Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

Chuyện từ thiện



Xin mượn hai câu chuyện mở đầu cho bài viết này.
Câu chuyện thứ nhất:
Trong một buổi thuyết giảng của thiền sư Soko Morinaga, một CEO của một tâp đoàn lớn rất thành đạt, sốt ruột đứng phắt dậy cắt lời thiền sư: Tôi đang rất bận và rất điên đầu, xin ông nói nhanh gọn một cách gì đơn giản để giải thoát tôi khỏi chuyện này. Rất từ tốn, thiền sư trả lời: ông vui lòng về thắp nén nhang mỗi ngày trên bàn thờ chính ông.
Câu chuyện thứ hai:
Bậc guru của nghệ thuật lãnh đạo, John C. Maxwell, sau một chuỗi ngày làm việc căng thẳng, đã bị một cơn đột quỵ. Khi cảm giác đã chạm đến lằn ranh của sự chết, ông tưởng tượng đến đám tang của chính mình, tưởng tượng đến những lời ai điếu, những lễ nghi, những khuôn mặt buồn đưa tiễn và những lời an ủi chia buồn. Bất giác ông ngộ rằng, sau hết thẩy những điều ấy, sự quan tâm của những khuôn mặt đưa đám đang hết sức buồn kia vẫn là bữa trưa hôm nay có món gì.

Hai câu chuyện từ hai bậc thầy ở hai nền văn hóa khác nhau, hai tôn giáo khác nhau, hai nghề nghiệp khác nhau nhưng cùng chỉ ra rằng, người ta luôn thờ ơ với những cái chết của người khác, cho đến khi nghĩ rằng nó đến với chính mình.
Và dường như những ai nghĩ đến điều đó đều trở nên sống tử tế hơn. Những lý thuyết về hạnh "Xả" của nhà Phật hay "tha thứ" của Thiên Chúa bỗng chốc đơn giản nhẹ tâng không cần ba hoa cầu kì sáo rỗng giải thích. Bởi đứng trước sự công bằng lớn nhất mà Chúa ban cho loài người, những so đo cơm áo gạo tiền thường nhật hay nỗi sợ về việc làm sếp lớn tiền lương bỗng trở nên tầm thường nhạt hoét.
Chợt nhớ về nhân vật Lary trong tiểu thuyết của Somerset Maugham: anh và người đồng đội trước một trận chiến vẫn đang nói cười rôm rả với nhau, bước vào trận chiến, anh nhìn thấy người đồng đội của mình trúng đạn và ra đi trong đau đớn. Trở về từ cuộc chiến, người chiến binh ấy hầu như thay đổi toàn bộ cuộc sống. Anh yêu thương mọi người hơn, không sợ hãi quá nhiều thứ nữa và đặc biệt anh sống thật với chính mình.
Trịnh Công Sơn nói: Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ. Có hững hờ không khi cuộc đời của một đồng nghiệp trẻ vắn số của ta vừa kết thúc trong bi phẫn bởi một tai nạn giao thông để lại đứa bé còn chưa biết khóc bên quan tài của mẹ mà ta điềm nhiên xem ngang như hàng trăm việc thường nhật như là shopping như là ăn nhậu.


Cách nay hơn 15 năm, trong một bài viết về các hoạt động thiện nguyện của nhạc sĩ Thanh Tùng đăng trên báo Tuổi Trẻ, người viết đã mượn lời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: "Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì. Em biết không. Để gió cuốn đi", để nhận xét rằng đã có những tấm lòng gió không dễ cuốn đi.
Với tư duy thị trường ngày nay, thật khó mà hình dung một hành động không vì một mục đích sinh lợi nào cả, cho nên các hoạt động từ thiện trên tivi đôi khi phô trương quá mức cái mục đích đánh bóng tên tuổi hay quảng cáo. Nhân gần đây đọc một câu chuyện trong Trò chuyện triết học của Bùi Văn Nam Sơn, biết được một khái niệm gọi là Bildung, đại khái được diễn giải như là một sự đào luyện tinh thần liên tục, và là một chủ xướng của giáo dục Đức bắt nguồn từ ý niệm của Humbolt. Phương pháp cho chủ trương giáo dục đó là biến hóa vô cùng, nó coi việc nghiên cứu chế tạo tàu vũ trụ cũng quan trọng như việc học cổ ngữ Sankrit hay nghề đan len. Vì cứu cánh mà nền giáo dục đó mong muốn là: Học cách làm người trước đã, rồi mới trở thành một kẻ hành nghề. 



Và một trong những đạo làm người quan trọng mà nhà Phật hay nhắc tới là hạnh "Xả". Và người ta nên chăng vài lần trong đời thử trải nghiệm cảnh giới của việc thực hành hạnh này khi đối diện với những cảnh đời đã sớm trải nghiệm biến cố kinh hoàng, nhất là khi nó đến với một đứa bé còn chưa dứt sữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét