Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

Vẩn vơ bè bạn


Hôm nọ có một status của một friend trên facebook của mình tâm sự rằng cô ấy cảm thấy may mắn khi gặp lại những người bạn cũ mà được nói chuyện với họ rất lâu, khi chia tay vẫn còn mong muốn gặp lại. Mình thấy hay hay, commemt lại rằng đúng đúng, bởi có những người gọi là bạn mà ngoài 2 tiếng "Xin chào" lúc gặp mặt ta chỉ có thể nói  "Tạm biệt" lúc ra về, hic. Nhân mới đây đọc một một đoạn chat cũng của 2 người bạn hồi phổ thông, cũng í a mừng tủi, kẻ đô thành người xứ biển rưng rức hẹn nhau gặp mặt. Thế nhưng cũng những người bạn thời ấy ở cùng nhau trong cái thành phố cách nhau vài phút xe máy cả năm  lại chẳng gặp nhau bao giờ. Và tại cái chợ facebook hỗn mang này, cũng chỉ vài ba cái avatar ló mặt trên các stt trong một list rất dài những friends. Những sự ấy khiến mình có vài suy nghĩ vẩn vơ về các mối quan hệ được cho là bè bạn.
Nhân vật chính trong bộ phim Bến Thượng Hải có một câu làm mình nhớ mãi: Tôi có rất ít bạn bè, nhưng những người tôi coi là bạn đều đáng để tôi liều mình vì họ. Thật đúng khẩu khí giang hồ. Có vẻ như những người bạn mà cùng ta trải qua sự kiện ấn tượng trong đời nào đấy là loại bạn bè đáng nhớ nhất. Thế nên trong giới giang hồ thường xuyên cùng nhau vào sinh ra tử, tình bạn đối với họ chiếm một vị trí đặc biệt. Mình thì chả có lần nào vào sinh ra tử gì với ai, nhưng ấn tượng về những chuyến đi rừng khảo sát mở đường nơi chưa có dấu chân người đi qua cũng mang lại những kí ức khó quên cùng những người bạn thuở ấy. Những kí ức đó gồm những chuyện buồn cười như cởi truồng lội suối hay nguy hiểm như nín thở chém rắn mở đường hoặc giang hồ như những đêm say khướt trong cơn mưa tối dữ dằn nơi huyện núi.
Nhưng tình bạn không chỉ đến từ những chuyện buồn cười hay nguy hiểm, nó cũng đến từ những chuyện sinh ra từ đói nghèo như thời hàn vi sinh viên ở ký túc xá. Nó là chuyện để tiết kiệm tiền gửi xe đạp mà 2 thằng luân phiên đèo nhau đến trường. Nó là chuyện nửa đêm cả đám đèo một thằng ngất xỉu vào bệnh viện vì lao lực rồi thay nhau canh chừng lo thuốc thang viện phí.
Tình bạn cũng đến thời hồn nhiên đã và đang dậy thì thuở học trò trung học phổ thông. Đó là những chuyến đạp xe mượn một điểm đến nào đó xa có khi hàng chục cây số để cả đám đứa tay xách đứa nách mang nào bánh mì nào chả lụa đến nơi ăn một phát lại đạp xe về.
Ra trường đi làm thì có mối quan hệ gọi là bạn đồng nghiệp. Tham gia trang mạng facebook có thêm một list dài những friend, không biết gọi là gì tạm gọi là bạn phây. Bạn đồng nghiệp hay bạn phây thỉnh thoảng cũng gặp những bạn bè thuộc các loại kể trên, đa số còn lại tiếp xúc nhau qua công việc qua sở thích qua thói quen. Vì thế, mối quan hệ bạn bè kiểu này nồng ấm hay lạt lẽo tùy thuộc vào áp lực công việc hay văn hóa mỗi người. Bạn dựa trên công việc được một nhà thơ già rỗi việc gọi là bạn xôi thịt, bởi đặc trưng của loại bạn này là chỉ tồn tại thông qua những cuộc rượu thịt trên cơ sở một mối làm ăn nào đó đã thành hình hay sắp thành hình. Bạn dựa trên sở thích trên thói quen thì tồn tại lâu hơn cho đến khi thói quen hay sở thích thay đổi. Bạn xôi thịt thì có lẽ 2 câu thơ trên bàn nhậu này đã thể hiện hết ý, không cần bàn nhiều: "Còn bạc còn tiền còn đệ tử. Hết cơm hết rượu hết ông tôi."  Còn bạn cùng văn hóa thì môi trường facebook dường như đã vẽ một bộ mặt văn hóa rất rõ cho mỗi người.
Có một câu không biết phải danh ngôn không được ghi ở tờ lịch ngày, nói rằng: Hãy nói cho tôi biết bạn anh là ai, tôi sẽ cho anh biết anh là người thế nào. Câu ấy có lẽ nên cập nhật lại trong thời in tờ nét có phây bút: Hãy add friend tôi trên facebook, tôi sẽ cho anh biết anh là người thế nào.
Thực vậy, trong danh sách rất dài những người bạn phây của mình thấy rõ 3 nhóm tính cách: nhóm hoàn toàn giữ im lặng không còm không like bất cứ thứ gì chỉ đến khi mở danh đọc danh sách bạn bè mình mới biết mình có bạn với nick ấy, tạm gọi là nhóm bí hiểm; nhóm khác thì chỉ chờ một chút tức giận một chút khoái cảm một chút yêu thương một chút ghét bỏ là trút ngay lên status cho kính thưa mọi loại đề tài, nhóm này tạm gọi là nhóm vô tư; và nhóm thứ ba chiếm đại đa số, chừng mực giữa hai nhóm kia, tiết kiệm trong từng nút like, cẩn thận trong từng commment, và đã chia sẻ thứ gì là thể hiện hoàn toàn khoái cảm trong chia sẻ đó, đôi khi người đọc cảm giác như sờ thấy cảm xúc của người chủ status ấy, nhóm này mình tạm gọi là nhóm phổ thông.
Nhóm bí hiểm thì quả thật là...bí hiểm. Vì sự im lặng, biểu hiện bên ngoài nó là như nhau giữa một lừng lẫy triết gia hay một dốt đặc đại gia, hoặc, sâu thẳm mịt mùng hơn, là một đa diện chính trị gia. Nông cạn như mình quả thật không thể đánh giá.
Nhóm vô tư thì cũng rất ư...vô tư. Và vì họ hay xổ thẳng mọi cảm xúc mới vừa chớm của mình lên facebook nên đôi khi những status của họ thật khó đỡ, thỉnh thoảng lại bốc mùi thức ăn chưa tiêu hóa. Nhưng nhóm này đáng yêu bởi chính sự hồn nhiên của những status khó đỡ đó.
Nhóm phổ thông thì phức tạp hơn nhiều bởi đặc tính phổ thông của nó. Phổ thông nhất là hình ảnh ăn chơi sum vầy gia đình hay bạn bè bù khú, hoặc cây cảnh chim cò sân vườn sân thượng, hoặc trẻ nhỏ bi bô hoặc truyện cười hoặc quảng cáo, nói chung vô thưởng vô phạt và hình thành nên một văn hóa chủ lực chốn phây bút này. Loại này thể hiện rõ sự hài lòng với cuộc sống hiện tại, vật chất cũng như tinh thần, rất đáng chúc phúc.
Phổ thông tiếp theo của nhóm phổ thông là hay chia sẻ những bài viết những trích dẫn những kinh luận phù hợp với văn hóa với hiểu biết của mình. Đó là các bài viết dạng cửa sổ tâm hồn hay quà tặng cuộc sống hay triết lý Phật giáo kiểu các lời răn các giai thoại, đôi khi là những hình ảnh những câu chuyện thương tâm. Các chia sẻ này có nhiều số lượng like còm lên đến hàng trăm hàng ngàn, đặc biệt những chia sẻ những đoạn kinh ngắn nhà Phật nhận được các comment "A di da Phat" nhiều vô số. Tất nhiên các chia sẻ ấy là tốt là đẹp bởi nó đáng coi hơn bất kì một trang báo lá cải nào hiện nay. Tuy nhiên với những câu chuyện có vẻ thương tâm đau đớn thì không biết bấm nút nào cho phải phép. Còn những sẻ chia những tinh hoa cuộc sống những thâm hậu kì thư tôn giáo có lẽ  nó sẽ thăng hoa chạm tới trái tim người đọc nếu bản thân người chia sẻ ấy đích thân trải nghiệm những giá trị mình tâm huyết trước khi thanh thản khoái cảm nhẹ nhàng bấm một nút share.
Một thiền sư nổi tiếng, trong một quyển sách của mình đã tâm huyết căn dặn: Các vị đọc sách nhiều mà không thực hành thì cũng giống như những nhân viên ngân hàng, tiền đếm thì vô số nhưng không có đồng nào là của mình. Quả thật triết lý hiểu rất dễ nhưng thực hành nó mới là đáng nói. Và kinh nghiệm là thứ biết để sống chứ không phải để tư duy. Thế nên thật đáng tiếc và trông có vẻ kệch cỡm khi những tinh hoa yếu quyết được khoe mẽ một cách lố lăng trên bàn nhậu của đám trí thức lắm mồm. Lịch sử Thiền tông và Cơ đốc ghi nhận những câu chuyện đẫm máu để đạt đạo. Khi được Bồ Đề Đạt Ma hỏi sau cả tháng trời quỳ trước cửa động trong băng giá: "Đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác là thứ không thể nghĩ bàn, ngươi là kẻ có một chút kiến thức, một chút cơ duyên, và lòng đầy ngã mạn, lấy gì để học?", Huệ Khả không ngần ngại chặt phăng cánh tay của mình thể hiện quyết tâm cầu đạo. Còn để có được đức tin từ đám ngu dân đang thờ đủ thứ thần thuở hồng hoang mông muội, Jesus đã dùng chính thân mạng của mình đánh đổi. Thế nên truyền bá cái vi diệu cho kẻ thiếu căn cơ lắm khi hại hắn đọa địa ngục thậm chí hại cả chính mình.
Trong chừng mực nào đó, các ngôn ngữ tuổi teen loại sát thủ đầu mưng mủ chính là một kiểu phản tỉnh cần thiết để chúng ta đừng bị đánh lừa bởi những điều tưởng rằng có vẻ tốt đẹp. Đơn giản vì ngày nay, có lắm kẻ sống bằng nghề "nhân danh" rất hay lý luận và chuyên đi rao giảng đạo đức. Thế nhưng lý luận mà thiếu phản biện đơn thuần chỉ là đức tin. Đức tin mà không có cơ sở chỉ là mê tín. Mê tín mà được trao cho quyền lực để "nhân danh" thì thành độc tài. Và độc tài mà đi lý luận nữa thì...bố thằng nào dám không nghe. Hehe.
Sẽ thật hạnh phúc biết bao khi ta có những người bạn cùng lớn lên cùng nhau từ thuở hàn vi, chiến đấu cùng nhau như những người đồng chí, đồng nghiệp với nhau nhưng tương kính nhau như đồng đạo, và, dẫu không phải liều mình vì bạn như giới giang hồ nhưng cũng có thể tận lực giúp bạn mà không vì bất cứ cái gì có lợi cho mình.




Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

Chuyện trường chuyên lớp chọn


Con mình hết năm nay sẽ vào lớp 1, chính thức hội nhập vào hệ thống giáo dục nước nhà. Bữa nọ, cả nhà, gồm cả ông bà nội ngồi tám về chuyện tương lai học hành của nó, tựu trung lại vẫn là câu hỏi trường học nào là khởi đầu tốt nhất cho đứa nhỏ. Câu hỏi dường như đang là mối quan tâm hàng đầu của các gia đình có cha mẹ làm việc ở văn phòng, giới tri thức. Có quy định rất nhân văn là đứa nhỏ ở đâu thì đi học ở đó. Chủ trương ấy thật đáng quý biết bao nếu các trường học ở gần mọi đứa trẻ đều có cơ sở hạ tầng ngon như nhau, các thầy cô đều giỏi như nhau. Thế nhưng cuộc sống không thể hành chánh hóa như người ta mong muốn. Cho nên có chuyện nhà ở đây mà cứ đau đáu muốn bằng được học ở chỗ nọ. Và xảy ra tệ gọi là "chạy trường". Nôm na hiểu là một phí lót tay cho một tay môi giới để đứa nhỏ thay vì học ở nơi mà bộ giáo dục quy định sẵn cho nó thì nó học ở chỗ cha mẹ nó muốn. Còn tại sao cha mẹ nó muốn học ở đó thì có muôn ngàn lý do. Tuy ngoài mặt là hoàn toàn nhân danh cho tương lai của nó nhưng vẫn nhang nhác thấy đó là cảm giác nở mày nở mặt của cha mẹ trong một cuộc đua ngầm giữa các quý ông quý bà tại cổng một ngôi trường được thừa nhận là danh giá.
Xảy ra 3 trường phái xung quanh chuyện "chạy trường" này. Một, số đông, bằng mọi giá phải vào đúng trường X, ngồi ở lớp Y, do thầy Z dạy. Hai, thiểu số, so sánh phí chạy trường và nhiều phí ngầm phát sinh suốt thời gian học với học phí tuy đắt nhưng rõ ràng của trường dân lập, trường quốc tế thì chọn cách không không "chạy" trường. Và ba, ông bà nội con mình, với câu hỏi: Những vị thầy khả kính điều hành ngôi trường có nhiều người "chạy" vào ấy, thật sự đủ tư cách để nói với lũ trẻ về đích thực đạo đức? Hay lại nhân danh đạo đức để ra rả như vẹt những điều mà bản thân chưa bao giờ thực sự sống cùng? Ông bà lấy ngay thực tiễn chứng minh: tao cho chúng mày học có chạy chọt trường nào đâu vẫn học hành có nghề nghiệp đàng hoàng đấy.
Lời ông bà cụ kết hợp với sự kiện gần đây Bộ giáo dục bật đèn xanh thành lập những trường chất lượng cao, cụ thể hiểu như phòng dịch vụ trong các bệnh viện công làm mình bắt đầu thắc mắc. Trước đó, nghe đâu đã thí điểm loại hình này bằng cách các trường tự huy động kinh phí từ phụ huynh cải tạo các phòng học thông thường thành phòng tiêu chuẩn khách sạn, máy lạnh rì rì rèm che cửa khóa trái xin đừng quấy rầy ở một số trường công lập cơ sở nhìn chung là nhem nhuốc. Nay thì chính danh thành lập luôn cả trường toàn các lớp kiểu dịch vụ như vậy. Ý kiến ủng hộ hay phản đối mình không bàn, chỉ lấy chính bản thân làm ví dụ cho não trạng thích thí điểm của quan chức bộ học nước nhà, nó kéo dài xuyên thế kỉ và truyền thừa qua nhiều đời bộ trưởng chứ không hề là một cao hứng ngẫu nhiên bốc đồng của vài ban bệ tư vấn.
Số là từ năm bắt đầu cấp 2, mình học một lớp gọi là thí điểm, chọn từ những đứa điểm cao của kì thi tốt nghiệp cấp 1. Thế là cả đám mặt cứ vênh vênh suốt 4 năm học, dù chẳng hiểu ý nghĩa chữ thí điểm là gì. Giờ nghĩ lại mới buồn cười, thì ra bộ giáo dục sợ cái sản phẩm thí nghiệm của mình học sinh học lực bình thường làm phá sản nên giảm rủi ro bằng mấy đứa cho là giỏi này. Sang cấp 3, mình lại thi vào một lớp kí hiệu là T, cũng chọn từ mấy đứa điểm cao của kì thi tốt nghiệp cấp 2. Hình như khoảng thời gian này cũng lại là có chương trình thí điểm đào tạo phân ban phân ngành gì ấy, nên ngoài T còn có lớp kí hiệu là A, B, E, AV... Nhưng do có chọn đầu vào cộng với sự bốc phét lên mây của mấy ông thầy bà cô dạy chuyên môn nên mặt của bọn T với AV vẫn cứ hênh hếch coi khinh đám còn lại. Ngoài lớp là thế, trong lớp bọn này cũng lại khinh nhau. Mình nhớ hồi ấy có cái trò đội tuyển môn này môn nọ thi với tỉnh này tỉnh kia. Và đứa nào trong lớp ấy muốn làm học sinh hạng A phải ráng làm sao có chân trong cái đội gà chọi ấy, bất cứ môn gì. Ngay khi có suất thi đấu vòng tỉnh, rồi tới vòng toàn quốc, đám học sinh ưu tú này được cưng như trứng mỏng, chế độ ăn uống tiền bạc học hành tập trung riêng biệt một thời gian hẳn hoi. Nói chung thầy cô công khai bày tỏ tình yêu vô hạn của mình dành cho đám ấy để phân biệt rạch ròi với đám còn lại. Chỉ những kẻ trong cuộc mới biết cảm giác bị đối xử như "phần còn lại" nó tệ hơn địa ngục tới mức nào. Không biết cái gì gọi là chính sách, thành tích, truyền thống nhưng những vị thầy cô cư xử theo lối đó hẳn đã sai điều cơ bản của giáo dục. Bởi giáo dục trước tiên chắc chắn phải là dạy cách làm người tự tin. Chưa nói đến sự phân biệt đối xử chốn học đường còn tạo mầm mống nổi loạn cho những thành phần học sinh được đóng đinh dấu bất hảo qua những chỉ tiêu đánh giá vô hồn, mà thiếu những phân tích toàn diện từ người thầy dìu dắt. Có lợi chăng khi người ta bằng mọi giá đào tạo một vài học sinh tranh đoạt thành tích về cho trường mà tổn thương nhân cách cho số đông học sinh còn lại. Dẫu sao mình cũng nghĩ đó không phải là cách giáo dục vì con người.
Đóng lại chủ đề này, xin mượn tạm một đoạn bài viết của dịch giả, nhà nghiên cứu triết học lừng danh Bùi Văn Nam Sơn thay cho lời kết, cũng là mong ước cháy bỏng của kẻ viết bài mong cho đứa con không nặng gánh học hành (nguồn ở đây):

Kỳ cùng, chỉ có thể hy vọng ở một sự chuyển biến bằng con đường giáo dục bền bỉ và lâu dài. Và cần bắt đầu từ chỗ bắt đầu: học sinh cấp một! Thật thú vị khi biết rằng trên quê hương Hegel, tiểu bang Baden-Württemberg, CHLB Đức (các tiểu bang của nước Đức có quyền tự trị về giáo dục), từ năm học 2004 – 2005, người ta đã thay thế chương trình giáo dục (1994) theo kiểu truyền thống vốn đặt trọng tâm vào nội dung các môn học bằng một thước đo khác: các năng lực tích hợp của học sinh. Thay vì điều khiển chương trình bằng đầu vào, người ta quan tâm đến đầu ra. Thay vì chỉ đánh giá duy nhất ở kiến thức, người ta nhìn nhận học sinh ở nhân cách toàn diện của nó. Năng lực tư duy và hành động có phương pháp, tính cách và lối hành xử có giá trị ngang bằng với kiến thức chuyên môn. Thay vì phân loại học sinh bằng điểm số vô hồn, thầy cô giáo chịu khó nhận định và góp ý cặn kẽ bằng văn bản về năng lực và tính cách của từng học sinh.

Lý lẽ thật đơn giản: những thắc mắc, tò mò của tuổi ấu thơ luôn có tính tích hợp, chưa có sự phân ly! Chúng đặt câu hỏi đồng thời về mọi thứ: con người, tự nhiên, xã hội (văn hoá). Vậy, hãy tích hợp một số môn học thành một môn học tổng thể, gọi tắt là “MeNuK” (con người – Mensch; tự nhiên – Natur và văn hoá – Kultur). Xem giáo trình các lớp 1 – 4 và kế hoạch giảng dạy về “MeNuK”, ta không khỏi thấy thích thú: học sinh không… học mà sống với âm nhạc, kịch nghệ, thủ công, triết học, thí nghiệm khoa học, du thám dã ngoại… như là những phương cách đến với thiên nhiên nguyên sơ và cuộc đời đa dạng, nhằm vun bồi óc tò mò, ý thức trách nhiệm và lòng thương yêu.

P/S: cuối buổi trò chuyện, bà chị mình thông báo có một chị đồng nghiệp của chị ấy quyết định rút đứa con khỏi một trường danh giá của thành phố có nhiều người "chạy" vào sau khi thấy bài toán làm sai của nó đạt điểm 10. 

Lời bình: điểm số con bạn ở trường chọn không do thành tích học tập của chính nó mà do thành tích tài trợ từ cha mẹ nó.

Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

Chuyện giáo dục


Nhân mấy ngày qua có công việc đi vài tỉnh miền Tây, ngang qua nhiều huyện xã, thị trấn mình thấy nhiều trường tiểu học trung học ven đường. Điểm chung của tất cả các trường làng này là, dù lớn dù nhỏ đều có kẻ dòng chữ thật lớn, ở vị trí trang trọng nhất của trường, dòng chữ: Tiên học lễ, hậu học văn. Như vậy có thể hiểu câu ấy nó như là kim chỉ nam cho mọi hành động của giáo dục, giá trị cốt lõi của việc giáo dục con người là lấy lễ làm đầu. 
"Lễ" theo ngu ý của kẻ viết bài, hiểu rằng là cách ứng xử của con người trong xã hội với nhau. Và phép lịch sự, xã giao cũng năm trong chữ "lễ" ấy. Xã hội sẽ văn minh biết bao khi con người đối đãi nhau khoan hòa,  độ lượng. Ngày Tết, dịp lễ lạt, diện bộ cánh trang trọng, tặng nhau món quà nhỏ cùng vài lời chúc thân tình, thật là ấm áp. Chữ lễ trong đời sống mà được nguyên vẹn giá trị của nó thật là đáng quý. Thế nhưng, đặt nó làm kim chỉ nam cho mọi hành động, đưa lên thành giá trị cốt lõi để giáo dục cho mọi thế thệ của cả dân tộc thì mình thấy có chút băn khoăn.
Ngay từ cái câu không thuần Việt này đem ra dạy dỗ đám con nít chập chững biết đọc biết viết, để rồi phải lằng ngoằng giải thích "tiên trước hậu sau" mình đã thấy không ổn rồi. Tiếp theo, về nguồn gốc, mặc dù nhiều tài liệu cho thấy không phải của Khổng Tử mà của dân gian Việt đúc kết, nhưng chữ "lễ" thì mình đồ rằng nó thuộc nhóm ngũ thường của ông tổ đạo Nho này rồi. Mà ông tổ này cũng xếp nó hàng thứ ba sau Nhân và Nghĩa, nhưng khi du nhập vào Việt Nam nó lại đội lên như một thứ tôn giáo. Điểm mấu chốt là chỗ này, Khổng Tử vang danh thiên hạ bởi tư tưởng uyên bác của mình cũng đặt chữ Nhân làm trọng tâm hành động, hay nói cách khác là mọi hoạt động đều nghĩ về con người trước tiên. Ông bà ta vận dụng đạo Nho thế nào, lại hướng mọi hoạt động đều nghĩ về vỏ bọc hành động trước tiên, chữ Lễ. 
Chính vì chạy theo chữ lễ này, mà có lẽ căn bệnh thành tích của ngành giáo dục nặng đến mức ngài bộ trưởng phải ra một quyết định tương đối kì cục: năm sau không được có thành tích cao hơn năm trước.
Chính vì chạy theo chữ lễ này, mà người ta kiếm được hàng núi tiền rồi thì làm đám cưới siêu khủng cho đám con què quặt vô tích sự náo động cả một làng nghèo khó hay mua cái giường ngủ 4 tỉ đồng cạnh tranh kiểu Thạch Sùng với trọc phú Tàu.
Chính vì chạy theo chữ lễ này, mà người ta sẵn sàng vượt vạn dặm đường xa thăm nom đưa viếng người bệnh người chết là thân nhân của sếp mình nhưng ngại vài mươi cây số về thăm hỏi sức khỏe cha mẹ ở quê.
Chính vì chạy theo chữ lễ này, mà người ta chi tiền không cần suy nghĩ quà cáp loại độc cho cấp trên vào dịp lễ Tết nhưng lại cân đong đo đếm món quà sinh nhật nhỏ nhoi cho đứa con bé bỏng.
Vì vậy, kẻ viết bài này mạo muội đồng ý với ngài Khổng Tử, rằng việc học làm người phải là giá trị cốt lõi của giáo dục. Làm người để sống như một con người, để biết sợ hãi, để biết yêu thương, để biết chia sẻ. Và cuối cùng để sống như ông tổ ngành ghép tạng, bác sĩ Joseph E. Murray và Donnall E. Thomas cha đẻ của ghép tuỷ xương:

"Cống hiến cho xã hội là món nợ chúng ta trả cho việc được sống trên trái đất này”.