Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

Ấn tượng giao ban

Hàng tháng, các trưởng đơn vị cùng với Giám đốc Trung tâm phải họp giao ban với Công ty qua cầu truyền hình. Kết cấu một buổi họp thông thường là phần phát biểu tuần tự của từng Trung tâm, đến các phòng ban công ty. Sau đó, các phó Tổng giám đốc chỉ đạo theo từng mảng chức năng nghiệp vụ, đến tổng Giám đốc tổng kết chỉ đạo. Sau cùng là chủ tịch công ty kết luận cuộc họp. Năm nay, mình tham dự đã 10 cuộc họp như vậy vẫn thấy bình thường. Nhưng ở lần thứ 11 này, phần phát biểu của Chủ tịch Công ty mình có cảm giác là lạ. Những lời ông ấy nói lời lẽ thì vẫn thông thường, nhưng cảm xúc thì mạnh mẽ lắm. Lần này, ông nói về chủ đề tái cơ cấu, chủ đề vẫn được báo chí ra rả suốt cả năm nay. Đối với MobiFone, việc này có lẽ là hệ trọng, và ông nói về điều ấy trong một tâm thế đầy an nhiên. Như một triết gia, ông bình thản: "Thân phận chúng ta chỉ là một thành phần của vũ trụ, vũ trụ xoay vần thì ta phải xoay theo". Và vẫn với một tâm thế như vậy, ông căn dặn mọi người một điều ông tâm đắc, bởi vì mình thấy ông nhắc đi nhắc lại rằng nó luôn luôn đúng, đó là: "Dẫu trước hay sau cơ cấu, các bạn chỉ cứ làm điều đúng, làm một cách đầy trách nhiệm và nhiệt thành". Nghe điều ấy, mình thấy ông không còn là người lãnh đạo nữa, mà đó là một người anh, một người thầy đang dạy dỗ thế hệ đàn em bài học làm người. Bởi làm điều đúng ngày nay thật khó, sau rất nhiều thăng trầm cuộc sống, người ta trở nên lọc lõi hơn chứ ít khi tốt hơn. Vì vậy, đứng trước một quyết định, câu hỏi đầu tiên bật ra, thông thường không phải là: Làm điều đó có đúng không? (suy nghĩ về các giá trị đạo đức, các chuẩn mực xã hội), mà là: Làm điều đó có đáng không? (so sánh những được mất về các món lợi ích, các mối quan hệ) .
Sau những lời bộc bạch như một nhà hiền triết, ông trở lại vai trò người lãnh đạo, và những chỉ đạo lần này cũng khác. Nó không liên quan gì đến chỉ tiêu, nó không liên quan gì đến kế hoạch, nó chỉ là nguyên tắc đầy nhân văn của một người luôn trăn trở vì công ty mình quản lý, vì nhân viên mình lãnh đạo. Nguyên tắc đó là: 1- Mọi mục đích luôn hướng về khách hàng. 2- Luôn quan tâm đến hiệu quả của việc đầu tư. Nói thật, hai điều ấy mình vẫn thường nghe ra rả từ các vị giám đốc khác, đặc biệt là điều thứ hai, như câu thần chú vượt chất vấn của các bác quan chức. Và thường thì mình hơi cười, như khi mình nghe về việc kêu gọi tiết chế lòng tham trong việc chống tham nhũng vậy. Nhưng hôm nay, trong một không khí trang trọng hội nghị, trong một thời điểm nhộn nhạo bộn bề công việc cuối năm, trong một chủ đề tái cơ cấu nhạy cảm, bằng một giọng điệu trầm lắng nặng tâm tư, ông nói những điều ấy mình thấy thật thiêng liêng. Nó thoát ra một cách đầy tự nhiên bởi một người cả đời làm lãnh đạo đúc kết. Bóng dáng John C. Maxwell lại hiện rõ ở ông. Không nghi ngờ gì nữa, một trong những nhà lãnh đạo kiệt xuất nhất Việt Nam đang ở đây. Mình thấy hơi tiếc cho người dân khi ông không tham dự chính trường để mang những tâm huyết đó phụng sự cho đông đảo con người hơn. Ở cương vị lãnh đạo doanh nghiệp của mình, tầm ảnh hưởng của ông chỉ giới hạn trong vài ngàn con người. Nhưng nếu đứng đầu một đơn vị quản lý nhà nước, có lẽ hàng triệu người đã được hưởng lợi.
Cảm xúc về ông làm mình nhớ tới cựu chủ tịch Sacombank, ông Đặng Văn Thành. Vị đại gia này mình thần tượng không phải vì khối tài sản kếch xù của bác ấy, mà vì sự lao động miệt mài từ một người tay trắng xây dựng nên một thương hiệu ngân hàng hàng đầu Việt Nam. Đặc biệt tinh thần và ý chí mạnh mẽ đó được truyền thừa nguyên vẹn cho thế hệ tiếp theo của bác. Và sự ngưỡng mộ của mọi người dành cho bác chính là những giá trị gia đình truyền thống của nhà bác mà đa phần những đại gia nhiều tiền ít đức khác rất lạ lẫm. Trong một tình hình kinh tế nhiều rối ren cộng với sự hớ hênh của pháp luật, bác ấy gục ngã bởi thủ đoạn hiểm ác của một đám đại gia quen thói lọc lừa.  Không rõ bác ấy trải nghiệm cảm giác này như thế nào, nhưng mình luôn cầu mong bác ấy lại xây dựng nên cơ nghiệp rộng lớn khác để làm nản lòng bọn người cướp giật hung hiểm kia.
Những người tốt ở Việt Nam, hình như càng ngày càng đối địch với nhiều thế lực nham hiểm. Gần đây xã hội tăng đột biến tội phạm với nhiều hình thức ra tay cực kì man rợ. Mọi người đua nhau phân tích, do ảnh hưởng bạo lực từ phim ảnh, do internet, do thiếu quan tâm từ gia đình...Mình xin bổ sung thêm một lý do, tạm dẫn ý từ một châm ngôn: Thầy với trò như hình với bóng, hình ngay thì bóng thẳng. Hiểu nghĩa đen chữ thầy, thì thầy ngày nay quá nhiều hình không ngay như là gạ tình nữ sinh, như là chèn ép học sinh học thêm tăng thu nhập, như là điên cuồng chạy thành tích... Hiểu khác một chút, thầy như quan phụ mẫu chi dân, thì quan ngày nay cỡ như Nguyễn Bá Thanh chắc phải gọi là quan đột biến. Quan - thầy không ngay hình như vậy, làm sao cho dân - trò thẳng bóng? Không đại loạn là may. Xin được trích lại 3 điều trong đạo làm quan học được của bạn Kim Huệ như lời nguyện cầu cho một đất nước đàng hoàng hơn, tươi đẹp hơn:

1. Đạo thiên thừa chi quốc,kính sự nhi tính,tiết dụng nhi ái nhân, sử dân dĩ thời.
Dịch nghĩa:Trong việc trị quốc, phải thận trọng không hứa ẩu,biết đãi người hiền,phải được lòng dân.
2.
Vi chính dĩ đức,thệ như bắc thần,cư kỳ sở nhi chúng tinh cộng chi.
Dịch nghĩa: Trị quốc lấy đức làm trọng,mệnh lệnh như Sao Bắc đẩu,duy nhất rõ ràng để mọi người tuân theo.
3.
Đạo chi dĩ chính,tề chi dĩ hình,dân miễn nhi vô sĩ,đạo chi dĩ đức,tề chi dĩ lễ,hữu sỉ thả cách.
Dịch nghĩa: Trị dân dùng pháp chế, hình phạt là chính,dân không dám làm điều phạm pháp,trị dân dùng đạo đức, dùng phép tắc,lòng tốt và nhân cách sẽ cảm hóa được dân.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét