Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Chuyện tâm linh


Tối qua vô tình xem được một phim kinh dị, phim Con tàu ma. Chuyện phim cũng xoàng nhưng thông điệp rõ ràng: toàn bộ những người tham vàng trên con tàu đều chết. Kỹ thuật gây sốc trong thể loại kinh dị thì thấy Tây hơn hẳn Tàu. Không có những hình ảnh quá ghê rợn nhưng cái không khí và mạch phim nó làm mình phải theo dõi đến hết. Và một trong số những cảnh kinh dị ấy làm mình liên tưởng đến một vài sự kiện.
Ma, trong phim này đã được đạo diễn thể hiện theo cách thông thường là chỉ là hình ảnh, không có vật chất, tức là chỉ nhìn thấy như thật chứ không cầm nắm sờ mó gì được. Có một cảnh là một con ma xinh đẹp quyến rũ anh chàng thủy thủ, anh ta cứ đi theo đi theo miết để đến khi nhảy vồ vào người đẹp thì rớt xuống hầm chông mà chết. Hihi, tay đạo diễn này khá, đã bị người đẹp quyến rũ dẫu là ma hay người thì trước sau gì cũng chết dưới hầm chông như chơi. Sau cảnh tay thủy thủ ấy chết, đạo diễn không quay tiếp hắn nữa, thế nhưng mình nghĩ, giờ hắn đã là một con ma, con ma đầy dục vọng do chết trọng trạng thái thèm thuồng, thế thì hắn sẽ lại tiếp tục lao vào người đẹp ma kia. Thế nhưng, khi này chỉ còn ý thức, chứ có vật chất nữa đâu mà thực hiện cho ý thức. Và, hihi, cái ấy của hắn còn nhẹ hơn lông hồng, mần ăn làm răng?
Lan man mới nhớ lại mấy điều liên quan vụ này đâu đó của nhà Phật, rằng Tham là cội nguồn của Sân, Si, rằng dục vọng là con đường ngắn nhất đưa đến địa ngục. Chợt nhớ về trải nghiệm của chính mình mới đây mà thấy mơ hồ lo lo cho một truyền thống. Số là kẻ viết bài này bị ngộ độc thực phẩm, không nuốt được gì ngoài món cháo trắng đã liên tục 2 ngày, vô tình đi ngang  tiệm bún bò bốc hương ngào ngạt mà khởi sanh thèm muốn vô kể. Nỗi lo bắt đầu từ đấy.
Ông bà ta vốn có truyền thống giỗ kị và tự hào là nét đẹp văn hóa ngàn đời. Ngày này, gia đình chòm xóm cùng nhau họp mặt say sưa bù khú ôn cố tri tân. Giỗ nhỏ thì giết gà, giỗ lớn thì mổ lợn, nói chung là phải làm cho mọi người thấy rằng đám con cháu của nhà này là hiếu đạo, dẫu sau đó có lâm cảnh nợ nần. Chuyện văn hóa lễ giáo tế nhị sâu xa cũng là nếp nhà trong mỗi tâm hồn Việt mình không dám lạm bàn, nhưng thiết nghĩ như chuyện tay thủy thủ đã chết mà đầy dục vọng chưa thỏa mãn kia chắc không sung sướng gì lắm. Các cụ hương khói trên bàn thờ không biết có cái cảm giác giống như mình là phải ăn cháo trắng nghe mùi bún bò mà chỉ biết thèm rỏ dãi hay không nữa
. Có lần mình đốt vàng mã cho bà cô quá cố, một vị sư trẻ thấy thế mỉm cười nói: Quý vị cứ kêu tôi tụng niệm cầu siêu thoát cho người chết mà cứ mang đến toàn nhà lầu xe hơi điện thoại xịn thế này, ai siêu thoát cho nổi. Hehe, vị này trẻ người nhưng đạo hạnh tốt, ít ra cũng có chính kiến đúng đắn cho cái vụ bị nô dịch văn hóa của dân ta này.

Mới hay, người Ki tô giáo không biết có quan niệm linh hồn ma quỷ như mình không, nhưng cứ thấy chết thì về với Chúa xem ra coi bộ ổn, ít nhất cũng không mất quá nhiều tiền bạc thời gian cho cái vụ ma chay kèn trống giỗ quảy mà ngẫm kỹ vì lợi lạc người chết thì ít mà vì cái tiếng thơm của chính mình thì nhiều.

Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

Cà phê và vé số


Chắc ai ai ngồi quán cà phê cũng quen thuộc với hình ảnh những người vé số đến mời mua. Những người bán này thành phần thông thường là cụ già, em bé, người khiếm thị, người ngồi xe lăn. Còn có thêm phụ nữ tay xách nách mang đàn con nheo nhóc, đôi khi có đứa chừng mới ra tháng ngủ ngầy ngật trên tay, trông rất thiểu não. Nhìn chung thì người bán có thể là bản thân vậy, có thể là có chủ ý, tạo nên một hình ảnh đánh động vào sự thương cảm khách hàng càng mạnh càng tốt, càng dễ bán được hàng. 
Mình là khách hàng thường xuyên của các quán cà phê. Vì thế, cái sự từ chối mời mọc vé số này có thể nói là trải nghiệm hàng ngày. Và mình cảm nhận rằng, những năm gần đây, số lượng người bán vé số có vẻ tăng vọt, thể hiện qua mỗi cuộc cà phê thì cái cổ mình cũng mỏi nhừ do lắc đầu. Thế là mình bắt đầu nghĩ về vé số.
Vé số, gọi đầy đủ là Xổ số kiến thiết, là một hình thức kinh doanh sự may mắn do Nhà nước tổ chức, với mục tiêu cao đẹp như tên của nó là để kiến thiết nước nhà. Và rõ ràng lợi ích nó mang lại là sờ nắn thấy được. Như mình đã từng rất thán phục một cây cầu rất to ở thị xã mình do Công ty xổ số kiến thiết tỉnh nhà xây tặng. Hay như về quê, cũng hay gặp nhiều công trình phúc lợi ghi là của xổ số kiến thiết tỉnh XYZ nào đấy. Lợi ích nữa là nó giải quyết nạn thất nghiệp, bất cứ ai không còn hay không có khả năng lao động ở bất kì ngành nghề nào khác, đều có thể bán vé số. Những lợi ích không thể chối cãi đó đã khiến những người đứng đầu chính quyền an lòng với chuyện an sinh xã hội. Nhưng mình thì lại bất an.
Chuyện bất an đầu tiên là mình nhìn thấy rất nhiều, đoán là hơn phân nửa, số người bán vé số là trẻ em, lại hơn phân nửa số ấy là trẻ em dưới 10 tuổi, cái tuổi của sự ăn ngủ học hành chơi đùa kết bạn. Thế nhưng, chúng đã lao ra đường. Và những rủi ro rình rập chúng thì không sao kể xiết, có khi chúng phải trả giá bằng cả phần đời phía trước.Tương tự như vậy với những người già, người tàn tật. Thành phần này lý ra cũng phải được nghỉ dưỡng hay làm công việc nhẹ nhàng phù hợp, thì lại bôn ba nặng nhọc để đến giây phút sức cùng lực kiệt hay đoạn tuyệt niềm tin thì bỏ xác lại bên vệ đường. Nguy hiểm hơn, ngày nay có một số bọn mất dạy vô luân lại cứ nhè những con người khốn khổ này mà thẳng tay cướp giật. Thế là lại nhao nhao nguyền rủa, kêu gọi giúp đỡ được một hai kì báo rồi đâu đấy lại chìm vào quên lãng.
Chuyện bất an thứ hai là, cái đám mất dạy vô luân ban nãy, một số bọn chúng thủ đoạn hơn thì đánh thuốc ngủ trẻ con, lê lết giả đui mù què hủi cố gắng tạo một hình ảnh thê thảm nhất có thể nhằm gây sốc lòng thương hại của mọi người. Thế nhưng, báo chí phát giác. Và thế là những cảnh đời nghiệt ngã thật sự cũng đón lấy ánh mắt nghi ngại dè bỉu bởi lòng nhân đã bị chà đạp bởi thủ đoạn của bọn vô luân.
Chuyện bất an thứ ba là sự hoang phí sức dân một cách không cần thiết, đặc biệt là thời buổi cơm áo gạo muối trở nên đắt đỏ cùng hàng trăm thứ phí đội lên đầu người dân này. Có thấy cái đội ngũ khổng lồ mỗi chiều chiều hành cái nghề là chặt vé số mới thấy sự hoang phí khủng khiếp cho công việc vô nghĩa này. Hàng chục tấn giấy cùng hàng trăm công lao động làm cái việc vô bổ khủng khiếp. Một lượng lớn tiền của người dân đổ vào để nuôi cái bộ máy không tạo ra giá trị gia tăng nào cho xã hội này. Rõ ràng, trước những cảnh đời rất thê thảm cứ kêu nài ta giúp cho 1 tờ vé số, ta  chậc lưỡi bỏ ra 10 ngàn để giúp đỡ. Số tiền không lớn nhưng là một suất trưa của người công nhân. Mười ngàn ấy, người bán lãi 1 ngàn, trừ 1 ngàn chi phí, số còn lại chạy lòng vòng vào túi cái bộ máy khổng lồ tiêu hoang kia. Như vậy, vô tình những người có trách nhiệm tạo ra chính sách an sinh xã hội đã đá quả bóng trách nhiệm về phía người dân, bắt người dân gánh lấy cái trách nhiệm tạo thu nhập cho thành phần đáng ra phải được hưởng sự trợ cấp thiết thực từ Nhà nước. Nhưng lòng tốt của người dân đã và đang bị lợi dụng quá nhiều đến thô bạo, nên đã trở nên vô cảm như một cách tự nhiên bảo vệ chính mình. Vì thế, những thân phận cơ hàn lại bị dấn sâu hơn một bước vào cái đáy khốn cùng của xã hội.

Như vậy, giải pháp căn cơ cho thành phần bán vé số dạo này, cũng là trả cho lại bộ mặt khang trang cho xã hội cũng như không chà đạp thô bạo lòng nhân ái, có lẽ cần có một ý tưởng đối xử thật sòng phẳng với họ. Không thương cảm. Không cưu mang. Chúng ta vốn có thế mạnh hàng thủ công mỹ nghệ bởi bản tính cần cù khéo léo. Thế thì hãy biến thế mạnh ấy thành một định hướng kinh tế với lực lượng lao động nòng cốt là thành phần bán vé số dạo này. Nếu hỗ trợ, có chăng là cơ sở vật chất ban đầu, đào tạo kỹ thuật, quảng bá sản phẩm, dịch vụ. Chỉ cần một người có trách nhiệm nghĩ và muốn làm như vậy thôi, cũng đủ huy động nguồn vốn của cả xã hội để thực hiện một dự án đầy nhân văn như vậy rồi.

Kẻ viết bài cầu nguyện sao cho một nhà lãnh đạo như vậy bỗng xuất hiện ngay sau bài viết này.




Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

Thói quen


Một lý thuyết nghiên cứu nào đó đã chỉ ra rằng thói quen con người hình thành sau một hành động được lặp lại hàng ngày ít nhất cho đến khi 21 ngày. 
Nhân gần đây có một số hiện tượng như là những văn bản dự thảo luật đọc qua thấy rất ngớ ngẩn, được cộng đồng mạng ném đá hả hê, chắc cũng không cần nhắc lại. Lại thêm các trang báo giấy báo mạng liên tục giật tít câu khách với những tin bài có liên quan đến hoa hậu bán dâm hay là giết người man rợ. Lại thêm cảnh báo mối nguy thực phẩm nhiễm độc mà không có một giải pháp nào kèm theo. Lại thêm tai nạn giao thông thảm khốc. Lại thêm y đức xuống cấp. Lại thêm văn hóa giáo dục suy đồi. Lại thêm phong bì, bôi trơn, vô cảm. Lại thêm ngư dân bị cướp trắng tay. Lại công hàm, lại phản đối. Và, lại thêm bắt bớ với tội danh mình thật sự không hiểu đó là tội gì. Cứ thế, cứ thế, hàng ngày ta gần như ngập ngụa những tin thuộc loại vậy mà không có một tin tức tốt lành nào. Người có chút ít suy nghĩ thì buồn, kẻ ăn không ngồi rồi thì hóng chuyện. Thế rồi ngày nọ mình phát hiện rằng mình đã có thói quen hời hợt với tất thẩy, chỉ xem mọi loại tin tức như một thứ trang trí thêm cho cuộc sống thường nhật. Để cắm cúi xuống chén cơm của mình.
Mình không biết thói quen đó là tốt hay xấu, hay đơn giản chỉ là việc thích nghi để tồn tại. Nếu cách đây 10 năm, khi trông thấy một kẻ thò tay kéo ví một đôi tình nhân ở công viên, mình đã không ngần ngại la toáng lên và sẵn sàng cho một trận đánh nhau. Thế nhưng, bây giờ, mình chắc chắn rằng mình sẽ không bao giờ làm lại việc đó được nữa. Bởi mình hiểu rằng lực lượng bảo vệ người dân không hề sẵn sàng cho nhiệm vụ của họ. Kẻ thủ ác cũng hiểu vậy. Cuộc chiến, nếu bắt buộc phải xảy ra, chỉ là cho chính mình. Nỗi đau của cả xã hội là chỗ này. Điều này tệ hơn loài thú. Đàn sơn dương chỉ cần đi chung với nhau, không một con sói hay sư tử nào dám bén mảng tới. Nhưng con người ở VN trong thời điểm này, chẳng những không liên kết được như sơn dương mà còn luôn nghi kị cạnh khóe nhau, chẳng những phải đối mặt với tội phạm hung hãn hơn hổ báo mà còn chịu sự ăn thịt hàng ngày của những kẻ vô hình mang tên nhóm lợi ích. 
Thói quen đó tạo nên những nhân cách như là hàng ngày ăn những món ăn cao lương mỹ vị đến thừa mứa đổ đi mà không màng đến hàng triệu công nhân với suất ăn có giá thua tờ vé số và phải đối mặt với nạn ngộ độc thực phẩm hầu như mỗi ngày. 
Thói quen đó tạo nên những nhân cách như là bỏ ra hàng núi tiền để con cái học vào học một cái trường mà cha mẹ chúng cho là tốt mà không màng đến hàng triệu đứa trẻ lăn lộn nắng mưa mỗi ngày nhưng cái ăn no mặc ấm cũng chỉ là thứ hết sức xa xỉ.
Thói quen đó tạo nên những nhân cách như là người ta rải tiền từ y tá điều dưỡng đến bác sĩ để không phải chờ đợi tới phiên mình được điều trị mà không màng đến những cụ già lặn lội từ một miệt thứ nào đó đã chầu chức từ từ rạng sáng đến mãi tận trưa.
Thói quen đó tạo nên một nhân cách như là người ta ngật ngưỡng trên một con siêu xe sáng loáng cặp kè người mẫu với chân dài mà không màng đến gánh hàng rong bánh đa của một người phụ nữ đã ướt mem vì nước văng tung tóe bởi chiếc xe hoành tráng kia chạy tốc độ vô tội vạ trong một con đường nhỏ.
Thói quen đó tạo nên một nhân cách như là người ta hồn nhiên quăng bịch nước mía uống dở xuống đường trước mặt con trẻ và không giấu vẻ miệt thị người quét đường mà không màng trước đó mới vừa huyên thuyên dạy con về tính kỷ luật và lòng nhân ái.
Thói quen đó tạo nên một nhân cách như là khi đọc thấy một tin người tốt giúp người nào đó rồi chẳng may tử nạn thì buông lời nhận xét: đồ hâm.
Thói quen đó tạo nên một nhân cách như là sau khi đọc tin về một đồng bào nào đó gặp thảm cảnh, ta lạnh lùng quay sang hỏi vợ: Buổi trưa hôm nay có gì?

Có câu: Gieo tính cách gặt số phận. Với những tính cách được hình thành do thói quen như vậy, chừng nào mà những thói quen của mỗi người còn chưa thay đổi, chắc không khó để mường tượng đến viễn cảnh số phận của đám đông này.



Đời này ta còn được gặp bố mẹ mấy lần? (Phạm Văn Chính)

Không hiểu sao gần như những cuộc gọi cận nửa đêm đã thành thông lệ là những cuộc gọi báo tin dữ. Hôm qua mình nhận được một cuộc gọi cũng như vậy. Thằng bạn báo tin ông già của một thằng bạn đã mất, bàn chuyện đi đưa tang. Nói chuyện xong, mình nhớ ngay tới một ghi chép của nhà đào tạo quản trị nhân sự, ông Phạm Văn Chính. Và đây là bài viết của ông:



Đêm qua, tắt TV xong lên giường nằm đọc sách nhưng chẳng vào. Bật điện thoại nghe FM, tình cờ nghe được một câu chuyện khiến ta giật mình tự hỏi: Đời này ta sẽ còn gặp bố mẹ mình bao nhiêu lần nữa?


Có người mỗi năm chỉ về thăm bố mẹ được một lần. Nếu bố mẹ còn sống được 20 năm nữa thì họ cũng chỉ được gặp 20 lần. Nhưng với nhiều người, bố mẹ có thể còn sống trên đời này khoảng 10 năm nữa thôi, vậy là chỉ còn 10 lần gặp mặt bố mẹ. Khoảng thời gian bố mẹ còn trên đời này của mỗi người có thể ngắn hơn nữa; chắc có người trong chúng ta không dám nghĩ tiếp!

Chủ đề mà chương trình phát thanh đưa ra trò chuyện cùng thính giả xoay quanh câu chuyện của một chàng trai từ miền quê tới thành phố xa xôi lập nghiệp. Sau khi học xong, anh ở lại thành phố và bắt đầu đi làm. Rồi thời gian trôi đi; 5 năm liền anh không về quê thăm bố mẹ được một lần.

Mới đây, anh đón được bố mẹ mình đến sống cùng mình ở thành phố thì không lâu sau, người mẹ được phát hiện là bị ung thư giai đoạn cuối. Theo lời bác sĩ, thời gian cho mẹ anh chỉ còn khoảng 1 năm, và khoảng thời gian đó đang từ từ ngắn lại khi mỗi ngày trôi qua...

Giờ đây, ngoài lúc đi làm, anh dành tất cả thời gian còn lại để ở bên mẹ mình. Anh nhớ lại tất cả những gì mà bố mẹ đã dành cho anh từ thuở ấu thơ và nhận ra rằng mình thật có lỗi với bố mẹ. Lúc này, anh mới thấy được sự quý giá của những khoảnh khắc được ở bên bố mẹ mình.

Trên đất bạn (Trung Quốc) mà sao nghe câu chuyện lại thấy giống với cuộc sống đang diễn ra trên quê hương mình đến vậy! Đời này ta sẽ còn được gặp bố mẹ mình bao nhiêu lần? Chàng trai kia cũng sẽ giống như đa số chúng ta. Nếu như mẹ anh không lâm bệnh nặng, cuộc sống cứ đều đều trôi qua thì anh cũng chẳng thể nào nhận ra được những gì quý giá đang dần rời bỏ mình.

Xã hội không ngừng phát triển, cuộc sống ngày càng nhiều áp lực. Mỗi người đều mải lo cho sự nghiệp và cuộc sống bề bộn của mình: Bàn chuyện làm ăn, tìm kiếm cơ hội, quan hệ xã hội, thù tiếp khách khứa bạn bè, rồi học thêm cái này cái kia... Nhiều người ở xa quê, mỗi năm chỉ về thăm bố mẹ được một vài lần. Nhưng cũng có người sống gần bố mẹ ngay trong cùng một thành phố mà cũng chẳng có thời gian tới thăm bố mẹ được vài lần trong năm.

Chúng ta có thực sự là bận đến mức không còn thời gian để giành cho bố mẹ mình không? Có phải như thế thật không nhỉ?

Nhớ có lần bạn tôi cũng đã hỏi: "Mỗi năm anh về thăm bố mẹ được mấy lần?". Nhưng lúc đó tôi cũng không để tâm, chỉ trả lời là "hai, ba lần gì đó" rồi chẳng nghĩ ngợi gì nữa. Mới đây thôi, ngồi trò chuyện cùng anh giám đốc công ty, anh ấy bảo "các cụ cứ thích tất cả các con ở loanh quanh đâu đấy không xa nhà mình để khi muốn là gặp được ngay mới thoả". Tôi nghe xong cũng cười đồng ý rồi chẳng nghĩ ngợi gì nữa.

Lúc trước tôi chẳng hiểu sao cứ mỗi dịp có một trong 3 anh em về thăm nhà là y như rằng, mẹ tôi lại hỏi sao cả mấy đứa không cùng về, hay là "chúng nó bận việc không về được à?". Tôi chỉ cười mẹ tôi sao hay "thắc mắc" vậy, rồi cũng chẳng nghĩ ngợi gì nữa...

Còn bây giờ thì tôi cũng đang nghĩ: Đời này mình còn được gặp bố mẹ bao nhiêu lần?

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

Cú giãy cuối cùng của nền phê bình chỉnh huấn (Phạm Thị Hoài)


Đọc "Nhớ Phùng Quán" mình mới biết văn học sử có một giai đoạn nghiệt ngã là Nhân văn giai phẩm. Thế nhưng giáo dục học đường tuyệt nhiên không đề cập đến một chữ trong vụ án này. Phạm Thị Hoài trong bài này đã hé lộ một tí những nhân vật mà mình thần tượng một thời qua các tác phẩm văn chương đã được dạy dỗ. Quả là một thời kì không hiểu nổi. Những con người đã từng viết được những trang văn, vần thơ đẹp đẽ là thế, mà khả năng buông lời tàn độc sâu cay cũng không kém cạnh bất kì một kẻ sâu mọt đáng nguyền rủa nào. Than ôi.
Xin giới thiệu bài viết của Phạm Thị Hoài.

Năm ngoái, mấy cây dầu cổ thụ trong một bài thơ ít người biết đến bỗng khuấy động chút ít thi đàn Việt Nam. Tác giả, ông Đàm Chu Văn, chuyên viên cao cấp của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai kiêm Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai, Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Đồng Nai, bị một đồng nghiệp thấm nhuần lập trường chuyên chính soi quan điểm chính trị.
Cuối cùng mọi chuyện cũng ổn. Ông chỉ mất bốn tiếng đồng hồ giải trình sự trong sáng của mình với cơ quan tuyên giáo. Báo chí đưa tin. Đồng nghiệp Hồng Vệ binh im. Quan văn nghệ trung ương bật đèn xanh. Như trong vụ “Cánh đồng bất tận” sáu năm trước, những robot tuyên giáo ở một số tỉnh lẻ có lẽ vẫn tiếp tục chạy theo lập trình đấu tranh tư tưởng mấy thập niên quên cập nhật, nhưng thời của nền phê bình chỉnh huấn trên diện rộng ở toàn quốc đã qua rồi. Không ai đọc ai điếu cho nó. Nó đơn giản đã đóng xong vai trò kinh dị của mình trong một chương kinh hoàng của văn học sử đất nước này.

Tôi phải nhận rằng mình chưa bao giờ hâm mộ trường phái thơ mượn lời cỏ cây hoa lá để tâm tình. Khi tôi đến với văn chương thì những tâm tình đặc sắc nhất đặt vào miệng thiên nhiên đã được thốt ra rồi, từ đó trở đi cứ thấy cánh hoa nào trầm ngâm, nhành cây nào đau đáu, áng mây nào nặng trĩu nhân văn là tôi bỏ chạy. Tôi phải bảo vệ tình yêu văn chương của mình. Cũng như mọi tình yêu, chết vì buồn tẻ là nguyên nhân hàng đầu.
Với một thái độ thiếu khách quan không buồn giấu diếm như thế, tôi không thể bình luận về bài thơ vừa nhắc, nhan đề “Lời những cây dầu cổ thụ ở trụ sở ủy ban nhân dân”. Thực ra cuộc chỉnh huấn mini nói trên không liên quan gì đến thông điệp nghệ thuật của bài thơ. Vấn đề không phải là chỗ đứng của những cây dầu hoàn toàn vô can ấy trước trụ sở ủy ban nhân dân. Vài chục năm trước, có đứng trong rừng mà tâm sự mông lung như vậy thì chúng cũng bị đốn. Vấn đề là chỗ đứng của tác giả. Ở vị trí cán bộ tư tưởng và quan văn nghệ hạng đầu tỉnh, ông Đàm Chu Văn chỉ nên cho những phát ngôn viên của ông đứng trước một tiệm McDonald’s. Như thế sẽ vẹn cả mọi bề, vừa không ngán đồng nghiệp nào chỉ điểm, vừa thêm được tinh thần đi trước thời đại (ít nhất là hai năm, vì tập đoàn McDonald’s vẫn chưa hạ cố đến thị trường Việt Nam), và tất nhiên không mất mát gì về thông điệp nghệ thuật. Để có mấy lời tâm sự “mưa nắng ở đời” như thế thì đứng trước trụ sở ủy ban nhân dân hay trụ sở McDonald’s không có gì khác nhau. Nói cách khác, nếu là một nhà thơ tự do, tác giả của mấy cây dầu đó có thể khuân chúng ra tận Lăng Hồ Chủ tịch mà đứng, tâm sự mông lung hơn nữa cũng không phải giải trình trong sáng với ai. Đã từ lâu không kiểm soát nổi những nhà thơ tự do, nền phê bình chỉnh huấn chỉ còn ngắc ngoải bằng dăm ba nỗ lực uốn nắn nền thi ca chính thống, nơi điều duy nhất có thể mất và vì thế cần bảo vệ không phải là tự do, mà là sự lệ thuộc. Thấm thía điều này hơn ai hết có lẽ là người đã rời – chắc chắn không phải vì tự nguyện – cương vị đứng đầu ngành tuyên giáo quốc gia để trở về “chường cái mặt ra trong thơ”: ông Nguyễn Khoa Điềm.
Nhưng trước khi yên vị trong nhà quàn, nền phê bình chỉnh huấn ấy còn muốn cống hiến cho chúng ta một cú giãy, tuy quá thiểu não để có thể giải trí nhưng đáng để bình luận, vì rất có thể là cú giãy cuối cùng. Lần này, nó dồn hết những mảnh vụn kí ức sót lại về một thời sinh sát oanh liệt vào ngọn roi tàn, giáng xuống một bản luận văn thạc sĩ ba năm trước về nhóm thơ tự do đáng kể nhất từ thời Đổi mới ở Việt Nam, nhóm Mở Miệng.
Trong cuộc truy sát Nhân văn-Giai phẩm, ít ra chúng ta biết: Người “vạch trần bộ mặt thật” “trụy lạc phản động” của Trần Dần là nhạc sĩ Đỗ Nhuận; người hô hào cả nước “phải chặn lại không cho Trương Tửu được tự do truyền bá những tư tưởng phản động, những tác phong đồi bạilà nhà phê bình Hoài Thanh, cũng chính là người xác định tính chất “xuyên tạc”, “vu khống”, “phản động” của bài thơ “Nhất định thắng” của Trần Dần; người tố giác cả một “hệ thống những sai lầm xấu xa”, những “dụng ý rất đen tối” của Tử Phác là nhạc sĩ Lương Ngọc Trác; người lột “cái mặt gian xảo” của Lê Đạt như “một kẻ ẩn núp, tàng hình, đã từng quay quắt được một thời gian, nhưng rốt cục cái bản chất phản lại giai cấp vô sản lòi ra mồn mộtlà nhà thơ Xuân Diệu, cũng chính là người phát hiện Văn Cao “gài mìn chống phá Đảng và nhân dân”; người quyết “vạch rõ tội lỗi của Phan Khôi đã bao nhiêu năm làm tay sai cho đế quốc, nịnh hót phong kiến, huyễn hoặc, lừa bịp, đầu độc nhân dân để kiếm bát cơm, manh áo”, “chống Đảng, chống cách mạng, phản nhân dân, phản Tổ quốc”, “từ bé đến già bóc lột của nông dân, ăn cướp của nhân dânlà nhà văn Nguyễn Công Hoan; người gọi tác phẩm của Trần Duy là cái thứ “văn nghệ vô nhân đạo của thần chết”, là “những thứ cỏ độc, mà chúng ta phải nhổ sạch, quét sạch, để vứt vào rác, hoặc làm một thứ phân bón cho những bông hoa chân chính trong vườn văn nghệ của ta” là nhà phê bình Vũ Đức Phúc…; chưa kể hàng trăm văn nghệ sĩ không kém danh tiếng khác – từ Thế Lữ, Bửu Tiến, Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân, Đoàn Giỏi, Tú Mỡ, Đoàn Văn Cừ, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Tuân…, đến Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Đình Thi, Võ Huy Tâm, Đào Vũ, Bùi Huy Phồn… – hăng hái góp đinh cho những chiếc búa tạ nêu trên chốt quan tài những đồng nghiệp “nổi loạn” của họ.
Còn bây giờ, vung roi dọa nhà nghiên cứu Nhã Thuyên và nhóm Mở Miệng là lèo tèo một nhúm vô danh hay ẩn danh: một Cẩm Khê nào đó trên Nhân dân, một Tuyên Hóa nào đó trên Quân đội Nhân dân, một Minh Văn nào đó trên Thanh tra, những tờ báo lẽ ra không có phận sự thì miễn vào địa hạt văn học và cho đến lúc này không có đồng minh tự nguyện từ giới văn nghệ, trừ một người: nhà phê bình Chu Giang.
Quan hệ của chúng ta với các nhà phê bình văn học thực ra không khác lắm quan hệ với những người bán cá ở chợ, nó dựa trên sự tin cậy [i]. Sự tin cậy ấy đương nhiên tùy thuộc vào mỗi người và phải có cơ sở. Song chẳng cần nhiều lắm; đôi khi chỉ cần nếm vị, ngửi hơi là ta chấm xong điểm tín nhiệm. Ai muốn biết tầm vóc của nhà phê bình Chu Giang, tức ông cựu giám đốc NXB Văn học Nguyễn Văn Lưu, tác giả cuốn Luận chiến văn chương từng đoạt Giải thưởng Hội Nhà Văn năm 1996, có lẽ chỉ cần thưởng thức vài dòng trong loạt bài luận chiến đăng trên Tuần báo Văn nghệ TP HCM năm ngoái, phê phán tác phẩm và con người Nguyễn Huy Thiệp, đối tượng được ông chiếu cố từ thuở Văn học Đổi mới đến giờ chưa buông. Cá nhân tôi tưởng mình đang lạc vào vườn trẻ, nơi ông Lưu giậm chân mách cô giáo rằng văn chương thằng Thiệp không ra gì vì nó vừa đái bậy xong lại tranh đồ chơi của thằng khác. Nhưng ông cũng có thể rất nghiêm túc. Khi nghiêm túc, ông tuyên bố rằng: “Nếu chúng ta đi theo tư tưởng Hồ Chí Minh, thống nhất cùng bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện theo những lời dạy của Hồ Chí Minh, thì đoàn kết được cả dân tộc, đoàn kết được cả giới văn nghệ”. Mọi bình luận ở đây là thừa.
Có những nhà phê bình mà khi được họ khen thì ta nên giật mình, còn lời chê của họ là bảo đảm đáng tin cậy nhất cho giá trị của tác phẩm bị họ phê phán. Tôi coi ông Nguyễn Văn Lưu thuộc loại này. Năng khiếu phê bình văn học (!) của ông nằm ở sự dị ứng không nhầm lẫn trước tất cả những gì vượt khỏi thước đo hạnh kiểm bỏ túi và cẩm nang thuật ngữ chính trị xuất bản năm 70. Ở thời hoàng kim của nền phê bình chỉnh huấn, phẩm chất ấy đáng giá vài cái Giải thưởng Hồ Chí Minh. Song sinh bất phùng thời, bây giờ nó được huy động cho cú giãy cuối cùng của nền phê bình ấy. Tôi tin rằng cả những người bị coi là phải chịu trách nhiệm về phương diện nhà nước cho công trình nghiên cứu mà ông hùng hồn gọi là “một luận văn kích động sự phản kháng và chống đối” lẫn tác giả Nhã Thuyên đều đủ rộng lượng để ghi nhận hành vi mang tính lịch sử này. Không phải ngày nào cũng có một nền phê bình giãy chết.
Còn nhóm Mở Miệng? Họ thà bị đem ra tra tấn bằng thơ, chứ nhất định không chịu mở miệng giải trình cái gì mà trong sáng. Nhưng tất nhiên họ sẽ mở miệng thật rộng để cười, dù biết rằng có những thứ giãy mãi không chết.

Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

Vị thầy vĩ đại của tôi


Con mình năm tuổi. Mẹ nó bắt đầu cố dạy nó một số chữ cái, con số và vài phép cộng đơn giản để lấy le chơi. Thế nhưng đứa nhỏ học trước quên sau, dạy chữ này hôm nay, hôm sau học chữ sau quên mất chữ trước. Lại thêm cái trò số má với phép tính, dạy mãi vẫn không nhận mặt số. Mẹ nó tức điên càng cố. Nhưng mà Tết năm rồi, nó làm chưng hửng cả cha lẫn mẹ khi nhận mặt số và đọc vanh vách từ 1 đến 89 chỉ sau một buổi chiều chơi lô tô nhà ông cậu. Hihi. Lại nữa, mấy bài thơ bài vè thuộc trước quên sau là vậy, thế mà mấy cái quảng cáo vớ vẩn trên tivi cảnh vừa chiếu tới đã nghêu ngao hát trước bài hát của phim. Vừa buồn cười vừa tức anh ách. Thế là mình lại phải xem lại mình. Thay đổi thế giới không được thì thay đổi mình mà, hihi. Chợt nhớ cách dạy của sư phụ Shifu của Po khi phát hiện được khả năng siêu phàm của Po qua cách trộm thức ăn. Lại một thông điệp giáo dục xuất sắc của đạo diễn. Cách dạy không hướng vào người học mà chỉ nhằm phô diễn kiến thức của mình xem ra không mấy được tiếp thu. Điều ấy làm mình suy nghĩ nhiều và cố gắng cùng chơi với con nhiều trò chơi ngô nghê và hy vọng nó tự học ra bài học gì đấy. Rõ ràng con mình đã dạy lại mình một bài học hết sức sâu sắc mà cực kì tự nhiên. Bài học ấy còn được lý thuyết kinh doanh hiện đại khai thác triệt để: lấy khách hàng làm trọng tâm. Lý thuyết ấy đang trở nên thuyết phục hơn bao giờ hết khi mọi cung cách phục vụ trong một môi trường cạnh tranh mà chỉ biết có mình đều phải phá sản (tất nhiên độc quyền thì ngoại lệ, hic).
Cái cách tiếp thu kiến thức một cách hết sức phi truyền thống của con mình cùng cái sự bị ấn tượng bởi quảng cáo của nó làm mình thán phục sức mạnh của truyền thông quảng cáo. Nếu các nhà giáo ta mà được đào tạo khóa đạo diễn quảng cáo hay mời các đạo diễn quảng cáo về dạy vỡ lòng cho trẻ thì cái sự học của trẻ con Việt có lẽ không khổ sở quá nhiều như báo chí đưa tin. Chỉ có cách chơi mà học mới học được nhiều nhất, nó không chỉ đúng cho mọi đứa trẻ mà đúng cả với chúng mãi đến lúc già. Nhớ lại phong cách lãnh đạo của Jack Welch, đế chế GM mà ông thành công gầy dựng có một nguyên tắc: Không có chỗ cho tệ quan liêu. Tức cũng không có chỗ cho những sáo rỗng ngoài lề. Các cấp quản lý trung gian mà chỉ có nhiệm vụ truyền lại thông tin từ cấp dưới cho lãnh đạo đều lần lượt ra đi. Ta cũng thấy điều đó ở những cá nhân hay doanh nghiệp thiên tài khác: Steve Job quần jean áo pull, trụ sở Google như một tổ hợp câu lạc bộ quán bar nhà trẻ, Warrent Buffet lặng lẽ trong ngôi nhà nhỏ của mình.   Có thể thấy công thức càng thông thái người ta càng hướng về đơn giản. Có dạo, Boris Yeltsin khởi xướng một phong trào gọi là nền ngoại giao không cà vạt. Ông này đã nhận diện đúng vấn đề của ngoại giao. Rõ ràng các quyết định trọng đại liên quan đến các vấn đề lớn của thế giới được thông qua ở trang trại hay bàn ăn nhiều hơn ở phủ thủ tướng hay văn phòng tổng thống.
Nhưng để đơn giản không hề dễ. C. W Caren nói rằng "Thiên tài là khả năng đơn giản hóa vấn đề phức tạp". Càng kém hiểu biết, người ta càng cố diễn giải vấn đề bằng mớ kiến thức chuyên môn chưa được tiêu hóa hết của mình. Nhà khoa học Stephen Hawking viết cuốn Lược sử thời gian mô tả vũ trụ, đã không dùng đến bất kì công thức nào ngoài phương trình Enstein trong quyển sách của mình.  Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng viết Kỳ diệu dàn hòa tấu nội tiết, sau khi được lời khuyên của Nguyễn Hiến Lê cũng làm cho bất kì ai không hiểu gì về y học cũng đọc và lĩnh hội trọn vẹn.
Mình thán phục con mình và mọi đứa trẻ là thế, bởi trước khi bị học mớ kiến thức áp đặt bởi người lớn, nó chính là người thầy vĩ đại dạy ta những điều đích thực là tốt đẹp của cuộc sống này. Và hình như càng ngày mình càng muốn sống một cuộc đời như một đứa trẻ, như một câu hát nghe được từ Mỹ Tâm: "Cuộc đời này dù ngắn nỗi nhớ quá dài. Và cũng đã đủ lớn để mong bé lại. Như ngày hôm qua."


Thứ Hai, 1 tháng 7, 2013

Khóc Ngụy Diên. Hay là âm mưu xưng đế bất thành của Gia Cát Lượng.


Thế là tập cuối cùng của câu chuyện Tam quốc đầy ly kỳ cũng hết. Cái kết nhẹ hẫng bằng hình ảnh nhẹ nhàng ra đi của Tư Mã Ý bên đứa cháu bi bô đọc thơ cho ông làm người xem lâng lâng xúc cảm. Mỗi ngày chỉ chiếu đúng 1 tập suốt hơn 3 tháng ròng đã hình thành cho mình một thói quen háo hức chờ đến 21g để ngồi bên màn ảnh nhỏ. Dẫu câu chuyện đã được biết trước, nhưng tính hấp dẫn của nó không hề vơi đi chút nào bởi cách dẫn dắt cảm xúc đầy tài hoa của đạo diễn.
Tam quốc diễn nghĩa hấp dẫn người xem không chỉ tính anh hùng của nhân vật mà còn là những canh bạc đầy rủi ro của chính nhân vật đó. Sẽ không quá lời khi nói rằng toàn bộ câu chuyện là một chuỗi những canh bạc kinh người. Tào Tháo đánh cược niềm tin và con ngựa Xích Thố vào sự trung thành của Vân Trường. Lưu Bị đặt cược Kinh Châu và cả tính mạng của mình vào tiếng tiêu chọn chồng của quận chúa Đông Ngô. Cục diện tam quốc phân định từ một canh bạc đặt cược vào ngọn gió Đông mà có lẽ Gia Cát Lượng cũng lầm bầm khấn Chúa. Và những tập cuối cùng của phim, trận chiến cân não giữa hai bộ óc vĩ đại của thời đại: Khổng Minh và Trọng Đạt, liên tục là những canh bạc đặt cược bằng chính tính mạng của mình để cầu thắng. Dễ thấy mưu lược Khổng Minh khi liên tục thắng trong các cuộc đấu tay đôi, nhưng cũng không thể xem thường Trọng Đạt khi đặt cược đại cuộc vào bản lĩnh của tướng sĩ bằng canh bạc tử thủ. Và trong ván cờ lớn cuối cùng, phần thắng đã nghiêng về người biết nhẫn.
Cũng trong mạch cảm xúc ở những tập cuối cùng của phim này, mặc dù đạo diễn đợt này vẫn thánh hóa Khổng Minh, nhưng nhìn tổng quát lại 6 lần thất thủ tại Kỳ Sơn của ông trong cuộc chiến Thục Ngụy mà ông phát động, mới thấy ông cũng rất người và dã tâm thu phục giang sơn về dòng họ Gia Cát là rất mãnh liệt và rõ ràng. Nhưng Chúa đã chọn dòng họ Tư Mã. Chính việc nhận ra điều này tại trận Thượng Phương cốc đã dẫn đến cái chết của Khổng Minh, tương tự như Lưu Bị chết vì thất trận ở Di Lăng.
Bằng chứng hiện hiện cho ý chí xưng đế của Không Minh là việc trù dập thẳng tay một trong những thượng tướng còn sót lại dưới thời Lưu Bị: Ngụy Diên.Xem đại tướng Ngụy Diên chết thảm dưới tay Mã Đại do kế của Gia Cát Lượng để lại trước khi chết chợt thấy rưng rưng cảm thương số phận bi hùng của vị danh tướng này. Tài năng của ông chẳng kém gì Hàn Tín thuở Hán Sở tranh hùng, chỉ tiếc Hàn Tín có được cơ may được thoát khỏi Hạng Vũ còn ông suốt đời bị giam hãm bởi vòng kim cô mang tên Gia Cát Lượng.
Sau khi Lưu Bị và lần lượt các thượng tướng khác lần lượt vì nhiều lý do mà chết, Ngụy Diên trở thành vị thượng tướng văn võ toàn tài còn sót lại của triều đình. Và ta thấy rõ Gia Cát Lượng dẫu thần thông binh pháp cách mấy cũng rất người khi hết lòng đố kị ông. Những năm cuối đời, Gia Cát Lượng với danh nghĩa hưng Hán dốc toàn lực đánh Ngụy với lý lẽ rất mơ hồ là thế chân vạc hiện nay sẽ đổ vỡ một khi ông không còn trên đời nữa. Về điểm này, Trần Hưng Đạo của Đại Việt ta rõ ràng hơn một cái đầu. Bởi khi được nhà vua hỏi phải dựa vào ai khi ông mất, Trần Hưng Đạo khẳng khái trả lời "nước lấy dân làm gốc". Rõ ràng Gia Cát Lượng đã một tay che trời khi đánh Ngụy bại trần đến sáu lần. Sử cũ ghi lại trong những lần ấy, Ngụy Diên đã hiến nhiều kế sách cực hay có thể nhanh chóng phân định đại cuộc. Có cảm giác rằng việc đánh Ngụy của Khổng Minh lại là kế sách lập nghiệp của riêng ông vậy. Bởi ở đất Thục, ông phải đóng vai đại thần phò ấu chúa. Còn khi đánh Ngụy thành công, chắc chắn ông sẽ được phong vương cho vùng đất ấy. Lúc này, đất Thục không còn ông phò trợ lại mất hết sức cho cuộc chinh phục, là cơ hội để ông tiến hành bước tiếp theo: phá vỡ liên minh Tôn - Lưu cho Tôn Quyền dễ dàng thâu tóm Lưu Thiện. Lúc này ông lại dùng ngọn cờ hưng Hán để chinh phạt Tôn Quyền. Giang sơn trở thành của Gia Cát Lượng. Chỉ có thế mới lý giải nguyên nhân sâu xa đến kỳ khôi đánh Ngụy của ông. Và trong kế hoạch kinh khủng đó, Ngụy Diên trở thành một cái gai quá lớn. Chinh chiến cùng nhau trải qua hơn trăm trận, lại là những bậc đại anh hùng ôm chí lớn, há chẳng phải Ngụy Diên là người có khả năng nhất thấy được dã tâm của Gia Cát Lượng. Minh chứng cho điều này là Ngụy Diên cũng hết lòng đánh Ngụy ngay sau khi Gia Cát Lượng mới lìa đời và có lệnh lui binh. Ta dùng khái niệm "làm phản"  đối với ông e rằng quá nhiều thiên kiến. Thời ấy, ai có tài thì giành thiên hạ thôi. Lưu Bị chẳng qua cũng nhờ cái họ Lưu, lang bạt nhiều năm gặp được Gia Cát Lượng rồi nhờ trận Xích Bích mà bắt đầu có thiên hạ. Gia Cát Lượng cả đời dựng nghiệp há chịu cuối đầu trước một đứa nhỏ chẳng công cán gì mà ngày ngày phải bái lạy. Ông lập ra kế sách giành thiên hạ cho Lưu Bị há chẳng có sách lược cho cơ nghiệp riêng mình. Ngụy Diên một mình một cõi nắm giữ năm vạn tinh binh đủ trấn giữ một dải sơn hà, hà cớ gì lại tuân theo cái binh phù vớ vẩn của Dương Nghi. Tiếc cho Khổng Minh một đời anh hùng mà chẳng trọng anh hùng. Xét việc ông bày quỷ kế giết Ngụy Diên thì cái sự tự đại ngông cuồng của ông có thua gì Quan Vân Trường. Bấy lâu văn chương với phim ảnh đều phong thánh cho Gia Cát Lượng nên hễ ai nói hay làm khác ông thành ra kẻ phản. Than ôi là cái tư duy độc đoán. Vì thế Ngụy Diên từ vị thế cần thiết nhà phản biện lại quay sang thành kẻ phản bội. Chính điểm này mới thấy tư tưởng cực mở của Tư Mã Ý mới là nguồn gốc thắng lợi của quân Ngụy, chứ không phải là binh pháp hay dũng tướng gì. Xem cái cách ông cư xử với tấm váy hoa la quà sỉ nhục của địch, cộng với lời khuyên khi nghe tin đối phương mất ngủ, ta thấy ông như một bậc đạo sư: "Không giữ thân tâm thanh tịnh, ngủ ít mưu nhiều, chỉ chờ chết sớm."

Kẻ hậu thế ít học lại ham nói nhiều, chẳng qua là bày tỏ đôi dòng thương cảm số phận bi tráng của con người một đời danh tướng.
Mấy lời cảm nghĩ, chợt rùng mình với cái chủ nghĩa hưng Hán mà ông tổ Gia Cát Lượng khơi mào đã  truyền thừa mãi đến tận ngàn sau.