Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

Lựa chọn


Liên quan đến siêu bão Haiyan, một đồng nghiệp đã share trên facebook bài phát biểu của trưởng đoàn đại biểu Philippines tại Hội nghị của LHQ biến đổi khí hậu lần thứ 19 diễn ra ở Warsaw (ở đây). Bài phát biểu ngay lập tức gây ấn tượng mạnh bởi cảm xúc quá chân thực của người viết đồng thời là diễn giả, ông Yeb Sano. Tất nhiên, ông kết luận thủ phạm chính là biến đổi khí hậu bằng vô số dẫn chứng đúc kết từ hơn 10 năm lăn lộn trong sự nghiệp hoạt động môi trường của mình. Trong rất nhiều những câu đầy sức nặng của một người vừa có lương tâm vừa có kiến thức lại đầy tâm huyết cho những cuộc dấn thân, mình để ý đến câu này của ông: Tai họa chẳng bao giờ là tự nhiên. Câu ấy làm mình nhớ đến một bài báo của Hồ Trung Tú, (ở đây) đã nhận xét có sự tương đồng đáng kinh ngạc trong quan niệm về tâm lý học hành vi của con người giữa Freud và đức Phật, đó là vô thức (hay bản năng, theo Freud) và vô minh (theo đức Phật). Hãy xem Freud nói gì với bản năng: 

"Vô thức và bản năng, những thứ rất gần, nếu không nói là giống hệt với động vật, mới là những điều quyết định rất nhiều đến hành vi của con người! Có thể ví von để dễ hình dung, ý thức như cái con rối mà vô thức và bản năng là kẻ đứng sau giật dây, điều khiển mọi chuyện." Điều này gần như trùng khớp với triết học Duy thức của Phật giáo cho rằng mỗi ý niệm tốt xấu khởi sanh là một hạt giống được gieo vào nơi được gọi là Tàng thức, và cứ gặp môi trường nào thuận lợi để hạt giống đó phát triển thì nó sẽ hiển lộ thành ý thức để điều khiển hành động.
Trong một quyển sách của mình, ở chương "Lựa chọn sáng suốt", John C. Maxwell có kể một câu chuyện: Rằng trong một lần trở về từ chuyến du lịch, lúc máy bay sắp hạ xuống đường băng bỗng một cơn gió mạnh đập vào thân máy bay làm nó chao đảo không thể đáp xuống. trong khi mọi người còn đang hết sức hoảng sợ, rất nhanh chóng, cơ trưởng đã quyết định cho máy bay lao vút trở lại không trung. Sau vài vòng lượn trên bầu trời, cuối cùng nó cũng hạ cánh an toàn. Rất ngưỡng mộ, Maxwell đã hỏi cơ trưởng: Vì sao anh có một quyết định sáng suốt rất nhanh chóng thế? Và ông nhận được một câu trả lời đầy ngạc nhiên: Tôi đã học điều ấy cách đây 15 năm rồi, giờ tôi chỉ lựa chọn nó thôi. Kể thêm một vài câu chuyện thực tế nữa, ông đúc kết: Cuộc sống chúng ta suy cho cùng là một chuỗi lựa chọn. Và nó có trở nên tốt hơn hay xấu đi đều chính từ những lựa chọn của chính ta. 
Suy nghiệm của Maxwell làm mình nhớ lại trong một truyện ngắn của Somerset Maugham, rằng một nhân vật có tính cách được miêu tả rất kì lạ. Anh ta bản chất là một người rất xấu xa, nào hám tiền hám gái hám danh cho đến lừa bịp giả dối ba phải. Và vì đặc tính giả dối và hám danh của mình, anh hay giả dối làm người tốt, ví như dắt một cụ già qua đường, vỗ về một đứa trẻ, bố thí một ít tài vật cho người cơ nhỡ. Những hành động ấy khiến anh được lời khen, và vì hám cái danh người tốt ấy anh lại ra sức đóng vai người tốt. Mỗi sáng thức dậy, việc đầu tiên trong ngày là anh nghĩ đến phải giả bộ làm những việc tốt nào đấy để được tiếng. Cho đến ngày kia, có một vụ hỏa hoạn trong làng, ngọn lửa rất to và trong nhà vẫn còn người chờ cứu nhưng mọi người bất lực. Chàng thanh niên đã có thói quen giả dạng người tốt đã lao vào ngọn lửa cứu người. Anh đã bị ngọn lửa thiêu rụi. 
Chuyện chỉ có thế nhưng nó đã ám ảnh mình hơn chục năm nay, về cái gọi là người tốt người xấu trong cuộc sống. Cho đến khi mình đọc được suy nghiệm của Maxwell về mối quan hệ nhân quả từ những lựa chọn của một đời người. Ừ thì ta hay khen người này tốt người kia xấu do những việc tốt việc xấu mà họ làm. Mà những việc họ làm đó, thật ra cũng là một lựa chọn của chính họ. Nó giống như việc một người dũng cảm bơi ra dòng nước xiết cứu người, khi vào được tới bờ, câu đầu tiên nghe được là: tiên sư thằng nào xô tao xuống nước. 
Chợt nhớ lời khuyên của một người già từng trải vượt qua ranh giới thiện ác là: Lựa chọn thế nào cũng được, miễn là thành thật với bản thân.  
Bởi vậy ngày kia, bỗng một kẻ không ra gì nở nụ cười tươi như hoa tay bắt mặt mừng với bạn, đừng vội tin đó là điều tốt đẹp, đó là một lựa chọn về thái độ của anh ta. Có thể, lựa chọn đó sẽ đi suốt phần đời còn lại của anh ta khiến anh trở nên một con người hiền hòa dễ mến (lạy Chúa, mình luôn muốn điều ấy xảy ra), nhưng cũng có thể là một lựa chọn giấu một ngọn đao trong nụ cười (qủy kế "tiểu lý tàng đao" hại không biết bao nhiêu anh hùng trong thiên hạ).

Kết bài, xin chép lại một câu chuyện từ bài báo của Hồ Trung Tú, minh họa cho chủ đề này:



Có một cô con dâu không chịu nổi bà mẹ chồng khó tính, mới quyết định xin thầy cho loại thuốc nào đó cho bà chết đi. Vị thầy bảo, để cô không phải bị truy tố, ông sẽ cho một loại thuốc uống hằng ngày mà bà mẹ chồng sẽ chết sau một năm không để lại một dấu vết nào, chỉ với một điều kiện, đừng làm cho bà giận, bà chỉ cần giận một lần thôi là thuốc sẽ không hiệu quả. Cô con dâu từ đó cho bà uống thuốc và cố không làm bà giận, mà khi con người ta không giận thì chỉ có vui trở lên. Sau một năm cô con dâu đến gặp thầy và khóc xin sao cho mẹ chồng đừng chết nữa, vì cô đã rất yêu mến mẹ chồng và bà mẹ chồng cũng rất yêu mến cô. Vị thầy cười bảo, thuốc đó là củ sâm, chỉ có tốt chứ không độc, và báo cho cô biết mọi chuyện đã thay đổi kể từ khi chính cô thay đổi cách sống, thay đổi thái độ của cô với bà mẹ chồng.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét