Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

Chuyện trường chuyên lớp chọn


Con mình hết năm nay sẽ vào lớp 1, chính thức hội nhập vào hệ thống giáo dục nước nhà. Bữa nọ, cả nhà, gồm cả ông bà nội ngồi tám về chuyện tương lai học hành của nó, tựu trung lại vẫn là câu hỏi trường học nào là khởi đầu tốt nhất cho đứa nhỏ. Câu hỏi dường như đang là mối quan tâm hàng đầu của các gia đình có cha mẹ làm việc ở văn phòng, giới tri thức. Có quy định rất nhân văn là đứa nhỏ ở đâu thì đi học ở đó. Chủ trương ấy thật đáng quý biết bao nếu các trường học ở gần mọi đứa trẻ đều có cơ sở hạ tầng ngon như nhau, các thầy cô đều giỏi như nhau. Thế nhưng cuộc sống không thể hành chánh hóa như người ta mong muốn. Cho nên có chuyện nhà ở đây mà cứ đau đáu muốn bằng được học ở chỗ nọ. Và xảy ra tệ gọi là "chạy trường". Nôm na hiểu là một phí lót tay cho một tay môi giới để đứa nhỏ thay vì học ở nơi mà bộ giáo dục quy định sẵn cho nó thì nó học ở chỗ cha mẹ nó muốn. Còn tại sao cha mẹ nó muốn học ở đó thì có muôn ngàn lý do. Tuy ngoài mặt là hoàn toàn nhân danh cho tương lai của nó nhưng vẫn nhang nhác thấy đó là cảm giác nở mày nở mặt của cha mẹ trong một cuộc đua ngầm giữa các quý ông quý bà tại cổng một ngôi trường được thừa nhận là danh giá.
Xảy ra 3 trường phái xung quanh chuyện "chạy trường" này. Một, số đông, bằng mọi giá phải vào đúng trường X, ngồi ở lớp Y, do thầy Z dạy. Hai, thiểu số, so sánh phí chạy trường và nhiều phí ngầm phát sinh suốt thời gian học với học phí tuy đắt nhưng rõ ràng của trường dân lập, trường quốc tế thì chọn cách không không "chạy" trường. Và ba, ông bà nội con mình, với câu hỏi: Những vị thầy khả kính điều hành ngôi trường có nhiều người "chạy" vào ấy, thật sự đủ tư cách để nói với lũ trẻ về đích thực đạo đức? Hay lại nhân danh đạo đức để ra rả như vẹt những điều mà bản thân chưa bao giờ thực sự sống cùng? Ông bà lấy ngay thực tiễn chứng minh: tao cho chúng mày học có chạy chọt trường nào đâu vẫn học hành có nghề nghiệp đàng hoàng đấy.
Lời ông bà cụ kết hợp với sự kiện gần đây Bộ giáo dục bật đèn xanh thành lập những trường chất lượng cao, cụ thể hiểu như phòng dịch vụ trong các bệnh viện công làm mình bắt đầu thắc mắc. Trước đó, nghe đâu đã thí điểm loại hình này bằng cách các trường tự huy động kinh phí từ phụ huynh cải tạo các phòng học thông thường thành phòng tiêu chuẩn khách sạn, máy lạnh rì rì rèm che cửa khóa trái xin đừng quấy rầy ở một số trường công lập cơ sở nhìn chung là nhem nhuốc. Nay thì chính danh thành lập luôn cả trường toàn các lớp kiểu dịch vụ như vậy. Ý kiến ủng hộ hay phản đối mình không bàn, chỉ lấy chính bản thân làm ví dụ cho não trạng thích thí điểm của quan chức bộ học nước nhà, nó kéo dài xuyên thế kỉ và truyền thừa qua nhiều đời bộ trưởng chứ không hề là một cao hứng ngẫu nhiên bốc đồng của vài ban bệ tư vấn.
Số là từ năm bắt đầu cấp 2, mình học một lớp gọi là thí điểm, chọn từ những đứa điểm cao của kì thi tốt nghiệp cấp 1. Thế là cả đám mặt cứ vênh vênh suốt 4 năm học, dù chẳng hiểu ý nghĩa chữ thí điểm là gì. Giờ nghĩ lại mới buồn cười, thì ra bộ giáo dục sợ cái sản phẩm thí nghiệm của mình học sinh học lực bình thường làm phá sản nên giảm rủi ro bằng mấy đứa cho là giỏi này. Sang cấp 3, mình lại thi vào một lớp kí hiệu là T, cũng chọn từ mấy đứa điểm cao của kì thi tốt nghiệp cấp 2. Hình như khoảng thời gian này cũng lại là có chương trình thí điểm đào tạo phân ban phân ngành gì ấy, nên ngoài T còn có lớp kí hiệu là A, B, E, AV... Nhưng do có chọn đầu vào cộng với sự bốc phét lên mây của mấy ông thầy bà cô dạy chuyên môn nên mặt của bọn T với AV vẫn cứ hênh hếch coi khinh đám còn lại. Ngoài lớp là thế, trong lớp bọn này cũng lại khinh nhau. Mình nhớ hồi ấy có cái trò đội tuyển môn này môn nọ thi với tỉnh này tỉnh kia. Và đứa nào trong lớp ấy muốn làm học sinh hạng A phải ráng làm sao có chân trong cái đội gà chọi ấy, bất cứ môn gì. Ngay khi có suất thi đấu vòng tỉnh, rồi tới vòng toàn quốc, đám học sinh ưu tú này được cưng như trứng mỏng, chế độ ăn uống tiền bạc học hành tập trung riêng biệt một thời gian hẳn hoi. Nói chung thầy cô công khai bày tỏ tình yêu vô hạn của mình dành cho đám ấy để phân biệt rạch ròi với đám còn lại. Chỉ những kẻ trong cuộc mới biết cảm giác bị đối xử như "phần còn lại" nó tệ hơn địa ngục tới mức nào. Không biết cái gì gọi là chính sách, thành tích, truyền thống nhưng những vị thầy cô cư xử theo lối đó hẳn đã sai điều cơ bản của giáo dục. Bởi giáo dục trước tiên chắc chắn phải là dạy cách làm người tự tin. Chưa nói đến sự phân biệt đối xử chốn học đường còn tạo mầm mống nổi loạn cho những thành phần học sinh được đóng đinh dấu bất hảo qua những chỉ tiêu đánh giá vô hồn, mà thiếu những phân tích toàn diện từ người thầy dìu dắt. Có lợi chăng khi người ta bằng mọi giá đào tạo một vài học sinh tranh đoạt thành tích về cho trường mà tổn thương nhân cách cho số đông học sinh còn lại. Dẫu sao mình cũng nghĩ đó không phải là cách giáo dục vì con người.
Đóng lại chủ đề này, xin mượn tạm một đoạn bài viết của dịch giả, nhà nghiên cứu triết học lừng danh Bùi Văn Nam Sơn thay cho lời kết, cũng là mong ước cháy bỏng của kẻ viết bài mong cho đứa con không nặng gánh học hành (nguồn ở đây):

Kỳ cùng, chỉ có thể hy vọng ở một sự chuyển biến bằng con đường giáo dục bền bỉ và lâu dài. Và cần bắt đầu từ chỗ bắt đầu: học sinh cấp một! Thật thú vị khi biết rằng trên quê hương Hegel, tiểu bang Baden-Württemberg, CHLB Đức (các tiểu bang của nước Đức có quyền tự trị về giáo dục), từ năm học 2004 – 2005, người ta đã thay thế chương trình giáo dục (1994) theo kiểu truyền thống vốn đặt trọng tâm vào nội dung các môn học bằng một thước đo khác: các năng lực tích hợp của học sinh. Thay vì điều khiển chương trình bằng đầu vào, người ta quan tâm đến đầu ra. Thay vì chỉ đánh giá duy nhất ở kiến thức, người ta nhìn nhận học sinh ở nhân cách toàn diện của nó. Năng lực tư duy và hành động có phương pháp, tính cách và lối hành xử có giá trị ngang bằng với kiến thức chuyên môn. Thay vì phân loại học sinh bằng điểm số vô hồn, thầy cô giáo chịu khó nhận định và góp ý cặn kẽ bằng văn bản về năng lực và tính cách của từng học sinh.

Lý lẽ thật đơn giản: những thắc mắc, tò mò của tuổi ấu thơ luôn có tính tích hợp, chưa có sự phân ly! Chúng đặt câu hỏi đồng thời về mọi thứ: con người, tự nhiên, xã hội (văn hoá). Vậy, hãy tích hợp một số môn học thành một môn học tổng thể, gọi tắt là “MeNuK” (con người – Mensch; tự nhiên – Natur và văn hoá – Kultur). Xem giáo trình các lớp 1 – 4 và kế hoạch giảng dạy về “MeNuK”, ta không khỏi thấy thích thú: học sinh không… học mà sống với âm nhạc, kịch nghệ, thủ công, triết học, thí nghiệm khoa học, du thám dã ngoại… như là những phương cách đến với thiên nhiên nguyên sơ và cuộc đời đa dạng, nhằm vun bồi óc tò mò, ý thức trách nhiệm và lòng thương yêu.

P/S: cuối buổi trò chuyện, bà chị mình thông báo có một chị đồng nghiệp của chị ấy quyết định rút đứa con khỏi một trường danh giá của thành phố có nhiều người "chạy" vào sau khi thấy bài toán làm sai của nó đạt điểm 10. 

Lời bình: điểm số con bạn ở trường chọn không do thành tích học tập của chính nó mà do thành tích tài trợ từ cha mẹ nó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét