Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2012

Phải khóc thôi


Trưa hôm qua, đọc báo Sài Gòn Tiếp Thị thứ tư mà phát khóc, thông tin như vầy: (bạn đọc xem toàn văn bài viết của tác giả Trần Hiếu Chân ở đây)
- Đêm 12 rạng 13.10, “tàu lạ” đâm chìm tàu ngư dân Kiên Giang trên vùng biển 35 hải lý hướng Tây Nam, khiến năm ngư phủ mất tích.
- 14 giờ ngày 3.10, hai “tàu lạ” khác đâm “hội đồng” tàu cá TH-3138TS đang trên đường đi đánh lưới ghẹ cách Hậu Lộc (Thanh Hoá) khoảng 40 hải lý, chín ngư dân phải bám phao cứu sinh phó mặc cho số phận.
-  5 giờ sáng ngày 6.8, tàu “lạ” lại đâm chìm tàu cá BV-95134TS của Bà Rịa – Vũng Tàu, khiến bảy ngư dân thiệt mạng. 
- Trước đó, ngày 4.8, một “tàu lạ” khác đã đâm chìm tàu câu mực của dân Hà Tĩnh trên vùng biển gần đồn biên phòng Cửa Sót khiến bốn ngư dân bị nạn…
Xin thưa rằng mình không khóc cho ngư dân thiệt mạng, (người ta vốn vẫn thường thờ ơ với cái chết, trừ chính mình) mà mình khóc cho sự quay lưng đồng loạt của các tờ báo lớn với những con người từng được xem là hạt nhân giữ đảo. Không một dòng. Dứt khoát. Lạnh lùng. Kiên quyết. Thế nên có thơ khóc rằng:

 Phó mặc phận đời giữa biển khơi
 Phó mặc tiếng kêu thấu tận trời
 Trùng dương - uất nghẹn cuồng dâng sóng
 Lòng người - lơ đãng chiếc lá rơi.

Mình cũng khóc cho sự đoạn tuyệt của mình với các tờ báo lừng danh một thời yêu thích.
Nhắc lại chuyện báo, lúc còn sinh viên ở kí túc xá, ở khu công viên sinh hoạt chung có một bảng dán báo cho sinh viên đọc. Hồi đó Tuổi Trẻ chỉ phát hành ngày xen kẽ, và mỗi lần đến kì mình lại say sưa chen chúc với các bạn để đến với cây bút yêu thích của mình. Mình luôn đọc Hải Ninh đầu tiên với các bài viết về âm nhạc. Nguyên Chương thì với kịch, Thu Hà phỏng vấn. Và đặc biệt mình luôn trông chờ Binh Nguyên với những chuyến phiêu lưu kì thú khắp mọi miền trên thế giới.
Nhưng cùng với thời gian, những cây bút đầy tâm huyết và trách nhiệm không hiểu vì sao không viết bài nữa, vì thế, mỗi tờ báo mình tốn không quá 5 phút để đọc hết. Mình mất một sở thích quen thuộc suốt một thời gian dài cho đến khi vô tình đọc được tờ Sài Gòn Tiếp Thị vào khoảng tháng 4/2012. Thì ra, tờ này không dành cho các bà nội trợ như cái suy nghĩ phiến diện của mình. Các cây viết có đạo đức đang ở đây. Mình tiếc đã không đọc nó từ những năm trước. Mới đây, khi đọc tạp văn "Chuyện và truyện" của Việt Linh, các bài viết quá hay, thì ra đã đăng trên SGTT từ năm 2009. Và nghe đồn " Câu chuyện triết học" của Bùi Văn Nam Sơn đã từng giữ một chuyên mục quan trọng của báo (nay mất rồi). Phải đọc tay này ngay thôi.
Sau số thứ tư với vị thế như người chiến sĩ xung kích, hôm nay, tờ báo này bỗng dưng lột xác trở thành bà nội trợ đảm đang với những bài nhảm không đâu vào đâu.

Lòng cầu mong cho đời này còn có cái để đọc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét