Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013

Chuyện thù lao


Hình như lời khuyên thứ hai trong 6 lời khuyên lừng danh của ông già tỉ phú Warrent Buffet là hãy hỏi tiền công trước khi làm công việc.
Nhân gần đây có một vị quan chức bị báo chí từ lề phải đến lề trái, từ mạng đến in đều đồng loạt ném đá mình mới suy nghĩ lại mối tương quan của việc làm công - ăn lương. Theo tư duy thông thường, kẻ làm công bao giờ cũng mong muốn được trả đồng lương gọi là tương xứng với công sức mình bỏ ra. Thế nhưng, thế nào là tương xứng lại là chuyện dài nhiều tập của người trả lương và người nhận lương. Rất cao mà cảm thấy không bằng lòng cũng thấp mà ngược lại rất thấp nhưng hài lòng cũng là cao.
Khi ấy câu hỏi mức lương 2,6 tỉ đồng/ năm có cao không nên thay bằng câu hỏi 2,6 tỉ đồng/ năm có tương xứng không có lẽ sẽ phù hợp hơn. Mình thấy toàn bộ ý kiến đều nhao nhao cho mức lương bằng hơn 100 công nhân lao động phổ thông  như vậy là lố bịch thậm chí vô đạo, có bác quá khích còn đòi cho vào tù. Nếu tư duy theo kiểu cao-thấp như vậy rõ ràng những ý kiến ném đá là thỏa đáng, nhưng thử suy nghĩ theo hướng tương xứng - bất xứng, có lẽ sẽ thêm vài ý. Theo logic đó mình thử đặt mấy câu hỏi:
- 100 vị công nhân phổ thông có thể thay thế 1 vị giám đốc để điều hành công ty không?
- Như đã nói, người làm công khi cảm thấy đồng lương không tương xứng sẽ tìm kiếm một công việc phù hợp hơn, thế nhưng những công nhân hàng chục năm nay đang thỏa mãn với thu nhập của mình sao nay bỗng đâm ra quay quắt chan nản, dù không hề mất thu nhập?
Trả lời câu thứ nhất: rõ ràng là không. 
Trả lời câu thứ hai: chỉ là hiệu ứng tâm lý đám đông đố kị. Vì lương anh giám đốc kia có thấp đi thì lương của anh chưa chắc tăng hơn.
Trở lại câu hỏi, thế nào là thu nhập tương xứng? Nếu anh giám đốc nọ nói, với mức lương đó anh sẽ làm cả thành phố không còn điểm ngập nào trong vòng 5 năm tới, cư dân thành phố có đồng ý trả lương anh giá đí không? Quá sẵn lòng đi chứ, so với nỗi khổ mưa lớn triều cường năm này qua năm khác phải chịu đựng kia.
Như vậy, câu hỏi đúng trong chuyện này, không phải anh nhận mức lương cao như thế nào mà anh làm thế nào để nhận mức lương đó.
Đem câu hỏi này cho ngành y tế, nó sẽ thành: Một mức lương 10 tỉ đồng/năm cho bộ trưởng nếu không còn cảnh chen chúc nhau trên giường bệnh trong vòng 5 năm nữa. Mức lương sẽ tăng gấp đôi nếu không còn trẻ sơ sinh nào chết vì tiêm vắc xin. Cả nước chắc chắn không còn ai cho mức lương đó là cao nữa.
Đem câu hỏi này cho ngành giao thông, nó sẽ thành:  Một mức lương 10 tỉ đồng/năm cho bộ trưởng nếu quốc lộ 1A đủ 8 làn đường xe chạy, đầy đủ dãy phân cách trên suốt chiều dài đất nước, trong vòng 5 năm nữa. Mức lương sẽ tăng gấp đôi nếu không còn cảnh oto đối đầu thảm khốc. Cả nước chắc chắn không còn ai cho mức lương đó là cao nữa.
Đem câu hỏi này cho ngành giáo dục, nó sẽ thành: Một mức lương 10 tỉ đồng/năm cho bộ trưởng nếu mọi trẻ con không đứa nào phải bỏ học vì thiếu tiền thiếu ăn. Mức lương sẽ tăng gấp đôi nếu mọi trường học đều phải là trường điểm. Cả nước chắc chắn không còn ai cho mức lương đó là cao nữa.

Có một câu chuyện trong Tam quốc diễn nghĩa:
Tào Tháo trong một buổi nói chuyện thân tình với các tướng, hỏi Hạ Hầu Đôn: không kể ngũ hổ tướng của Lưu Bị, một mình ngươi có thể giết được mấy tướng? Đôn đáp: 10. Hỏi Hứa Chữ như vậy, Chữ đáp 20. Bấy giờ các tướng hỏi lại Tào Tháo, có ý trêu chọc, thế Thừa tướng giết được mấy tướng? Tào Tháo không hề quê độ nói: Các ngươi cùng lắm là sức địch trăm người. Còn ta đây, dẫu không giết được tướng địch, nhưng có thể giết được mươi vạn người.
Một câu chuyện vui khác:
Người nọ bán 3 con khỉ, đồn là biết làm trò nên giá đắt lắm. Một hôm người hỏi mua, người bán giới thiệu: con khỉ thứ nhất biết múa hát, giá 100 đồng, con thứ hai biết làm toán, giá 200 đồng, con thứ ba, giá 1000 đồng. người mua thắc mắc hỏi con này biết trò gì dữ dằn vậy? Anh bán khỉ điềm nhiên trả lời, nó không biết làm trò, nhưng khiến cho 2 con kia làm trò.

Hai chuyện là vui nhưng minh họa rõ nét cho vai trò lãnh đạo, mà đã là lãnh đạo thì không thể đong đếm năng lực bằng tiền lương, dẫu là cao ngất. Đánh giá lãnh đạo là đánh giá những thành tựu hay thiệt hại mà họ mang lại. Nhà lãnh đạo khai sáng nước Singapore Lý Quang Diệu khi được phóng viên Việt Nam hỏi: Bao lâu thì Việt Nam sánh được Singapore, đã khẳng khái trả lời: Bây giờ hoặc không bao giờ, chừng nào mà các ông phân biệt được công bằng và cào bằng. Câu trả lời quá vĩ đại. Những gì đơn giản luôn vĩ đại.


Xét cho cùng, dẫu không theo logic thù lao tương xứng - bất xứng dành cho lãnh đạo mà theo tư duy cao-thấp thì anh giám đốc lương khủng kia vẫn khá hơn hàng trăm hội đoàn không làm ra sản phẩm gì cho xã hội mà vẫn ăn lương đều đều, vì ít ra anh ta vẫn còn làm công việc là đổ bùn trong cống cho toàn thành phố. Và, anh giám đốc thoát nước cùng những cái hội đoàn không tạo ra giá trị nào cho xã hội mà ăn lương kia vẫn còn khá hơn những vị giám đốc chẳng những lương khủng không kém mà thậm chí còn gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng cho nền kinh tế.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét