Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

Vẩn vơ bè bạn


Hôm nọ có một status của một friend trên facebook của mình tâm sự rằng cô ấy cảm thấy may mắn khi gặp lại những người bạn cũ mà được nói chuyện với họ rất lâu, khi chia tay vẫn còn mong muốn gặp lại. Mình thấy hay hay, commemt lại rằng đúng đúng, bởi có những người gọi là bạn mà ngoài 2 tiếng "Xin chào" lúc gặp mặt ta chỉ có thể nói  "Tạm biệt" lúc ra về, hic. Nhân mới đây đọc một một đoạn chat cũng của 2 người bạn hồi phổ thông, cũng í a mừng tủi, kẻ đô thành người xứ biển rưng rức hẹn nhau gặp mặt. Thế nhưng cũng những người bạn thời ấy ở cùng nhau trong cái thành phố cách nhau vài phút xe máy cả năm  lại chẳng gặp nhau bao giờ. Và tại cái chợ facebook hỗn mang này, cũng chỉ vài ba cái avatar ló mặt trên các stt trong một list rất dài những friends. Những sự ấy khiến mình có vài suy nghĩ vẩn vơ về các mối quan hệ được cho là bè bạn.
Nhân vật chính trong bộ phim Bến Thượng Hải có một câu làm mình nhớ mãi: Tôi có rất ít bạn bè, nhưng những người tôi coi là bạn đều đáng để tôi liều mình vì họ. Thật đúng khẩu khí giang hồ. Có vẻ như những người bạn mà cùng ta trải qua sự kiện ấn tượng trong đời nào đấy là loại bạn bè đáng nhớ nhất. Thế nên trong giới giang hồ thường xuyên cùng nhau vào sinh ra tử, tình bạn đối với họ chiếm một vị trí đặc biệt. Mình thì chả có lần nào vào sinh ra tử gì với ai, nhưng ấn tượng về những chuyến đi rừng khảo sát mở đường nơi chưa có dấu chân người đi qua cũng mang lại những kí ức khó quên cùng những người bạn thuở ấy. Những kí ức đó gồm những chuyện buồn cười như cởi truồng lội suối hay nguy hiểm như nín thở chém rắn mở đường hoặc giang hồ như những đêm say khướt trong cơn mưa tối dữ dằn nơi huyện núi.
Nhưng tình bạn không chỉ đến từ những chuyện buồn cười hay nguy hiểm, nó cũng đến từ những chuyện sinh ra từ đói nghèo như thời hàn vi sinh viên ở ký túc xá. Nó là chuyện để tiết kiệm tiền gửi xe đạp mà 2 thằng luân phiên đèo nhau đến trường. Nó là chuyện nửa đêm cả đám đèo một thằng ngất xỉu vào bệnh viện vì lao lực rồi thay nhau canh chừng lo thuốc thang viện phí.
Tình bạn cũng đến thời hồn nhiên đã và đang dậy thì thuở học trò trung học phổ thông. Đó là những chuyến đạp xe mượn một điểm đến nào đó xa có khi hàng chục cây số để cả đám đứa tay xách đứa nách mang nào bánh mì nào chả lụa đến nơi ăn một phát lại đạp xe về.
Ra trường đi làm thì có mối quan hệ gọi là bạn đồng nghiệp. Tham gia trang mạng facebook có thêm một list dài những friend, không biết gọi là gì tạm gọi là bạn phây. Bạn đồng nghiệp hay bạn phây thỉnh thoảng cũng gặp những bạn bè thuộc các loại kể trên, đa số còn lại tiếp xúc nhau qua công việc qua sở thích qua thói quen. Vì thế, mối quan hệ bạn bè kiểu này nồng ấm hay lạt lẽo tùy thuộc vào áp lực công việc hay văn hóa mỗi người. Bạn dựa trên công việc được một nhà thơ già rỗi việc gọi là bạn xôi thịt, bởi đặc trưng của loại bạn này là chỉ tồn tại thông qua những cuộc rượu thịt trên cơ sở một mối làm ăn nào đó đã thành hình hay sắp thành hình. Bạn dựa trên sở thích trên thói quen thì tồn tại lâu hơn cho đến khi thói quen hay sở thích thay đổi. Bạn xôi thịt thì có lẽ 2 câu thơ trên bàn nhậu này đã thể hiện hết ý, không cần bàn nhiều: "Còn bạc còn tiền còn đệ tử. Hết cơm hết rượu hết ông tôi."  Còn bạn cùng văn hóa thì môi trường facebook dường như đã vẽ một bộ mặt văn hóa rất rõ cho mỗi người.
Có một câu không biết phải danh ngôn không được ghi ở tờ lịch ngày, nói rằng: Hãy nói cho tôi biết bạn anh là ai, tôi sẽ cho anh biết anh là người thế nào. Câu ấy có lẽ nên cập nhật lại trong thời in tờ nét có phây bút: Hãy add friend tôi trên facebook, tôi sẽ cho anh biết anh là người thế nào.
Thực vậy, trong danh sách rất dài những người bạn phây của mình thấy rõ 3 nhóm tính cách: nhóm hoàn toàn giữ im lặng không còm không like bất cứ thứ gì chỉ đến khi mở danh đọc danh sách bạn bè mình mới biết mình có bạn với nick ấy, tạm gọi là nhóm bí hiểm; nhóm khác thì chỉ chờ một chút tức giận một chút khoái cảm một chút yêu thương một chút ghét bỏ là trút ngay lên status cho kính thưa mọi loại đề tài, nhóm này tạm gọi là nhóm vô tư; và nhóm thứ ba chiếm đại đa số, chừng mực giữa hai nhóm kia, tiết kiệm trong từng nút like, cẩn thận trong từng commment, và đã chia sẻ thứ gì là thể hiện hoàn toàn khoái cảm trong chia sẻ đó, đôi khi người đọc cảm giác như sờ thấy cảm xúc của người chủ status ấy, nhóm này mình tạm gọi là nhóm phổ thông.
Nhóm bí hiểm thì quả thật là...bí hiểm. Vì sự im lặng, biểu hiện bên ngoài nó là như nhau giữa một lừng lẫy triết gia hay một dốt đặc đại gia, hoặc, sâu thẳm mịt mùng hơn, là một đa diện chính trị gia. Nông cạn như mình quả thật không thể đánh giá.
Nhóm vô tư thì cũng rất ư...vô tư. Và vì họ hay xổ thẳng mọi cảm xúc mới vừa chớm của mình lên facebook nên đôi khi những status của họ thật khó đỡ, thỉnh thoảng lại bốc mùi thức ăn chưa tiêu hóa. Nhưng nhóm này đáng yêu bởi chính sự hồn nhiên của những status khó đỡ đó.
Nhóm phổ thông thì phức tạp hơn nhiều bởi đặc tính phổ thông của nó. Phổ thông nhất là hình ảnh ăn chơi sum vầy gia đình hay bạn bè bù khú, hoặc cây cảnh chim cò sân vườn sân thượng, hoặc trẻ nhỏ bi bô hoặc truyện cười hoặc quảng cáo, nói chung vô thưởng vô phạt và hình thành nên một văn hóa chủ lực chốn phây bút này. Loại này thể hiện rõ sự hài lòng với cuộc sống hiện tại, vật chất cũng như tinh thần, rất đáng chúc phúc.
Phổ thông tiếp theo của nhóm phổ thông là hay chia sẻ những bài viết những trích dẫn những kinh luận phù hợp với văn hóa với hiểu biết của mình. Đó là các bài viết dạng cửa sổ tâm hồn hay quà tặng cuộc sống hay triết lý Phật giáo kiểu các lời răn các giai thoại, đôi khi là những hình ảnh những câu chuyện thương tâm. Các chia sẻ này có nhiều số lượng like còm lên đến hàng trăm hàng ngàn, đặc biệt những chia sẻ những đoạn kinh ngắn nhà Phật nhận được các comment "A di da Phat" nhiều vô số. Tất nhiên các chia sẻ ấy là tốt là đẹp bởi nó đáng coi hơn bất kì một trang báo lá cải nào hiện nay. Tuy nhiên với những câu chuyện có vẻ thương tâm đau đớn thì không biết bấm nút nào cho phải phép. Còn những sẻ chia những tinh hoa cuộc sống những thâm hậu kì thư tôn giáo có lẽ  nó sẽ thăng hoa chạm tới trái tim người đọc nếu bản thân người chia sẻ ấy đích thân trải nghiệm những giá trị mình tâm huyết trước khi thanh thản khoái cảm nhẹ nhàng bấm một nút share.
Một thiền sư nổi tiếng, trong một quyển sách của mình đã tâm huyết căn dặn: Các vị đọc sách nhiều mà không thực hành thì cũng giống như những nhân viên ngân hàng, tiền đếm thì vô số nhưng không có đồng nào là của mình. Quả thật triết lý hiểu rất dễ nhưng thực hành nó mới là đáng nói. Và kinh nghiệm là thứ biết để sống chứ không phải để tư duy. Thế nên thật đáng tiếc và trông có vẻ kệch cỡm khi những tinh hoa yếu quyết được khoe mẽ một cách lố lăng trên bàn nhậu của đám trí thức lắm mồm. Lịch sử Thiền tông và Cơ đốc ghi nhận những câu chuyện đẫm máu để đạt đạo. Khi được Bồ Đề Đạt Ma hỏi sau cả tháng trời quỳ trước cửa động trong băng giá: "Đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác là thứ không thể nghĩ bàn, ngươi là kẻ có một chút kiến thức, một chút cơ duyên, và lòng đầy ngã mạn, lấy gì để học?", Huệ Khả không ngần ngại chặt phăng cánh tay của mình thể hiện quyết tâm cầu đạo. Còn để có được đức tin từ đám ngu dân đang thờ đủ thứ thần thuở hồng hoang mông muội, Jesus đã dùng chính thân mạng của mình đánh đổi. Thế nên truyền bá cái vi diệu cho kẻ thiếu căn cơ lắm khi hại hắn đọa địa ngục thậm chí hại cả chính mình.
Trong chừng mực nào đó, các ngôn ngữ tuổi teen loại sát thủ đầu mưng mủ chính là một kiểu phản tỉnh cần thiết để chúng ta đừng bị đánh lừa bởi những điều tưởng rằng có vẻ tốt đẹp. Đơn giản vì ngày nay, có lắm kẻ sống bằng nghề "nhân danh" rất hay lý luận và chuyên đi rao giảng đạo đức. Thế nhưng lý luận mà thiếu phản biện đơn thuần chỉ là đức tin. Đức tin mà không có cơ sở chỉ là mê tín. Mê tín mà được trao cho quyền lực để "nhân danh" thì thành độc tài. Và độc tài mà đi lý luận nữa thì...bố thằng nào dám không nghe. Hehe.
Sẽ thật hạnh phúc biết bao khi ta có những người bạn cùng lớn lên cùng nhau từ thuở hàn vi, chiến đấu cùng nhau như những người đồng chí, đồng nghiệp với nhau nhưng tương kính nhau như đồng đạo, và, dẫu không phải liều mình vì bạn như giới giang hồ nhưng cũng có thể tận lực giúp bạn mà không vì bất cứ cái gì có lợi cho mình.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét