Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

Khai quốc công thần


Lịch sử phong kiến với sự tập quyền duy nhất về một kẻ đứng đầu đã sinh ra nhiều hệ luy tư tưởng quái dị. Bởi quyền lực mà không được giám sát luôn tạo ảo tưởng vô địch cho kẻ đang sử dụng quyền lực đó. Do đặc trưng của triều đình phong kiến là cha truyền con nối, vì vậy thông thường, các thế hệ vua sau này, vốn được lớn lên trong thành quả của người đi trước mà không phải tốn bất kì công sức nào, lại sở hữu quyền lực tối thượng nên triều đại dần dần suy vong. Luật nhân quả và thuyết tiến hóa của Chúa đặt ra vốn áp dụng cho tất cả các loài trong vũ trụ cũng không sai một tí nào đối với con người.
Chính vì chính sách cha truyền con nối như vậy nên các vì vua lập quốc, sau khi định được thiên hạ, mặc dù ban thưởng rất hậu cho những người sát cánh cùng mình nhưng cũng hết sức dè chừng các vị ấy. Vì hơn ai hết họ biết rõ khả năng hiệu triệu thiên hạ của những vị khai quốc công thần ấy đến đâu. Và đau đớn thay, lịch sử ghi nhận hầu như các khai quốc công thần đều chết thảm. Lịch sử Việt Nam cũng không ngoại lệ, và rõ ràng trong số các khai quốc công thần bị bức tử, không thời nào nhiều và thảm bằng thời của Lê Lợi.
Cuộc chiến mà Lê Lợi cùng các công thần chống giặc Minh xứng đáng là một trong những trang sử oai hùng của Đại Việt. Nhưng sự chết thảm lần lượt của những công thần cũng là người anh em của Lê Lợi sau đó đã phủ một bóng mây oan nghiệt lên triều đình này. Nhớ lại thế kỉ 13, khi Trần Thủ Độ giết hết tôn thất nhà Lý (vẫn là giả thuyết) để ổn định lòng dân cho triều đình non trẻ mới thành lập thì cũng không quá đẫm máu như cuộc thanh trừng này. Bởi dường như sự thanh trừng đó là một con đường đã được thiết kế sẵn và được thi công ngay sau khi hoàng đế băng hà.
Ngay khi tại vị, 2 nhân vật họ Trần đầy nguy hiểm đã được thanh lọc. Mở đầu là tấm bình phong Trần Cảo. Trần Cảo chịu thân phận chỉ định phải làm vua cho chính danh cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi, sau khi thành công, đã hết sức sợ hãi xin lui về vườn mà vẫn bị truy sát không thoát. Và, nhân vật quyền lực số 2 là Trần Nguyên Hãn dẫu khi ấy đã trao hết binh quyền lui về ở ẩn vẫn không thoát số phận bi phẫn. Để rồi sau đó các trọng thần từ vị trí số 3 là Nguyễn Trãi đến Lê Sát, Lê Ngân, Phạm Văn Xảo đã được định tội đẹp mắt. Sử chép các vị ấy bị nịnh thần giáng họa. Không rõ có vậy hay không nhưng dưới triều Lê Thái Tông không vị nào là không phạm tội tày đình cả. Như Lê Sát trước khi bị bắt uống thuốc độc chết mới cảm thán:" Khép tôi vào tội chuyên quyền, ấy chính là do tiên đế ấn vào tôi vậy".
Lịch sử có chép tội của Trần Nguyễn Hãn là dám nói Lê Lợi có tướng mạo Câu Tiễn nên chỉ ở được lúc hoạn nạn chứ không thể sống cùng lúc thái bình. Không biết có đúng không nhưng xét việc Phạm Lãi trả ấn từ quan mà được sống đủ thấy cả Câu Tiễn cũng còn chút tình người chứ không truy cùng giết tận như Lê Lợi. Bộ lịch sử hoàn chỉnh nhất Việt Nam là Đại Việt sử kí toàn thư, vốn được viết bởi một quan sống cùng thời, đã hết lời ca ngợi sự nhân từ của Lê Lợi khi chẳng những tha hết hàng binh mà còn ban thêm lương thực và đặc biệt đã không lén đánh đắm thuyền trở về của hàng binh như Trần Hưng Đạo. Thế nhưng có ai dám nói Trần Hưng Đạo không nhân từ không khi đến tận cuối đời, lời khuyên của ông cho vua vẫn là "lấy khoan thư sức dân làm kế rễ sâu bền gốc". Mọi việc đều phải dùng cái nhìn của thời cuộc để soi rọi, miễn là mọi hành động đều phải vì dân. Ô Mã Nhi là một đại tướng tham ác, chỉ cần hắn trở về, Đại Việt ta lại phải lâm cảnh đao binh, Trần Hưng Đạo mới tiên cơ mà ám sát. Và rõ ràng, không còn Ô Mã Nhi, nhà Nguyên cũng không dám tấn công Đại Việt. Còn Lê Lợi tha cho bọn Trương Phụ là nhân từ hay lực lượng nhà Minh vẫn còn quá mạnh, đánh một trận sống mái nữa thì chắc gì ông ta còn cái ngai vàng để ngồi?

Dẫu biết lịch sử mà có chữ "nếu" thì chẳng phải là lịch sử, và đã làm chính trị là phải thủ đoạn. Nhưng xã hội ngày nay sao mà quá nhiều thủ đoạn đến nỗi để sống lương thiện thôi sao mà quá khó. Nhân những ngày đầu năm nhàn đàm thế sự, nếu phải cầu chúc một điều gì đó, mình chỉ muốn có một chữ "nếu" xảy ra.


3 nhận xét:

  1. Nhân tình cờ lên mạng đang download ' Quyển Đại Việt Sử Ký Toàn Thư " cũng trùng hợp với bài viết của A.Vinh đây,thật ra bây giờ để đọc lịch sử thì không có lòng tin xác đáng lắm. Em thấy nếu A.V cầu chúc có chữ " nếu ", nếu như nó đem lại điều tốt lành thì không sao, nhưng nếu như nó đem đến đều bất lợi thì không an toàn.

    Trả lờiXóa
  2. Bài viết của mình dễ lộ hàng vậy ta. Bạn Kim Huệ gõ từ khóa gì mà thằng google nó search ra vậy. Còn chữ "nếu" tốt hay xấu thì "vạn pháp tùy duyên" thôi. Kinh Dịch nói, "phúc trung hữu họa' mà lị.

    Trả lờiXóa
  3. Hihihi, bài viết A.V vẫn kg có lộ hàng trên trang google, ý câu nói của em tình cơ em lang thang trên mạng và thấy được quyển " Đại việt sử ký toàn thư " và sau đó ghé trang blog này và trùng hợp với bài viết của A.V đó. A.V nói đúng " Vạn pháp tùy duyên ".

    Trả lờiXóa