Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Giới thiệu một người trẻ xinh làm thơ hay



Soi Gương

Em soi bóng mình
trong chiếc lá
cũ kĩ màu vàng
gân guốc trái tim
Đứa trẻ kễng chân
níu màu xanh lại
vỡ oà không gian
dạo khúc giao mùa…

 

Một Ngày Của Phố

Gió luồn qua khe tóc
se se hương lạnh mùa thu
bàn tay mở vẫy chào đàn sẻ nâu buổi sáng.
Em hôn chiếc khăn tay
hương của nắng dâng đầy trong ánh mắt
tràn trề những thương yêu
nắng vương hoa, nắng vương tình nên mới sáng trong, nồng nàn ngần ấy
nhộn nhịp phố phường, thỏa ước vọng thời xuân…
Đường Nguyễn Du lá me rơi trên tóc
cô gái cười: “Gió đang khẽ hôn em”
hoàng hôn buông xếp lại những lo toan
người cắp sách tới trường, khẻ ôm tình xuống phố
Khát khao mê đắm Sài Gòn…

 

Đôi Khi Sài Gòn

Gió nấn ná giọt tình trên tóc
em bàng hoàng tắm trắng dòng kí ức
bởi bộn bề tháng năm
Ngôi nhà tạm bợ
cỏ hoa ngủ nhờ
có bông hoa đi lạc giữa hư không
em cất sợi nhớ vào xa vắng
giang tay ôm nắng vào lòng.
Đôi khi Sài Gòn em đi lạc, bỗng giật mình thấy lòng bớt chật hơn.
sợi thương nơi đáy giếng từ muôn ngàn năm trước, chợt dâng lên sau một trận mưa rào.
Anh ở nơi nào?
Em muốn anh trở về. Rất thật !
Ngô Thị Hạnh

Lưu manh giả danh trí thức


Nói tới bọn lưu manh, ta vẫn hình dung đó là những con người thuộc giống đực, độ tuổi cỡ 20-40, mặt ác, mình xăm, luôn trong tư thế sẵn sàng đánh nhau. Tuy nhiên, hình ảnh lưu manh đó chỉ là định kiến do lúc trước bọn như vậy chiếm số đông. Nhưng cùng với thời gian, thế giới thay đổi và bọn lưu manh vì thế cũng thay đổi. Số lượng lưu manh vẻ ngoài cổ điển vẫn còn đó, nhưng bọn lưu manh hiện đại với quần áo bảnh bao, bằng cấp vô số đang lố nhố lẫn đầy trong những người dân lương thiện. Chúng đặc biệt còn ở trong những cơ quan quản lý điều hành mà lẽ ra sự trong sạch của những nơi đó đáng ra phải làm cho những tên bẩn thỉu dễ dàng lộ mặt.
Cơ quan đáng ra trong sạch nhưng có một tên lưu manh như vậy là Sở Giao thông vận tải Vĩnh Long. Cơ quan này có một cán bộ, nhờ vào công việc của mình mà mua máy đào máy ủi phế thải rồi bắt các doanh nghiệp trúng thầu thi công phải mướn máy của hắn với giá cắt cổ. Hắn lưu manh tới độ máy hắn hư không sửa mà còn chém trọng thương người thuê máy để lấy máy về (nguồn ở đây). Báo đăng hắn là cán bộ, mình đồ là chuyên viên. Có lẽ trình độ lưu manh của hắn chưa được tôi luyện đầy đủ nên sớm để lộ bản chất cướp ngày. Chứ nếu hắn bình tĩnh hơn tí, chịu khó theo gót các bậc đàn anh cha chú, có lẽ con đường công danh sự nghiệp theo thời gian mà thăng tiến. Khi đó, sá gì vài ba cái máy phế thải mà phải giành giật chém giết. Hắn vẫn thoải mái trong bộ com lê, bóng mặt bự bụng, hàng đêm cứ dạ hội tiệc tùng mà người ta vẫn cứ tranh nhau nhét tiền vào túi (của vợ mở sẵn để ở nhà). Ông bà dạy, ngựa non háu đá, cấm sai trong mọi trường hợp.
Chỉ với một cái ghế chuyên viên ở một Sở bình thường ở một tỉnh bình thường mà tác oai đến mức sẵn sàng hạ thủ đối tác, nghĩ tới những cái ghế cao hơn, thậm chí những cái ghế chót vót không ngó tới nổi mà lạnh toát sống lưng. Những chỗ ấy mà có bọn lưu manh thì sao nhỉ? Chúng có thể hạ thủ đến đâu? Một phận người? Một dân tộc? Một thế giới? Bất giác mồ hôi đầm đìa cả áo, suýt chút nữa tè cả ra quần.

Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012

Thần y như Đỗ Hồng Ngọc


Trưa nay coi báo Sài Gòn Tiếp Thị, qua mục phỏng vấn bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc mình mới biết được thế nào là thần y, chuyện như vầy:


Biển Thước (401 – 310 trước Công nguyên) là thầy thuốc nước Triệu thời Đông Chu liệt quốc, nổi tiếng “thần y”. Một hôm Nguỵ vương hỏi Biển Thước: “Ta nghe nói ba anh em nhà thầy đều giỏi y thuật, thử nói ta xem trong ba người, y thuật của ai cao minh nhất?”
Biển Thước đáp: “Anh cả của thần y thuật cao minh nhất, anh hai của thần thứ nhì, còn thần kém nhất trong ba anh em”.
Nguỵ vương ngạc nhiên: “Vậy sao thầy nổi tiếng trong thiên hạ, còn hai anh thầy không ai biết đến?”
Biển Thước đáp: “Vì anh cả thần chữa bệnh cho người khi bệnh chưa xảy ra, người bệnh trông như không có bệnh gì cả cho nên người ta không ai biết anh thần đã phòng bệnh cho họ từ trước; còn anh hai của thần trị bệnh ngay khi người ta mới phát bệnh, nên người ta cho rằng anh hai thần chỉ chữa được bệnh vặt mà không biết rằng nếu để bệnh trầm trọng thì nguy hiểm tính mạng nên chỉ nổi tiếng ở vùng quê, còn thần thì chữa khi bệnh tình người ta đã nguy ngập, tính mạng bị đe doạ... Điều thần làm là phá huyết mủ, phẫu thuật, đắp thuốc, những việc dính đến máu me, nên thần mới vang danh thiên hạ, nhưng dù bệnh có cứu được cũng thường để lại di chứng… Thần thua xa hai anh thần nhưng thiên hạ ít người biết vậy!” (theo Trang tử tâm đắc, Yu Dan, bản dịch Lê Tiến Thành – Dương Ngọc Hân, NXB Trẻ 2011).

Câu chuyện làm mình nhớ tới một truyện vui đăng trên Tuổi Trẻ Cười. Chuyện kể rằng ở nước nọ, người nào làm nghề gì thì cuối năm được thưởng sản phẩm của họ làm, ví như người làm mộc thì được thưởng bàn ghế tủ giường, người làm xây dựng thì được thưởng nhà, người làm cơ khí thì được thưởng xe...Cuối năm, có một người không làm gì cả mà đề nghị cái gì cũng có. Mọi người nhao nhao phản đối, ngươi nọ mới bình thản trả lời, chính vì ta không làm gì hết nên các người mới được yên ổn làm nghề của mình, chứ nếu ta kí vài sắc lệnh thì các ngươi đã chổng mông mà gào rồi. Người ấy là một nhà làm chính sách. Hihi.
Nhà làm chính sách ở nước nọ sao mình thấy quen quen, có lẽ ở nước mình cũng có trường hợp vậy, gọi là chính sách ở trên trời. Và mình cũng như những công dân quốc gia "lạ" nọ, thà quyết tâm dâng hết vài chục phần trăm công sức lao động thậm chí phân nửa để những nhà chính sách kia "đừng làm gì". Vâng, nếu những vị ấy không nghĩ ra được chính sách nào làm tốt đẹp cho cuộc sống người dân hơn thì chí ít, chỉ cần "đừng làm gì" thôi, chứ đừng làm rối cả xã hội bằng những chính sách làm tốt đẹp cho cuộc sống của các vị. Chỉ như vậy thôi, cả nước đã vui mừng và hăng hái đóng góp lắm rồi, những vị làm chính sách ạ. 

Đi xem xiếc


Tối chủ nhật hôm qua, mình và con gái đi xem xiếc, con bé có vẻ phấn khích. Từ hồi vụ kinh doanh hồ bơi tennis của mình bị phá sản (bổ sung thêm một minh chứng điển hình cho phá sản vì khủng hoảng), buổi chiều chủ nhật của nhà mình có vẻ hơi nhàm chán. Bởi vậy, chỉ cần có món giải trí nào khác lạ một chút là mình tranh thủ ngay. Bởi trẻ con thì phải luôn cười. Và trách nhiệm của cha mẹ là duy trì nụ cười của chúng.
Bán vé vào cổng là một nhóm thanh thiếu niên mặt mày có vẻ bặm trợn. Sân khấu được dựng dã chiến trên chiếc xe tải cũ kĩ vẫn dùng chuyên chở cả đoàn. Khán giả được xem trên mặt bằng bỏ hoang ở một góc của thành phố, "rạp" được vây quanh bởi bạt che dùng trong xây dựng. 19g30, bắt đầu những tiết mục đầu tiên. Lúc chiều, xe quảng cáo đi rao là có nhiều thú và nhiều màn hấp dẫn. Mình cũng căng mắt chờ. Màn diễn xen giữa xiếc người và xiếc thú. Người thì có đu dây, thăng bằng, uốn dẻo. Đặc biệt có những màn kinh dị như là móc cái móc sắt vào cổ họng rồi kéo xô nước, thậm chí móc vào mí mắt kéo xô nước. Không biết có thật không nhưng mình thấy 2 chỗ ấy trên cơ thể thật khó mà luyện công được. Còn nếu không thật thì cũng là một màn che mắt tài tình. Tiết mục uốn dẻo và thăng bằng thì em gái biểu diễn có công phu thật sự. Em ấy thực sự là một tài năng, có thể thi đấu quốc tế, không hiểu sao lại giang hồ với đoàn xiếc dạng sơn đông mãi võ này. Xiếc thú thì màn xiếc với khỉ bao giờ cũng lấy được tiếng cười của đám trẻ con. Nhưng lũ khỉ có vẻ rất ghét vụ biểu diễn, bởi mình thấy người huấn luyện luôn hăm dọa nó. Có lẽ nó đã lao động cật lực mà thù lao không tương xứng.
Thì cũng phải thôi, mình đếm sơ sơ số lượng khán giả, nhẩm tính một đêm diễn ở một thành phố trực thuộc trung ương như vầy khoảng gần 200 người, doanh thu cỡ 8 triệu cho một đoàn không dưới 10 người. Đoàn này chắc chắn không diễn được ở Sài Gòn, mình đồ rằng họ diễn ở các trung tâm thị tứ. Thế thì ở các phố chợ khác, doanh thu giỏi lắm bằng phân nửa  hôm nay. So sánh thu nhập, sức lao động của đoàn xiếc như vậy, mình mới thấy trân trọng nhưng con người giang hồ này. Họ cứ quần quật khổ luyện hàng ngày dẫu vô tình thu nhập cứ ngày càng ngắn lại. Bởi nền kinh tế hiện nay, đa phần người dân bạc mặt kiếm cơm, tiền đâu mà lo phần giải trí. Mình làm công ăn lương, phòng làm việc máy lạnh chạy rì rì, ngày 2 buổi 8 tiếng đều đặn cuối tháng lĩnh lương. Nhưng họ, dẫu không còn ai đủ tiền mua vé xem xiếc nữa, vẫn chảy nước mắt tập luyện mỗi ngày, vẫn luôn cận kề nguy hiểm để thuần phục cá sấu, gấu, khỉ, đại bàng. 

Chợt nghĩ, chính sách về kinh tế vĩ mô phải gắn liền với đồng lương của người làm ra chính sách đó. Bởi với nền kinh tế như làm xiếc hiện nay, thì thù lao của các vị phải được trả tương xứng như những diễn viên xiếc.

Quan chức dùi cui


Sáng nay trên mạng đăng tin "Xe biển xanh gây tai nạn, phóng viên tác nghiệp bị hành hung", (nguồn ở đây) mình nhớ ngay tới ý tưởng trắng hóa biển số đỏ biển số xanh trong bài "Xe biển đỏ biển xanh, trắng lại được chưa?" mà mình đã viết cách đây hơn tháng (các bác xem ở đây). Lại càng kính phục Trần Thủ Độ. Có một tình tiết trong vụ này mà mình nghĩ CA Cần Thơ nên tham khảo CA Văn Giang, đó là Tổng biên tập của tòa báo có PV bị đánh vẫn còn dám lớn tiếng "cực lực phản đối". Hihi. Bác TBT ấy còn chưa chịu noi gương của VOV xuề xòa qua chuyện, chưa chịu noi gương Tuổi Trẻ ngoảnh mặt phủi tay phóng viên mình tù đày. Còn các bác CA Cần Thơ, cần quái gì che chắn biển số đẹp của mình. Có khối việc phải công cán về đêm. Bọn dân đen chân đất mắt toét miệng chưa cao quá lưng quần la hoét hoét ai nghe. Bọn phóng viên ăn không ngồi càng giấu chúng càng tưởng có chuyện để kiếm cơm. Đánh là phải. Nhưng mà alo các bác Văn Giang một tiếng để cho Tổng biên tập của hắn khỏi cực lực phản đối luôn. Thế mới gọi là nghệ thuật. Mình hơi ngạc nhiên là sao lại còn có trang mạng quan tâm đến mấy việc tầm phào này nữa. Bây giờ báo giấy báo mạng phát thanh truyền hình toàn là lộ hàng, người mẫu bán dâm với cướp giết hiếp, còn không thì cũng dân giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh, cùng lắm thì tham nhũng vặt đã được "triệt" tận gốc (còn tham nhũng lớn "để" lại, nên gọi là triệt để, hihi).
Ngẫm lại xã hội giờ đây hơi có vài chuyện troéo nghoe, bắt cướp là chuyện CA thì lại do một nhóm hỗn tạp dân đen mù mờ luật pháp tự phong hiệp sĩ rồi xung phong bắt bớ. CA bản chất phải là liêm khiết trượng nghĩa cứu người thì được cấp tiền dưỡng liêm để đảm bảo cho sự liêm khiết. Có đồng chí CA nào đó trả lại ít tiền hối lộ thì tung hê ca ngợi. Khi cái tốt, cái đẹp vốn là bản chất mặc nhiên của người công bộc nhân dân mà lại được ca ngợi thán phục như là cứu cánh thì thật nguy quá. Điều tốt ở cơ quan công quyền ngày nay khan hiếm vậy sao?
Nói chuyện CSGT, mình nhớ những hình ảnh đẹp đặc trưng nghề nghiệp của các anh như là uy dũng đứng giữa  rừng xe điều tiết một lượng xe khổng lồ dưới trưa gắt nắng, như là nghĩa hiệp truy bắt bọn quái xế hung hãn trên đường. Những hình ảnh ấy sao mà ít quá. Mà thay vào đó, việc dùng dùi cui thẳng tay gạt dân dọn đường cho một chuyến công cán của quan chức nào đấy lại thấy thường xuyên. Bình thường, không thấy các anh đâu giữa các giao lộ điểm nóng, nhưng dưới những tán cây trứng cá mát rượi sẽ rất hay gặp các anh cùng chiếc máy đo tốc độ. Những khi thấy các anh xuất hiện đột nhiên nhiều, làm việc đột ngột tích cực, thì ngay lập tức chỉ một lát sau, tiếng còi hụ, tiếng loa, tiếng pô xe cao phân khối cùng dùi cui quạt quạt sẽ đến dọn đường cho một đoàn xe biển số xanh. Mình đứng nép bên đường hổn hển sợ mà thầm nghĩ, các vị đầy tớ dân chẳng lẽ cảm thấy khó khăn đến mức không bao giờ đi chung được với dân trên một con đường? Những vị quan này, phải cần một hệ thống dùi cui cho mỗi đợt công cán? Mình gọi các vị quan ấy là quan chức dùi cui. Các vị quan chức dùi cui ấy đi như bay, hùng hổ như rồng, cảm giác như người cõi trời vậy. Có lẽ vậy mà chính sách của các vị được báo chí gọi là chính sách ở trên trời? (nguồn ở đây)

Vậy thì những thằng dân - người chớ có ảo tưởng ông chủ với những công bộc - trời mà phải vạ vào thân đấy nhé.


Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

3 câu chuyện hạnh phúc của tôi ở MobiFone

Câu chuyện thứ nhất: Hạnh phúc từ sứ mệnh sáng tạo

Năm 2006, MobiFone thành lập Trung tâm Thông tin di động khu vực IV tại Cần Thơ và bắt đầu tuyển dụng. Thời điểm đó, cái tên MobiFone đối với mình là một cái gì đó hết sức lớn lao và lung linh. Điều này thôi thúc mình thử thách ở môi trường mới. Mình quyết định nộp đơn dự tuyển. Cuộc tuyển chọn gắt gao như một kì thi đại học chính hiệu. Sau khi vượt qua vòng thi viết, mình được mời phỏng vấn. Và cuộc trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh làm mình nhớ mãi. Người phỏng vấn, có lẽ là một giảng viên Anh văn, đã hỏi mình: Bạn nghĩ sao nếu bạn trượt tuyển dụng lần này? Mình hết sức tự nhiên đã trả lời cô rằng: Nếu có ai đó trúng tuyển và tôi rớt, có nghĩa họ là những người giỏi hơn tôi, và công ty đã chọn những người giỏi nhất. Ít lâu sau, mình nhận được thông báo thử việc. Đó là một cảm xúc thật đặc biệt. Bởi vì mình biết rằng, mình đã là một trong những người giỏi nhất. Hai tháng sau khi thử việc, cầm bản hợp đồng lao động mình kí với Giám đốc Công ty (nay là Chủ tịch) ngày 20/8/2006, mình thực sự ý thức rằng, từ đây, mình đã là thành viên của nhóm những người tiên phong, những con người đầy trách nhiệm và mạnh mẽ gánh lấy sứ mệnh "sáng tạo để mang tới những dịch vụ giá trị gia tăng mới cho khách hàng" trong niềm hân hoan. Sự sáng tạo luôn làm người ta hạnh phúc.

Câu chuyện thứ hai: Hạnh phúc từ niềm vui làm việc mỗi ngày

Môi trường làm việc ở MobiFone mang lại một trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ. Lúc trước, làm việc ở các Công ty Nhà nước khác, mình rất ngại với các máy móc công cụ văn phòng vì thông thường là xập xệ. Ở MobiFone thì không. Bạn được trang bị một điều kiện làm việc tốt nhất, một môi trường làm việc có khả năng phát huy tối đa tiềm lực của mình. Để từ đó, bạn luôn có cảm giác thôi thúc bởi áp lực công việc, thứ áp lực mà khi vượt qua bạn nếm trải nó như một hương vị tuyệt vời của chiến thắng, những chiến thắng nghẹt thở đến từ sự nỗ lực khôn cùng. Cổ nhân nói: "Đời người không đo bằng bao nhiêu hơi thở, mà bằng những nơi chốn và khoảnh khắc làm ta nín thở". Thật vậy, chính cảm giác gần với sự chết nhất mới làm người ta cảm thấy "sống" nhất. Sự sống trong niềm an hưởng thực tại tuyệt đối. Điều này giải thích cho sự hấp dẫn của môn đua xe thể thức 1 và nhảy Bungee. Áp lực công việc ở MobiFone mình nghĩ cũng không khác mấy áp lực của vận động viên đua xe thể thức 1.
Áp lực ấy kích thích người ta hy vọng và khát khao chinh phục. Và hy vọng cũng chính là suối nguồn của cuộc sống hạnh phúc. Mình xin minh họa bằng câu chuyện trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, câu chuyện như sau:
Có anh chàng cuộc sống vật chất đã quá đủ đầy, anh ấy không còn áp lực nữa. Cho đến một hôm anh nghe đồn là có một thứ hoa mọc trên núi đẹp đến nỗi "đáng đánh đổi cả đời người để một lần nhìn thấy nó"*. Nhiều huyền thoại của loài hoa này càng kích thích anh mãnh liệt. Anh quyết định leo lên đỉnh núi ấy.
Kết quả đúng như lời nguyền, sau khi ngắm những đóa hoa chết người ấy, anh quyết định không sống nữa. Anh quyết định chết vì không hy vọng rằng có điều gì tốt đẹp hơn có thể đến với anh nữa. Anh quyết định chết vì không còn đỉnh núi nào để anh có thể lên đỉnh. "Trên đỉnh núi, không có thêm đỉnh núi"*.
Ở MobiFone, không bao giờ là hết đỉnh núi. Sau khi trải nghiệm cảm giác sảng khoái của việc chinh phục một đỉnh núi vừa xong, bạn sẽ có ngay một đỉnh núi khác để chinh phục. Bởi thế, bạn sẽ không bao giờ thôi tắt hy vọng. Và hy vọng làm người ta hạnh phúc.

Câu chuyện thứ ba: Hạnh phúc từ nỗ lực được thừa nhận

Dịp sinh nhật năm 2011, sếp mình tặng mình một quyển sách, quyển "Tinh hoa lãnh đạo" của John C. Maxwell. Quyển sách ngay lập tức khiến mình phải suy nghĩ lại nhiều giá trị, đặc biệt là giá trị về sự thành công và kế thừa. Nếu ai đó còn quan niệm thành công là phải đánh đổi, hãy suy nghĩ về thành công như Maxwell: Thành công là: biết được mục tiêu trong đời, phát huy tối đa tiềm năng, và,  làm những việc có ích cho mọi người. Một quan niệm thành công mang tính nhân văn sâu sắc. Nó làm mình xúc động như cách mà Maxwell nói về cái chết của mình và sự kế thừa ở chương cuối cùng, chương "Xây dựng di sản". Trước đó, mình lấy làm gối đầu quyển "Quyền lực đích thực" của thiền sư Thích Nhất Hạnh bởi những chỉ dạy về cách sống và nói về cái chết một cách đầy nhân hậu của nhà sư ấy. Nay, ở một nền văn hóa hoàn toàn khác, ở một lĩnh vực hoàn toàn khác, có một người ung dung nói về sự chết như là một bậc đại thiền sư đã qua bờ giác ngộ. Dường như người ta sẽ sống tử tế hơn sau khi suy nghĩ thấu đáo về cái chết của mình. Kỳ diệu thay, một người cả đời tu tập, một người cả đời nghiên cứu và thực hành quản trị mà cùng có cái nhìn thông suốt sự vi diệu của Đạo. Bởi thế, thiền sư Soko Morinaga sau hạnh phúc tột cùng của cảm giác chứng ngộ, đã xúc động thốt lên: "Không chỉ ở những nơi chốn được đặc biệt lập ra cho sự tu tập, mà bất cứ lúc nào và ở đâu, một con người nỗ lực trong sự trang nghiêm, không lo lắng gì đến kết quả và không lùi bước trước những sự thất vọng, là một người chân tu, một người thực sự đi theo con đường Ðạo". (trích sách Từ nụ đến hoa - Soko Morinaga).
Có những quyển sách được viết ra không phải để đọc, mà là để sống. Sách của John C. Maxwell là một quyển sách như vậy. Người tặng sách hẳn đã thấy được tiềm năng và kì vọng ở người được tặng sẽ sống với những giá trị mà bậc guru về lãnh đạo đã đúc kết. Đọc xong quyển sách, tiếp tục cần mẫn làm việc đến hôm nay, mình vô cùng xúc động khi trực nhận rằng, thế hệ lãnh đạo trực tiếp mình luôn có một cái nhìn thừa nhận sự phát triển của từng nhân viên. Họ lẳng lặng chờ đợi nụ nở thành hoa. Nếu ai đã trải nghiệm cảm giác được thừa nhận, có lẽ sẽ giống như cảm giác của thiền sư Soko Morinaga trong câu chuyện sau đây: Trong một buổi trà đàm, lão sư Zuigan (là sư phụ của Soko) khi được hỏi so sánh trình độ tu tập của ngài với sư phụ mình, đã bình tĩnh trả lời :"ta giỏi hơn". Nhưng khi hỏi ngài và đệ tử của ngài là Sesso ai hơn (Sesso là sư huynh Soko, lúc ấy đang là một thiền sinh quét vườn), ngài không ngần ngại nói ngay: "cái đó còn phải xem". Soko đã bật khóc.
Hàng năm, người lãnh đạo cao nhất Công ty vẫn hay thường đến các Trung tâm để lắng nghe những nhân viên cấp thấp, những người mà ông không trực tiếp chỉ đạo. Khi ông nói về sự thành công, ông không đề cập đến tiền bạc và địa vị. Ông chỉ trải lòng mình với các giá trị về gia đình, cộng đồng và bè bạn. Khi ấy mình lại thấy ở ông bóng dáng của John C. Maxwell, của Thích Nhất Hạnh, của Soko Morinaga. Mình cảm động sâu sắc bởi công ty có một nhà lãnh đạo như vậy.
Chợt nhớ về tiểu sử của tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak. Trong vòng hơn 20 năm, từ một nhân viên quèn chập chững bước vào công ty, ông Lee Myung Bak đã trở thành người lãnh đạo cao nhất của tập đoàn. Bất giác mình mỉm cười tự nghĩ, nếu một tập đoàn lớn nào đó ở Việt Nam mà một nhân viên từ cấp thấp nhất trong vòng hơn 20 năm có thể trở thành chủ tịch, thì đó chắc hẳn có tên MobiFone.

(*): chữ của Nguyễn Ngọc Tư

Thứ Ba, 20 tháng 11, 2012

Xin chúc mừng những người thầy đích thực nhân ngày nhà giáo VN


Cái tít hơi dài bởi vì ngày nay có quá nhiều người thiếu giáo dục làm nghề giáo dục. Có những vị mặc áo trắng, đeo kính trắng, nhân cách có vẻ sáng ngời trong trắng nhưng đầu óc suy nghĩ đen đúa, lại làm những chuyện rất sa đọa vô luân. Có những anh suốt ngày cày ải kiếm tiền bắt buộc phải gọi bằng thợ dạy. Và vô tình nếu chúng ta gọi thầy hết tất thẩy thì làm nhục những vị thầy khả kính đích thực của chúng ta.
Hôm qua, bỗng dưng thằng Phong nhĩ quyết liệt rủ mình về thăm thầy cô, mình cũng ngạc nhiên, khoảng chục năm nay có mừng thầy cô vào ngày này đâu, toàn thăm vào dịp Tết để bù khú. Nhưng mà Tết năm rồi cũng không thăm ai, tự kiểm lại thấy mắc cỡ quá nên dông xe về luôn. Thế là mình có một buổi thăm thầy cô cũng gọi là đáng nhớ.
4g30 chiều, lố nhố 5-6 đứa tụ tập ở nhà Thư ù, có Phong nhĩ, Sĩ ốm, Phượng gạo, Hà ròm. Đặc biệt, có thằng Trí vác máy quay đề chữ THĐT theo. Thì ra căn nguyên thằng Phong nhĩ quyết tâm lôi mình về là để cho xôm cái phóng sự của thằng Trí. Thằng Phong nhĩ này vậy mà hay, coi như cả tỉnh biết được có một mớ học trò hiếu nghĩa kiểu bác Nguyễn Minh Triết vừa nhậm chức là thăm lại thầy (mắc cỡ, trong đó có mình), mà thầy cô cũng có được tí bất ngờ.
Đầu tiên thăm thầy Nghĩa dạy Anh văn, thầy nhớ tất mấy đứa học trò lớp AV của thầy, luôn nhắc bạn Vĩnh Châu (tại bạn Vĩnh Châu quay phim giỏi?). Tới mình thì thầy không nhớ vì thầy chỉ dạy môn học chứ không chủ nhiệm. Nhưng thầy rất thích vì mình hát lại một câu :"Why do the sun gon on shining". Mình nói dạy AV phải như thầy, vui nhộn, nhiều trò chứ cứ ngữ pháp, chia thì động từ thì chắc em rớt.
Tiếp thăm cô Tuyết Mai dạy Toán (bọn mình vẫn kêu thân mật là cô Mai ù vì cô hơi mập). Cô vẫn nhiệt tình y như 20 năm trước trên bục giảng. Hồi đó, mình làm Toán trật, cô lấy phấn quẹt vào mặt mình, thế là cô đặt luôn biệt danh Vinh mèo, hihi. Hôm nay, cô đã chuẩn bị sẵn tụi mình bằng mấy bọc bánh tằm, cam, mít, sữa chua trong tủ lạnh và cả bia. Dường như cô muốn đãi đám học trò tất cả những gì cô có. Cuối buổi, thằng Trí quay phim bảo mình mày phát biểu để tao quay. Mình cũng nghĩ bụng và nói vài câu thông thường như là chúc cô sức khỏe, hạnh phúc, như là gần 20 năm dẫu có ở đâu làm gì nhưng khi ở bên cô tụi con vẫn là cậu học trò nhỏ, như là tụi con cố gắng thành người để vinh danh những thầy cô đã dạy dỗ và đào tạo tụi con. Không ngờ, cô lại xúc động đến rưng rưng làm mình ngại quá. Cô vốn thích giỡn, vì vậy nhìn thấy cô phát biểu có vẻ rất xúc động mình thấy khoảnh khắc ấy thật thiêng liêng.
Cuối cùng kéo về nhà thầy Tân, chủ nhiệm lớp 9. Thầy này với mình vốn có nhiều chuyện để kể. Đầu tiên là việc mình đội sổ do xếp loại trung bình vì điểm 4 mà thầy cho do lỗi viết câu cuối cùng không chấm. Đúng là đòn đau nhớ lâu, đến giờ, mình xem văn bản nào mà soạn không chấm câu là mình bắt được ngay, hihih. Rồi việc mình dạy Thái Cực Quyền cho thầy để trị chứng đau đầu kinh niên. Vụ này đến giờ cô Duyên, vợ thầy (cũng là giáo viên giỏi dạy tụi mình môn Sử) vẫn còn rất hâm mộ mình. Cổ nói, mày siêng thật. Mà đúng khoảng thời gian ấy cũng thật đáng nhớ. Sáng sớm mình chạy bộ đến nhà thầy, gõ cửa lúc 2 vợ chồng  (lúc ấy còn trẻ cỡ mình giờ) còn đang say ngủ (hihih, bây giờ nghĩ lại thật bậy). Xong 1 già 1 trẻ đi hết bài Thái cực quyền. Vừa khi ấy là tờ mờ sáng. Lại xuống sông xách nước tưới vườn Sứ Thái Lan. Lao động, thể thao, và định tâm khi luyện quyền đã mang lại cho mình sự hưng phấn suốt một thời gian dài. Và hình như thầy cũng khỏi chứng đau đầu.
Ở nhà thầy Tân, thằng Trí lại lôi mình ra bắt trả lời phỏng vấn. Khi nói hỏi, anh chúc gì cho ngày nhà giáo VN, mình đã không suy nghĩ trả lời rằng đó là sức khỏe và tâm huyết. Mình nhấn mạnh vô cùng 2 chữ tâm huyết. Bởi vì, 3 vị thầy mà mình nói ở đây cùng vài vị khác nữa là những người mà mình thấy chính nhờ tâm huyết của họ mà mình hào hứng với việc học, tự nhận ra và gánh lấy trách nhiệm của mình. 
Ngày nay, sự nghiệp giáo dục liên tục được kêu gọi chấn hưng. Vì nhiều lý do mà xuống cấp, trong đó, người ta hay nhắc tới tiền lương. Nhưng, như Nguyễn Ngọc Tư nói, tiền là thứ không bao giờ là đủ. Có ai đó suy đồi và đổ thừa do đồng lương thấp quá. Như thế là sỉ nhục những người thầy đích thực. Những người cả đời thanh bạch, quyết truyền kiến thức của mình cho từng đứa học trò, dẫu học trò đó là xuất sắc hay cá biệt, quyết chăm chút cho từng thân phận học sinh dẫu phụ huynh học sinh đó có đóng góp hay không cho nhà trường.
Nền giáo dục nước nhà còn những vị thầy như vậy, e rằng không cần thiết phải kêu gào chấn hưng.

Một lần nữa xin chúc mừng những người thầy thực sự nhân ngày nhà giáo Việt Nam.


Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

Công bố nguyên nhân cháy xe của TS Lại Quá Xàm - GĐ Viện nghiên cứu Ăn Không Ngồi Rồi


Gần đây, xã hội nhức nhối với các vụ cháy xe dồn dập, không kể hãng nào, không kể cũ mới, không kể vận hành hay không. Hễ có xe chạy là có khả năng cháy. Bộ khoa học đặt hàng các cơ quan chức năng tìm nguyên nhân, nhiều giáo sư tiến sĩ, nhiều nhà khoa học hàng đầu vào cuộc. Nhưng câu trả lời vẫn còn   bỏ ngỏ. 
Tức mình, con trai thất học một đại gia có xe bị cháy là Lại Quá Xàm lập Viện nghiên cứu Ăn Không Ngồi Rồi quyết tâm tự mình cùng các chiến hữu ăn chơi tìm nguyên nhân. Sau rất nhiều thử nghiệm khoa học, nhóm các cậu ấm đã tìm ra lời đáp: Nguyên nhân gây cháy xe là do...lửa.  Các cu cậu vô cùng hả hê khi kết luận này nhang nhác giống một kết luận mang tầm quốc gia của các bộ có tầm cỡ tham gia đề án nghiên cứu nguyên nhân cháy xe. Kết luận như sau:

Kết quả điều tra của Bộ Công an đối với 209 trong số 324 vụ cháy nổ ôtô, xe máy (276 vụ cháy ôtô, 48 vụ cháy xe máy) trong hai năm 2010 và 2011 trên toàn quốc, cho thấy có 5 nguyên nhân: Chập điện, sự cố kỹ thuật, sơ suất, tai nạn giao thông và do đốt.(nguồn ở đây)

Kết luận do lửa làm cháy xe được toàn dân đồng tình và chia sẻ rộng rãi trên facebook cá nhân của GĐ Viện Ăn Không Ngồi Rồi. Lại nghe đồn nhóm nghiên cứu cậu ấm cao hứng còn đăng kí đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước nữa, bước tiếp theo là liên hệ Hoàng Quang Thuận để hỏi thủ tục đề cử giải Nobel ... hòa bình. Keke.

Đột tử


Nhân gần đây có vụ một bà cụ từ Thanh Hóa lên Hà Nội khiếu kiện đất đai, sau đó vì lý do gì đó bà bị chết tại vườn hoa Lý Tự Trọng, không nhắm mắt, mình bỗng nhớ về người mẹ của một bạn cũ hồi học phổ thông. Bác ấy cũng khiếu kiện và cũng đã mất.
Hồi đó bác ấy khiếu kiện ngôi nhà bác ấy bị nghiêng vì nhà kế bên xây dựng cao tầng. Nhà cao tầng ấy là của vị bác sĩ nổi tiếng thị xã, và nhà bác ấy thì bị nghiêng nhìn mắt thường cũng thấy, ở chẳng được mà bán cũng không xong. Khiếu kiện và đòi bồi thường là hoàn toàn xác đáng, và ai cũng nghĩ Tòa cũng chẳng cần phải có hồ sơ gì nhiều để mà tuyên án. Ấy thế mà để vị bác sĩ kia bồi thường không hề đơn giản tẹo nào. Cũng từ đó, bác ấy bắt đầu cuộc sống đoạn trường trên đường tìm lại công lý. Có lẽ 5 hay 10 năm gì đó, nhưng những lá đơn, thư hầu như rơi vào khoảng trống, những phiên xử chỉ có một kết luận. Cho đến một ngày, mình được tin bác ấy đã mất. Mình lục lọi trong trí nhớ, lần gặp bác ấy gần nhất, bác vẫn còn nguyên hình ảnh một phụ nữ đầy năng động, còn nguyên ngọn lửa cháy sáng tìm công lý. Bác không ngừng trưng ra các bằng chứng, bác không ngừng tìm kiếm các luật sư tài danh. Hy vọng của bác không hề tắt. Nhưng bác ấy lại ra đi. Sự ra đi làm mình nghĩ tới ngọn nến, ngọn nến trước khi tắt không hề mờ đi chút nào ánh sáng của nó. Ngọn nến cháy hết thì thôi. Không biết trước lúc nhắm mắt, công lý đã tìm đến bác hay chưa, hay một cú sốc niềm tin nào đó đã quật ngã ngay tức thì người đàn bà không mệt mỏi ấy. Ừ, người ta chỉ hết sống chừng nào thôi hy vọng.

Ước gì thế giới này không còn người nào phải kêu oan. 

Thứ Tư, 14 tháng 11, 2012

Thêm một dấu son cho bác Dương Trung Quốc


Mình đã từng thán phục hết lời bài phát biểu bác Dương Trung Quốc nhân kì họp Quốc hội gần đây (các bác xem ở đây). Nay lại thêm một lần không biết nói lời nào để tán dương bác ấy nữa.
Số là gần đây báo đài cũng có thông tin về các đại biểu QH chất vấn chính phủ, mình mải lo kiếm cơm ăn qua ngày nên không theo dõi gì. Nhân tiện rảnh rỗi lang thang, gặp được tin:"Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thẳng thắn nói về văn hóa từ chức"  nhào vô coi thử thế nào. Lại gặp lại bác Quốc. Giữa một rừng các vị đại biểu dùng những lời có cánh hỏi mấy câu hỏi ỡm ờ để các vị được chất vấn và cả mình làm cho xong nhiệm vụ, bỗng một mũi tên bay vút ra. Mũi tên mang trên mình hàng triệu con tim thổn thức. Mũi tên được gọi là Dương Trung Quốc. Thật không ngờ, tại nghị trường VN còn một trái tim cháy bỏng như vậy, trái tim ấy không ngần ngại cất lời khẳng khái:“Phải chăng Thủ tướng nên nhân dịp này thể hiện quyết tâm sửa chữa của mình bằng cách khởi động cho một cuộc phấn đấu Chính phủ hướng tới đoạn tuyệt với lời xin lỗi, thay bằng một tập quán phù hợp với xã hội hiện đại là văn hóa từ chức với một lộ trình để quan chức của ta từng bước làm được điều mà các quốc gia tiên tiến vẫn làm?” (nguồn ở đây). Có lẽ đã có nhiều người bật khóc.
Nếu có ai đó thử đặt câu hỏi, 90 triệu con người tại VN hiện nay, tấm lòng nào vì dân nhất. Câu trả lời có lẽ không quá khó, bởi chắc chắn sẽ tìm được ít nhất hai tấm lòng trong số đó. Một mang tên Nguyên Ngọc và một mang tên Dương Trung Quốc.
Có câu: "Anh hùng trọng anh hùng", vì vậy mà cả hai vị này đều thấu cảm nỗi niềm của Phan Chu Trinh qua "những câu hỏi sâu sắc nhất của phát triển dân tộc, mà lịch sử éo le đã buộc phải bỏ dở dang" (chữ của bác Nguyên Ngọc) để rồi cùng kết luận: Những nan đề Phan Châu Trinh từng thấy và trằn trọc tìm cách giải quyết cho đất nước trăm năm trước thì nay vẫn còn nguyên đấy, Các thế hệ người Việt Nam vẫn còn phải tiếp tục đảm nhận.

Có thông tin giới trẻ hiện nay đang thiếu thần tượng để tìm mục đích sống, dẫn đến hay có những hành vi xốc nổi. Thế thì các bạn ấy không cần tìm kiếm đâu xa, hãy chọn ngay cái tên: Dương Trung Quốc.

Món ăn gan ngỗng


Lâu lâu trên mấy mục xin tiền từ thiện kiểu như "tấm lòng nhân ái" có đăng vài hoàn cảnh bệnh tật trớ trêu, thậm chí có bệnh kì khôi nữa. Trong mấy bệnh đó mình hay nhớ về bệnh tim to bẩm sinh. Bệnh này kinh dị ở chỗ nó chèn qua thể tích phổi, vì thế người bệnh lúc nào cũng cảm thấy như là thiếu thở. Ngay như bệnh hen suyễn là trạng thái cơ thể bị thiếu thở một lúc do phế quản bị teo hẹp đột ngột và có thể dùng thuốc cắt cơn thì mình đã thấy kinh khủng lắm rồi. Đằng này, đối với bệnh tim to, trạng thái thiếu thở cứ thường trực 24/24, người ta cứ ngáp ngáp cả đời chừng nào quả tim còn đập trong người. Thật kinh dị. Hầu như ai trong chúng ta đều trải nghiệm được cảm giác sảng khoái khi hít một hơi căng đầy lồng ngực. Thế nhưng, niềm hạnh phúc tưởng đơn giản ấy lại không bao giờ đến với người có một quả tim to. 
Nhân đọc quảng cáo trên báo về món ăn gan ngỗng lừng danh của Pháp, mình tìm hiểu thử về món ăn nổi tiếng này. Thì ra để có một sản phẩm với lá gan to đùng béo ngậy như đầu bếp trình bày người ta đã dùng đủ mọi thủ đoạn với loài ngỗng trong quá trình nuôi nhốt. Những thủ đoạn ấy làm cho con ngỗng bất hạnh vốn bình thường với cơ thể hoàn hảo do Chúa ban tặng đã trở nên biến thái khổ sở vì một lá gan không ngừng lớn lên đầy bất thường. Có lẽ, đến lúc thu hoạch lá gan của nó, người ta không cần phải dùng biện pháp nào để giết nữa. Nó tự tắt thở vì không có chỗ cho phổi thở nữa rồi. Phật đã nói: "Mạng người qua hơi thở" có lẽ nên cập nhật thêm một chút: "Mạng chúng sinh qua hơi thở" để bao hàm luôn loài ngỗng đáng thương bị nuôi lấy gan hàng ngày ngáp ngáp này. Chúa đã sáng tạo nên tế bào sống đầu tiên, đặt ra luật tiến hóa và nhân quả rồi lui về an nghỉ, hẳn đã không bao giờ lường được một sản phẩm tiến hóa ưu việt của mình đang đan tâm hủy hoại những sản phẩm khác đầy man rợ như vậy. Chúa đã đau lòng lắm chăng?
Có dịp đến bệnh viện vài lần gần đây, mình thấy sự đau bệnh của con người có vẻ đang gia tăng chóng mặt không kể tuổi tác trẻ già. Có phải luật nhân quả đã cất tiếng nói của nó đáp lại sự nhẫn tâm của loài người trong cư xử với động vật, với thiên nhiên? Những hạt ý thức căm phẫn, uất hận của các loài bị ngang nhiên tước đi sự sống, bị đối xử tàn tệ trong quy trình nuôi nhốt công nghiệp dã man đang đi vào từng tế bào của những động vật ăn nó, khiến những động vật đó phải vật vã cho thói lam lam khôn cùng của mình?
Một tiến sĩ thất nghiệp nào đó hình như có công bố một công trình nghiên cứu chưa được công nhận rằng, ruột của loài người từ lỗ miệng đến hậu môn dài mấy chục thước vốn là để ủ cho thực vật lên men nên loài người ăn chay mới là hợp ý Chúa. Các loài hổ báo ăn thịt, ruột chỉ một đoạn ngắn nhằm tống nhanh cái đạm động vật độc hại ra người, vì vậy chưa bao giờ có con cọp con báo nào cao cholesterol.

Các bậc đắc đạo không biết có đọc qua công trình này không nhưng tuyệt không thấy vị nào ăn thịt.

Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

Từ bức thư của tổng thống Mỹ, nhớ chuyện ông già Nô-en




Gần đây cộng đồng mạng nhốn nháo chuyện tổng thống Obama đích thân trả lời thư của một bé gái 10 tuổi về việc có hai người cha đồng tính. Nghe đâu bà con bấm like hàng triệu lần trên facebook cho bức thư ấy. Ừ, thì khen bác ấy cũng như nói 1+1=2. Có ai đó còn muốn bác tổng thống viết thư tay trả lời nữa. Mình thì cho rằng, dẫu thư trả lời đó là bác ấy viết hay bộ máy của bác viết thì cũng không làm giảm đi giá trị giáo dục của sự việc. Bác ấy tự trả lời ư? Quá tốt. Thư kí bác ấy trả lời ư? Không hề gì. Vì trong bộ máy của bác ấy có những con người viết được những dòng chữ đầy nhân hậu như vậy cho một vấn đề đầy gai góc thì bác ấy cũng tài lắm rồi.
Nhân việc này, mình nhớ lại câu chuyện chủ bút tạp chí Sun. Câu chuyện được Nguyễn Tường Bách thuật lại với tựa "Thiên thần đã mất" trong tùy bút Mộng đời bất tuyệt. Chuyện như sau:
Năm 1897, Virginia O'Hanlon, tám tuổi, sống ở New York bắt đầu nghi ngờ về sự hiện hữu thực sự của ông già Noel. Em đứng chông chênh giữa niềm tin vào nhiệm màu phép lạ với nghiệt ngã thực sự của cuộc đời, và em viết một bức tâm thư gửi cho tạp chí Sun với niềm tin tuyệt đối chỉ tờ báo ấy là đủ khả năng kết luận ông già Noel có thật hay không. Em viết:
"Em mới lên tám. Bạn em có người nói rằng, ông già Noel không có thực đâu. Ba em nói là tờ báo Sun viết gì cũng đúng cả. Cho nên em xin hỏi, ông già Noel có thực không?".
Câu hỏi của em Virginia quan trọng đến mức mà chủ bút tờ báo là Francis P. Church phải thân hành trả lời. Ông viết:
"Em Virginia, bạn em nói không đúng. Các bạn đó chỉ tin những gì mà mình tự thấy. Các bạn đó cho là cái gì đầu óc nhỏ bé của họ không hiểu thì cũng không thể có. Đầu óc con người nhỏ bé lắm, dù là của trẻ con hay người lớn. Trong vũ trụ, con người nhỏ bé như một con côn trùng tí hon. Đầu óc của một con kiến không thể hiểu hết toàn bộ thực tại. Vâng, em Virginia, ông già Noel có thực...".
"...Ông già Noel có thực cũng như tình yêu, lòng rộng lượng và sự thủy chung có thực. Nhờ tất cả thứ ấy có thực mà cuộc đời chúng ta mới sáng và đẹp. Nếu không có ông già Noel thì thế giới của chúng ta tối tăm biết bao. Khi đó thì cũng không có em Virginia, không có niềm tin, không có thi ca, không còn có gì làm cho cuộc đời này có thể kham chịu được nữa...". Thế nhưng, ông viết tiếp "...không ai có thể thấy tận mắt ông già Noel. Điều đó chưa chứng minh được gì cả. Mọi thứ trọng đại nhất thường thì phần lớn chúng ta không thấy tận mắt được...Bất cứ khi em thấy cái gì thì em cũng không thấy hết cái toàn thể đâu. Tại sao? Vì có một tấm màn ngăn che một thế giới đích thực mà không có sức mạnh nào trên thế gian này xé rách nó được. Chỉ có tình yêu và thi ca mới vén được nó lên mà thôi. Thì lúc đó ta mới thấy vẻ đẹp và sự lộng lẫy nằm sau bức màn đó...". (những chữ in nghiêng là chép trong bài của Nguyễn Tường Bách, các bác xem toàn văn quyển sách rất hay này tại đây).
Bác Nguyễn Tường Bách đã phải kinh ngạc thốt lên "Kỳ diệu thay, vì một câu hỏi non nớt của trẻ con mà sinh ra những dòng chữ vô cùng nhân hậu và sâu sắc" và cảm kích gọi ông chủ tờ tạp chí Sun là ông già Nô-en cầm bút.
Hơn 100 năm sau kể từ bài trả lời nổi tiếng đó, hôm nay, người quyền lực nhất nước Mỹ lại làm một điều tương tự cũng với một đối tượng tương tự. Rõ ràng, ở đây, người ta nuôi dưỡng trẻ thơ bằng tình yêu, lòng rộng lượng và sự thủy chung. Vì vậy, nước Mỹ luôn sản sinh những con người kì diệu làm những điều kì diệu. Bởi những điều kì diệu chỉ được làm bởi tình yêu.

Gần đây ở VN bỗng xuất hiện nhiều ván hình sự nghiêm trọng, tình tiết vụ sau càng kinh khủng hơn vụ trước, có phải một thế hệ với những bức tâm thư không bao giờ có li đáp lớn lên trong ngờ vực, trong đk, trong cố chấp, trong sân hận đã bắt đầu cuộc sống của nó?