Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

Đàn cừu trên mạng


Tham gia hội facebook mấy tháng nay, mình thấy nổi trội lên một vấn đề rất đáng để suy nghĩ. Đó là cư dân mạng cực thích các bài viết dạng cửa sổ tâm hồn hay quà tặng cuộc sống hay triết lý Phật giáo kiểu các lời răn các giai thoại. Các bài viết kiểu ấy có thể nói là nhẹ nhàng, dễ hiểu dễ đọc và đặc biệt là ai cũng thấy đúng. Và thế là mọi người thay nhau chia sẻ, bình luận với hình thức và nội dung theo kiểu thống nhất cao. Có thể là đó là một tín hiệu đáng mừng của xã hội khi cộng đồng có tâm ý nhạy cảm hướng thiện. Nhưng nhìn sâu hơn hoặc khác đi một chút, mình thấy thấp thoáng đó là thói hời hợt cá nhân cùng với hội chứng đám đông thiếu suy nghĩ. Hời hợt ở chỗ với một nút like, người ta sẵn sàng vô tư nhấp vào một bài viết chỉ cần đọc vài dòng hoặc thốt liền những lời máy móc một cách phản xạ với nút comment. Thiếu suy nghĩ ở chỗ nhác thấy nó hay và nhiều like nhiều còm là tiện tay like một phát mà không nghĩ ta sống với các giá trị đó ra sao và sáng tạo giá trị mới như thế nào.
Có một dạo, mình đọc liên tục các sách viết về Phật giáo, cho đến một hôm gặp phải một dòng như vầy: các vị đọc sách nhiều mà không thực hành thì cũng giống như những nhân viên ngân hàng, tiền đếm thì vô số nhưng không có đồng nào là của mình. Vài năm gần đây, mình biết thêm một ví dụ khác cũng trực quan không kém nhưng hơi ghê ghê là nuốt đờm dãi cổ nhân. Quả thật triết lý hiểu rất dễ nhưng thực hành nó mới là đáng nói. Và kinh nghiệm là thứ biết để sống chứ không phải để tư duy để rồi thích rồi bình rồi khoe mẽ một cách kệch cỡm trên bàn nhậu.
Một điều mình nhìn thấy trong đám đông like còm những bài triết lý đó là thói tham lam đến ngu muội của đám ấy. Nó tham lam ở chỗ tâm lý muốn biết hết mọi chân lý trong đời và ngu muội ở chỗ tưởng rằng biết nhiều chân lý như vậy sẽ thông thái và an lạc hơn. Nhưng chân lý thì hoàn toàn đơn giản và rõ ràng không phải là đồ trang sức của đám trí thức lắm mồm. Một đồ đệ của Phật căn tính thấp kém không hiểu gì những giáo lý Ngài giảng dạy nhưng đã thực hành chỉ một pháp môn quét rác mà ngộ đạo. Để sau này khi thuyết pháp, vị ấy giảng dạy còn sâu sắc hơn cả đại đồ đệ thuyết pháp hạng nhất là Phú Lâu Na. Vô hình chung cái đám đông like còm thiếu cảm xúc ấy gây cảm giác như là đàn cừu vô định lạc bước theo những giáo điều tưởng hay ho mà xơ cứng. Trong chừng mực nào đó, các ngôn ngữ tuổi teen loại sát thủ đầu mưng mủ chính là một kiểu phản tỉnh cần thiết để chúng ta đừng bị đánh lừa bởi những điều tưởng rằng có vẻ tốt đẹp.
Viết những dòng này, người viết thực tình không dám chê bai ai vì bản thân mình cũng là một trong những con cừu như vậy. Chỉ mong ai đó biết được một điều gì hay ho thì hãy sống với nó đến khi tiêu hóa cho trọn vẹn trước khi nhổ lại cho kẻ khác. Đơn giản vì ngày nay, các giá trị đạo đức thường xuyên được rao giảng bởi bọn vô đạo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét