Thứ Hai, 1 tháng 7, 2013

Khóc Ngụy Diên. Hay là âm mưu xưng đế bất thành của Gia Cát Lượng.


Thế là tập cuối cùng của câu chuyện Tam quốc đầy ly kỳ cũng hết. Cái kết nhẹ hẫng bằng hình ảnh nhẹ nhàng ra đi của Tư Mã Ý bên đứa cháu bi bô đọc thơ cho ông làm người xem lâng lâng xúc cảm. Mỗi ngày chỉ chiếu đúng 1 tập suốt hơn 3 tháng ròng đã hình thành cho mình một thói quen háo hức chờ đến 21g để ngồi bên màn ảnh nhỏ. Dẫu câu chuyện đã được biết trước, nhưng tính hấp dẫn của nó không hề vơi đi chút nào bởi cách dẫn dắt cảm xúc đầy tài hoa của đạo diễn.
Tam quốc diễn nghĩa hấp dẫn người xem không chỉ tính anh hùng của nhân vật mà còn là những canh bạc đầy rủi ro của chính nhân vật đó. Sẽ không quá lời khi nói rằng toàn bộ câu chuyện là một chuỗi những canh bạc kinh người. Tào Tháo đánh cược niềm tin và con ngựa Xích Thố vào sự trung thành của Vân Trường. Lưu Bị đặt cược Kinh Châu và cả tính mạng của mình vào tiếng tiêu chọn chồng của quận chúa Đông Ngô. Cục diện tam quốc phân định từ một canh bạc đặt cược vào ngọn gió Đông mà có lẽ Gia Cát Lượng cũng lầm bầm khấn Chúa. Và những tập cuối cùng của phim, trận chiến cân não giữa hai bộ óc vĩ đại của thời đại: Khổng Minh và Trọng Đạt, liên tục là những canh bạc đặt cược bằng chính tính mạng của mình để cầu thắng. Dễ thấy mưu lược Khổng Minh khi liên tục thắng trong các cuộc đấu tay đôi, nhưng cũng không thể xem thường Trọng Đạt khi đặt cược đại cuộc vào bản lĩnh của tướng sĩ bằng canh bạc tử thủ. Và trong ván cờ lớn cuối cùng, phần thắng đã nghiêng về người biết nhẫn.
Cũng trong mạch cảm xúc ở những tập cuối cùng của phim này, mặc dù đạo diễn đợt này vẫn thánh hóa Khổng Minh, nhưng nhìn tổng quát lại 6 lần thất thủ tại Kỳ Sơn của ông trong cuộc chiến Thục Ngụy mà ông phát động, mới thấy ông cũng rất người và dã tâm thu phục giang sơn về dòng họ Gia Cát là rất mãnh liệt và rõ ràng. Nhưng Chúa đã chọn dòng họ Tư Mã. Chính việc nhận ra điều này tại trận Thượng Phương cốc đã dẫn đến cái chết của Khổng Minh, tương tự như Lưu Bị chết vì thất trận ở Di Lăng.
Bằng chứng hiện hiện cho ý chí xưng đế của Không Minh là việc trù dập thẳng tay một trong những thượng tướng còn sót lại dưới thời Lưu Bị: Ngụy Diên.Xem đại tướng Ngụy Diên chết thảm dưới tay Mã Đại do kế của Gia Cát Lượng để lại trước khi chết chợt thấy rưng rưng cảm thương số phận bi hùng của vị danh tướng này. Tài năng của ông chẳng kém gì Hàn Tín thuở Hán Sở tranh hùng, chỉ tiếc Hàn Tín có được cơ may được thoát khỏi Hạng Vũ còn ông suốt đời bị giam hãm bởi vòng kim cô mang tên Gia Cát Lượng.
Sau khi Lưu Bị và lần lượt các thượng tướng khác lần lượt vì nhiều lý do mà chết, Ngụy Diên trở thành vị thượng tướng văn võ toàn tài còn sót lại của triều đình. Và ta thấy rõ Gia Cát Lượng dẫu thần thông binh pháp cách mấy cũng rất người khi hết lòng đố kị ông. Những năm cuối đời, Gia Cát Lượng với danh nghĩa hưng Hán dốc toàn lực đánh Ngụy với lý lẽ rất mơ hồ là thế chân vạc hiện nay sẽ đổ vỡ một khi ông không còn trên đời nữa. Về điểm này, Trần Hưng Đạo của Đại Việt ta rõ ràng hơn một cái đầu. Bởi khi được nhà vua hỏi phải dựa vào ai khi ông mất, Trần Hưng Đạo khẳng khái trả lời "nước lấy dân làm gốc". Rõ ràng Gia Cát Lượng đã một tay che trời khi đánh Ngụy bại trần đến sáu lần. Sử cũ ghi lại trong những lần ấy, Ngụy Diên đã hiến nhiều kế sách cực hay có thể nhanh chóng phân định đại cuộc. Có cảm giác rằng việc đánh Ngụy của Khổng Minh lại là kế sách lập nghiệp của riêng ông vậy. Bởi ở đất Thục, ông phải đóng vai đại thần phò ấu chúa. Còn khi đánh Ngụy thành công, chắc chắn ông sẽ được phong vương cho vùng đất ấy. Lúc này, đất Thục không còn ông phò trợ lại mất hết sức cho cuộc chinh phục, là cơ hội để ông tiến hành bước tiếp theo: phá vỡ liên minh Tôn - Lưu cho Tôn Quyền dễ dàng thâu tóm Lưu Thiện. Lúc này ông lại dùng ngọn cờ hưng Hán để chinh phạt Tôn Quyền. Giang sơn trở thành của Gia Cát Lượng. Chỉ có thế mới lý giải nguyên nhân sâu xa đến kỳ khôi đánh Ngụy của ông. Và trong kế hoạch kinh khủng đó, Ngụy Diên trở thành một cái gai quá lớn. Chinh chiến cùng nhau trải qua hơn trăm trận, lại là những bậc đại anh hùng ôm chí lớn, há chẳng phải Ngụy Diên là người có khả năng nhất thấy được dã tâm của Gia Cát Lượng. Minh chứng cho điều này là Ngụy Diên cũng hết lòng đánh Ngụy ngay sau khi Gia Cát Lượng mới lìa đời và có lệnh lui binh. Ta dùng khái niệm "làm phản"  đối với ông e rằng quá nhiều thiên kiến. Thời ấy, ai có tài thì giành thiên hạ thôi. Lưu Bị chẳng qua cũng nhờ cái họ Lưu, lang bạt nhiều năm gặp được Gia Cát Lượng rồi nhờ trận Xích Bích mà bắt đầu có thiên hạ. Gia Cát Lượng cả đời dựng nghiệp há chịu cuối đầu trước một đứa nhỏ chẳng công cán gì mà ngày ngày phải bái lạy. Ông lập ra kế sách giành thiên hạ cho Lưu Bị há chẳng có sách lược cho cơ nghiệp riêng mình. Ngụy Diên một mình một cõi nắm giữ năm vạn tinh binh đủ trấn giữ một dải sơn hà, hà cớ gì lại tuân theo cái binh phù vớ vẩn của Dương Nghi. Tiếc cho Khổng Minh một đời anh hùng mà chẳng trọng anh hùng. Xét việc ông bày quỷ kế giết Ngụy Diên thì cái sự tự đại ngông cuồng của ông có thua gì Quan Vân Trường. Bấy lâu văn chương với phim ảnh đều phong thánh cho Gia Cát Lượng nên hễ ai nói hay làm khác ông thành ra kẻ phản. Than ôi là cái tư duy độc đoán. Vì thế Ngụy Diên từ vị thế cần thiết nhà phản biện lại quay sang thành kẻ phản bội. Chính điểm này mới thấy tư tưởng cực mở của Tư Mã Ý mới là nguồn gốc thắng lợi của quân Ngụy, chứ không phải là binh pháp hay dũng tướng gì. Xem cái cách ông cư xử với tấm váy hoa la quà sỉ nhục của địch, cộng với lời khuyên khi nghe tin đối phương mất ngủ, ta thấy ông như một bậc đạo sư: "Không giữ thân tâm thanh tịnh, ngủ ít mưu nhiều, chỉ chờ chết sớm."

Kẻ hậu thế ít học lại ham nói nhiều, chẳng qua là bày tỏ đôi dòng thương cảm số phận bi tráng của con người một đời danh tướng.
Mấy lời cảm nghĩ, chợt rùng mình với cái chủ nghĩa hưng Hán mà ông tổ Gia Cát Lượng khơi mào đã  truyền thừa mãi đến tận ngàn sau.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét