Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

Hồn dân tộc


Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
                       (Trích Bên kia sông Đuống, Hoàng Cầm)

Có ý kiến của một bác nào đấy cho rằng, trong thời đại toàn cầu hóa này, giả sử bản sắc Việt Nam có bị hội nhập hết thì có 2 thứ không bao giờ đánh mất, đó là áo dài và nước mắm. Bác ấy hoàn toàn có lý. Lại có bài báo viết về kỹ thuật gói bánh chưng của người Việt, bài ấy nói trong cách gói bánh ấy, nó chứa đựng cả một trời nhân sinh quan sâu sắc của ông bà ta. Đó là cách buộc dây bánh và gói. Từng động tác được tính toán một cách cặn kẽ và thực hiện chính xác trong một tâm thức hoàn toàn thanh thản mới cho ra đời được một chiếc bánh ngon và đẹp. Bài báo này cũng rất đúng.
Cảm hứng từ 2 ý kiến trên khiến mình nhớ đến 2 ấn tượng mà mình đánh giá cũng thuộc hàng bản sắc đỉnh, không thể hội nhập. Đó là chiếc đàn bầu và kỹ thuật làm bánh tráng. Cả hai món này đích thân mình đã trải nghiệm và mang lại những cảm hứng tuyệt vời trong suy nghĩ về cái gọi là văn hóa dân tộc.

Bánh cuốn, là thứ bột lỏng, được múc một gáo trải lên một mặt vải đã căng trên một nồi hơi nước nóng. Sau khi cán mỏng bột thì đậy nắp lại chờ cho chín. Bánh chín xong, lấy một cây như là đũa bếp dích lên và trải lên một cái mâm hay cái sề. Ăn liền thì có món bánh cuốn và đem phơi khô sẽ ra món bánh tráng. Ai ăn quen cũng thấy nó thật là đơn giản. Nhưng kĩ thuật này chứa đầy triết lý. Có 2 động tác quan trọng cho sự thành công của chiếc bánh là cán bánh đều trên mặt vải và trải bánh thẳng trên sề. Việc cán bánh quan trọng bởi nó phải nhanh tay để không có chỗ chín trước chỗ chín sau và dùng gáo trải đều cho bánh phẳng đều. Động tác quan trọng cuối cùng quyết định thành bại chính là khâu trải bánh. Sau khi từ tốn quấn bánh vào đũa bếp, người thợ bằng một thao tác dứt khoát nhưng mềm mại hất chiếc bánh mềm oặt kia sao cho xòe tròn trên sề là thành công. Tất cả bọn người ngoại đạo thử làm việc ấy (có mình) đều hoàn toàn thất bại trong một động tác như vậy. Mình ngộ rằng, khi thực hiện kỹ thuật ấy, người thợ phải hoàn toàn vắng bóng cái tôi đi, bởi chỉ cần một chút tạp niệm lóe lên như là sợ hãi như là hy vọng thì đều thất bại. Bởi vậy, cụ bà làm bánh tráng hôm mình gặp ở làng du lịch Cái Bè đã có một thần thái rất đáng ngưỡng mộ, thần thái của người thường xuyên đào luyện tâm, tâm vô trụ.
Còn chiếc đàn bầu, nó thực sự là thứ nếu ai không tự hào thì đích thị không phải người Việt Nam. Tương tự như gói bánh chưng hay làm bánh tráng, triết lý mà nó mang lại cũng cực kì sâu sắc. Những ai đã từng đánh đàn đều thấy khảy sợi dây đàn của bất cứ đàn nào cho nó kêu thành tiếng là điều hết sức đơn giản. Nhưng đàn bầu thì không. Khảy được đàn bầu, bạn phải hết sức tì nhẹ nhàng một ngón tay vào sợi dây, để 2 ngón kẹp phím còn lại khảy dứt khoát vào sợi đàn, âm thanh mới phát ra. Nhưng đó chỉ là âm thanh đơn giản. Cây đàn bầu tuy dài nhưng chỉ ra nốt trong một phần tư chiều dài của nó. Trong khoảng chiều dài ấy, chỉ có bốn nốt ở bốn điểm khác nhau, giữa các nốt ấy, bạn phải căng hay chùng dây bằng cần đàn để đánh những nốt còn lại. Đó lại thêm một điều đáng nói. Bàn tay trái gạt cần đàn cũng phải hết sức nhẹ nhàng nhưng dứt khoát để âm thanh thoát ra mềm mại, đúng tông. Rõ ràng, với một cái tâm thô lỗ đầy tham lam mong cầu tạp niệm, người ta khó lòng mà đánh được những thanh âm mê hoặc từ chiếc đàn. Trong một buổi sáng đẹp trời ở công viên Dinh độc lập, mình đã ngẩn người trước một người trẻ tuổi nhưng đánh đàn bầu một cách hết sức tự tin và điêu luyện.
Thiền tông khi đã du nhập vào Nhật Bản, có xuất hiện một số hình thức như Thiền trong võ đạo, Thiền trong trà, Thiền bắn cung... Thiết nghĩ, với những đặc trưng đầy chất thiền như những món mình trình bày ở trên, các đại sư Việt Nam hoàn toàn có thể sáng tạo ra những kỹ thuật thiền đầy bản sắc như: Thiền trong nghệ thuật gói bánh chưng; Thiền trong kỹ thuật làm bánh tráng; Thiền trong kỹ thuật đánh đàn bầu.

Khi ấy, không chừng Việt Nam lại xuất hiện vô số Thiền sư ngang tầm Huệ Năng, Lâm Tế cũng nên.

Pháp chứng


Xem loạt phim hồ sơ trinh sát của Hồng Kông trên truyền hình, mình rất ấn tượng với cách dàn dựng và hiểu biết về pháp y của đạo diễn. Bởi cách diễn xuất, tính logic của vấn đề được thể hiện trước màn ảnh một cách hết sức tài tình và khoa học. Mình nể trọng ngành pháp y từ đó.
Pháp y Việt Nam cũng tỏ ra chẳng hề kém cạnh khi một dạo báo Tuổi Trẻ có loạt bài viết về ngành này. Rằng các anh cũng xông pha bất kể thời gian, bất kể xú khí của tử thi nặng mùi, một lòng quyết tìm ra bằng chứng để đưa thủ phạm ra công lý. Câu nói cửa miệng của các anh là "xác chết biết nói" đủ để thấy  trình độ khoa học cũng như kỹ năng nghề nghiệp của ngành pháp y nước nhà tiến bộ đến chừng nào. Và trình độ ấy đã tiến đến mức hơn hẳn các đồng nghiệp Hồng Kông khi cùng một kết quả khám nghiệm khách quan nhưng kết luận thủ phạm thì được xác định tùy theo phản ứng của gia đình nạn nhân. Minh chứng rõ nét đau lòng là vụ chết của anh Nguyễn Anh Tuấn khi bằng chứng pháp y có xu hướng nghiêng về thủ phạm là con rể của một quan chức khả kính đứng đầu một tỉnh. Đó là một nền pháp y sẵn sàng kết luận nạn nhân chết do say rượu sặc nước khi người nạn nhân còn tím bầm và xương sườn gãy sạch. Nền pháp y đó còn có những kết luận rất khoa học về những cái chết vui nhộn đại thể như vầy:

-Huỳnh Công Nhựt ở đồn CA huyện Bến Cát Bình Dương ngày 25.04.2011, được kết luận là ân hận, tử tử bằng sợi giây sạc pin điện thoại cầm tay. Có để lại “lá thư tuyệt mệnh”.(ở đây)
- Nguyễn Văn Khương ,21 tuổi, chết ở đồn CA huyện Tân Yên Bắc Giang vào ngày 23.07.1010, được kết luận là “bị cảm” khi đang ngồi trên ghế trong nhà công an. (ở đây)
-Võ Văn Khánh, 29 tuổi, chết ở đồn CA huyện Điện Bàn ngày 10.05.2010, được kết luận là “tự tử bằng dây buộc giầy”. Mặc dù “Khi gia đình khâm liệm, phát hiện thi thể anh Khánh không bình thường. Từ phần ngực xuống hai bên sườn có dấu giày in đậm và tím bầm nhiều chỗ….” (ở đây).
-Nguyễn Quốc Bảo, 33 tuổi, chết ở đồn CA Quận Hai Bà Trưng Hà Nội vào ngày 21.01.2010, được cho là lao đầu vào ghế băng ở đồn CA tự vẫn. (ở đây).
- Đặng Đình Trung ở xã Tiên Động, Hải Dương chết chỉ vài tiếng sau khi bị công an “trói dây thừng mang đi “vì “giẫm lên gạch” và “đốt rơm” của một người trong xã hôm 28/11/2009. Được kết luận là do “Xuất huyết mạch mạc treo ruột, chảy máu ổ bụng do xơ gan” (ở đây).

Nhân gần đây báo mạng báo giấy bỗng hùa nhau đăng bài về oral sex mà lacai.org mừng là người dân đã được mở miệng, mình thấy sao giống cái hồi báo chí đồng loạt đăng về trộm cướp khi tàu Bình Minh đang bị "làm đứt cáp". Lướt qua lướt lại mới hay thì ra cái nóc cabin của tàu cá dân mình bị "làm cho cháy". 

Nghĩ qua nghĩ lại không biết là nên sướng vì mấy cái bài oral sex hay khóc vì mấy cái tàu cá cháy nóc đây. Thôi ngồi chờ ngóng thời sự tiếp vậy.




Đàn cừu trên mạng


Tham gia hội facebook mấy tháng nay, mình thấy nổi trội lên một vấn đề rất đáng để suy nghĩ. Đó là cư dân mạng cực thích các bài viết dạng cửa sổ tâm hồn hay quà tặng cuộc sống hay triết lý Phật giáo kiểu các lời răn các giai thoại. Các bài viết kiểu ấy có thể nói là nhẹ nhàng, dễ hiểu dễ đọc và đặc biệt là ai cũng thấy đúng. Và thế là mọi người thay nhau chia sẻ, bình luận với hình thức và nội dung theo kiểu thống nhất cao. Có thể là đó là một tín hiệu đáng mừng của xã hội khi cộng đồng có tâm ý nhạy cảm hướng thiện. Nhưng nhìn sâu hơn hoặc khác đi một chút, mình thấy thấp thoáng đó là thói hời hợt cá nhân cùng với hội chứng đám đông thiếu suy nghĩ. Hời hợt ở chỗ với một nút like, người ta sẵn sàng vô tư nhấp vào một bài viết chỉ cần đọc vài dòng hoặc thốt liền những lời máy móc một cách phản xạ với nút comment. Thiếu suy nghĩ ở chỗ nhác thấy nó hay và nhiều like nhiều còm là tiện tay like một phát mà không nghĩ ta sống với các giá trị đó ra sao và sáng tạo giá trị mới như thế nào.
Có một dạo, mình đọc liên tục các sách viết về Phật giáo, cho đến một hôm gặp phải một dòng như vầy: các vị đọc sách nhiều mà không thực hành thì cũng giống như những nhân viên ngân hàng, tiền đếm thì vô số nhưng không có đồng nào là của mình. Vài năm gần đây, mình biết thêm một ví dụ khác cũng trực quan không kém nhưng hơi ghê ghê là nuốt đờm dãi cổ nhân. Quả thật triết lý hiểu rất dễ nhưng thực hành nó mới là đáng nói. Và kinh nghiệm là thứ biết để sống chứ không phải để tư duy để rồi thích rồi bình rồi khoe mẽ một cách kệch cỡm trên bàn nhậu.
Một điều mình nhìn thấy trong đám đông like còm những bài triết lý đó là thói tham lam đến ngu muội của đám ấy. Nó tham lam ở chỗ tâm lý muốn biết hết mọi chân lý trong đời và ngu muội ở chỗ tưởng rằng biết nhiều chân lý như vậy sẽ thông thái và an lạc hơn. Nhưng chân lý thì hoàn toàn đơn giản và rõ ràng không phải là đồ trang sức của đám trí thức lắm mồm. Một đồ đệ của Phật căn tính thấp kém không hiểu gì những giáo lý Ngài giảng dạy nhưng đã thực hành chỉ một pháp môn quét rác mà ngộ đạo. Để sau này khi thuyết pháp, vị ấy giảng dạy còn sâu sắc hơn cả đại đồ đệ thuyết pháp hạng nhất là Phú Lâu Na. Vô hình chung cái đám đông like còm thiếu cảm xúc ấy gây cảm giác như là đàn cừu vô định lạc bước theo những giáo điều tưởng hay ho mà xơ cứng. Trong chừng mực nào đó, các ngôn ngữ tuổi teen loại sát thủ đầu mưng mủ chính là một kiểu phản tỉnh cần thiết để chúng ta đừng bị đánh lừa bởi những điều tưởng rằng có vẻ tốt đẹp.
Viết những dòng này, người viết thực tình không dám chê bai ai vì bản thân mình cũng là một trong những con cừu như vậy. Chỉ mong ai đó biết được một điều gì hay ho thì hãy sống với nó đến khi tiêu hóa cho trọn vẹn trước khi nhổ lại cho kẻ khác. Đơn giản vì ngày nay, các giá trị đạo đức thường xuyên được rao giảng bởi bọn vô đạo.

Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

Định kiến


Hôm qua mình mới trải nghiệm được một kinh nghiệm sâu sắc về khái niệm định kiến. Định kiến, như nghĩa của nó, là suy nghĩ định sẵn trong đầu về sự vật hay hiện tượng chứ không phải như nó vốn có, mà nhà Phật thường gọi là chấp trước. Và mục đích tối hậu mà đức Phật cả đời hành đạo là làm sao phá được cái chấp đó trong mỗi con người. Đúng là khó như việc vớ được cành cây bên bờ vực thẳm mà bảo buông đi.
Bây giờ thì mình bắt đầu câu chuyện của mình đây. Số là bé con nhà mình mang đôi dép lào của nó ra ban công phơi sau khi được mẹ chà trắng bóng sạch sẽ. Đôi dép nó màu xanh đã phai màu thành trắng. Bỗng mình nghe một tiếng đùng, là một chiếc dép nó đã làm rơi xuống mái tôn tầng 1. Mình thò đầu xuống xem nó ở đâu, con bé cũng vậy, mẹ nó cũng vậy. Ba người, 6 con mắt căng nhau nhìn xuống mái tôn ấy vẫn không thấy chiếc dép. Mình xuống đất. quầng thảo mặt đất một hồi cũng không thấy. Cuối cùng đành chấp nhận là nó đã biến rồi. Trở lại nhà, vợ mình lúc này mới nói, dép nó mặt dưới màu xanh, anh ra xem lại coi. Thật kì lạ, chiếc dép nằm chỏng chơ trên mái nhà đúng tầm nhìn của mình, mặt dép lật lên màu xanh thẳm, rõ mồn một. Thật không làm sao hiểu nổi trước đó cả 6 con mắt không ai thấy được nó. Thế mới thấy, khi óc đã kiếm màu trắng rồi thì các màu khác ngay trước mắt nó cũng không thèm nhìn. Hơn bất cứ ngôn từ diễn giải lằng ngoằng gì về cái gọi là chấp trước hay định kiến, bài học đến với mình một cách đầy trực quan. Cảm động quá. Mới hay, đứng trước chân lý, mớ ngôn từ trở thành giẻ rách. Vì thế, đến cuối đời, Phật cố gắng phá chấp bằng cách phán thêm một câu cuối cùng: "80 năm qua ta chưa hề nói bất cứ điều gì". Ừ, đã là lời nói thì đã là định kiến. Đem cái hữu hạn để diễn tả cái vô cùng, không khéo đưa người ta vào địa ngục. Đọc các giai thoại thiền, nhiều thiền sư hay có những hành động rất ư kì quặc, và cùng một vấn đề lời nói trước sau đã quay ngoắt 180 độ như điển hình giai thoại Triệu Châu cẩu tử. Ngày nay, một số bác có lẽ cho rằng mình tài học tinh thông, bèn xông pha bình luận các giai thoại, dương dương tự đắc cho rằng kiến giải của mình ngang ngửa đại sư. Có khi còn tự cho rằng đã ngộ đạo cũng nên. Than ôi là cái ngu muội của bọn trí thức, tưởng rằng vũ trụ có thể lĩnh hội bằng tư duy.
Câu chuyện hôm qua của mình làm mình nhớ ngay đến thiền sư Soko Morinaga trong những ngày đầu học đạo. Số là bác ấy được phân công quét dọn phòng của sư phụ chủ trì. Đây là nhiệm vụ quan trọng nên bác cực kì chú tâm và kĩ lưỡng. Một hôm, sư phụ gọi bác lại và hét: "Soko, vào mà xem cái gì trong đó". Lòng đầy kinh sợ, bác lật đật chạy vào và tìm từng ngóc ngách phòng xem còn một vệt bẩn nào không. Tìm mãi không thấy, bác mới lập cập đi ra bảo: "Bạch thầy, con không thây có vết bẩn nào ạ." Lúc này sư phụ quắc mắt lên: "Ai bảo nhà ngươi tìm rác, hôm nay là sinh nhật của ngươi, ta tặng ngươi một lọ hoa để trên bàn kìa". Hihi.
Nhân năm rồi có đọc quyển Đường xa nắng mới của bác Nguyễn Tường Bách. Quyển sách có phần 2 tương đối đặc biệt. Đó là câu chuyện về chuyến đi đến một vùng đất thiêng ở độ cao 7.000m chiêm bái hồ Manasarovar và núi Kailash mà tác giả hết sức kính cẩn gọi bằng Ngài. Đó có thể coi là chuyến đi mà cả đời tác giả đã định hướng. Đáng tiếc là khi sắp đến được giai đoạn cuối cùng là hành hương vòng quanh núi thiêng Kailash thì bác ấy vướng chuyện gia đình không thể đi được. Thế nhưng, từ đấy lại mở ra một câu chuyện khác. Vì không hành cước được cùng đoàn, bác ở nhà và ngồi thiền. Và trong một thoáng tổng hòa yếu tố thiên thời địa lợi nhân hòa, bác đã trải nghiệm được cảm giác chứng ngộ thực tại vô ngã. Đó là thứ cảm giác chỉ có thể trải nghiệm nhưng bác phải mượn ngôn ngữ để mô tả. Và trải nghiệm ấy được mô tả đúng y thiền sư Soko Morinaga trong giây phút chứng ngộ sau hàng chục năm trời khổ tu bằng hình thức công án tại thiền viện. Hai người, hai nền văn hóa, hai cách thức sống nhưng có một mục đích chung là đi tìm hạnh phúc đích thực. Và thực sự là họ đã chứng ngộ. Nói như Nguyễn Tường Bách, cảm giác đó là cảm giác được thực-tại-đang-là, khác với thực tại mà ta đang sống và tưởng, bởi chỉ cần ta khởi lên một ý thì đã là quá khứ rồi, không bao giờ ta ở trong thực tại trọn vẹn. Và, khi sống trong cái thực-tại-đang-là như Nguyễn Tường Bách nói đó, chúng ta sẽ cảm nhận rõ ràng không còn có cái gọi là của tôi nữa, như là mắt của tôi, như là mũi của tôi, như là cơ thể của tôi, như là cảm giác của tôi. Cảnh giới này rõ ràng đúng là cảnh giới mà Trần Nhân Tông đã cao hứng gọi là "đối cảnh vô tâm" Và hàng tạ sách viết về vô ngã chẳng đáng giá một xu.
Viết đến đây, người viết bài vốn cũng thèm thuồng trải nghiệm đó, nhưng xem lại thấy sắc dục ham mê vô độ, sân si lửa khói ngút trời, danh lợi dẫm đạp đua chen. Vừa muốn khóc vừa nhục quá trời...huhu.

Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013

Like và còm


Có thể nói facebook đã thay đổi cách thức giao tiếp của con người. Bạn bè bao nhiêu năm xa cách, nhờ facebook chỉ cần 1 cú click chuột là ta có toàn bộ thông tin về người ấy trong ngần ấy năm không gặp mặt. Mỗi ngày, ta lại có biết bao câu chuyện từ những người bạn của mình, vui có buồn có, dư hơi có. Nói chung là những cảm xúc rất người, ít nhất cũng làm người ta bớt cô đơn hơn bên cái máy tính. Có 3 tính năng của facebook rất đáng hâm mộ là comment, share và like để người dùng tùy cảm xúc mà thể hiện. Like rõ ràng là một cách biểu thị cảm xúc tức thời không bằng lời, để phân biệt với còm là cách biểu thị cảm xúc bằng ngôn ngữ. Do đó, tùy tâm trạng mà bà con sử dụng nút này hay nút kia. Khoái sơ sơ thì like, khoái hơn (hoặc ghét) thì còm, còn rất khoái thì share.
Và, dẫu ít hay nhiều, cách mà người dùng sử dụng một trong 3 nút ấy trước một tình huống đã phản ánh tương đối chính xác một góc nhân cách của người đó. Và, hết sức đau lòng là lâu lâu khi có một thành viên đăng một hoàn cảnh đáng thương nào đó, có cả ngàn còm tỏ vẻ thương xót và cầu chúc linh tinh loạn cả lên, nhưng tuyệt không thấy còm nào tỏ vẻ muốn móc hầu bao ra mà hành động nghĩa hiệp vậy. Cảm giác khi đọc phải mấy cảm còm ấy của mình giống như nghe người ta chúc nhau vào dịp Tết. Hic, đúng là khi không phải động đến túi tiền của chính mình, người ta tỏ ra vô cùng rộng lượng và hào sảng. Ôi thôi toàn những điều ngông cuồng như là vạn sự như ý, hay nhảm nhí như là tấn tài tấn lộc tấn bình an. Giá mà có ai chúc mình bớt tham thì mình cám ơn lắm lắm.
Còm nhảm là thế, like nhảm cũng chẳng khá hơn. Cũng thế, lâu lâu một thành viên lại đưa ra một hình ảnh thương tâm nào đấy rồi kêu gọi xàm, ví như 1 like = 1 lời cầu chúc hay ủng hộ hay 1 số tiền tưởng tượng gì đó. Bà con lại đua nhau like cả ngàn. Và những cú nhấn like vô hồn như vậy dần tạo ra một cộng đồng người vô cảm thiếu chính kiến. Chẳng mấy chốc, cái đám đông hồn nhiên ấy nhanh chóng thành một bãi rác ý thức hỗn độn bốc mùi.

Lúc này, kẻ viết bài này bỗng thèm thuồng nhớ lại cái thời viết một lá thư tay gửi đi rồi hồi hộp đếm từng ngày nhận lại hồi âm. Mới hay cái gì quá cũng không tốt. Quá tiện dụng trở thành thực dụng. Mà thực dụng thì đánh đổi bằng lãng mạn. Sống sao cho đẹp kiếp người?


Thứ Hai, 11 tháng 3, 2013

Mạng người qua cảm xúc người thi hành công vụ


Chưa hết bàng hoàng vụ đánh thuế tiền tiết kiệm thì mấy hôm nay rộ lên dự thảo Nghị định bắn người của nhân viên công lực. Không biết chi tiết của Nghị định thế nào chứ nếu cái khái niệm "chống người thi hành công vụ" như dân tình hiểu hiện nay thì xem ra ai cũng có thể chết bất đắc kì tử.  Có thể nói chính văn hóa luật chờ nghị định mà người dân đã tự tước đi quyền lập pháp của mình. Để từ đó luật chỉ đi vào đời sống nhờ vào các nghị định, thông tư do chính những người hành pháp biên soạn. Bởi thế thay vì luật phục vụ người dân thì ngược lại luật quay ra phục vụ bộ phận quản lý. Mới thấy những quy định nói ra thì cười nhưng phản ánh chân thực văn hóa bắt chẹt dân đang đầy rẫy:


- Đổ xăng pha ê te, bất kể xe động cơ xe thiết kế thế nào.
- Gọi điện thoại ở cây xăng: phạt.
- Chạy xe không phải của mình: phạt.
- Đám cưới: đừng có quá 30 bàn.
- Đám ma: cấm lắp lắp hòm kính, cấm đi viếng quá 8 vòng hoa.
- Bán cơm bình dân: xuất xứ của rau thịt đâu? Chứng nhận sức khỏe của thợ nấu đâu?
- Thịt: mổ xong bán hết trong vòng 8 tiếng.
- Không có cha mẹ: khỏi cấp CMND.
- Lùn, nhẹ, ngực lép: đừng mơ lái xe.
- Mua nhà, xe: có tiền mặt cũng cấm trả.
- Vàng: độc quyền.

Khi ngòi bút làm luật không hướng về số đông, tức là nó hướng về nhóm quản lý. Đương nhiên, nhóm quản lý sẽ được hưởng lợi từ chính sách do chính mình làm ra. Thế là ta có nhóm lợi ích.  Mà đã là nhóm lợi ích, nói như  bác Nguyễn Đức Thành, giám đốc VEPR, nhóm lợi ích có đặc trưng là: nguỵ biện, tham lam, mù quáng và tàn nhẫn. Nay, với ý tưởng chống người thi hành công vụ mà bị bắn này ta có thể thấy lấp ló đâu đó bóng dáng của cái gọi là nhóm lợi ích. Người dân sẽ thật sự phấn chấn và cảm kích biết bao nhiêu khi nhìn thấy những chiến sĩ công an nổ súng với bọn cướp hung hãn. Nhưng sẽ thật là khó lòng nuốt nổi nếu một người say rượu có hành vi lỗ mãng với công an và danh chính ngôn thuận lãnh một phát đạn vào đầu.

Ngay khi đọc được quy định của nghị định kinh khủng này, người viết bài bỗng bật ra một khao khát, giá mà chính phủ phát hành song song đó nghị định cho phép bán súng cho người dân.

Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013

Mẹ bóp ngạt con: Xin Chúa hãy cứu rỗi linh hồn người phụ nữ ấy


Gần đây có nghi án một em SV năm nhất trót dính bầu không phá được, đến khi đẻ em bé đã dùng tay bịt miệng bé cho ngạt đến chết. May mắn là nhờ Chúa và sự tận tậm cứu chữa của các bác sĩ, bé đã khỏe mạnh bình thường trở lại. Mình đọc mẩu tin tới đâu mà mồ hôi vã ra đến đấy. Căm hận em ấy thì ít mà kinh sợ loài người thì nhiều. Phải chắc chắn rằng trong cái quần thể động vật đang nương náu ở Trái Đất này, chưa có bất kì phát hiện nào có một loài nào đấy bỏ rơi con đẻ của mình chứ đừng nói là giết. Nhưng kinh hoàng thay, loài người chẳng những giết mà còn giết dã man nữa. Từ cấp độ quăng đại giữa đêm lạnh lẽo trước cổng chùa nâng dần lên thành vứt vào sọt rác và lên đến đỉnh điểm hôm nay là bóp ngạt mũi. 
Cái sự chết ngạt của chúng sinh mình có vài ấn tượng nổi gai ốc cho đến hôm nay và có lẽ đi tận đến cuối đời. Năm học sinh vật lớp 7, đến môn thí nghiệm vẽ đồ thị nhịp tim của động vật, cô giáo đã cho cả lớp học một thí nghiệm kinh hoàng. Con vật xấu số được lựa chọn là một con gà. Yêu cầu của thí nghiệm là lấy quả tim nó ra khi nó vẫn còn đập. Khi đó không hiểu sao cô đã không chọn giải pháp mổ sống mà dùng biện pháp bịt mũi nó cho ngạt thở đến chết rồi mới moi tim ra thí nghiệm. Và cảnh tượng cái sự chết từ từ của con gà diễn ra trước mặt mình mãi mãi là một vết hằn tâm lý. Thằng Phan Chí Thanh là đứa xung phong bóp mũi. Nó bình thản bịt mũi con gà. Chỉ một lúc, ức con gà bắt đầu phồng lên xẹp xuống với biên độ rất rộng và tốc độ rất nhanh, mắt nó mở to trừng trừng và chân gà co giật liên tục. Thằng Thanh bình thản  bóp mũi nó. Lúc này ức gà đã phồng xẹp dữ dội và chân gà giật liên hồi, cứt gà phọt ra trong nỗ lực tuyệt vọng tìm một chút không khí vào phổi. Thằng Thanh bình thản  bóp mũi nó. Ngay sau lúc ấy là chân gà duỗi thẳng ra, toàn thân co giật nhẹ nhẹ và mắt gà khép lại trong niềm căm phẫn tột cùng. Một đứa nào đó, không biết là thằng Thanh hay đứa khác hay cô giáo mới nhanh tay mổ ức gà ra để lấy quả tim đang còn đập rất mạnh. Thí nghiệm lúc này bắt đầu với một cái xác lạnh tanh và một quả tim nóng hổi. Kiến thức khoa học thu được từ thí nghiệm đó mình không thấy đâu, nhưng ý nghĩ về sự dã man của môn học và sự vô cảm của đồng môn và cô giao dạy học đã khắc sâu vào kí ức mình. Không biết những năm sau này, môn ấy có vẫn tiếp tục lấy mạng những chú gà xấu số một cách man rợ vậy nữa không, và những sát thủ máu lạnh xuất hiện nhan nhản gần đây với những đòn giết người chí mạng không biết có đã từng lạnh lùng bóp nghẹt mũi con gà trong giờ thí nghiệm sinh lớp 7?
Kí ức thứ hai về sự ngạt thở là cơn suyễn đến suýt mất mạng của bố mình. Hồi ấy hình như mình còn là một đứa trẻ 13 hay 14 tuổi gì đấy. Cơn suyễn cấp tính đã làm bố mình ngạt thở đến nỗi đã cảm nhận được cái chết đang đến rất gần. Trong ánh mắt nhìn mình đầy thương yêu của người cha đang lo lắng cho  đứa con bé bỏng, mình nhớ hình như là nó long lanh ngấn nước. Lạy Chúa, bố mình đã sống sót một cách diệu kì sau cơn suyễn kinh hoàng đó.
Có lần báo đăng tâm sự của một nhà văn nọ. Ông này nuôi cá vàng, lần kia ông xa nhà vài bữa. Trở về thì cá đã trắng bụng chết do ông đã không sục ôxy vào nước. Chuyện quá nhỏ mà, ông tiếp tục mua cá khác về nuôi. Cho đến một lần ông suýt chết vì bị đuối nước khi đi bơi. Trải nghiệm kinh hoàng của việc ngạt thở làm ông liên tưởng đến đám cá vàng chết vì thiếu ô xy. Ngay khi ấy, có lẽ ông đã ngộ ra điều gì đó. Ông thôi sở thích cá chậu chim lồng.
Một ấn tượng khác là từ phim Biệt động Sài Gòn. Phim có đoạn nhóm đặc công đã đột nhập vào đến dinh thống nhất. Trong khi truy kích một sĩ quan trong mê cung của dinh, 2 đắc công đã bị tay sĩ quan nọ gài thế nhốt vào giữa đoạn cầu cầu thang. Sau đó hắn tung một quả mìn hơi ngạt vào. Diễn xuất của diễn viên đặc tả cảnh chết từ từ vì ngạt kinh khủng đến nỗi cả phim đến giờ mình chỉ nhớ mỗi đoạn ấy. 
Kể lại một vài chuyện để thấy lời đơn giản của Phật: Mạng người qua hơi thở nó sâu sắc làm sao. Chả trách đỉnh cao của võ học hay tôn giáo đều là lắng nghe và làm chủ hơi thở. Điều đơn giản ấy chứa đựng    bí mật lớn lao của vũ trụ. Bí mật mà ngôn ngữ của loài người không tài nào mô tả nổi. Nó chỉ trực chỉ chân tâm mà khi cần thể hiện qua hình thức thì chỉ có đại đầu đà Ca Diếp mới lĩnh hội qua câu chuyện Niêm hoa vi tiếu.
Bởi thế, cưỡng bức một sinh vật sống phải chết dần vì ngạt thở là một tội ác lớn lao mà dẫu trừng phạt tội nhân thì cũng là một hình phạt hà khắc. Nay một người mẹ đan tâm nhìn con mình đang dần lịm đi bởi chính bàn tay của mình đang bóp nghẹt mũi nó là một câu chuyện không thể nào tưởng tượng nổi. Quỷ sa tăng có lẽ cũng đã chạy xa khỏi người đàn bà đó. Lạy Chúa với đặc tính tình yêu bao la của mình, xin hãy làm cho người đàn bà ấy nhận ra một chút tình yêu của Người để bà ta không mãi bị thiêu cháy trong   những suy nghĩ và hành động nghiệt ngã của chính mình. 

Thứ Tư, 6 tháng 3, 2013

Quyền được chơi


Tối qua ngồi với con coi trò ghép máy hạt nhựa vào một khuôn, sau đó lấy bàn ủi ủi chảy nhựa cho nó dính lại thành bức tranh. Trò này làm cho đứa nhỏ tập trung, không bắt mình làm đủ trò mèo chó với nó, cũng đỡ mệt được vài giờ. Đang chơi thì có một đứa nhỏ 3 tuổi (tay chủ tiệm nói) bán vé số mặt mày nhem nhuốc tới mân mê một sản phẩm của bé con mình mới làm xong, vẻ mặt rất là thèm thuồng. Mình thấy vậy ngỏ ý muốn mua cho nó 1 món đồ chơi nhưng nó lắc đầu kiên quyết bảo bán xong mới được chơi. Có lẽ nó đã từng no đòn vì hàng chưa bán hết mà mải ham chơi. Coi xấp vé trên tay nó còn 3 tờ mình giải quyết luôn. Xong mới hỏi nó muốn chơi gì, mình lấy một sản phẩm làm sẵn tính tặng nó. Nó vẫn lắc đầu. Lần này bảo muốn chơi như con mình. À, thì ra con bé chỉ thích được sáng tạo. Khi nhận được món đồ chơi, nó bắt đầu say sưa lắp lắp ghép ghép các hạt nhựa.
Ngó nó chơi, ngó lại con mình. Hai đứa trẻ, hai cặp mắt sáng tinh anh, hai gương mặt lém lỉnh, hai nét hồn nhiên miệt mài với trò chơi sáng tạo mà hai hoàn cảnh một trời một vực. Một lát con bé lại có một thằng anh 9 tuổi sà vào cùng chơi. 9 tuổi mà nó gầy đét và cao cỡ con mình, hỏi nó biết đọc không, nó bảo không.
Ngồi xem tụi nó chơi, nghĩ ngợi lung tung chúng ta có rất nhiều chính sách bảo vệ trẻ em, nhưng mà chương trình của Tuấn "cơm có thịt" vẫn không bao giờ dứt danh sách trẻ đói phải cưu mang. Rồi những đứa trẻ vùng cao rét run lập cập giương mắt nhìn lại đám du khách đang ngó thân phân phận chúng như một quang cảnh lạ để dành kể lại cho chuyến du lịch của mình. Không hiểu những người làm dự án lỗ hàng tỉ đô có bao giờ nghĩ chính họ đã góp phần đẩy những đứa trẻ vốn đã đói và lạnh phải lao ra đường làm đủ thứ nghề bất chấp bao hiểm họa từ đám mang hình người nhưng từ lâu lòng đã hóa thú (nói tội cho loài thú).
Chợt nhớ lời của bác Hồ đơn giản mà như một lệnh giao nhiệm vụ cho bất cứ ai đã gọi là người lớn:
Trẻ con như búp trên cành
Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan
Mình nghĩ, một đất nước có đạt những thành tựu vượt bậc cỡ nào, dẫu GDP đầu người có lên đến mấy chục ngàn đô thì  chừng nào mà trẻ con vẫn còn ăn chưa no, mặc chưa ấm và không được đến trường thì đất nước ấy vẫn còn nghèo lắm, ít nhất là nghèo tầm nhìn nhân văn của người làm lãnh đạo.

Thứ Ba, 5 tháng 3, 2013

Vài chuyện vui buồn đầu năm


Tối qua cơm chiều, mục tin loanh quanh thế giới bỗng có tin một cụ già ăn xin trả lại chiếc nhẫn kim cương cho người đã lỡ đánh rơi vào mũ của ông trong lúc nghĩa hiệp tặng tiền. Mặc dù chuyện xảy ra ở Mỹ nhưng mẩu tin như vậy làm mình có niềm vui nho nhỏ cuối ngày, cơm cũng nuốt trôi hơn.
Cơm xong chở con ra đường chơi, đang vi vu hóng gió mắt bỗng trượt lên một thân cây có treo biển quảng cáo. Biển quảng cáo treo khẩu hiệu: Lương y phải như từ mẫu. Mình đọc xong tối sầm mặt mũi. Than ôi là cái lương y, có thật là nó đã suy đồi đến mức phải dùng đến biện pháp hành chính là  "phải" để thực hiện nó không. Chợt nhớ lại lời thở than của ký giả nổi tiếng của Mỹ tên là Chris Hedges mà mình lượm lặt được trên mạng:

"Chúng ta hiện đang sống trong một đất nước nơi mà các bác sĩ hủy hoại sức khỏe, các luật sư hủy diệt công lý, các đại học hủy diệt tri thức, chính phủ hủy diệt tự do, báo chí hủy diệt thông tin, tôn giáo hủy diệt phẩm hạnh và các nhà băng hủy diệt nền kinh tế...”

Ngoại trừ vụ nhà băng độc quyền vàng miếng và truy cùng đuổi tận nợ bằng lãi quá hạn mình đã thấy rồi, còn lại các thứ kia mình chưa biết ra sao. Nhưng cái vụ bác sĩ hủy hoại sức khỏe thì ở BV115 người ta đã làm chuyện đó từ lâu bằng cách bán thuốc quá đát (nguồn ở đây). Bởi vậy thật khó trách người ta đã tuyệt vọng kêu gọi lương y "phải như từ mẫu".

Còn vụ tôn giáo, đám người giẫm đạp nhau cảnh chùa chiền, thịt chó thịt lợn treo đầy trước cổng tự, thùng công đức giăng đầy như thiên la địa võng và nhà sư khóa môi nồng nàn ca sĩ đồng giới ở quán bar không biết đã gọi là hủy diệt phẩm hạnh hay chưa. Nhưng như một fan của Nguyễn Ngọc Tư cảm thán thì thấy không sai chút nào:
Lên chùa tìm chút thảnh thơi
Ai dè
Chùa cũng như ... đời ngoài kia
Cũng thứ hạng
Cũng phân chia
Chỗ này vô nhiễm
Chỗ kia thị trường
Đành rằng tất cả vô thường
Thôi
Ta về lại phố phường
Ẩn tu . 

Gần đây lại rộ lên vụ đề xuất đánh thuế tiền tiết kiệm, mình mệt mỏi quá chưa biết làm gì bỗng SGTT xuất hiện một bài quá đỉnh, tác giả là Nguyễn Đức Thành. Xin trích một đoạn trong bài của ông: (nguyên văn ở đây).

Nhà kinh tế hàng đầu của chủ nghĩa tự do Pháp thế kỷ 19, Frédéric Bastiat (1801 – 1850), từng kể một câu chuyện ngụ ngôn được hậu thế trích dẫn rất nhiều. Đó là câu chuyện “Hiệp hội những người sản xuất nến” đã thỉnh cầu chính quyền thực thi chính sách hỗ trợ cho công việc kinh doanh của họ. Trong bản thỉnh cầu, họ tố cáo mặt trời chính là kẻ cạnh tranh lạnh lùng nhất đối với họ. Vì thế, họ mong chính quyền ra một sắc lệnh cấm mọi thần dân mở cửa sổ vào ban ngày. Nhờ thế, không chỉ ngành sản xuất nến của họ sẽ phát triển bền vững, mà cả những ngành cung cấp nguyên liệu cũng nhận được ảnh hưởng lan toả, và nhờ thế làm xã hội thịnh vượng hơn! 
Trong đời sống hiện đại, câu chuyện của Bastiat, tiếc thay, không có vẻ gì là hoang đường. Nó phản ánh đặc điểm của các nhóm lợi ích ngay từ những buổi đầu sơ khai của kinh tế thị trường: nguỵ biện, tham lam, mù quáng và tàn nhẫn.
Nguỵ biện vì các đề xuất chính sách đều được bao bọc bằng những lập luận hoa mỹ về phúc lợi chung. 
Tham lam vì nó mong muốn giành được quyền lợi cho bản thân bất chấp mọi giới hạn. 
Mù quáng vì nó không đếm xỉa gì đến lợi ích của người khác. 
Và cuối cùng, nó tàn nhẫn vì bóc lột không thương tiếc những nhóm người yếu thế và đông đảo.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM hiện cũng đang theo đuổi một bản thỉnh cầu thống thiết lên Chính phủ có lẽ cũng không khác gì những người bán nến năm xưa đã làm ở Paris.

Có lẽ thừa thắng từ hiệu quả của đề xuất đánh thuế tiền tiết kiệm mà trang lacai.org nhận xét là thời Pháp thuộc không có, bộ GTVT nhấn thêm một bước cho ra đời Nghị định phạt xe không chính chủ, mà vị chủ tịch hiệp hội vận tải ô tô ngậm ngùi than thở là ép dân.
Nghĩ qua nghĩ lại, thấy có bài thơ này của Vũ Trung Hiếu có lẽ phù hợp tâm trạng hơn cả, chép ra đây để mà đỡ nghĩ quẩn vậy

Nghĩ quẩn


Ở một đất nước người dân không buồn lên tiếng
Thậm chí nhiều người không thèm đọc báo nghe đài
Không hề là chuyện đùa
Hẳn phải có lý do …

Ở một đất nước mà sách giáo khoa được cải cách hàng năm
Bệnh nhân lũ lượt nằm dưới gầm giường
Không hề là chuyện đùa
Hẳn phải có lý do …

Ở một đất nước mà sự thật được rỉ tai nhau ngoài quán cà phê
Sự giả tạo, tệ bè phái, chứng cơ hội ngập ngụa phát tán trong hội trường, công sở
Không hề là chuyện đùa
Hẳn phải có lý do …

Hãy thử nhìn quanh, chơi trò tự vấn
Tiền thuế được dùng vào những việc gì ?
Ai biết lắng nghe những lời thẳng thắn ?
Chất xám từ đâu và chảy đi đâu ?
Kỷ cương, pháp luật có còn đủ mạnh ?
Một khi xã hội khủng hoảng niềm tin
Con người sẽ lấy gì làm lẽ sống ?

Đất nước nào cũng cần một tương lai
Cũng cần phát triển, hoà bình, no ấm
Cũng cần hoà cùng thế giới văn minh
Lũ trẻ cần lớn lên trong hy vọng…