Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Thấy cây hay thấy rừng?


Sáng nay rảnh rỗi coi thời sự buổi sáng, có một phỏng vấn một tay không biết làm bên ngành văn hóa hay giáo dục hay an ninh, đánh giá rằng hiện nay tội phạm phát triển với mật độ ngày càng dày đặc, mức độ nghiêm trọng thì vụ sau cao hơn vụ trước, độ tuổi phạm tội thì tội sau trẻ hơn tội trước, thành phần gây án thì có vẻ cả xã hội đều đã phạm tội rồi. Rồi bác phân tích nguyên do, nào là do giáo dục, nào là do văn hóa xuống cấp, nào là do đua đòi...Nói chung nguyên do nào cũng đúng. Nhưng mình có cảm giác bác ấy đang thấy cây không thấy rừng. Người Việt ta vốn tự hào có truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, thường xúc cảm rơi lệ trước cảnh đời bất hạnh. Cụ thể là qua các mùa bão lũ miền Trung lại thấy rất nhiều đoàn cứu trợ, trước một tình cảnh đáng thương lại thấy có rất nhiều nhà hảo tâm. Thậm chí gần đây quan chức cũng tham gia bày tỏ nỗi lòng với những phần quà cho các nạn nhân trong những vụ tai nạn giao thông. Những hành động giúp người ấy là đúng hết, nhưng an lòng với những hành động đó thì tai hại vô cùng. Có thể kể ra câu chuyện đã cũ sau đây để hình dung: 

Tại khu bảo tồn nọ có một bầy nai và một con sư tử cùng sinh sống, người ta quan sát thấy bầy nai không phát triển thêm số lượng được do cứ bị sư tử tấn công. Thế là người ta giam sư tử lại để hy vọng bầy nai sinh sôi. Nhưng kì lạ là từ khi không còn sư tử thì bầy nai lại hết sức què quặt và dần đến chỗ diệt vong. Thì ra sư tử đã làm nhiệm vụ là chọn lọc tự nhiên, những con nai bệnh tật không chạy nổi đã bị giết thịt, vì thế, không có mầm bệnh trong bầy đàn. Lũ nai do ứng phó thường xuyên với nguy hiểm cũng phát triển toàn diện các kỹ năng sinh tồn.

Quay lại với câu chuyện nguyên do phạm tội của bác được phỏng vấn trên truyền hình buổi sáng. Có thể thấy hầu như hiện nay báo chí chính thống nước nhà từ giấy tới mạng cực kì nhạy cảm, đến mức mình cảm giác như phấn khích trước những tin tức thuộc loại cướp giết hiếp. Liên tục xuất hiện, đập vào mắt vào ý người đọc là những tình tiết nhỏ nhặt đến mức như xem một cuốn phim quay chậm sự man rợ của tội ác, tựa bài thì được đặt cực sốc sao cho phải câu được view nhiều hơn đối thủ. So với các sự kiện văn hóa chính thống có tính giáo dục như một buổi hòa nhạc, một buổi ra mắt sách, giới thiệu một phòng tranh...thì các tin tức giật gân vào đời tư giới showbiz hầu như át hết. Người ta chỉ còn thấy những lộ hàng, những clip nóng, những tranh cãi vớ vẩn đẫm đầy trang báo. Mầm mống tội ác chính từ đó mà ra. Biết điều ác để tránh là đúng, nhưng ám ảnh điều ác lại là chuyện khác. Những hạt giống sân hận dâm ác liên tục được tưới tẩm, sẽ phát lộ khi gặp điều kiện thích hợp là điều hiển nhiên.
Có lẽ cũng cần nhắc lại thái độ sống "tinh tấn" của nhà Phật qua diễn giải của thiền sư Nhất Hạnh:
- Khi hạt giống "con" sắp  nổi lên: hãy hạn chế môi trường sân hận tiếp xúc nó.
- Khi hạt giống "con" đã hiện hành" hãy tìm cách thay bằng hạt giống "người". Giống như khi nghe 1 đĩa CD, bạn không thích đĩa này thì hãy thay đĩa khác.
- Khi hạt giống "người" sắp nổi lên" hãy tạo môi trường thuận lợi cho nó phát triển.
- Khi hạt giống "người" đã hiện hành: hãy cố gắng giữ nó hiện hành càng lâu càng tốt.

 Mình có ý nói bác trả lời phỏng vấn là thấy cây mà không thấy rừng, tương tự như lòng nhân vụn vặt kiểu "bầu ơi thương lấy bí cùng" đầy cục bộ mà ta vẫn hay hay được dạy là phải tự hào, là vì câu chuyện sau:

Tào Tháo trong một buổi nói chuyện thân tình với các tướng, hỏi Hạ Hầu Đôn: không kể ngũ hổ tướng của Lưu Bị, một mình ngươi có thể giết được mấy tướng? Đôn đáp: 10. Hỏi Hứa Chữ như vậy, Chữ đáp 20. Bấy giờ các tướng hỏi lại Tào Tháo, có ý trêu chọc, thế Thừa tướng giết được mấy tướng? Tào Tháo không hề quê độ nói: Các ngươi cùng lắm là sức địch trăm người. Còn ta đây, dẫu không giết được tướng địch, nhưng có thể giết được mươi vạn người.

Tào Tháo anh hùng chính là tầm nhìn thấy rừng của mình. Và nhà lãnh đạo đích thực chính là người thấm nhuần tư tưởng ấy. Dân tình bị tai nạn giao thông, thăm viếng sẻ chia tặng quà an ủi là là thấy cây, nhưng quy hoạch lại hệ thống giao thông và quyết tâm xây dựng lại nó là thấy rừng. Lũ lụt miền Trung, cứu trợ là thấy cây, mà xem lại các dự án thủy điện, không khai thác tài nguyên vô tội vạ là thấy rừng. Nông dân nghèo khổ, hỗ trợ vốn liếng con giống kỹ thuật là thấy cây, nhưng không độc quyền xuất khẩu, xã hội hóa đầu ra lúa gạo là thấy rừng. Sản phẩm tiêu dùng độc hại gây ung thư tràn lan cả xã hội, truy lùng tịch thu tuyên truyền vận động tẩy chay là thấy cây, nhưng xây dựng được hàng rào bảo vệ ngay tại hải quan tại cửa khẩu bằng kỹ thuật bằng pháp lý bằng con người là thấy rừng. Kêu gọi từ thiện, bố thí cho một cảnh đời bất hạnh là thấy cây, nhưng có chính sách hỗ trợ đào tạo, tạo công ăn việc làm làng nghề thu nhập ổn định là thấy rừng. Trấn áp phản biện, tạo không khí đồng thuận giả tạo rồi nhắm mắt bịt tai kề vai bá cổ vỗ về nhau công bằng dân chủ là thấy cây, nhưng tạo điều kiện cho dân trí tiếp thu tư duy mới, mạnh dạn mở miệng trình bày chính kiến cho đến khi công bằng dân chủ văn minh không còn ai nói tới nữa vì đã sống trong nó rồi thì mới thực sự là có tầm nhìn là thấy rừng.
Dây dưa dông dài để nói, rằng căn nguyên dẫn đến tội phạm xã hội gia tăng liên tục không ngừng nghỉ gần đây cũng có hệ quả từ tầm nhìn cây - rừng. Có câu: thượng bất chính, hạ tắc loạn. Thời phong kiến, cứ xem gần cuối một giai đoạn vương quyền nào đó hay thấy sử ghi: nạn đói hoành hành khắp nơi, giặc cỏ thừa cơ nổi loạn cướp phá. Đó là hạ loạn. Mà hạ loạn là do thượng bất chính. Thượng bất chính tất cơ nghiệp diệt vong. Như vậy, truy bắt tội phạm, siết chặt an ninh là thấy cây, nhưng chấn chỉnh phép nước, minh bạch hành pháp, tư pháp, có những chính sách hợp lòng dân là thấy rừng vậy.



Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

Thơ Nguyễn Trọng Tạo tặng Thái Nhã Vân

Em này mình vốn không muốn nói tới, nhưng bài thơ của bác Tạo quá tuyệt, không thể không mang về nhà. Bài thơ tựa đề: Mây mặc yếm nâu.



Ngang qua làng anh mây mặc yếm nâu
Tuổi căng ngực nắng váy bay qua cầu
Rì rào đồng quê lúa non ngậm sữa
Mây giấu nụ cười chúm chím hoa ngâu

Mây qua đầm sâu sen nâng váy lĩnh
Trắng trắng hồng hồng thức miền yên tĩnh
Dải yếm nhiệm mầu buộc trái tim anh
Cái lúm đồng tiền chết đuối trời xanh

Rồi mây đi đâu? Qua miền ngà ngọc
Một tấm khăn nâu vấn tròn suối tóc
Một vòng tay gió ôm choàng lưng ong
Hai gót chân trần lội sóng sang sông

Anh nhìn đằng đông mặt trời đã tỏ
Mây qua đằng tây nhập vào thành phố
Xập xình xanh đỏ em thành nàng dâu
Anh nhớ thắt lòng mây mặc yếm nâu…

Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

Đồng dao 2013

Lượm được trong nhà Đinh Tấn Lực



Du thủ là chủ lưu manh
Lưu manh là anh côn đồ
Côn đồ là bồ cảnh sát
Cảnh sát là bác dân phòng
Dân phòng là chồng gái điếm
Gái điếm là thím bố già
Bố già là cha đầu gấu
Đầu gấu là cậu công an
Công an là bạn du thủ…

Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

Cảm tạ Chúa đã đồng hành


Thời gian gần đây, Chính phủ thường cho người dân nghỉ liên tục dài ngày vào các dịp lễ lạt. Điều này đã tạo điều kiện cho người dân có nhiều cơ hội du lịch, về quê, thăm viếng...nói chung là một chủ trương tốt. Tuy nhiên, khi ấy lại nổi lên một vấn đề nhức nhối khác: tai nạn giao thông. Và như một thói quen, tổng kết kỳ nghỉ là bản tin thống kê số người chết và bị thương với những số liệu đau lòng. Những con số vài trăm người chết và hàng ngàn người bị thương trong những tai nạn ô tô đối đầu thảm khốc khiến người nghe rùng mình thảng thốt. Sẽ là một bi kịch đỉnh cao khi cắt ngang những tâm trạng háo hức trông chờ cuộc vui là một cái chết thương tâm. Là người tham gia dòng người vui chơi, đích thân trải nghiệm đủ cảm giác hỉ nộ ái ố trên suốt gần 400km đường trường, mình mới cảm nhận được để có một chuyến đi hoàn hảo không một bất trắc nào trên đường thì đúng là chỉ có Chúa đồng hành mới được như vậy. Có quá nhiều nguy cơ trên những cung đường ở Việt Nam. Chỉ riêng việc cảnh sát giao thông dày đặc chực chờ bắt lỗi tài xế ở những biển báo có mà như giăng bẫy thôi đã là một áp lực tinh thần kinh khủng. Trái ngược hoàn toàn là tại những điểm nóng giao thông xe cộ như một đàn cừu hỗn loạn thì bặt tăm bóng dáng các anh. Giao thông ở Việt Nam, đi sai thì sai đã đành, mà đi đúng thì vẫn cứ sai như thường. Hiểm họa rình rập khắp nơi từ chính rất nhiều áp lực vô hình mà chỉ khi ở trong cái đám đông hỗn loạn xe là xe đó mình mới cảm thấy. Đống rơm tinh thần của ta được sấy khô cực độ, chỉ đợi chờ một tia lửa nhỏ là một cú va quẹt nhẹ hay đơn giản như bị lấn đường hoặc thắng gấp là đã bùng cháy thành cơn lửa dẫn đến những hành động thiếu suy nghĩ. Những tai nạn thảm khốc liên quan đến xe container lôi người dưới gầm ngày càng phổ biến mình nghĩ do chính cái áp lực vô hình của cái văn hóa giao thông Việt đã làm tài xế muốn buông xuôi lúc đó. Ta thường nghe nói đến khái niệm điểm đen giao thông hay có huông để nói về một đoạn đường thường xuyên xảy ra những tai nạn giao thông nghiêm trọng. Mình nghĩ, đoạn đường đó có thể là điểm rơi tâm lý của tài xế khi trước đó đã trải qua một quãng đường bị quá nhiều áp lực. Để trả thù cho sự kềm nén quá lâu, tài xế sẽ có suy nghĩ không muốn tránh cái gì vật vờ trước mặt không nguy hại đến mình. Xe máy là thứ như vậy. Đó là chủ quan. Còn khách quan thì xe cũ thiếu bảo trì bỗng dưng đến phiên mình trước đầu xe thì cái thắng xe nó hư thế là đời ta tan nát. Mới hay phép lạ không phải là ta tránh được những mối nguy hiển hiện mà là ta không bị mối nguy nào rình rập.

Như là một phong trào có lẽ khởi sự từ một tư vấn của tay trưởng phòng rách việc nào đấy, cứ sau tin tai nạn giao thông, ta lại được nghe và phần lớn được xem một vị quan chức động viên, an ủi, chia sẻ và mặt đầy tâm trạng nhưng khống giấu vẻ thỏa mãn trước ống kính truyền hình rưng rưng trao tặng phần quà định mức 2tr/người chết và 1tr/người bị thương. Công thức có vẻ được lòng dân ấy được các vị quan nhà ta tin dùng đến nỗi trở thành lối hành xử chuẩn mực không cần suy nghĩ. Hại não chính là chỗ ấy. An trú vào vỏ bọc thương dân, các vị đã quên mất trách nhiệm chính của mình là ngăn chặn những việc như vậy xảy ra nữa. Không ai suy nghĩ, hoặc giả suy nghĩ nhưng không dám làm hoặc giả có làm nhưng không tới chốn một giải pháp căn cơ cho những tử lộ băng qua địa phương mình cai quản. Thay vào đó, dự án khu dân cư ma, khu công nghiệp không ai thuê, thủy điện phá rừng được tất cả các thủ đoạn chính trị vận dụng để dự án được duyệt. Nói đến đây, kẻ viết bài bỗng muốn hôn chân vị kiến trúc sư nào đấy đã quy hoạch đại lộ Nguyễn Văn Linh băng qua Sài Gòn. Không biết gì về cái gọi là tầm nhìn 20 năm, 50 năm, 100 năm gì đó, mình chỉ ao ước giá mà có một vị quan nào đấy có đủ thương dân và dũng khí để hạ quyết tâm xây dựng quốc lộ 1A được y như vậy, hay chí ít cái mặt cắt ngang đường cũng phải đầy đủ dãy phân cách cứng và rộng ở giữa, ba làn đường cho ô tô, và đặc biệt, xe máy phải được tách bạch hẳn hòi với ô tô. Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt có lẽ là nhà lãnh đạo như vậy khi đại lộ mang tên ông có dáng dấp của một con đường mơ ước. Tiếc là nó chỉ ở Sài Gòn. 
Mình cảm tạ Chúa vì Chúa đã đồng hành với mình trên một quốc lộ rộng chưa đầy 20m không dãy phân cách đậm đặc xe cộ đậm đặc bẫy giăng đậm đặc quái xế. Nhưng mình sẽ biết ơn Chúa rất nhiều nếu Chúa đồng hành hết với mọi người lái xe bằng một con đường như đại lộ Nguyễn Văn Linh xuyên suốt chiều dài nước Việt.