Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013

Mạt pháp, thiên tai và nhân tai


Hồi nhỏ coi mấy cuốn sách cũ trong nhà, mình thấy hay nói rằng chúng ta đang ở thời kì mạt pháp. Mặc dù cũng có giải thích lằng ngoằng, nhưng quả thật mình cũng chả hiểu gì lắm. Cho đến tận gần đây, thấy cộng đồng mạng ném đá một đoạn phóng sự trên truyền hình (mình không coi trực tiếp) về một người cạo đầu mặc áo vàng được chú thích là Thượng tọa Thích Thanh Dũng, trụ trì Chùa Phúc Nghiêm, Thuận Thành, Bắc Ninh, oang oang giáo huấn: "Đất đai phải là sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện quản lý. Tư nhân hóa đất đai là nuôi dưỡng lòng tham, và việc từ bi bác ái sẽ kém đi, đi ngược lại tinh thần từ bi của Đức Phật"  thì mình cho rằng mình đã quán triệt được toàn nghĩa của từ mạt pháp. Với cương vị chủ trì, nếu toàn bộ các vị chủ trì thuộc hệ thống giáo hội Phật giáo mà cùng đại ngộ tinh thần từ bi nhà Phật như kiểu ấy thì không phải là mạt pháp nữa mà là tận pháp đến nơi rồi. Không biết có thừa không nhưng mình thấy cần thiết phải nhắc lại một câu của Phật trong trường hợp này: Từ bi nhưng phải có trí tuệ. Và biểu tượng cặp bài trùng Văn Thù - Phổ Hiền không bao giờ thiếu một người chính là vì lẽ ấy.  Với quan niệm từ bi của vị chủ trì này, có lẽ bác ấy nên lập riêng một đạo khác để còn có được nể trọng hơn là sỉ nhục đạo Phật một cách thô thiển như vậy. May mắn là thời Trần Nhân Tông, ông vua hòa thượng này đã không ngộ đạo kiểu Thích Thanh Dũng mà đã cầm gươm mà đâm thẳng vào quân thù. Hết giặc buông gươm. "Tắc hữu trần sa hữu. Vi không nhất thiết không". Vi diệu của đạo Phật là chỗ ấy. May mắn làm sao Đại Việt ta đã có một vì vua lãnh hội trọn vẹn đạo lý này. 
Nhớ chuyện tu tiên của một vị đạo sĩ nọ. Vị này thọ giáo một vị đại tiên cầu đạo trường sinh. Vị đại tiên OK, bảo nhưng ngươi phải vượt qua những thử thách này mới đến được pháp thuật. Vị đại tiên bày ra một đường hầm trước mặt người nọ và bảo: Ngươi phải đi thẳng đến cuối con đường, dẫu có nghe thấy bất cứ điều gì trước mặt cũng không được hành động, chỉ có đi thẳng (giống giống thần thoại Hy Lạp). Cuộc thử thách bắt đầu. Ban đầu, là sự rủ rê chơi bời của bạn bè, gái gú. Lần hồi là tiếng kêu cứu của những kẻ khổ nạn. Mức độ cám dỗ hay thảm thiết cứ thế tăng dần. Người tầm đạo dù hết sức nao núng nhưng vẫn kìm nén vững bước đến cuối đường. Cho đến khi gần cuối, bỗng hiện lên hình ảnh người mẹ già đang quằn quại bên vũng máu, thều thào kêu gọi đứ con trai đến cứu sống mình. Người tầm đạo xao động dữ dội. Cuối cùng anh ta quyết định bỏ ý muốn học pháp thuật bằng cách lao vào cứu mẹ. Bấy giờ vị đại tiên mới bỏ màn ảo ảnh thử thách kia và nói: Nếu ở cảnh đó, nhà ngươi vẫn bỏ mặc mà cắm đầu đi tiếp cho bằng được thì ta đã giết ngươi luôn rồi. Bởi ta không thể có một đồ đệ bất chấp đạo lý để đạt mục đích như vậy. Mới hay, hoa vàng, trúc xanh, lối vào đại đạo là đó mà không có chỗ nào vào cũng là đó.

Qua Tết âm lịch, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long bị hạn hán dữ dội, đe dọa chẳng những mùa màng mà còn an sinh xã hội. Kiến thức phổ thông và cả đại học của mình ngay lập tức bật ra ý nghĩ đơn giản: Sử dụng đập thủy điện. Bởi công năng đầy nhân văn của thủy điện là giữ nước lại vào mùa lũ và xả nước vào mùa kiệt đã được mình tiếp thu và lưu giữ một cách đầy trong sáng và ngây ngô đến tận hôm nay. Cho đến khi mình ngả ngửa với phát ngôn bình thản của một quan chức điều hành đập khi được phỏng vấn về cơn khát của 1,7 triệu dân Quản Nam, Đà Nẵng: Hiện chưa có quy định nào bắt buộc chúng tôi phải xả nước về Vu Gia với lưu lượng bao nhiêu trong mùa khô mà cái đó còn đang chờ quy trình vận hành liên hồ vào mùa kiệt do Bộ TN-MT lập, đang trình Thủ tướng phê duyệt (nguồn ở đây). Thế mới hiểu thấu thực trạng của giáo dục và việc làm tại Việt Nam. Một quan chức sẵn sàng vô tư thực hiện đúng quy trình thủ tục hành chính để giữ chặt cái ghế của mình mà ngoảnh mặt với an sinh của 1,7 triệu con người. Cũng thông cảm cho vị ấy khi quá nhiều cái gương những người vì mục tiêu lớn hơn làm lợi cho con người bị quá nhiều rắc rối ràng ràng trước mắt. Những vị ấy đã không được cân đong đo đếm một cách sòng phẳng những lợi ích họ mang lại với những xé rào quy định mà họ vượt qua khi thực hiện mục tiêu tốt đẹp của mình. Mình cho rằng điều đó chính là nhân tai. Nếu thiên tai chỉ làm người ta có thể chết thì nhân tai sẽ làm người ta chắc chắn chết. Ghê gớm là ở chỗ này.
Gần đây, các tỉnh cực Bắc bị mưa đá khốc liệt một cách bất thường. Trong một bài viết về sóng thần và núi nổ (ở đây) mình có ý tưởng rằng tổ tiên ta đang muốn nhắn nhủ một bài học nào đấy cho con cháu đương thời. Ngẫm lại nhiều sự kiện thiên tai năm nay cùng với cơn bão chi phí đang đổ lên đầu người dân mà mức độ tàn hại còn khốc liệt hơn nhiều, há có phải chăng thiên nhiên lại đang phản ánh tấm lòng của những người dân cùng khổ: hạn hán niềm tin vào công lý và trơ đá lòng nhân với thảm cảnh đồng bào?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét