Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

Tết Tây- Tết ta


Lang thang trên mạng gần đây, vô tình gặp phải ý tưởng bỏ Tết ta, thấy ngộ ngộ mình coi thử. Quả là một ý kiến cực kì táo bạo. Và như thông thường, hễ cái gì khác thường hay bị ném đá. Bài viết lạ: Ăn Tết theo dương lịch: Tốt đủ mọi đàng...của tác giả Hà Văn Thịnh (nguồn ở đây) bị ném đá kịch liệt nhưng mình lại thấy có lý vô cùng, dẫu theo quán tính, mình cũng thấy hết sức kì cục khi ngày Tết không phải là ngày mồng một tháng một đầu năm âm lịch.
Search trên mạng, hiện nay tổng cộng có 5 nước ăn Tết giống Việt Nam là: Triều Tiên, Trung Quốc, Mông Cổ, Bhutan, Nepal. Các nước này dùng lịch gọi là lịch mặt trăng chứ không phải lịch mặt trời như các nước còn lại. Bỏ qua vấn đề văn hóa và tín ngưỡng, mình thấy dùng 2 hệ lịch song song trong một quốc gia có vẻ gì đó rối rắm, và những lý luận mà Hà Văn Thịnh phân tích mình thấy chính xác vô cùng.
Ý kiến ném đá thì tựu trung lại thì đây là vấn đề văn hóa và tâm linh, là hồn cốt dân tộc, là giây phút thiêng liêng thời khắc giao thừa...do đó sỉ vả tác giả cũng nặng lời lắm. Vì ủng hộ tác giả, nên mình có mấy ý kiến như sau:
Những ngày còn nhỏ, Tết đối với mình là cái không khí chộn rộn ở chợ, ở nhà khi người ta nhộn nhịp sắm sửa đồ ăn thức uống để nghỉ ngơi và ăn uống trong 3 ngày. Để rồi đúng ngày 30 âm lịch, nhà nào cũng đã sẵn nồi thịt kho hột vịt, cặp chậu bông vạn thọ, nhành mai trên bàn khách, đĩa mứt và đặc biệt là những tiếng pháo dòn giã đêm giao thừa. Nhưng cùng với sự phát triển xã hội, phong tục đốt pháo được bãi bỏ. Tiếp đến, đĩa mứt cũng thay bằng các loại bánh kẹo dễ mua. Dưa kiệu, bánh tét không còn làm mà cứ ra chợ mà mua, lúc nào cũng sẵn.  Đến như mồng một, nếu như hồi trước chợ không một bóng người bán, thì nay, ngày mồng một ra chợ kẻ bán người mua vẫn tấp nập không khác chi ngày thường. Như vậy, không khí Tết ngày nay đã khác xưa nhiều lắm. Bây giờ, thời kinh tế thị trường, mình thấy rõ ràng càng ngày Tết càng mang ý nghĩa là kiểm điểm lương thưởng để tổng kết thu nhập năm, xem xét bao nhiêu ngày nghỉ để lên kế hoạch du lịch. Ít tiền hơn thì lôi nhau ra mà bù khú cả ngày, rồi gây tai nạn. Rõ ràng cái hại ngời ngời trước mắt.
Còn thời khắc giao thừa thiêng liêng ư? Nếu lịch không in ngày âm, chỉ duy nhất ngày dương thì thời khắc giao thừa thiêng liêng cứ là 0 giờ ngày 31 tháng 12, có chi mà băn khoăn. Những ông to mồm nói về văn hóa có cam đoan đúng giao thừa là thắp nén nhang mà lạy tổ tiên không hay là đang cụng ly dô dô cùng chiến hữu.
Một cái lợi nữa mà Hà Văn Thịnh chưa nói tới là tệ dị đoan xem ngày coi tuổi đoán vận mệnh sẽ dần dần tự tiêu trừ vì không còn ngày âm lịch. Mình thấy cái món ấy có thì vui nhưng không có rõ là tiến bộ. Luật nhân quả rành rành ra đó, can cớ gì mà một phận người sinh ra đã định sẵn giàu có nghèo hèn?
Rõ ràng, đã đến lúc người Việt mạnh dạn tiếp thu văn hóa tiên tiến, tháo bỏ gông xiềng văn hóa ngàn năm đô hộ mà lầm tưởng văn hóa của mình bằng cách triệt để sử dụng lịch Tây.


2 nhận xét:

  1. Em nghĩ đã là Văn hóa Cổ Truyền thì khó mà thay đổi được, vì như một số người đã nói nếu thay đổi nó đi thì khác nào phá bỏ tục lệ của Ông bà xưa. Nhưng nói thì nói thật, những năm trở lại đây Tết không còn là không khí Tết nữa, Ví dụ như Bà ngoại nhà Em các năm trước còn kiêng cữ một số điều, nhưng dần dần Bà đã hạn chế điều này.

    Trả lờiXóa
  2. Có câu: nghe một lần thì thấy lạ, nghe 2 lần thì thấy quen, nghe 3 lần thì làm theo. Thời đại ta bây giờ thì chỉ là ý tưởng, nhưng đến đời con ta, cháu ta hay hàng trăm năm nữa, thì không ai biết điều gì.

    Trả lờiXóa