Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012

Thần y như Đỗ Hồng Ngọc


Trưa nay coi báo Sài Gòn Tiếp Thị, qua mục phỏng vấn bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc mình mới biết được thế nào là thần y, chuyện như vầy:


Biển Thước (401 – 310 trước Công nguyên) là thầy thuốc nước Triệu thời Đông Chu liệt quốc, nổi tiếng “thần y”. Một hôm Nguỵ vương hỏi Biển Thước: “Ta nghe nói ba anh em nhà thầy đều giỏi y thuật, thử nói ta xem trong ba người, y thuật của ai cao minh nhất?”
Biển Thước đáp: “Anh cả của thần y thuật cao minh nhất, anh hai của thần thứ nhì, còn thần kém nhất trong ba anh em”.
Nguỵ vương ngạc nhiên: “Vậy sao thầy nổi tiếng trong thiên hạ, còn hai anh thầy không ai biết đến?”
Biển Thước đáp: “Vì anh cả thần chữa bệnh cho người khi bệnh chưa xảy ra, người bệnh trông như không có bệnh gì cả cho nên người ta không ai biết anh thần đã phòng bệnh cho họ từ trước; còn anh hai của thần trị bệnh ngay khi người ta mới phát bệnh, nên người ta cho rằng anh hai thần chỉ chữa được bệnh vặt mà không biết rằng nếu để bệnh trầm trọng thì nguy hiểm tính mạng nên chỉ nổi tiếng ở vùng quê, còn thần thì chữa khi bệnh tình người ta đã nguy ngập, tính mạng bị đe doạ... Điều thần làm là phá huyết mủ, phẫu thuật, đắp thuốc, những việc dính đến máu me, nên thần mới vang danh thiên hạ, nhưng dù bệnh có cứu được cũng thường để lại di chứng… Thần thua xa hai anh thần nhưng thiên hạ ít người biết vậy!” (theo Trang tử tâm đắc, Yu Dan, bản dịch Lê Tiến Thành – Dương Ngọc Hân, NXB Trẻ 2011).

Câu chuyện làm mình nhớ tới một truyện vui đăng trên Tuổi Trẻ Cười. Chuyện kể rằng ở nước nọ, người nào làm nghề gì thì cuối năm được thưởng sản phẩm của họ làm, ví như người làm mộc thì được thưởng bàn ghế tủ giường, người làm xây dựng thì được thưởng nhà, người làm cơ khí thì được thưởng xe...Cuối năm, có một người không làm gì cả mà đề nghị cái gì cũng có. Mọi người nhao nhao phản đối, ngươi nọ mới bình thản trả lời, chính vì ta không làm gì hết nên các người mới được yên ổn làm nghề của mình, chứ nếu ta kí vài sắc lệnh thì các ngươi đã chổng mông mà gào rồi. Người ấy là một nhà làm chính sách. Hihi.
Nhà làm chính sách ở nước nọ sao mình thấy quen quen, có lẽ ở nước mình cũng có trường hợp vậy, gọi là chính sách ở trên trời. Và mình cũng như những công dân quốc gia "lạ" nọ, thà quyết tâm dâng hết vài chục phần trăm công sức lao động thậm chí phân nửa để những nhà chính sách kia "đừng làm gì". Vâng, nếu những vị ấy không nghĩ ra được chính sách nào làm tốt đẹp cho cuộc sống người dân hơn thì chí ít, chỉ cần "đừng làm gì" thôi, chứ đừng làm rối cả xã hội bằng những chính sách làm tốt đẹp cho cuộc sống của các vị. Chỉ như vậy thôi, cả nước đã vui mừng và hăng hái đóng góp lắm rồi, những vị làm chính sách ạ. 

2 nhận xét:

  1. Đừng làm gì để được hạnh phúc ấm no, khà khà

    Trả lờiXóa
  2. Phép trị đó gọi là Dĩ bất biến ứng vạn biến

    Trả lờiXóa