Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Dân tộc bất hạnh (Lượm từ nhà Hữu Nguyên)

  (Bài này lưu lại làm tư liệu)
Hoá chất độc hại tràn ngập lãnh thổ
Từ khoảng hơn một thập niên nay, thực phẩm nhiễm độc có nguồn gốc Trung Quốc tràn ngập cả nước, từ thành thị tới nông thôn.
Không có gì liên đới tới đồ ăn, thức uống mà không có nguy cơ bị dính dáng tới hoá chất độc hại. Ngay tại nông thôn là nơi sản xuất cũng bị thao túng. Nông dân trồng cây, nuôi súc vật mà không dám dùng vì được nuôi trồng, chăm bón bằng các loại hoá chất từ Trung Quốc.
Trên báo chí nhan nhản các báo động đỏ về thực phẩm. Dân Việt Nam dẫu biết vậy, nhưng khuất mắt trông coi, biết dùng cái gì khi bất khả kháng, không còn sự lựa chọn nào khác, mặc nhiên chấp nhận đưa bệnh tật vào cơ thể.
Với bài viết khá cụ thể, tờ Giáo Dục Việt Nam còn "điểm lại những vụ thực phẩm đầu độc người tiêu dùng".
Hàng hoá và hoá chất được đưa qua Việt Nam từ Trung Quốc đã lọt dễ dàng qua các cửa khẩu bằng đường buôn bán tiểu ngạch và nạn hối lộ. Trong xã hội Việt Nam giờ đây đạo đức là thứ quá xa xỉ. Chạy theo đồng tiền, con người đã nhắm mắt làm liều, bất chấp mọi chuẩn mực lương thiện, sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi. Có ngờ đâu rằng, ý thức nông cạn và thất đức này sẽ huỷ hoại nòi giống, tiêu diệt tiềm năng sức khoẻ của cả dân tộc.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Phòng chống Ung thư Việt Nam cho hay, mỗi năm số bệnh nhân mới mắc ung thư là 150 ngàn người, trong đó có 75 ngàn người tử vong! Tỷ lệ ung thư ở Việt Nam hiện nay cao nhất thế giới. "Hàng ngày, người dân phải ăn những loại thực phẩm bị tẩm độc bởi những loại hóa chất độc hại từ Trung Quốc", báo cáo viết.
Hôm nay: Cypermethrin và Isoprothiolane
Các dự án, quy hoạch không ngừng phát triển. Nơi nào có các chung cư siêu sang, khách sạn, siêu thị, casino mọc lên là nơi đó có vấn đề với môi trường, đặc biệt các nhà máy. Nước thải của nhà máy cứ thế xả thẳng ra sông, tạo nên những dòng sông chết, như sông Thị Vải, sông Nhuệ, sông Lô, sông Vàm Cỏ Đông, v.v... Ngay cả sông Đồng Nai, nguồn nước cung cấp cho đô thị Sài Gòn hay sông Hồng, nguồn nước của Hà Nội, cũng chẳng thoát.
Vì mục đich làm ăn trục lợi, chạy theo lợi ích trước mắt, bỏ qua bài toán hoạch định lâu dài về môi sinh, đang là vấn nạn lớn của cả nước Việt Nam. Điển hình nhất có lẽ là CP Nicotex Thanh Thái ở Thanh Hoá. Công ty này với đầy đủ ý thức về sự độc hại của hoá chất công nghiệp, vẫn cố ý giết người bằng cái chết từ từ, ngắc ngoải, đau đớn, ngay trên địa bàn hoạt động của mình.
"Theo kết quả kiểm định tại Trung tâm kiểm định thuốc bảo vệ thực vật phía Bắc (Cục Bảo vệ thực vật) tại mẫu chất thải, phát hiện chất Cypermethrin là thuốc trừ sâu độc nhóm II vượt tiêu chuẩn cho phép 9.276 lần so với quy định tại QCVN 15: 2008. Cũng trong mẫu chất thải còn phát hiện chất Cypermethrin vượt tiêu chuẩn 7.719 lần. Trong các mẫu đất cũng phát hiện chất Cypermethrin vượt 63,2 lần cho phép; chất Isoprothiolane là thuốc trừ sâu độc nhóm III vượt tiêu chuẩn 37,8 lần", theo VnExpress.
Núi hoá chất gần 5 tấn này đã được chôn xuống lòng đất, thẩm thấu vào đất và mạch nước ngầm, gây ô nhiễm nghiêm trọng một thời gian dài cho các khu vực xung quanh, số người mắc bệnh và chết do ung thư tăng lên chóng mặt.
"Theo tổng hợp kết quả điều tra, khảo sát tương đối đầy đủ, người bị mắc bệnh hiểm nghèo trong địa phương từ tháng 7/1997 đến nay tại 10 thôn, toàn xã Yên Lâm đã có 957 trường hợp mắc các loại bệnh khác nhau. Trong đó: 142 người mắc bệnh ung thư, 160 người mắc các bệnh viêm đường hô hấp, 223 người mắc bệnh thần kinh, 127 người mắc bệnh liên quan đến thai nghén, 115 người mắc bệnh tiêu hóa, 56 người mắc bệnh về mắt… Trong đó có 162 người đã chết".

Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

Chuyện từ thiện



Xin mượn hai câu chuyện mở đầu cho bài viết này.
Câu chuyện thứ nhất:
Trong một buổi thuyết giảng của thiền sư Soko Morinaga, một CEO của một tâp đoàn lớn rất thành đạt, sốt ruột đứng phắt dậy cắt lời thiền sư: Tôi đang rất bận và rất điên đầu, xin ông nói nhanh gọn một cách gì đơn giản để giải thoát tôi khỏi chuyện này. Rất từ tốn, thiền sư trả lời: ông vui lòng về thắp nén nhang mỗi ngày trên bàn thờ chính ông.
Câu chuyện thứ hai:
Bậc guru của nghệ thuật lãnh đạo, John C. Maxwell, sau một chuỗi ngày làm việc căng thẳng, đã bị một cơn đột quỵ. Khi cảm giác đã chạm đến lằn ranh của sự chết, ông tưởng tượng đến đám tang của chính mình, tưởng tượng đến những lời ai điếu, những lễ nghi, những khuôn mặt buồn đưa tiễn và những lời an ủi chia buồn. Bất giác ông ngộ rằng, sau hết thẩy những điều ấy, sự quan tâm của những khuôn mặt đưa đám đang hết sức buồn kia vẫn là bữa trưa hôm nay có món gì.

Hai câu chuyện từ hai bậc thầy ở hai nền văn hóa khác nhau, hai tôn giáo khác nhau, hai nghề nghiệp khác nhau nhưng cùng chỉ ra rằng, người ta luôn thờ ơ với những cái chết của người khác, cho đến khi nghĩ rằng nó đến với chính mình.
Và dường như những ai nghĩ đến điều đó đều trở nên sống tử tế hơn. Những lý thuyết về hạnh "Xả" của nhà Phật hay "tha thứ" của Thiên Chúa bỗng chốc đơn giản nhẹ tâng không cần ba hoa cầu kì sáo rỗng giải thích. Bởi đứng trước sự công bằng lớn nhất mà Chúa ban cho loài người, những so đo cơm áo gạo tiền thường nhật hay nỗi sợ về việc làm sếp lớn tiền lương bỗng trở nên tầm thường nhạt hoét.
Chợt nhớ về nhân vật Lary trong tiểu thuyết của Somerset Maugham: anh và người đồng đội trước một trận chiến vẫn đang nói cười rôm rả với nhau, bước vào trận chiến, anh nhìn thấy người đồng đội của mình trúng đạn và ra đi trong đau đớn. Trở về từ cuộc chiến, người chiến binh ấy hầu như thay đổi toàn bộ cuộc sống. Anh yêu thương mọi người hơn, không sợ hãi quá nhiều thứ nữa và đặc biệt anh sống thật với chính mình.
Trịnh Công Sơn nói: Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ. Có hững hờ không khi cuộc đời của một đồng nghiệp trẻ vắn số của ta vừa kết thúc trong bi phẫn bởi một tai nạn giao thông để lại đứa bé còn chưa biết khóc bên quan tài của mẹ mà ta điềm nhiên xem ngang như hàng trăm việc thường nhật như là shopping như là ăn nhậu.


Cách nay hơn 15 năm, trong một bài viết về các hoạt động thiện nguyện của nhạc sĩ Thanh Tùng đăng trên báo Tuổi Trẻ, người viết đã mượn lời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: "Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì. Em biết không. Để gió cuốn đi", để nhận xét rằng đã có những tấm lòng gió không dễ cuốn đi.
Với tư duy thị trường ngày nay, thật khó mà hình dung một hành động không vì một mục đích sinh lợi nào cả, cho nên các hoạt động từ thiện trên tivi đôi khi phô trương quá mức cái mục đích đánh bóng tên tuổi hay quảng cáo. Nhân gần đây đọc một câu chuyện trong Trò chuyện triết học của Bùi Văn Nam Sơn, biết được một khái niệm gọi là Bildung, đại khái được diễn giải như là một sự đào luyện tinh thần liên tục, và là một chủ xướng của giáo dục Đức bắt nguồn từ ý niệm của Humbolt. Phương pháp cho chủ trương giáo dục đó là biến hóa vô cùng, nó coi việc nghiên cứu chế tạo tàu vũ trụ cũng quan trọng như việc học cổ ngữ Sankrit hay nghề đan len. Vì cứu cánh mà nền giáo dục đó mong muốn là: Học cách làm người trước đã, rồi mới trở thành một kẻ hành nghề. 



Và một trong những đạo làm người quan trọng mà nhà Phật hay nhắc tới là hạnh "Xả". Và người ta nên chăng vài lần trong đời thử trải nghiệm cảnh giới của việc thực hành hạnh này khi đối diện với những cảnh đời đã sớm trải nghiệm biến cố kinh hoàng, nhất là khi nó đến với một đứa bé còn chưa dứt sữa.

Chuyện lạ nước ta

Nước ta nhiều chuyện lạ
Một, chứng minh nhân dân
Phải đủ tên bố mẹ
Không? Vào trại tế bần
Hai, lái xe lớn nhỏ
Tiêu chuẩn chọn đầu tiên
Vòng số một phải khủng
Tệ cũng cỡ (Phan) Kim Liên
Ba, điểm thi đại học
Thưởng cho mẹ anh hùng
Tuổi nay đã bát thập
Mắt mỏi tay chân run
Đó là những chuyện vui
Có hay không chẳng chết
Nhưng lại còn nhiều chuyện
Khóc cả năm chưa hết
Chuyện ô tô trên đường
Đối đầu nhau cơm bữa
Bởi tránh có được đâu
Vì thiếu phân cách giữa
Chuyện tài nguyên khoáng sản
Khai thác kiệt nhiều năm
Giờ mới kịp phát hoảng
Bấy lâu cấp phép nhầm
Chuyện đất, nước ô nhiễm
Cả làng bệnh ung thư
Ngành y kêu bệnh lạ
Điều trị cứ từ từ
Trẻ con tiêm vắc xin
Bệnh chưa phòng đã tử
Bộ trưởng đăng đàn tuyên
Tội vắc xin, sẽ xử
Nông dân được mùa lúa
Chưa kịp mừng đã lo
Giá thấp hơn giá cỏ
Ngậm đắng đổ cho bò
Còn nhiều chuyện động địa
Mẹ bóp chết hai con
Chồng đập bể đầu vợ
Nhân tính đã không còn
Mấy chuyện lạ trên đây
Mỗi ngày xảy vài chuyện
Nghe riết thành thói quen
Vô cảm và bất thiện.

Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013

Chuyện thù lao


Hình như lời khuyên thứ hai trong 6 lời khuyên lừng danh của ông già tỉ phú Warrent Buffet là hãy hỏi tiền công trước khi làm công việc.
Nhân gần đây có một vị quan chức bị báo chí từ lề phải đến lề trái, từ mạng đến in đều đồng loạt ném đá mình mới suy nghĩ lại mối tương quan của việc làm công - ăn lương. Theo tư duy thông thường, kẻ làm công bao giờ cũng mong muốn được trả đồng lương gọi là tương xứng với công sức mình bỏ ra. Thế nhưng, thế nào là tương xứng lại là chuyện dài nhiều tập của người trả lương và người nhận lương. Rất cao mà cảm thấy không bằng lòng cũng thấp mà ngược lại rất thấp nhưng hài lòng cũng là cao.
Khi ấy câu hỏi mức lương 2,6 tỉ đồng/ năm có cao không nên thay bằng câu hỏi 2,6 tỉ đồng/ năm có tương xứng không có lẽ sẽ phù hợp hơn. Mình thấy toàn bộ ý kiến đều nhao nhao cho mức lương bằng hơn 100 công nhân lao động phổ thông  như vậy là lố bịch thậm chí vô đạo, có bác quá khích còn đòi cho vào tù. Nếu tư duy theo kiểu cao-thấp như vậy rõ ràng những ý kiến ném đá là thỏa đáng, nhưng thử suy nghĩ theo hướng tương xứng - bất xứng, có lẽ sẽ thêm vài ý. Theo logic đó mình thử đặt mấy câu hỏi:
- 100 vị công nhân phổ thông có thể thay thế 1 vị giám đốc để điều hành công ty không?
- Như đã nói, người làm công khi cảm thấy đồng lương không tương xứng sẽ tìm kiếm một công việc phù hợp hơn, thế nhưng những công nhân hàng chục năm nay đang thỏa mãn với thu nhập của mình sao nay bỗng đâm ra quay quắt chan nản, dù không hề mất thu nhập?
Trả lời câu thứ nhất: rõ ràng là không. 
Trả lời câu thứ hai: chỉ là hiệu ứng tâm lý đám đông đố kị. Vì lương anh giám đốc kia có thấp đi thì lương của anh chưa chắc tăng hơn.
Trở lại câu hỏi, thế nào là thu nhập tương xứng? Nếu anh giám đốc nọ nói, với mức lương đó anh sẽ làm cả thành phố không còn điểm ngập nào trong vòng 5 năm tới, cư dân thành phố có đồng ý trả lương anh giá đí không? Quá sẵn lòng đi chứ, so với nỗi khổ mưa lớn triều cường năm này qua năm khác phải chịu đựng kia.
Như vậy, câu hỏi đúng trong chuyện này, không phải anh nhận mức lương cao như thế nào mà anh làm thế nào để nhận mức lương đó.
Đem câu hỏi này cho ngành y tế, nó sẽ thành: Một mức lương 10 tỉ đồng/năm cho bộ trưởng nếu không còn cảnh chen chúc nhau trên giường bệnh trong vòng 5 năm nữa. Mức lương sẽ tăng gấp đôi nếu không còn trẻ sơ sinh nào chết vì tiêm vắc xin. Cả nước chắc chắn không còn ai cho mức lương đó là cao nữa.
Đem câu hỏi này cho ngành giao thông, nó sẽ thành:  Một mức lương 10 tỉ đồng/năm cho bộ trưởng nếu quốc lộ 1A đủ 8 làn đường xe chạy, đầy đủ dãy phân cách trên suốt chiều dài đất nước, trong vòng 5 năm nữa. Mức lương sẽ tăng gấp đôi nếu không còn cảnh oto đối đầu thảm khốc. Cả nước chắc chắn không còn ai cho mức lương đó là cao nữa.
Đem câu hỏi này cho ngành giáo dục, nó sẽ thành: Một mức lương 10 tỉ đồng/năm cho bộ trưởng nếu mọi trẻ con không đứa nào phải bỏ học vì thiếu tiền thiếu ăn. Mức lương sẽ tăng gấp đôi nếu mọi trường học đều phải là trường điểm. Cả nước chắc chắn không còn ai cho mức lương đó là cao nữa.

Có một câu chuyện trong Tam quốc diễn nghĩa:
Tào Tháo trong một buổi nói chuyện thân tình với các tướng, hỏi Hạ Hầu Đôn: không kể ngũ hổ tướng của Lưu Bị, một mình ngươi có thể giết được mấy tướng? Đôn đáp: 10. Hỏi Hứa Chữ như vậy, Chữ đáp 20. Bấy giờ các tướng hỏi lại Tào Tháo, có ý trêu chọc, thế Thừa tướng giết được mấy tướng? Tào Tháo không hề quê độ nói: Các ngươi cùng lắm là sức địch trăm người. Còn ta đây, dẫu không giết được tướng địch, nhưng có thể giết được mươi vạn người.
Một câu chuyện vui khác:
Người nọ bán 3 con khỉ, đồn là biết làm trò nên giá đắt lắm. Một hôm người hỏi mua, người bán giới thiệu: con khỉ thứ nhất biết múa hát, giá 100 đồng, con thứ hai biết làm toán, giá 200 đồng, con thứ ba, giá 1000 đồng. người mua thắc mắc hỏi con này biết trò gì dữ dằn vậy? Anh bán khỉ điềm nhiên trả lời, nó không biết làm trò, nhưng khiến cho 2 con kia làm trò.

Hai chuyện là vui nhưng minh họa rõ nét cho vai trò lãnh đạo, mà đã là lãnh đạo thì không thể đong đếm năng lực bằng tiền lương, dẫu là cao ngất. Đánh giá lãnh đạo là đánh giá những thành tựu hay thiệt hại mà họ mang lại. Nhà lãnh đạo khai sáng nước Singapore Lý Quang Diệu khi được phóng viên Việt Nam hỏi: Bao lâu thì Việt Nam sánh được Singapore, đã khẳng khái trả lời: Bây giờ hoặc không bao giờ, chừng nào mà các ông phân biệt được công bằng và cào bằng. Câu trả lời quá vĩ đại. Những gì đơn giản luôn vĩ đại.


Xét cho cùng, dẫu không theo logic thù lao tương xứng - bất xứng dành cho lãnh đạo mà theo tư duy cao-thấp thì anh giám đốc lương khủng kia vẫn khá hơn hàng trăm hội đoàn không làm ra sản phẩm gì cho xã hội mà vẫn ăn lương đều đều, vì ít ra anh ta vẫn còn làm công việc là đổ bùn trong cống cho toàn thành phố. Và, anh giám đốc thoát nước cùng những cái hội đoàn không tạo ra giá trị nào cho xã hội mà ăn lương kia vẫn còn khá hơn những vị giám đốc chẳng những lương khủng không kém mà thậm chí còn gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng cho nền kinh tế.




Quảng cáo kiểu MobiFone

Mình thậm ghét những tờ quảng cáo dài dài như tờ sớ, 3/4 phía trên ghi những lời hay ý đẹp, danh ngôn cuộc sống, đạo nghĩa làm người..., dưới cùng ghi tên công ty quảng cáo, gồm tên công ty, địa chỉ, logo, thỉnh thoảng chua thêm câu "hân hạnh tài trợ". Mình ghét vì những cái sớ quảng cáo ấy nó giăng dày đặc 2 bên đường, đóng đinh thô bạo vào thân cây, ép buộc tầm mắt người đi đường phải lướt qua. Đặc biệt, hơn phân nửa là những lời sáo rỗng vô nghĩa, thậm chí lố bịch, ví dụ như "lương y phải như từ mẫu" rất ư phản cảm. Nó càng phản cảm hơn nữa khi phía trên là một câu ghi đạo lý như "uống nước nhớ nguồn" mà bên dưới là một nhãn hàng rất thầm kín phòng the như "OK, khỏe như lực sĩ" hay "Kotex siêu thấm", lại còn hân hạnh tài trợ nữa.
Khá hơn là những bảng quảng cáo được xây dựng cố định vững chãi, dọc các quốc lộ, với quảng cáo là lời khuyên khi tham gia giao thông như "Hãy lái xe bằng cả trái tim" hoặc "Nhanh vài giây chậm cả đời", thường thấy là của mạng điện thoại Viettel hay VNPT. Những bảng này lướt qua mắt người đọc như một cái cây ven đường và thường sau vài bảng là không còn xúc động gì hết.
Gần đây, mình có dịp đi tương đối nhiều mấy tỉnh miền Tây, từ Bến Tre đến Cà Mau, vào sâu tận các xã, bỗng phát hiện một điều thú vị. Đó là 100% cá điểm trường học (tất cả các cấp) đều có một bảng cũng xây dựng dạng bảng quảng cáo cố định, hình ảnh đơn giản chắt lọc, màu sắc tươi sáng, và đặc biệt là nội dung ấn tượng. Đó là những nội dung thuần khuyến học, lời lẽ cực đơn giản dễ hiểu, trực quan đi thẳng vào lòng người. Đó là những "Học để biết", "Học để làm", "Học để hoàn thiện bản thân". Người đọc không cảm thấy một chút giáo điều nào trong đó mà cảm giác nó cứ ung dung tự nhiên như nuôi heo cày ruộng sửa máy. Trước, mình có ý kiến hầu như các trường phổ thông đều kẻ trang trọng thật to thật lớn dòng chữ "Tiên học lễ, hậu học văn" mà mình cho rằng chỉ có tính trang trí, cùng lắm là dạy người ta khách sáo. Việc đặt trọng tâm giáo dục vào chứ Lễ mà cái câu hủ Nho đó muốn hiểu phải cắt nghĩa lòng vòng cho đám nhỏ chập chững biết đọc chẳng ăn nhằm gì với cái đời sống mà cơm ăn bữa đói bữa no của chúng cả.
Nay, những bảng khuyến học sinh động trực quan như vậy đặt trước cổng trường như một làn gió mát mang cái học tưởng cao xa vô nghĩa vào ngay cuộc sống hàng ngày trong suy nghĩ non nớt của các em. Các em biết rằng có học, nuôi heo sẽ mau lớn hơn, có học, trồng lúa sẽ nhiều hạt hơn. Bởi đơn giản, học là để biết, để làm, và sâu xa hơn, gieo hạt giống tự trọng cho các em bằng cách "hoàn thiện bản thân". Và đó chính là sứ mệnh của giáo dục. Hơn trăm năm trước, nhà chí sĩ nặng lòng với dân tộc là Phan Chu Trinh đã sớm nhận ra con đường cứu nước bằng giáo dục, giương cao ngọn cờ hưng quốc bằng ý tưởng lừng danh "nâng dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh". Không ở đâu xa, chính ước muốn hoàn thiện bản thân mới nâng con người lên tầm cao mới, làm những việc phi thường. Nền văn minh phương Tây nhiều thực nghiệm cũng chỉ ra rằng, hoàn thiện bản thân là nhu cầu tối cao của con người.
Những bảng khuyến học trên dường như nằm trong một dự án quảng cáo tổng thể của MobiFone, bởi mình thấy nó đã được thực hiện một cách hết sức bài bản, quy mô và có chủ đích rõ ràng. Về quy mô, nó phủ rộng khắp cả miền Tây như sóng của nhà mạng này. Đó là toàn bộ các trường học ở miền Tây, đó là dọc các quốc lộ, tỉnh lộ, cứ khoảng tối đa 5km là có bảng. Về cách thực hiện, những bảng này được thiết kế rất bắt mắt, xây dựng vững chãi, ý tưởng nhất quán. Xét đơn thuần kỹ thuật, đây là một dự án quảng cáo thành công. Nhưng trên hơn cả sự quảng cáo, ý tưởng của dự án làm nó vượt khỏi tầm một kiểu quảng cáo thông thường mà thăng hoa trở thành điều vĩ đại. Người ta không thấy bóng dáng quảng cáo ở đâu, chỉ mơ hồ cảm nhận sự nhân văn trong từng con chữ, trong từng hình ảnh đã được chắt chiu hết sức tinh tế. Dự án này còn vĩ đại ở chỗ nó gieo hạt giống năng động và tự trọng cho những tâm hồn còn non nớt ở bất cứ nơi nào trên đất nước, không phân biệt nghèo khó hay giàu sang. Và sự vĩ đại ấy, đã làm lu mờ và trở nên nhỏ bé bất cứ bảng quảng cáo nào hay dự án quảng cáo khác của đối thủ.

Không ồn ào truyền thông, không nhố nhăng sự kiện, những bảng khuyến học của MobiFone âm thầm chảy đến mọi nẻo đường, đến tận cùng của mọi trường học. Những tấm bảng đã chạm đến trái tim của lũ trẻ, cha mẹ chúng và bất cứ ai trên đường. Những tấm bảng khiến những bàn chân  rộn rã đạp mọi khó khăn thường nhật mà đến trường để học. Học để biết, học để làm, và học để hoàn thiện bản thân.