Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

Sống thật thời @


Gần đây, cộng đồng mạng được một phen phát sốt với tin nghệ sĩ Kim Chi từ chối bằng khen của thủ tướng. Chỉ riêng việc từ chối thôi đã là một hành động đặc biệt rồi, đằng này nó quá đăc biệt ở lý do từ chối: "Tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Với tôi, đó là một điều rất tổn thương vì cảm giác của mình bị xúc phạm." (nguồn ở đây). Hành động của bà nhận được nhiều ý kiến trái chiều, nhưng ý kiến ngắn gọn của Đỗ Trung Quân làm mình mắc cỡ hơn cả: "Chị  Kim Chi. Chị đáng kính trọng hơn biết bao thằng đàn ông vừa hèn vừa nịnh, chúng có tất cả trừ nhân cách." Trước đó, với tư cách đại biểu Quốc hội, Dương Trung Quốc đã một phen đánh dậy "nhân cách những thằng đàn ông" với câu hỏi đi vào lịch sử: Phải chăng Thủ tướng nên nhân dịp này thể hiện quyết tâm sửa chữa của mình bằng cách khởi động cho một cuộc phấn đấu Chính phủ hướng tới đoạn tuyệt với lời xin lỗi, thay bằng một tập quán phù hợp với xã hội hiện đại là văn hóa từ chức với một lộ trình để quan chức của ta từng bước làm được điều mà các quốc gia tiên tiến vẫn làm?” (các bác xem bài viết khác của mình ở đây). Nay, một người nghệ sĩ, lại là phụ nữ, một cách đầy tự tin và dũng cảm thẳng thắn trình bày rành rọt quan điểm khác thường của mình trước đại chúng. Với kiến thức nông cạn, trải nghiệm ít ỏi mình không đánh giá được hành động của bà là đúng hay sai. Nhưng mình cảm nhận được cõ lẽ bà đã ngộ được việc gì đó rất sâu sắc trong đời. Cái ngộ mà mình đoán như một nhân vật trong tiểu thuyết của Somerset Maugham mình đã đọc: hai người đồng đội trước một trận chiến vẫn đang nói cười rôm rả với nhau, bước vào trận chiến, một người nhìn thấy người đồng đội của mình trúng đạn và ra đi trong đau đớn. Trở về từ cuộc chiến, người chiến binh ấy hầu như thay đổi toàn bộ cuộc sống. Anh yêu thương mọi người hơn, không sợ hãi quá nhiều thứ nữa và đặc biệt anh sống thật với chính mình. Gần đây, nhà văn Chinh Ba được phỏng vấn trên báo Sài Gòn Tiếp Thị cũng trả lời có rất nhiều kí ức sâu đậm về chiến tranh. Đó là những cái chết tức tưởi, những cái chết diễn ra từ từ, những hình hài biến dạng... Hãy nghe những kí ức đó: "Lần đó tôi với một đứa bạn đi học, đang đi thì bị một đợt đại bác nã. Hai đứa cầm tay nhau chạy thật xa mong thoát chết, qua một vùng trũng, tự nhiên thấy bạn buông tay mình, tôi quay trở lại thì thấy nó nằm sấp trên mặt nước, đầu đầy máu, óc vung vãi. Đó là lần đầu tôi chứng kiến cái chết. Một lần khác tôi đi qua vùng bị chiếm, trên đường đi thấy một anh đang ở tư thế ngồi bị trúng đạn có lỗ thủng ở ngực xuyên qua lưng, vậy mà anh ấy vẫn sống, đau đớn, ngơ ngác nhìn chung quanh, nhưng lúc đó chẳng ai cứu anh được vì ai cũng lo chạy. Rồi có lần gặp một người ăn xin, khi nhìn lên, thấy hàm dưới không có, hàm trên dính với cổ họng, chảy nhớt dãi." (xem bài phỏng vấn nhà văn Chinh Ba ở đây).
Cuộc sống thời kinh tế thị trường với nỗi lo cơm áo gạo tiền đã gần như lấn lướt hết thời gian để người ta có thể chiêm nghiệm lại mục đích cuộc sống của đời mình mà có lẽ chỉ khi chạm sát lằn ranh giữa cuộc sống và cái chết người ta ngộ ra một vài lẽ thật của cuộc sống. Mình đọc một vài người viết tử tế kinh qua chiến tranh đều thấy sự thâm trầm như nhà hiền triết của họ: Hoàng Phủ Ngọc Tường, Bảo Ninh, Việt Linh... Bởi dẫu thành công của con người lớn lao cỡ nào, thất bại của họ thê thảm ra sao thì điểm cuối của đời người vẫn là cái chết. Cho nên, chọn phải sống như thế nào là trách nhiệm của từng con người đang tham gia vào xã hội.
Và một trong những quan niệm sống đó là: “Cống hiến cho xã hội là món nợ chúng ta trả cho việc được sống trên trái đất này”.

(Trích dẫn lời của bác sĩ Joseph E. Murray, cùng với bác sĩ Donnall E. Thomas cha đẻ của ghép tuỷ xương, người khơi dòng ghép tạng. Đã cống hiến lớn lao cho đời, hai lão ông như rủ nhau về cõi vĩnh hằng. Thomas vừa qua đời ở thành phố Seattle (Mỹ) ngày 20.10 ở tuổi 92. Murray 93 tuổi tiếp bước hôm 26.11 tại bệnh viện Brigham thành phố Boston (Mỹ), nơi ông thực hiện ca ghép thận lịch sử. Nguồn ở đây)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét