muốn gì. Sự sáng suốt gần với kẻ đạt đạo. Ý thức về mình, ý thức về cái phù hợp với mình, đó là tâm thế của người thức giả. Và "người rẻ tiền" khi hiểu theo nghĩa như vậy đã trở thành bậc minh triết. Minh triết trong từng con cá, mớ rau. Minh triết trong từng dự án, quyết định.
Thế nhé, khi ai đó miệt thị chúng ta "đồ rẻ tiền", ta hiểu rằng kẻ ấy có thể đang phá sản vì luôn cố gắng vơ vào mình những thứ không dùng được. Và ta đường hoàng có thể mỉm cười mắng lại "đồ tuyệt vọng" như lời răn của Phật: "Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng".


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét