Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012

Đi xem xiếc


Tối chủ nhật hôm qua, mình và con gái đi xem xiếc, con bé có vẻ phấn khích. Từ hồi vụ kinh doanh hồ bơi tennis của mình bị phá sản (bổ sung thêm một minh chứng điển hình cho phá sản vì khủng hoảng), buổi chiều chủ nhật của nhà mình có vẻ hơi nhàm chán. Bởi vậy, chỉ cần có món giải trí nào khác lạ một chút là mình tranh thủ ngay. Bởi trẻ con thì phải luôn cười. Và trách nhiệm của cha mẹ là duy trì nụ cười của chúng.
Bán vé vào cổng là một nhóm thanh thiếu niên mặt mày có vẻ bặm trợn. Sân khấu được dựng dã chiến trên chiếc xe tải cũ kĩ vẫn dùng chuyên chở cả đoàn. Khán giả được xem trên mặt bằng bỏ hoang ở một góc của thành phố, "rạp" được vây quanh bởi bạt che dùng trong xây dựng. 19g30, bắt đầu những tiết mục đầu tiên. Lúc chiều, xe quảng cáo đi rao là có nhiều thú và nhiều màn hấp dẫn. Mình cũng căng mắt chờ. Màn diễn xen giữa xiếc người và xiếc thú. Người thì có đu dây, thăng bằng, uốn dẻo. Đặc biệt có những màn kinh dị như là móc cái móc sắt vào cổ họng rồi kéo xô nước, thậm chí móc vào mí mắt kéo xô nước. Không biết có thật không nhưng mình thấy 2 chỗ ấy trên cơ thể thật khó mà luyện công được. Còn nếu không thật thì cũng là một màn che mắt tài tình. Tiết mục uốn dẻo và thăng bằng thì em gái biểu diễn có công phu thật sự. Em ấy thực sự là một tài năng, có thể thi đấu quốc tế, không hiểu sao lại giang hồ với đoàn xiếc dạng sơn đông mãi võ này. Xiếc thú thì màn xiếc với khỉ bao giờ cũng lấy được tiếng cười của đám trẻ con. Nhưng lũ khỉ có vẻ rất ghét vụ biểu diễn, bởi mình thấy người huấn luyện luôn hăm dọa nó. Có lẽ nó đã lao động cật lực mà thù lao không tương xứng.
Thì cũng phải thôi, mình đếm sơ sơ số lượng khán giả, nhẩm tính một đêm diễn ở một thành phố trực thuộc trung ương như vầy khoảng gần 200 người, doanh thu cỡ 8 triệu cho một đoàn không dưới 10 người. Đoàn này chắc chắn không diễn được ở Sài Gòn, mình đồ rằng họ diễn ở các trung tâm thị tứ. Thế thì ở các phố chợ khác, doanh thu giỏi lắm bằng phân nửa  hôm nay. So sánh thu nhập, sức lao động của đoàn xiếc như vậy, mình mới thấy trân trọng nhưng con người giang hồ này. Họ cứ quần quật khổ luyện hàng ngày dẫu vô tình thu nhập cứ ngày càng ngắn lại. Bởi nền kinh tế hiện nay, đa phần người dân bạc mặt kiếm cơm, tiền đâu mà lo phần giải trí. Mình làm công ăn lương, phòng làm việc máy lạnh chạy rì rì, ngày 2 buổi 8 tiếng đều đặn cuối tháng lĩnh lương. Nhưng họ, dẫu không còn ai đủ tiền mua vé xem xiếc nữa, vẫn chảy nước mắt tập luyện mỗi ngày, vẫn luôn cận kề nguy hiểm để thuần phục cá sấu, gấu, khỉ, đại bàng. 

Chợt nghĩ, chính sách về kinh tế vĩ mô phải gắn liền với đồng lương của người làm ra chính sách đó. Bởi với nền kinh tế như làm xiếc hiện nay, thì thù lao của các vị phải được trả tương xứng như những diễn viên xiếc.

4 nhận xét:

  1. Xin cám ơn và không hậu tạ.

    Trả lờiXóa
  2. Bai nay hay ghe^. Bac Trau

    Trả lờiXóa
  3. Bác Trâu ghé nhà mình chơi hả. Ở VN bây giờ nghèo quá bác ơi. Tiền lương thì vẫn lĩnh vậy nhưng không hiểu sao càng ngày càng khó thở. Đặc biệt làm ăn thì lời ít lỗ nhiều. Hic hic.

    Trả lờiXóa