Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

Lâm giáo đầu và câu chuyện 1.000 năm sau đó.


Thủy Hử có một nhân vật tương đối đặc biệt làm mình nhớ mãi bởi tính anh hùng cùng với số phận nghiệt ngã của anh ta. Đó là Lâm Xung, người mà khi còn trong hệ thống đã từng giáo đầu của 8 vạn cấm quân tinh nhuệ triều đình. Ấn tượng về cuộc đời bi kịch của Lâm Xung mình nhớ chủ yếu qua một phim ngắn hồi còn nhỏ, trong đó nổi bật là sự nham hiểm bức hại người đến cùng đường của Cao Cầu. Phim ấy có cái kết làm thỏa mãn người xem bằng cảnh cuối, khi mà Lâm Xung cuối cùng cũng đưa được ngọn giáo của mình vào cổ họng Cao Cầu. Tiếc thay, truyện thì không phải vậy, La Quán Trung đã để cho người anh hùng này phải thổ huyết đến chết nhìn kẻ tử thù đường hoàng ra đi trước mắt bởi chính người anh em của mình thả.  
Lâm Xung đã từng có một sự nghiệp hoành tráng cùng một gia đình đề huề để có thể gọi là ước mơ của bao người. Nhưng dưới cái nhìn phong kiến, những kẻ như ông là cái gai trong mắt họ. Ở xã hội ấy, kẻ nào sống thật, kẻ nào có tài kẻ ấy sẽ chết. Người hùng Lâm Xung chết thảm chính vì 2 tội ấy. Tài sản, sự nghiệp, gia đình hoàn toàn tan nát dưới sự bức hại của chính quyền. May mà có Lương Sơn Bạc để ông lại có thể tung hoành. Tuy không giết được kẻ thù truyền kiếp nhưng cũng kết liễu được biết bao cường hào bức hại hại dân lành khác. 
Ngậm ngùi trước số phận bi phẫn của Lâm Xung, kẻ viết bài chợt bàng hoàng thấy thấp thoáng một số phận y như vậy ngay tại chỗ của mình, tại thời điểm cách câu chuyện xưa cũ đó hơn 1.000 năm lịch sử. Nhân vật ấy cũng đã từng trong quân ngũ, cũng đã gầy dựng cho mình một sự nghiệp đầy xán lạn cùng một gia đình yên ấm đề huề hạnh phúc. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, người sống thật và có tài ngày hôm nay, số phận cũng bi thảm không kém gì Lâm Xung ngày trước. Dẫu ngày nay, người hùng này không bị bức hại đến tuyệt mạng, nhưng gia sản bị tịch thu cùng thân thể chịu lao tù thì thảm cảnh so ra cũng không thua sút tí nào. Chẳng những vậy, người anh hùng ngày nay cũng chứng kiến cảnh người gây ra thảm cảnh của mình được công lý cho dương dương thụ hưởng ngoài xã hội (tù cho hưởng án treo). Có lẽ người ấy cũng đang thổ huyết trong những ngày này nơi chốn ngục tù.
Tệ hơn, giờ đây đã không còn Lương Sơn Bạc. Rừng đã trọc, sông đã cạn, lòng người vô cảm. Chốn nào dung thân?
Chẳng biết nói gì hơn, xin tạm chép bài thơ Ta dương cờ trắng đầu hàng của nhà thơ Đỗ Trung Quân thay cho lời kết vậy:

ta đầu hàng ! ta đầu hàng !
ta là dân ta thua tan hoang.
ta làm dân ta đéo nói ngang.ta biết nhục nên ta đầu hàng
đầu hàng bọn ăn sóng nói gió
đầu hàng bọn xem dân thua chó
[ta lại phải xin lỗi con chó .nó trung nghĩa hơn tỉ thằng người ]
ta đầu hàng !

Nhưng ta phải công nhân điều này đất nước đâu có độc tài
đảng Hải Phòng phất phới cờ bay.
đảng Tiên Lãng mồm loa mép giải
đảng “riêng nó” đó trăm tay nghìn mắt
đảng “ riêng nó”  kia xương sắt da đồng

ta là dân ! ta là dân!
ta đưa cờ trắng [ làm ] từ quần vợ ta
ta xin thua! Ta xin tha!
ta xin bẻ bút về nhà bán khoai
ta là ai ? ta là ai ?
ta là ai cũng chăng ai ta là!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét