Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

3 câu chuyện hạnh phúc của tôi ở MobiFone

Câu chuyện thứ nhất: Hạnh phúc từ sứ mệnh sáng tạo

Năm 2006, MobiFone thành lập Trung tâm Thông tin di động khu vực IV tại Cần Thơ và bắt đầu tuyển dụng. Thời điểm đó, cái tên MobiFone đối với mình là một cái gì đó hết sức lớn lao và lung linh. Điều này thôi thúc mình thử thách ở môi trường mới. Mình quyết định nộp đơn dự tuyển. Cuộc tuyển chọn gắt gao như một kì thi đại học chính hiệu. Sau khi vượt qua vòng thi viết, mình được mời phỏng vấn. Và cuộc trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh làm mình nhớ mãi. Người phỏng vấn, có lẽ là một giảng viên Anh văn, đã hỏi mình: Bạn nghĩ sao nếu bạn trượt tuyển dụng lần này? Mình hết sức tự nhiên đã trả lời cô rằng: Nếu có ai đó trúng tuyển và tôi rớt, có nghĩa họ là những người giỏi hơn tôi, và công ty đã chọn những người giỏi nhất. Ít lâu sau, mình nhận được thông báo thử việc. Đó là một cảm xúc thật đặc biệt. Bởi vì mình biết rằng, mình đã là một trong những người giỏi nhất. Hai tháng sau khi thử việc, cầm bản hợp đồng lao động mình kí với Giám đốc Công ty (nay là Chủ tịch) ngày 20/8/2006, mình thực sự ý thức rằng, từ đây, mình đã là thành viên của nhóm những người tiên phong, những con người đầy trách nhiệm và mạnh mẽ gánh lấy sứ mệnh "sáng tạo để mang tới những dịch vụ giá trị gia tăng mới cho khách hàng" trong niềm hân hoan. Sự sáng tạo luôn làm người ta hạnh phúc.

Câu chuyện thứ hai: Hạnh phúc từ niềm vui làm việc mỗi ngày

Môi trường làm việc ở MobiFone mang lại một trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ. Lúc trước, làm việc ở các Công ty Nhà nước khác, mình rất ngại với các máy móc công cụ văn phòng vì thông thường là xập xệ. Ở MobiFone thì không. Bạn được trang bị một điều kiện làm việc tốt nhất, một môi trường làm việc có khả năng phát huy tối đa tiềm lực của mình. Để từ đó, bạn luôn có cảm giác thôi thúc bởi áp lực công việc, thứ áp lực mà khi vượt qua bạn nếm trải nó như một hương vị tuyệt vời của chiến thắng, những chiến thắng nghẹt thở đến từ sự nỗ lực khôn cùng. Cổ nhân nói: "Đời người không đo bằng bao nhiêu hơi thở, mà bằng những nơi chốn và khoảnh khắc làm ta nín thở". Thật vậy, chính cảm giác gần với sự chết nhất mới làm người ta cảm thấy "sống" nhất. Sự sống trong niềm an hưởng thực tại tuyệt đối. Điều này giải thích cho sự hấp dẫn của môn đua xe thể thức 1 và nhảy Bungee. Áp lực công việc ở MobiFone mình nghĩ cũng không khác mấy áp lực của vận động viên đua xe thể thức 1.
Áp lực ấy kích thích người ta hy vọng và khát khao chinh phục. Và hy vọng cũng chính là suối nguồn của cuộc sống hạnh phúc. Mình xin minh họa bằng câu chuyện trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, câu chuyện như sau:
Có anh chàng cuộc sống vật chất đã quá đủ đầy, anh ấy không còn áp lực nữa. Cho đến một hôm anh nghe đồn là có một thứ hoa mọc trên núi đẹp đến nỗi "đáng đánh đổi cả đời người để một lần nhìn thấy nó"*. Nhiều huyền thoại của loài hoa này càng kích thích anh mãnh liệt. Anh quyết định leo lên đỉnh núi ấy.
Kết quả đúng như lời nguyền, sau khi ngắm những đóa hoa chết người ấy, anh quyết định không sống nữa. Anh quyết định chết vì không hy vọng rằng có điều gì tốt đẹp hơn có thể đến với anh nữa. Anh quyết định chết vì không còn đỉnh núi nào để anh có thể lên đỉnh. "Trên đỉnh núi, không có thêm đỉnh núi"*.
Ở MobiFone, không bao giờ là hết đỉnh núi. Sau khi trải nghiệm cảm giác sảng khoái của việc chinh phục một đỉnh núi vừa xong, bạn sẽ có ngay một đỉnh núi khác để chinh phục. Bởi thế, bạn sẽ không bao giờ thôi tắt hy vọng. Và hy vọng làm người ta hạnh phúc.

Câu chuyện thứ ba: Hạnh phúc từ nỗ lực được thừa nhận

Dịp sinh nhật năm 2011, sếp mình tặng mình một quyển sách, quyển "Tinh hoa lãnh đạo" của John C. Maxwell. Quyển sách ngay lập tức khiến mình phải suy nghĩ lại nhiều giá trị, đặc biệt là giá trị về sự thành công và kế thừa. Nếu ai đó còn quan niệm thành công là phải đánh đổi, hãy suy nghĩ về thành công như Maxwell: Thành công là: biết được mục tiêu trong đời, phát huy tối đa tiềm năng, và,  làm những việc có ích cho mọi người. Một quan niệm thành công mang tính nhân văn sâu sắc. Nó làm mình xúc động như cách mà Maxwell nói về cái chết của mình và sự kế thừa ở chương cuối cùng, chương "Xây dựng di sản". Trước đó, mình lấy làm gối đầu quyển "Quyền lực đích thực" của thiền sư Thích Nhất Hạnh bởi những chỉ dạy về cách sống và nói về cái chết một cách đầy nhân hậu của nhà sư ấy. Nay, ở một nền văn hóa hoàn toàn khác, ở một lĩnh vực hoàn toàn khác, có một người ung dung nói về sự chết như là một bậc đại thiền sư đã qua bờ giác ngộ. Dường như người ta sẽ sống tử tế hơn sau khi suy nghĩ thấu đáo về cái chết của mình. Kỳ diệu thay, một người cả đời tu tập, một người cả đời nghiên cứu và thực hành quản trị mà cùng có cái nhìn thông suốt sự vi diệu của Đạo. Bởi thế, thiền sư Soko Morinaga sau hạnh phúc tột cùng của cảm giác chứng ngộ, đã xúc động thốt lên: "Không chỉ ở những nơi chốn được đặc biệt lập ra cho sự tu tập, mà bất cứ lúc nào và ở đâu, một con người nỗ lực trong sự trang nghiêm, không lo lắng gì đến kết quả và không lùi bước trước những sự thất vọng, là một người chân tu, một người thực sự đi theo con đường Ðạo". (trích sách Từ nụ đến hoa - Soko Morinaga).
Có những quyển sách được viết ra không phải để đọc, mà là để sống. Sách của John C. Maxwell là một quyển sách như vậy. Người tặng sách hẳn đã thấy được tiềm năng và kì vọng ở người được tặng sẽ sống với những giá trị mà bậc guru về lãnh đạo đã đúc kết. Đọc xong quyển sách, tiếp tục cần mẫn làm việc đến hôm nay, mình vô cùng xúc động khi trực nhận rằng, thế hệ lãnh đạo trực tiếp mình luôn có một cái nhìn thừa nhận sự phát triển của từng nhân viên. Họ lẳng lặng chờ đợi nụ nở thành hoa. Nếu ai đã trải nghiệm cảm giác được thừa nhận, có lẽ sẽ giống như cảm giác của thiền sư Soko Morinaga trong câu chuyện sau đây: Trong một buổi trà đàm, lão sư Zuigan (là sư phụ của Soko) khi được hỏi so sánh trình độ tu tập của ngài với sư phụ mình, đã bình tĩnh trả lời :"ta giỏi hơn". Nhưng khi hỏi ngài và đệ tử của ngài là Sesso ai hơn (Sesso là sư huynh Soko, lúc ấy đang là một thiền sinh quét vườn), ngài không ngần ngại nói ngay: "cái đó còn phải xem". Soko đã bật khóc.
Hàng năm, người lãnh đạo cao nhất Công ty vẫn hay thường đến các Trung tâm để lắng nghe những nhân viên cấp thấp, những người mà ông không trực tiếp chỉ đạo. Khi ông nói về sự thành công, ông không đề cập đến tiền bạc và địa vị. Ông chỉ trải lòng mình với các giá trị về gia đình, cộng đồng và bè bạn. Khi ấy mình lại thấy ở ông bóng dáng của John C. Maxwell, của Thích Nhất Hạnh, của Soko Morinaga. Mình cảm động sâu sắc bởi công ty có một nhà lãnh đạo như vậy.
Chợt nhớ về tiểu sử của tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak. Trong vòng hơn 20 năm, từ một nhân viên quèn chập chững bước vào công ty, ông Lee Myung Bak đã trở thành người lãnh đạo cao nhất của tập đoàn. Bất giác mình mỉm cười tự nghĩ, nếu một tập đoàn lớn nào đó ở Việt Nam mà một nhân viên từ cấp thấp nhất trong vòng hơn 20 năm có thể trở thành chủ tịch, thì đó chắc hẳn có tên MobiFone.

(*): chữ của Nguyễn Ngọc Tư

4 nhận xét:

  1. Em sẽ chờ kết quả từ " giám khảo ".Trong 3 điều hạnh phúc của A.V e nghĩ " Câu chuyện thứ 3 " là điều A.V cảm thấy hạnh phúc nhất? Nếu đạt giải A.V phải mời mọi người đi ăn một chầu linh đình đó( lúc đó e sẽ chọn 1 nhà hàng hạng sang bậc nhất ở Cần Thơ ) hihii.

    Trả lờiXóa
  2. Qua 3 câu chuyện em cảm nhận được câu chuyện thứ 2, còn câu chuyện 1 và 3 em đang cố gắng để mình cảm nhận được cảm giác như thế. Câu chuyện thứ 3 ở dòng cuối "Trong vòng hơn 20 năm, từ một nhân viên quèn chập chững bước vào công ty, ông Lee Myung Bak đã trở thành người lãnh đạo cao nhất của tập đoàn" em đã làm 4 năm như vậy chắc ko đạt tiến độ rùi :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. keke, tủi hả mậy. Chửi xéo anh đày đọa chú mần ác quá hả. Anh vẫn trông chờ chú phát triển mà. Nếu đọc Tinh hoa lãnh đạo, chú mày sẽ thấy chương 2:" Xác định thời điểm then chốt" để chuẩn bị cho thời điểm đó là quan trọng như thế nào. Ở Tây thì vậy, còn Đông thì gọi là Tận nhân lực, tri thiên mệnh.

      Xóa
  3. Sao tui ko tìm thấy còm của tui nhỉ???

    Trả lờiXóa