Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

Vị thầy vĩ đại của tôi


Con mình năm tuổi. Mẹ nó bắt đầu cố dạy nó một số chữ cái, con số và vài phép cộng đơn giản để lấy le chơi. Thế nhưng đứa nhỏ học trước quên sau, dạy chữ này hôm nay, hôm sau học chữ sau quên mất chữ trước. Lại thêm cái trò số má với phép tính, dạy mãi vẫn không nhận mặt số. Mẹ nó tức điên càng cố. Nhưng mà Tết năm rồi, nó làm chưng hửng cả cha lẫn mẹ khi nhận mặt số và đọc vanh vách từ 1 đến 89 chỉ sau một buổi chiều chơi lô tô nhà ông cậu. Hihi. Lại nữa, mấy bài thơ bài vè thuộc trước quên sau là vậy, thế mà mấy cái quảng cáo vớ vẩn trên tivi cảnh vừa chiếu tới đã nghêu ngao hát trước bài hát của phim. Vừa buồn cười vừa tức anh ách. Thế là mình lại phải xem lại mình. Thay đổi thế giới không được thì thay đổi mình mà, hihi. Chợt nhớ cách dạy của sư phụ Shifu của Po khi phát hiện được khả năng siêu phàm của Po qua cách trộm thức ăn. Lại một thông điệp giáo dục xuất sắc của đạo diễn. Cách dạy không hướng vào người học mà chỉ nhằm phô diễn kiến thức của mình xem ra không mấy được tiếp thu. Điều ấy làm mình suy nghĩ nhiều và cố gắng cùng chơi với con nhiều trò chơi ngô nghê và hy vọng nó tự học ra bài học gì đấy. Rõ ràng con mình đã dạy lại mình một bài học hết sức sâu sắc mà cực kì tự nhiên. Bài học ấy còn được lý thuyết kinh doanh hiện đại khai thác triệt để: lấy khách hàng làm trọng tâm. Lý thuyết ấy đang trở nên thuyết phục hơn bao giờ hết khi mọi cung cách phục vụ trong một môi trường cạnh tranh mà chỉ biết có mình đều phải phá sản (tất nhiên độc quyền thì ngoại lệ, hic).
Cái cách tiếp thu kiến thức một cách hết sức phi truyền thống của con mình cùng cái sự bị ấn tượng bởi quảng cáo của nó làm mình thán phục sức mạnh của truyền thông quảng cáo. Nếu các nhà giáo ta mà được đào tạo khóa đạo diễn quảng cáo hay mời các đạo diễn quảng cáo về dạy vỡ lòng cho trẻ thì cái sự học của trẻ con Việt có lẽ không khổ sở quá nhiều như báo chí đưa tin. Chỉ có cách chơi mà học mới học được nhiều nhất, nó không chỉ đúng cho mọi đứa trẻ mà đúng cả với chúng mãi đến lúc già. Nhớ lại phong cách lãnh đạo của Jack Welch, đế chế GM mà ông thành công gầy dựng có một nguyên tắc: Không có chỗ cho tệ quan liêu. Tức cũng không có chỗ cho những sáo rỗng ngoài lề. Các cấp quản lý trung gian mà chỉ có nhiệm vụ truyền lại thông tin từ cấp dưới cho lãnh đạo đều lần lượt ra đi. Ta cũng thấy điều đó ở những cá nhân hay doanh nghiệp thiên tài khác: Steve Job quần jean áo pull, trụ sở Google như một tổ hợp câu lạc bộ quán bar nhà trẻ, Warrent Buffet lặng lẽ trong ngôi nhà nhỏ của mình.   Có thể thấy công thức càng thông thái người ta càng hướng về đơn giản. Có dạo, Boris Yeltsin khởi xướng một phong trào gọi là nền ngoại giao không cà vạt. Ông này đã nhận diện đúng vấn đề của ngoại giao. Rõ ràng các quyết định trọng đại liên quan đến các vấn đề lớn của thế giới được thông qua ở trang trại hay bàn ăn nhiều hơn ở phủ thủ tướng hay văn phòng tổng thống.
Nhưng để đơn giản không hề dễ. C. W Caren nói rằng "Thiên tài là khả năng đơn giản hóa vấn đề phức tạp". Càng kém hiểu biết, người ta càng cố diễn giải vấn đề bằng mớ kiến thức chuyên môn chưa được tiêu hóa hết của mình. Nhà khoa học Stephen Hawking viết cuốn Lược sử thời gian mô tả vũ trụ, đã không dùng đến bất kì công thức nào ngoài phương trình Enstein trong quyển sách của mình.  Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng viết Kỳ diệu dàn hòa tấu nội tiết, sau khi được lời khuyên của Nguyễn Hiến Lê cũng làm cho bất kì ai không hiểu gì về y học cũng đọc và lĩnh hội trọn vẹn.
Mình thán phục con mình và mọi đứa trẻ là thế, bởi trước khi bị học mớ kiến thức áp đặt bởi người lớn, nó chính là người thầy vĩ đại dạy ta những điều đích thực là tốt đẹp của cuộc sống này. Và hình như càng ngày mình càng muốn sống một cuộc đời như một đứa trẻ, như một câu hát nghe được từ Mỹ Tâm: "Cuộc đời này dù ngắn nỗi nhớ quá dài. Và cũng đã đủ lớn để mong bé lại. Như ngày hôm qua."


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét