Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Thấy cây hay thấy rừng?


Sáng nay rảnh rỗi coi thời sự buổi sáng, có một phỏng vấn một tay không biết làm bên ngành văn hóa hay giáo dục hay an ninh, đánh giá rằng hiện nay tội phạm phát triển với mật độ ngày càng dày đặc, mức độ nghiêm trọng thì vụ sau cao hơn vụ trước, độ tuổi phạm tội thì tội sau trẻ hơn tội trước, thành phần gây án thì có vẻ cả xã hội đều đã phạm tội rồi. Rồi bác phân tích nguyên do, nào là do giáo dục, nào là do văn hóa xuống cấp, nào là do đua đòi...Nói chung nguyên do nào cũng đúng. Nhưng mình có cảm giác bác ấy đang thấy cây không thấy rừng. Người Việt ta vốn tự hào có truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, thường xúc cảm rơi lệ trước cảnh đời bất hạnh. Cụ thể là qua các mùa bão lũ miền Trung lại thấy rất nhiều đoàn cứu trợ, trước một tình cảnh đáng thương lại thấy có rất nhiều nhà hảo tâm. Thậm chí gần đây quan chức cũng tham gia bày tỏ nỗi lòng với những phần quà cho các nạn nhân trong những vụ tai nạn giao thông. Những hành động giúp người ấy là đúng hết, nhưng an lòng với những hành động đó thì tai hại vô cùng. Có thể kể ra câu chuyện đã cũ sau đây để hình dung: 

Tại khu bảo tồn nọ có một bầy nai và một con sư tử cùng sinh sống, người ta quan sát thấy bầy nai không phát triển thêm số lượng được do cứ bị sư tử tấn công. Thế là người ta giam sư tử lại để hy vọng bầy nai sinh sôi. Nhưng kì lạ là từ khi không còn sư tử thì bầy nai lại hết sức què quặt và dần đến chỗ diệt vong. Thì ra sư tử đã làm nhiệm vụ là chọn lọc tự nhiên, những con nai bệnh tật không chạy nổi đã bị giết thịt, vì thế, không có mầm bệnh trong bầy đàn. Lũ nai do ứng phó thường xuyên với nguy hiểm cũng phát triển toàn diện các kỹ năng sinh tồn.

Quay lại với câu chuyện nguyên do phạm tội của bác được phỏng vấn trên truyền hình buổi sáng. Có thể thấy hầu như hiện nay báo chí chính thống nước nhà từ giấy tới mạng cực kì nhạy cảm, đến mức mình cảm giác như phấn khích trước những tin tức thuộc loại cướp giết hiếp. Liên tục xuất hiện, đập vào mắt vào ý người đọc là những tình tiết nhỏ nhặt đến mức như xem một cuốn phim quay chậm sự man rợ của tội ác, tựa bài thì được đặt cực sốc sao cho phải câu được view nhiều hơn đối thủ. So với các sự kiện văn hóa chính thống có tính giáo dục như một buổi hòa nhạc, một buổi ra mắt sách, giới thiệu một phòng tranh...thì các tin tức giật gân vào đời tư giới showbiz hầu như át hết. Người ta chỉ còn thấy những lộ hàng, những clip nóng, những tranh cãi vớ vẩn đẫm đầy trang báo. Mầm mống tội ác chính từ đó mà ra. Biết điều ác để tránh là đúng, nhưng ám ảnh điều ác lại là chuyện khác. Những hạt giống sân hận dâm ác liên tục được tưới tẩm, sẽ phát lộ khi gặp điều kiện thích hợp là điều hiển nhiên.
Có lẽ cũng cần nhắc lại thái độ sống "tinh tấn" của nhà Phật qua diễn giải của thiền sư Nhất Hạnh:
- Khi hạt giống "con" sắp  nổi lên: hãy hạn chế môi trường sân hận tiếp xúc nó.
- Khi hạt giống "con" đã hiện hành" hãy tìm cách thay bằng hạt giống "người". Giống như khi nghe 1 đĩa CD, bạn không thích đĩa này thì hãy thay đĩa khác.
- Khi hạt giống "người" sắp nổi lên" hãy tạo môi trường thuận lợi cho nó phát triển.
- Khi hạt giống "người" đã hiện hành: hãy cố gắng giữ nó hiện hành càng lâu càng tốt.

 Mình có ý nói bác trả lời phỏng vấn là thấy cây mà không thấy rừng, tương tự như lòng nhân vụn vặt kiểu "bầu ơi thương lấy bí cùng" đầy cục bộ mà ta vẫn hay hay được dạy là phải tự hào, là vì câu chuyện sau:

Tào Tháo trong một buổi nói chuyện thân tình với các tướng, hỏi Hạ Hầu Đôn: không kể ngũ hổ tướng của Lưu Bị, một mình ngươi có thể giết được mấy tướng? Đôn đáp: 10. Hỏi Hứa Chữ như vậy, Chữ đáp 20. Bấy giờ các tướng hỏi lại Tào Tháo, có ý trêu chọc, thế Thừa tướng giết được mấy tướng? Tào Tháo không hề quê độ nói: Các ngươi cùng lắm là sức địch trăm người. Còn ta đây, dẫu không giết được tướng địch, nhưng có thể giết được mươi vạn người.

Tào Tháo anh hùng chính là tầm nhìn thấy rừng của mình. Và nhà lãnh đạo đích thực chính là người thấm nhuần tư tưởng ấy. Dân tình bị tai nạn giao thông, thăm viếng sẻ chia tặng quà an ủi là là thấy cây, nhưng quy hoạch lại hệ thống giao thông và quyết tâm xây dựng lại nó là thấy rừng. Lũ lụt miền Trung, cứu trợ là thấy cây, mà xem lại các dự án thủy điện, không khai thác tài nguyên vô tội vạ là thấy rừng. Nông dân nghèo khổ, hỗ trợ vốn liếng con giống kỹ thuật là thấy cây, nhưng không độc quyền xuất khẩu, xã hội hóa đầu ra lúa gạo là thấy rừng. Sản phẩm tiêu dùng độc hại gây ung thư tràn lan cả xã hội, truy lùng tịch thu tuyên truyền vận động tẩy chay là thấy cây, nhưng xây dựng được hàng rào bảo vệ ngay tại hải quan tại cửa khẩu bằng kỹ thuật bằng pháp lý bằng con người là thấy rừng. Kêu gọi từ thiện, bố thí cho một cảnh đời bất hạnh là thấy cây, nhưng có chính sách hỗ trợ đào tạo, tạo công ăn việc làm làng nghề thu nhập ổn định là thấy rừng. Trấn áp phản biện, tạo không khí đồng thuận giả tạo rồi nhắm mắt bịt tai kề vai bá cổ vỗ về nhau công bằng dân chủ là thấy cây, nhưng tạo điều kiện cho dân trí tiếp thu tư duy mới, mạnh dạn mở miệng trình bày chính kiến cho đến khi công bằng dân chủ văn minh không còn ai nói tới nữa vì đã sống trong nó rồi thì mới thực sự là có tầm nhìn là thấy rừng.
Dây dưa dông dài để nói, rằng căn nguyên dẫn đến tội phạm xã hội gia tăng liên tục không ngừng nghỉ gần đây cũng có hệ quả từ tầm nhìn cây - rừng. Có câu: thượng bất chính, hạ tắc loạn. Thời phong kiến, cứ xem gần cuối một giai đoạn vương quyền nào đó hay thấy sử ghi: nạn đói hoành hành khắp nơi, giặc cỏ thừa cơ nổi loạn cướp phá. Đó là hạ loạn. Mà hạ loạn là do thượng bất chính. Thượng bất chính tất cơ nghiệp diệt vong. Như vậy, truy bắt tội phạm, siết chặt an ninh là thấy cây, nhưng chấn chỉnh phép nước, minh bạch hành pháp, tư pháp, có những chính sách hợp lòng dân là thấy rừng vậy.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét