Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

Cảm tạ Chúa đã đồng hành


Thời gian gần đây, Chính phủ thường cho người dân nghỉ liên tục dài ngày vào các dịp lễ lạt. Điều này đã tạo điều kiện cho người dân có nhiều cơ hội du lịch, về quê, thăm viếng...nói chung là một chủ trương tốt. Tuy nhiên, khi ấy lại nổi lên một vấn đề nhức nhối khác: tai nạn giao thông. Và như một thói quen, tổng kết kỳ nghỉ là bản tin thống kê số người chết và bị thương với những số liệu đau lòng. Những con số vài trăm người chết và hàng ngàn người bị thương trong những tai nạn ô tô đối đầu thảm khốc khiến người nghe rùng mình thảng thốt. Sẽ là một bi kịch đỉnh cao khi cắt ngang những tâm trạng háo hức trông chờ cuộc vui là một cái chết thương tâm. Là người tham gia dòng người vui chơi, đích thân trải nghiệm đủ cảm giác hỉ nộ ái ố trên suốt gần 400km đường trường, mình mới cảm nhận được để có một chuyến đi hoàn hảo không một bất trắc nào trên đường thì đúng là chỉ có Chúa đồng hành mới được như vậy. Có quá nhiều nguy cơ trên những cung đường ở Việt Nam. Chỉ riêng việc cảnh sát giao thông dày đặc chực chờ bắt lỗi tài xế ở những biển báo có mà như giăng bẫy thôi đã là một áp lực tinh thần kinh khủng. Trái ngược hoàn toàn là tại những điểm nóng giao thông xe cộ như một đàn cừu hỗn loạn thì bặt tăm bóng dáng các anh. Giao thông ở Việt Nam, đi sai thì sai đã đành, mà đi đúng thì vẫn cứ sai như thường. Hiểm họa rình rập khắp nơi từ chính rất nhiều áp lực vô hình mà chỉ khi ở trong cái đám đông hỗn loạn xe là xe đó mình mới cảm thấy. Đống rơm tinh thần của ta được sấy khô cực độ, chỉ đợi chờ một tia lửa nhỏ là một cú va quẹt nhẹ hay đơn giản như bị lấn đường hoặc thắng gấp là đã bùng cháy thành cơn lửa dẫn đến những hành động thiếu suy nghĩ. Những tai nạn thảm khốc liên quan đến xe container lôi người dưới gầm ngày càng phổ biến mình nghĩ do chính cái áp lực vô hình của cái văn hóa giao thông Việt đã làm tài xế muốn buông xuôi lúc đó. Ta thường nghe nói đến khái niệm điểm đen giao thông hay có huông để nói về một đoạn đường thường xuyên xảy ra những tai nạn giao thông nghiêm trọng. Mình nghĩ, đoạn đường đó có thể là điểm rơi tâm lý của tài xế khi trước đó đã trải qua một quãng đường bị quá nhiều áp lực. Để trả thù cho sự kềm nén quá lâu, tài xế sẽ có suy nghĩ không muốn tránh cái gì vật vờ trước mặt không nguy hại đến mình. Xe máy là thứ như vậy. Đó là chủ quan. Còn khách quan thì xe cũ thiếu bảo trì bỗng dưng đến phiên mình trước đầu xe thì cái thắng xe nó hư thế là đời ta tan nát. Mới hay phép lạ không phải là ta tránh được những mối nguy hiển hiện mà là ta không bị mối nguy nào rình rập.

Như là một phong trào có lẽ khởi sự từ một tư vấn của tay trưởng phòng rách việc nào đấy, cứ sau tin tai nạn giao thông, ta lại được nghe và phần lớn được xem một vị quan chức động viên, an ủi, chia sẻ và mặt đầy tâm trạng nhưng khống giấu vẻ thỏa mãn trước ống kính truyền hình rưng rưng trao tặng phần quà định mức 2tr/người chết và 1tr/người bị thương. Công thức có vẻ được lòng dân ấy được các vị quan nhà ta tin dùng đến nỗi trở thành lối hành xử chuẩn mực không cần suy nghĩ. Hại não chính là chỗ ấy. An trú vào vỏ bọc thương dân, các vị đã quên mất trách nhiệm chính của mình là ngăn chặn những việc như vậy xảy ra nữa. Không ai suy nghĩ, hoặc giả suy nghĩ nhưng không dám làm hoặc giả có làm nhưng không tới chốn một giải pháp căn cơ cho những tử lộ băng qua địa phương mình cai quản. Thay vào đó, dự án khu dân cư ma, khu công nghiệp không ai thuê, thủy điện phá rừng được tất cả các thủ đoạn chính trị vận dụng để dự án được duyệt. Nói đến đây, kẻ viết bài bỗng muốn hôn chân vị kiến trúc sư nào đấy đã quy hoạch đại lộ Nguyễn Văn Linh băng qua Sài Gòn. Không biết gì về cái gọi là tầm nhìn 20 năm, 50 năm, 100 năm gì đó, mình chỉ ao ước giá mà có một vị quan nào đấy có đủ thương dân và dũng khí để hạ quyết tâm xây dựng quốc lộ 1A được y như vậy, hay chí ít cái mặt cắt ngang đường cũng phải đầy đủ dãy phân cách cứng và rộng ở giữa, ba làn đường cho ô tô, và đặc biệt, xe máy phải được tách bạch hẳn hòi với ô tô. Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt có lẽ là nhà lãnh đạo như vậy khi đại lộ mang tên ông có dáng dấp của một con đường mơ ước. Tiếc là nó chỉ ở Sài Gòn. 
Mình cảm tạ Chúa vì Chúa đã đồng hành với mình trên một quốc lộ rộng chưa đầy 20m không dãy phân cách đậm đặc xe cộ đậm đặc bẫy giăng đậm đặc quái xế. Nhưng mình sẽ biết ơn Chúa rất nhiều nếu Chúa đồng hành hết với mọi người lái xe bằng một con đường như đại lộ Nguyễn Văn Linh xuyên suốt chiều dài nước Việt.


4 nhận xét:

  1. thay vì mơ ước có 1 tập n con đường Nguyễn Văn Linh quá xa vời, bác Vinh nên xung phong dùng phương tiện công cộng bằng việc đi buýt thay cho tự lái con Chevrolet, nhỉ?

    Trả lờiXóa
  2. Đi xe buýt thì cũng đâu có thoát cái khổ nạn nguy hiểm chập chờn chết chóc treo đầu đâu bác cho khongcan. Mà xe buýt cũng đâu có chở mình đinh chơi. Đường Nguyễn Văn Linh xuyên suốt chiều dài VN không hề xa vời mà hoàn toàn trong tầm tay, nếu so sánh hàng trăm tỉ đô la đầu tư nhảm và trở thành cục nợ khổng lồ, mà 2 quả nợ vinashin và vinaline đã bể. Chỉ cần có chủ trương: đã là quốc lộ phải có dải phân cách và tối thiểu 4 làn đường, thằng chủ tịch nào không làm được thì biến. Bảo đảm chỉ trong vòng 1 nhiệm kì, tỉnh nào có quốc lộ chạy ngang cũng sẽ bề thế như Nguyễn Văn Linh. Bi kịch đầu tư dàn trải là chỗ đó, tiền bỏ ra mà không được thứ gì. Xuống các huyện, nhìn những bệnh viện to vật vã không 1 bệnh nhân mới dễ nổi điên. Trong khi các bệnh viện điều trị được thì 3 người 1 giường. Đầu tư mở rộng thì rót tiền nhỏ giọt. Dẫu muốn lắm không có địa ngục trên đời nhưng không sao kìm được ước muốn cho cái bọn làm chính sách trời ơi vô vạc dầu tất thảy. Vì Chúa, chúng nó bớt làm việc nào thì dân nhờ việc ấy.

    Trả lờiXóa
  3. "Mà xe buýt cũng đâu có chở mình đinh chơi" --> đây là câu quen thuộc của các bác rủng rỉnh $, thậm chí có hàng lô lý do khác có vẻ cấp thiết hơn, như con nhỏ, nhiều con,... đi xe công cộng không tiện. Nói chung, cứ thấy dân xứ ta ngại đủ thứ thì mỗi con Chevrolet sẽ góp phần tạo nên lời ta thán như vầy "đích thân ngồi sau tay lái, mình mới cảm nhận được để có một chuyến đi hoàn hảo không một bất trắc nào trên đường thì đúng là chỉ có Chúa đồng hành mới được như vậy" (trích: Cảm tạ Chúa đã đồng hành của lyquocvinh)

    Trả lờiXóa
  4. Cái tư tưởng bị nhồi sọ rằng có ô tô là có rủng rỉnh tiền bạc lại là một chính sách trời ơi xuất phát từ chủ trương quản không được thì cấm trong não trạng lãnh đạo ở nước ta. Đó là chính sách rất không nhân tính và dã man. Nó làm cho một phương tiện di chuyển hết sức thông thường bị phủ một chiếc áo trở thành là tài sản để khoe mẽ nhau và vô hình chung tạo tâm lý như bác cho khongcan đây thằng ngồi trong ô tô là thằng rủng rỉnh tiền thậm chí rửng mỡ, dẫu nó cũng nai lưng đầu tắt mặt tối. Chính những cái đầu óc không vượt nổi ao làng và tầm nhìn quy hoạch nhiệm kì đã tạo ra những đô thị chật chội làm giảm chất lượng sống của người dân và dựng nên chính nhiều chính sách quái đản. Đánh thuế trên trời ô tô là một trong những chính sách đó. Chỉ cần ta quan niệm cần một phương tiện di chuyển an toàn trong cái tình hình quái xế ma rợ hiện nay, sẽ thấy sách lược hạn chế ô tô nó coi thường con người đến mức nào. Khi ấy, những thành tích nỗ lực giảm tai nạn giao thông hết sức vô nghĩa.

    Trả lờiXóa