Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

Định kiến


Hôm qua mình mới trải nghiệm được một kinh nghiệm sâu sắc về khái niệm định kiến. Định kiến, như nghĩa của nó, là suy nghĩ định sẵn trong đầu về sự vật hay hiện tượng chứ không phải như nó vốn có, mà nhà Phật thường gọi là chấp trước. Và mục đích tối hậu mà đức Phật cả đời hành đạo là làm sao phá được cái chấp đó trong mỗi con người. Đúng là khó như việc vớ được cành cây bên bờ vực thẳm mà bảo buông đi.
Bây giờ thì mình bắt đầu câu chuyện của mình đây. Số là bé con nhà mình mang đôi dép lào của nó ra ban công phơi sau khi được mẹ chà trắng bóng sạch sẽ. Đôi dép nó màu xanh đã phai màu thành trắng. Bỗng mình nghe một tiếng đùng, là một chiếc dép nó đã làm rơi xuống mái tôn tầng 1. Mình thò đầu xuống xem nó ở đâu, con bé cũng vậy, mẹ nó cũng vậy. Ba người, 6 con mắt căng nhau nhìn xuống mái tôn ấy vẫn không thấy chiếc dép. Mình xuống đất. quầng thảo mặt đất một hồi cũng không thấy. Cuối cùng đành chấp nhận là nó đã biến rồi. Trở lại nhà, vợ mình lúc này mới nói, dép nó mặt dưới màu xanh, anh ra xem lại coi. Thật kì lạ, chiếc dép nằm chỏng chơ trên mái nhà đúng tầm nhìn của mình, mặt dép lật lên màu xanh thẳm, rõ mồn một. Thật không làm sao hiểu nổi trước đó cả 6 con mắt không ai thấy được nó. Thế mới thấy, khi óc đã kiếm màu trắng rồi thì các màu khác ngay trước mắt nó cũng không thèm nhìn. Hơn bất cứ ngôn từ diễn giải lằng ngoằng gì về cái gọi là chấp trước hay định kiến, bài học đến với mình một cách đầy trực quan. Cảm động quá. Mới hay, đứng trước chân lý, mớ ngôn từ trở thành giẻ rách. Vì thế, đến cuối đời, Phật cố gắng phá chấp bằng cách phán thêm một câu cuối cùng: "80 năm qua ta chưa hề nói bất cứ điều gì". Ừ, đã là lời nói thì đã là định kiến. Đem cái hữu hạn để diễn tả cái vô cùng, không khéo đưa người ta vào địa ngục. Đọc các giai thoại thiền, nhiều thiền sư hay có những hành động rất ư kì quặc, và cùng một vấn đề lời nói trước sau đã quay ngoắt 180 độ như điển hình giai thoại Triệu Châu cẩu tử. Ngày nay, một số bác có lẽ cho rằng mình tài học tinh thông, bèn xông pha bình luận các giai thoại, dương dương tự đắc cho rằng kiến giải của mình ngang ngửa đại sư. Có khi còn tự cho rằng đã ngộ đạo cũng nên. Than ôi là cái ngu muội của bọn trí thức, tưởng rằng vũ trụ có thể lĩnh hội bằng tư duy.
Câu chuyện hôm qua của mình làm mình nhớ ngay đến thiền sư Soko Morinaga trong những ngày đầu học đạo. Số là bác ấy được phân công quét dọn phòng của sư phụ chủ trì. Đây là nhiệm vụ quan trọng nên bác cực kì chú tâm và kĩ lưỡng. Một hôm, sư phụ gọi bác lại và hét: "Soko, vào mà xem cái gì trong đó". Lòng đầy kinh sợ, bác lật đật chạy vào và tìm từng ngóc ngách phòng xem còn một vệt bẩn nào không. Tìm mãi không thấy, bác mới lập cập đi ra bảo: "Bạch thầy, con không thây có vết bẩn nào ạ." Lúc này sư phụ quắc mắt lên: "Ai bảo nhà ngươi tìm rác, hôm nay là sinh nhật của ngươi, ta tặng ngươi một lọ hoa để trên bàn kìa". Hihi.
Nhân năm rồi có đọc quyển Đường xa nắng mới của bác Nguyễn Tường Bách. Quyển sách có phần 2 tương đối đặc biệt. Đó là câu chuyện về chuyến đi đến một vùng đất thiêng ở độ cao 7.000m chiêm bái hồ Manasarovar và núi Kailash mà tác giả hết sức kính cẩn gọi bằng Ngài. Đó có thể coi là chuyến đi mà cả đời tác giả đã định hướng. Đáng tiếc là khi sắp đến được giai đoạn cuối cùng là hành hương vòng quanh núi thiêng Kailash thì bác ấy vướng chuyện gia đình không thể đi được. Thế nhưng, từ đấy lại mở ra một câu chuyện khác. Vì không hành cước được cùng đoàn, bác ở nhà và ngồi thiền. Và trong một thoáng tổng hòa yếu tố thiên thời địa lợi nhân hòa, bác đã trải nghiệm được cảm giác chứng ngộ thực tại vô ngã. Đó là thứ cảm giác chỉ có thể trải nghiệm nhưng bác phải mượn ngôn ngữ để mô tả. Và trải nghiệm ấy được mô tả đúng y thiền sư Soko Morinaga trong giây phút chứng ngộ sau hàng chục năm trời khổ tu bằng hình thức công án tại thiền viện. Hai người, hai nền văn hóa, hai cách thức sống nhưng có một mục đích chung là đi tìm hạnh phúc đích thực. Và thực sự là họ đã chứng ngộ. Nói như Nguyễn Tường Bách, cảm giác đó là cảm giác được thực-tại-đang-là, khác với thực tại mà ta đang sống và tưởng, bởi chỉ cần ta khởi lên một ý thì đã là quá khứ rồi, không bao giờ ta ở trong thực tại trọn vẹn. Và, khi sống trong cái thực-tại-đang-là như Nguyễn Tường Bách nói đó, chúng ta sẽ cảm nhận rõ ràng không còn có cái gọi là của tôi nữa, như là mắt của tôi, như là mũi của tôi, như là cơ thể của tôi, như là cảm giác của tôi. Cảnh giới này rõ ràng đúng là cảnh giới mà Trần Nhân Tông đã cao hứng gọi là "đối cảnh vô tâm" Và hàng tạ sách viết về vô ngã chẳng đáng giá một xu.
Viết đến đây, người viết bài vốn cũng thèm thuồng trải nghiệm đó, nhưng xem lại thấy sắc dục ham mê vô độ, sân si lửa khói ngút trời, danh lợi dẫm đạp đua chen. Vừa muốn khóc vừa nhục quá trời...huhu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét