Thứ Tư, 7 tháng 11, 2012

"Những điều trông thấy" đã trông thấy rồi


Nhớ hồi học văn ở bậc phổ thông trung học, khi giảng bài "Sở kiến hành" của cụ Nguyễn Du thầy giáo đã truyền cái cảm xúc căm ghét bọn tham quan vinh thân phì gia trước nỗi khốn cùng của dân chúng cho đám học trò tụi mình một cách đầy chân thực. Lúc ấy, đứa nào cũng sục sôi với bất công xã hội, với chế độ phong kiến hà khắc và chỉ muốn trảm hết bọn tham quan. Bài này học đã lâu quá nên câu thơ mình đã không nhớ nữa, chỉ nhớ đại ý là sự bế tắc tột cùng của bà mẹ tha hương cầu thực cho đàn con nheo nhóc, mà sự bế tắc ấy diễn ra ngay tại buổi tiệc của bậc phụ mẫu chi dân. Trong đó, câu thơ "huyết nhục tự sài lang" làm mình nhớ mãi. Có lẽ do thầy giảng ấn tượng? Search trên mạng, câu ấy nằm trong đoạn này:


Bất tích khí hương thổ,
Cẩu đồ cứu sinh phương.
Nhất nhân kiệt dung lực,
Bất sung tứ khẩu lương.
Duyên nhai nhật khất thực,
Thử kế an khả trường.
Nhãn hạ ủy câu hác,
Huyết nhục tự sài lang.

Bản dịch của Nguyễn Hữu Bổng:


Quản chi bước lưu ly,
Miễn sống qua thì đói.
Nhưng một người làm thuê ,
Nuôi bốn miệng sao nổi!
Lần phố xin miếng ăn,
Cách ấy đâu được mãi!
Chết lăn rãnh đến nơi,
Thịt da béo cầy sói.

Hôm nay có dịp đọc lại toàn bài, thấy có đoạn cuối sao nghe quen quen, có lẽ là các bác hay ăn nhậu cũng có cảm giác giống mình:


Thức ăn thừa đổ đi
Quanh xóm no đàn chó,
Biết đâu bên đường quan,
Có mẹ con cực khổ!
Ai vẽ bức tranh này
Dâng lên nhà vua rõ!
Không biết hồi đó thầy có giảng cho mình nghe là do vua không thấy được cảnh khổ mẹ con nên mới để vậy, chứ nếu thấy thì đã cứu giúp rồi hay không. Nhưng mặc kệ thầy giảng kiểu nào thì mình cho rằng bác quan đang ăn mâm cỗ "nào vây cá, gân hươu, lợn dê mâm đầy ngút" đích thị là bản sao của bác nhà vua thôi. Thế thì nhà vua rõ thì được gì nhỉ? Hehe, bác nhà vua sẽ bảo, thôi cứ về quê mà cày cuốc, không có ruộng cày thì bán sức mà nuôi thân, không có sức bán thì bán con mà nuôi miệng (mãi tới thế kỉ XX vẫn còn chị Dậu bán con ấy). Chế độ phong kiến thật thối nát. Chả trách Nguyễn Huy Thiệp chửi:
Ban ngày quan lớn như thần
Ban đêm quan lớn tần mần như ma
Sớm đào tối mận lê la
Đầu tiên sờ đít, sau ra sờ đùi
Nhưng mà xã hội hết phong kiến rồi thì sao nhỉ? Mình chả phải quan lớn gì nhưng mà cũng có khi ăn cỗ (mấy quán ăn gia đình nhan nhản í). Và trong vô số lần bù khú, mình cũng trông thấy không ít bức tranh mà cụ Nguyễn Du đã vẽ tại "Sở kiến hành". Có điều, bức tranh ngày nay hơi khác một tí, thằng ăn thừa không phải chỉ có quan, thức ăn thừa ngoài gân hươu vi cá cho quan còn có hạ phẩm heo bò gà của đám công chức bình dân thích nhậu, chó thì quá no không thèm ngửi và người đàn bà thì bán bánh đa đậu phọng có khi có con có khi không có con.
Và cái bức tranh ấy đang hiện hữu tại muôn vàn quán ăn, nhà hàng đang hoạt động nhộn nhịp khắp nơi. Tạm lấy dân số VN là 90 triệu người, số lượng người nghèo (thu nhập dưới 2 USD/ngày) là 20%,  vậy số dân nghèo là 18 triệu, tạm lấy độ tuổi lao động từ 20 đến 45 tuổi là 40% thì dân số lao động nghèo là 7 triệu, tạm lấy tỉ lệ phụ nữ là 50% thì số lượng phụ nữ nghèo cỡ người đàn bà trong thơ Nguyễn Du là 3,5 triệu người. Giả sử 50% phụ nữ nghèo này mưu sinh tại các quán ăn thì mỗi ngày ta có hơn 1,7 triệu bức tranh "nỗi đau như xé lòng, trời cao có thấu nổi" mà cụ Nguyễn Du đã cảm thán. 

Sự bế tắc ngày nay đã tăng lên hàng triệu lần chăng?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét