Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Đón năm mới bằng tin bị cưỡng bức


Thế là sau rất nhiều hăm he, vờ lấy ý kiến, đăng đàn kêu gọi yêu nước bằng đóng phí, cuối cùng cái chính sách cưỡng bức thậm tệ túi tiền người dân, đẩy dân đen lấm sâu chốn cơ hàn đã thành hiện thực bởi quyết tâm cao độ của những kẻ có quyền. 
Đọc bài Ván đã đóng thuyền trên báo SGTT thứ tư (ở đây) dẫu đã biết nhưng mình vẫn cứ đau nỗi đau bị cưỡng bức. Nó như một vết thương mãi mãi không lành miệng chừng nào mà mình vẫn còn phải bỏ tiền ra vì cái chính sách hà khắc này. Bài viết của Trung Đức có vẻ hiền (chắc là để được đăng?). Đám doanh nhân hơn 200 người đi họp cũng như cục đất càng làm tăng thêm nỗi thảm não của bức tranh ảm đạm trước Tết. Không biết cái vị nữ chủ doanh nghiệp vận tải nào đó đã có lần rất hùng hổ đòi đình công có tham dự hay không hay là đã được uốn nắn giáo dục sâu sắc mà cả hội trường cứ như rạp chiếu phim. Để rồi những vị giám đốc lừng lẫy hét ra lửa cứ như những con cừu non trước các vị ở Bộ GTVT đang rao giảng cái gọi là “Triển khai nghị định 18 và thông tư 197 về thu phí bảo trì đường bộ”. Tức là họ đã có chủ trương. Rất dễ để hình dung rằng nước lên thuyền lên. Toàn bộ phí đánh vào các doanh nghiệp vận tải này sẽ được đám dân đen có nhu cầu đi lại, giao thương hứng trọn.
Thực vậy, vận tải đường bộ chính là huyết mạch của nền kinh tế. Cũng như viễn thông, điện, nước, xăng dầu, nó là thành phần cơ bản làm nên giá thành hàng hóa. Giữa lúc tình hình kinh tế ảm đạm như hiện nay, phí đường bộ này quả là một đòn chí mạng đánh rơi những lon gạo cuối cùng của người cùn khổ. Thế là Tết này, đường về của những công nhân rời quê mưu sinh vốn xa nay lại càng thăm thẳm. Chút quà về quê ăn Tết vốn ít ỏi nay lại càng thêm hao mòn vì cái thứ phí vô lương. Những bệnh nhân oằn mình vì bệnh tật gắng góp chút tiền còm lên thành phố chữa trị lại phải bớt đi vài loại thuốc để dành tiền cho việc đi lại.  Các bác xe ôm cả ngày bạc mặt chờ khách kiếm chút tiền lương thiện bữa cơm vốn đạm bạc nay lại càng đạm bạc hơn, và phương tiện mưu sinh là cái xe cà tàng càng cọc cạch hơn vì bị xén bớt phần bảo dưỡng cho cái thứ phí trên trời rớt xuống. Đúng là chính sách bần cùng hóa người dân. Chả trách tình hình cướp giật xuất hiện với tần suất dày đặc hơn. Đặc biệt nó lại càng hung hãn khi biết chắc con mồi đang bơ vơ sợ hãi vì sự lỏng tay của bộ phận đặc trách an ninh người dân (nhưng hình như bộ phận này lại chặt chẽ một cách bất thường trong các cuộc tuần hành yêu nước, trong các phiên tòa xét xử những công dân như là Hoàng Khương). Sống lương thiện ngày nay khó lắm. Các lâm tặc hoàn lương hành nghề chụp ảnh cũng bị thằng vớ vẩn trông coi khu du lịch chèn ép bắt chụp bằng máy ảnh kỹ thuật số đắt tiền bởi đơn giản hắn có cửa hàng rửa ảnh kỹ thuật số. Hay trước đó, thằng nhân viên quèn ở Sở GTVT Vĩnh Long thẳng tay hạ sát đối tác vì dám không thuê cái máy đào đồng nát của hắn. Đúng là đại loạn. Thật ghê gớm khi quyền lực không được giám sát. Nó sinh ra những ảo tưởng quái dị của kẻ cầm quyền, gây ra những tổn hại khôn lường cho xã hội. Đặc biệt, nếu đủ mạnh, nó còn gây ra hỗn mang thế giới. Nhân loại ít nhất đã một lần trải nghiệm sự kinh hoàng của quốc trưởng Đức quốc xã và đã đúc kết được rằng trừ Chúa, ai cũng cần phải có người giám sát và bị thúc đẩy bởi áp lực để phát triển.
Thôi thì hãy nghe lời bác Dương Trung Quốc "Quốc hội nào chính phủ đó" mà "Tiên trách kỉ hậu trách nhân vậy". Lòng tự vấn không biết mình có thuộc số thằng bị Bùi Chí Vinh chửi hay không:"Ta sinh ra gặp buổi nhiễu nhương. Bất lương bàn luận chuyện hiền lương.."
Nhân hôm nay có lời đồn tận thế, mình xin chép lại bài thơ lượm được ở nhà bác bọ Lập, tác giả là Vũ Trung Hiếu. Xin trân trọng giới thiệu:

Có nhiều thứ đã từ lâu tận thế

Tận thế ư? Thật tình tôi chả sợ
Báo mỗi ngày đăng toàn những chuyện buồn
Khi cuộc sống hắt những ngày nặng trĩu
Thì có khi tận thế lại còn hơn

Tôi thấy quanh tôi hàng triệu nỗi buồn
Những câu hỏi im lìm trong đáy mắt
Những dối trá đang nhấn chìm sự thật
Những lời hứa vô tâm, những dự án vô hồn

Lên mạng online để càng thêm cô đơn
Nhà cửa càng rộng lòng người càng chật
Tiền vào túi mà chữ tình rơi mất
Ôi cuộc đời vụng dại những vòng si

Tận thế ư, tôi chả thấy sợ gì
Có nhiều thứ đã từ lâu tận thế
Người ta đua nhau mua gạo, mua mì
Tôi nhắm mắt thấy thiên đường hết vé

Tận thế ư? Bạn làm ơn nói khẽ 
Kẻo tôi giật mình vỡ mộng Nam Kha ...


2 nhận xét:

  1. Có lẽ A.V có kêu than thế nào cũng không lay động được " Công lý " đâu, đôi lúc cứ nghĩ tại sao nước VN cứ không bằng người ta, chắc cũng là do một trong những điều này.Bài thơ của bác Vũ Trung Hiếu thật hay.

    Trả lờiXóa
  2. Bùi Chí Vinh cũng hay nữa đấy. "Bất lương bàn luận chuyện hiền lương.."

    Trả lờiXóa