Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012

Nhà hiền triết đái bô


Trần Nhân Tông khi đã đắc đạo ngâm nga bài thơ "Cư trần lạc đạo", tới câu "Gia trung hữu bảo hưu tầm mích" ngoài nghĩa đen Phật tánh ra không biết còn có ý muốn nói tới đứa nhỏ bi bô trong nhà không nữa. Riêng bài này, mình hoàn toàn khẳng định rằng, "báu vật trong nhà" (chữ của Nguyễn Duy khi dịch thơ) chính là đứa con lên ba mà mình hết sức trìu mến và trân trọng gọi nó là "nhà hiền triết đái bô".

Sở dĩ như vậy vì mình lờ mờ cảm giác rằng khoảng thời gian của con người độ tuổi từ 3-5 hình như là cái đích sống để người ta tìm về sau khi đi một chặng dài cuộc đời. Không biết thế nào, nhưng toàn bộ những giá trị chân thực của cái thiện, cái đẹp mình đều nhìn thấy rõ ràng ở con mình. Những giá trị mà mình tưởng là tốt đẹp đều được cuộc sống hồn nhiên của nó vô tư soi rọi một cách tường tận khiến mình phải suy nghĩ một cách hết sức cẩn thận để không tự lừa dối chính mình. Những giáo lý vô thượng của nhà Phật được trình bày rối rắm qua tam đại tạng kinh được hiển lộ tự nhiên trong từng hành động của nó.
Đầu tiên có thể nói là vô thường. Giáo lý này thông thường được các vị sư trình bày như là sự tan vỡ, chia ly, đoạn tuyệt...Nhưng sự lớn lên hàng ngày của con chúng ta chẳng phải là vô thường hay sao. Vô thường theo cách đầy năng động và phát triển. Hay như chân lý tối thượng về nhân quả, rõ ràng, sự có mặt của nó đã luôn nhắc nhở chúng ta lời răn của Phật: "Phàm làm việc gì cũng phải nghĩ đến hậu quả của nó". Ừ, đã có quá nhiều lời răn cho việc này rồi. Các sát thủ máu lạnh đang giết người đầy rẫy được báo chí đăng tin hàng ngày hẳn phải rất chùn tay nếu có một đứa nhỏ gọi cha cha đang ngồi đợi trước cửa nhà.
Rồi một trong tứ vô lượng tâm là "Xả" cũng được đến với nó nhẹ như sợi lông hồng. Nó xả mọi sự sợ hãi như người ta vô tư đại tiện vậy. Việc làm, giá tăng, sếp lớn, tiền lương... không mảy may chạm vào thế giới tinh thần của nó. Phật đã có một ví dụ đơn giản cho các đồ đệ về pháp xả này: " Một người nông dân vẻ mặt hớt hải, chạy hổn hển hỏi Phật: Ngài có thấy con bò tôi chạy ngang đây không, trời ơi mất nó chắc tôi không sống nổi quá, tài sản của tôi ơi...". Phật nói: "Quý thầy thật may mắn vì không có con bò để mất". Rõ ràng người ta phải cố gắng tu tập rất nhiều để xả bỏ con bò mình có càng ngày càng lớn.

Và những bài học khó nhai như là Tín, như là Tấn, như là Niệm...con mình đều sống một cách tự nhiên như là hơi thở của nó vậy. Tín ư? Không ai xô đổ được niềm tin mãnh liệt vào cha mẹ của nó cả. Tấn ư? Không ai tự rút kinh nghiệm và ứng biến nhanh như bọn trẻ con. Và chánh niệm, món cơ bản để mở cánh cửa bí hiểm của Thiền được nó thể hiện tuyệt vời như một môn đồ Thiền tông xuất chúng. Hãy ngắm cơn giận của con bạn, đó hoàn toàn toàn là sự giận dữ, không thêm bất kì cảm xúc nào khác. Hay sự khóc của nó, trong những giây phút nó khóc đòi gì đó, hoàn toàn chỉ có cơn khóc. Và tiếng cười, đó thực sự là thiên đường không đâu khác. Thật hiếm hoi, nếu không muốn nói là hầu như không còn người trưởng thành nào có được cái cười của trẻ thơ nữa. Đó là sự an lạc tuyệt đối của Tâm, Tâm vô trụ. Cái Tâm mà Huệ Khả đã phải chặt chính cánh tay của mình để mong cầu được Bồ Đề Đạt Ma khai ngộ. Chả phải các đại sư vẫn luôn cố gắng dùng mớ hạn hẹp của ngôn từ để nói về chánh niệm hay sao: khi uống trà, bạn hãy là tách trà; quét rác, hãy là cây chổi; cơn giận bùng lên, hãy là là cơn giận, lặng lẽ quan sát cảm xúc chính mình trong vô ngã, không kìm nén....
Sự chánh niệm tự nhiên của con mình luôn làm mình phải tự vấn lại các giá trị mà ranh giới của nó thật khó mà phân biệt đâu là là tốt đẹp đâu là xấu xa:
- Lì lợm hay là kiên định?
- Nóng nảy hay là cương trực?
- Thiếu suy nghĩ hay là thẳng thắn?
- Hung hãn hay là anh dũng?
- Dấn thân hay là dại dột?
- Dại dột hay là chân thành?
- Bốc đồng hay là nhiệt tình?
- Nhiệt tình hay là ba phải?
- Hòa đồng hay là thiếu cá tính?
- Cá tính hay là nổi loạn?
- Nổi loạn hay là cách mạng?
- Lễ giáo hay là trói buộc?
- Tự tin hay là khoe mẽ?
- Chín chắn hay là khô cứng?
- Linh hoạt hay là giảo hoạt?
- Năng nổ hay là nông nổi?
- Nhún nhường hay là nhu nhược?
- Cởi mở hay là âm mưu?
- Thân thiện hay là xu nịnh?
- Khiêm tốn hay là thủ đoạn?
- Kiên nhẫn hay là bế tắc?
- Đón đầu hay là ăn xổi?
- Trung thành hay là thiếu tư duy?
- Ổn định hay là trì trệ?
- Chung thủy hay là chịu đựng?
- Nghĩa khí hay là háo danh?
- Cống hiến hay là tham nhũng?
- Lý tưởng hay là hoang tưởng?
- Công bằng hay là cào bằng?
- Đầu cơ hay là nhìn xa?
- Nhìn xa hay là nham hiểm?
- Nhẫn nhịn hay là hèn yếu?
- Lịch sự hay là giả tạo?
- Trí thức hay là rởm đời?
- Đạo đức hay là ngụy quân tử?
- Từ thiện hay là quảng cáo?
- Hiếu thảo hay là phô trương?
- Cần cù hay là lười suy nghĩ?
- Tự do hay là tùy tiện?
- Tùy tiện hay là sáng tạo?
- Sáng tạo hay là phá hoại?
- Tỉ mỉ hay là nhỏ mọn?
- Tiết kiệm hay là bần tiện?
- Phóng khoáng hay là vô trách nhiệm?
- Độc lập hay là vô kỉ luật?
- Kỉ luật hay là độc đoán?
- Tình yêu hay là dục vọng?

Thật là nhức đầu, mới thấy cuộc sống quả "lao đao" với một "niềm tin chông chênh" (chữ của Thích Tâm Thiện). Bởi vậy Chúa Jesus đã mắng các môn đồ: "Thật là một lũ hèn tin".

Kết bài, xin kể một câu chuyện vui có vẻ thông thái và gửi vài hình ảnh của nhà hiền triết mà mình đã nói tới trong bài này.
Truyện:

Lúc 5 tuổi thành công có nghĩa là không tè ra quần.
Lên 10 tuổi thành công là biết đi xe đạp.
16 tuổi thành công là có nhiều bạn bè.
Lúc 20 tuổi thành công là có 1 người yêu mình.
Lên 40 tuổi thành công là rủng rỉnh tiền bạc.
50 tuổi thành công ... vẫn là rủng rỉnh tiền bạc.
Lúc 60 tuổi thành công là ... vẫn có 1 người yêu mình.
70 tuổi thành công là ... vẫn có nhiều bạn bè .
80 tuổi thành công là ... vẫn đi được xe đạp
Và 85 tuổi thành công là ... không tè ra quần.

Ảnh
Nhà hiền triết 5 tháng
 Nhà hiền triết 10 tháng
   Nhà hiền triết 24 tháng
Nhà hiền triết 36 tháng
Nhà hiền triết hiện nay (các bác để  ý, có cái bô của nhà hiền triết ở góc giữa trái tấm hình, hehe)

3 nhận xét:

  1. Em thấy tất cả các đứa trẻ dù trong hoàn cảnh thế nào ( nghịch ngợm hay vui cười,... )chúng đều rất đáng yêu. Và điều mà mỗi chúng ra không có như ở chúng là sự hồn nhiên.

    Trả lờiXóa
  2. Chính xác, ngày càng có nhiều người bắt đầu tu tập để được an lạc và chánh niệm là điều mà rất nhiều sách vở dạy nhưng ta rất khó đạt được. Nhưng khi là trẻ con, tự thân ta lại không tự nhận biết được ta đang có chánh niệm để có thể duy trì cho sau này!

    Trả lờiXóa
  3. Khà khà, bạn tunn nói chuyện cứ như là thiền sinh vậy. Chắc cũng có cơ duyên hay đã thực hành giáo pháp nào chăng? Có thêm câu tự vấn nào thì bổ sung cho mình nhé.

    Trả lờiXóa