Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

Mạt pháp, thiên tai và nhân tai - phần 2

Nhớ lúc hồi sinh viên, mình có học một môn dạy về đập tràn. Chức năng của đập tràn là điều tiết lũ, tức là trữ nước vào mùa lũ để xả vào mùa kiệt. Mình nhớ, xúc động với cái chức năng đầy nhân văn ấy đến nỗi,ra trường, nếu bản lĩnh hơn một chút, mình đã quảy ba lô lên rừng xây mấy cái con đập ấy rồi.
Do chức năng tích nước nên con đập mang một thế năng rất lớn, vì thế người ta đã tận dụng thế năng này để chạy tua bin máy phát điện. Thế là ta có các con đập thủy điện.
Như vậy, chức năng phát điện chỉ là một chức năng bên cạnh chức năng hàng đầu của đập tràn là điều tiết lũ. Thế nhưng, cùng với sự phát triển kinh tế quá nóng mà vắng bóng đối trọng văn hóa, dần dần các con đập trở thành một đối tượng hàng hóa thông thường, tức là có tối đa hóa lợi nhuận trong khai thác và hoàn vốn nhanh nhất có thể cho các ông chủ đầu tư.
Những con đập, thường có vị trí xây dựng nơi rừng sâu núi cao, tức vùng đất lam sơn chướng khí. Và không biết các vị này đã làm những trò ti tiện gì nơi ấy mà mẹ thiên nhiên đã rùng mình nổi giận. Những tai họa từ thiên nhiên giáng xuống, dù gây thiệt hại, nhưng dường như chỉ như là lời cảnh báo so với thảm cảnh con người giáng tai họa xuống đầu nhau ở vùng đất xứ Vịt.
Có một mối tương quan rõ nét giữa thiên tai với nhân tai.
Điểm qua đầu năm đến nay, xứ Vịt có những hiện tượng thời tiết chưa từng có. Nhớ lại khoảng thời gian đầu tháng tư, đợt hạn hán nghiêm trọng trên cả nước và đe dọa trực tiếp 1,7 triệu dân Đà Nẵng. Trước ý kiến xả nước hồ thủy điện cứu khát, quan chức điều hành đập đã bình thản: Hiện chưa có quy định nào bắt buộc chúng tôi phải xả nước về Vu Gia với lưu lượng bao nhiêu trong mùa khô mà cái đó còn đang chờ quy trình vận hành liên hồ vào mùa kiệt do Bộ TN-MT lập, đang trình Thủ tướng phê duyệt. Đến khi khi 15 con đập đồng loạt xả nước nhấn chìm thị xã (chữ của báo Thanh Niên) góp phần tích cực cho hơn 40 người chết và mất tích (ở đây), trong đó có 2 cô giáo trẻ phải ra đi tức tưởi, quan chức điều hành vẫn ung dung: Việc vận hành tràn xả lũ hồ Vực Mấu được thực hiện đúng quy trình. (ở đây).
Cũng liên quan đến đập, khi Sông Tranh 2 bắt đầu tích nước và gây những cơn động đất chưa từng có từ trước đến nay, thậm chí gây những tiếng nổ như bom từ núi Tà Vốc, một nữ tiến sĩ nghe đồn chuyên chui xuống hầm tránh bom xây sẵn trong nhà mỗi khi trời mưa có sấm đã dõng dạc:Người dân quá kém hiểu biết, chỉ mới nghe động là đã dắt trâu bò, gói ghém đồ đạc bỏ chạy. (ở đây). 
Có thể nói, việc đầu tư thủy điện hình như là mang lại siêu lợi nhuận, chả trách khi ông ông Nguyễn Huỳnh Thuật đặt cược nồi cơm của mình vào vụ ngăn phá 50ha rừng quốc gia tự nhiên triển khai 2 con đập Đồng Nai 6 và 6A, đại gia Bùi Pháp đã hết sức buồn cười không ngần ngại gọi ông là "nhóm lợi ích": Nhóm lợi ích cấu kết với nhà báo đưa tin không đúng (ở đây).

Trong khi thiên nhiên chỉ giáng thiên tai vào một thời điểm cụ thể trong một thời gian ngắn với mức thiệt hại dẫu khốc liệt nhưng vẫn khắc phục được, thì những mối nhân tai vẫn cứ tiếp tục đeo bám con người một cách tàn nhẫn trong vô vọng. 
Ở nơi nhà nông chân lấm tay bùn,  những người đó đã không bao giờ có thể biết được vì sao số phận họ luôn thường xuyên đối mặt với hai chữ: khốn nạn (chính xác theo nghĩa đen: khốn khó và hoạn nạn). Bởi sự sự khốn khó và hoạn nạn ấy đã được mặc định ngay từ cái cách mua và bán hàng hóa sản xuất từ công lao khổ của họ, qua cách phát biểu bất chấp đạo lý của người đứng đầu tổ chức mua bán ấy: Bán lúa hay để cho vịt ăn?(ở đây).
Chuyện lúa gạo làm liên tưởng đến chuyện ăn uống, và ở mặt trận này, ta đối diện với một vấn đến lớn hơn nhiều, sự suy đồi nòi giống. Cứ xem ngày nay, các thực phẩm độc hại rau củ quả giá cực rẻ đã thâm nhập vào tận các vùng chuyên sản xuất thực phẩm ấy, đến nỗi nhà nông nhập về bán lại còn lời hơn là trồng ra để bán. Các thực phẩm ấy len lỏi vào bữa cơm hàng ngày của mọi gia đình, vào các suất ăn công nghiệp của những người công nhân có giá mỗi suất cơm thua một tờ vé số. Độc tố nhiễm vào cơ thể họ thấm vào dòng máu những đứa trẻ tội nghiệp mà họ sinh ra sẽ gây nên cả một thế hệ què quặt thể chất. Thế nhưng vị tư lệnh ngành này không biết do phải nuốt quá nhiều thực phẩm độc hại hay thứ khác, đã nhắm mắt nói liều thay cho bác sĩ thay cho khoa học: Mức dư lượng tối đa cho phép là mức mà trong thương mại người ta đưa ra, nó rất an toàn... không phải cứ vượt ngưỡng tối đa cho phép là mất an toàn (ở đây).
Nói đến sức khỏe, lại nhớ ngay ngành y hiện nay với quá nhiều bê bối kể ra không biết là bao nhiêu bức xúc cam chịu. Thế nhưng đỉnh điểm của sự chịu đựng là thái độ kiên quyết bảo vệ loại vắc xin đã gây tai biến cho hàng trăm  trẻ con cả nước của các quan chức đầu ngành. Sự kiên quyết đó không biết có liên quan gì đến việc mấy tháng sau ngày những đứa trẻ tử nạn, bỗng dưng báo chí đồng loạt phán thủ phạm là "thuốc co bóp tử cung". Thế nhưng trước những lý luận rất sắc bén của chuyên gia, (ở đây) cùng sự khẳng khái của một y tá còn lương tâm, sự thật được trả về đúng chỗ của nó trong  gượng gạo bằng một bài báo duy nhất (ở đây), khẳng định không hề có chuyện lộn thuốc.
Gần đây nhất, một mạng trẻ con lại trả giá vì vắc xin (ở đây), kéo dài thêm danh sách thương tâm 20 đứa trẻ vắn số (ở đây). Trước nỗi đau ấy, tổng tư lệnh ngành y đã chia sẻ một phát biểu đầy nhân văn nổi tiếng làm người dân khóc không ra nước mắt: Sẽ không có bao che, mà công khai, minh bạch nguyên nhân. Trách nhiệm của ai sẽ xử lý người đó. Lỗi của vắc xin thì xử vắc xin; lỗi do người tiêm, xử người tiêm; lỗi do kỹ thuật xử lý kỹ thuật (ở đây).
Ngoài những nhân tai gây hại trực tiếp lên sức khỏe lên tính mạng của người dân nói trên, ta còn thấy những nhân tai gây kiệt quệ nền kinh tế như Vinashin Vinalines cùng với một dự án treo quả bom bùn đỏ trên nóc nhà chính mình mà những người thực hiện dự án đã phải viện dẫn đến những yếu tố hết sức mù mờ để đánh giá hiệu quả của nó: "Tân Rai là dự án bôxít đầu tiên mà tập đoàn thực hiện nên phải làm rồi mới biết đến năm nào thì có lãi chứ khó có thể khẳng định năm nào mới hết lỗ. Nếu đòi hỏi năm đầu tiên dự án có lãi ngay thì không nước nào trên thế giới tính được. Ở đây phải nhìn nhận cả đời dự án. Đối với những dự án đầu tư ở vùng sâu, vùng xa thì còn phải được đánh giá cả những đóng góp đối với xã hội”(Bôxít Việt Nam: Hiệu quả mù mờ). Thế nhưng, cái hiệu quả xã hội ấy chưa thấy gì đáng kể ngoài hàng ngàn nhân công lao động cấp thấp của xứ bạn đang có xu hướng xem công trường là quê hương cùng một hậu quả từ một dự án tương tự làm 3 mạng người suýt chết và phá nát du lịch bởi chất độc tràn ra biển khi chỉ sau một cơn mưa nhỏ ở Bình Thuận (ở đây).
Sự viện dẫn lỗ đầy trí tuệ ấy, đã được những bậc thầy điều hành khác mặc sức múa may với dự án sân gofl sân tennis nhà hàng khách sạn resort bất động sản hạch toán vào giá thành sản phẩm để đường hoàng điều chỉnh giá, mà theo ước tính giá điện phải tăng liên tục đến năm 2017-2018 mới may ra hòa vốn (ở đây). Và tất nhiên, sự lỗ ấy không hề mảy may ảnh hưởng đến thu nhập từ những kẻ gây ra khủng hoảng khi chỉ mới đến thời điểm này, lợi nhuận của ngành điện, nước, xăng dầu đã đạt 101% kế hoạch năm (Điện, nước, xăng dầu lãi cao 'tố' ngược điệp khúc kêu lỗ).
Cũng như các quan chức ngành điện, nước xăng dầu lãi khủng kia, ngành thoát nước ở một thành phố lớn nhất nước cũng không hề kém cạnh cuộc đua ăn trên ngồi trốc với mức lương 2,6 tỉ đồng/năm  (ở đây)mà thành phố ngập nặng năm này qua năm khác với xu hướng ngày càng sâu hơn.
Ngược lại với bức tranh thừa mứa của các vị điều hành công ty bằng nguồn vốn của dân, là những cái chết nghiệt ngã vì lâm vào cảnh quẫn bách của số phận, đó là dòng thư tuyệt mệnh không ngày tháng của một phụ nữ thắt cổ ở Cà Mau: Cuộc sống không lối thoát, đi đến con đường chết… Mấy năm mẹ nuôi các con đi học, mẹ đi van xin cho gia đình mình được sổ nghèo và cực nghèo mà không được… Xin các cấp chính quyền ấp 5, vì hoàn cảnh gia đình quá khổ không lối thoát, mong các ông giúp cho chồng con tôi được sổ nghèo để sống ngày tháng còn lại trên đời (xem bài đẫm nước mắt của nhà báo Phạm Chí Dũng ở đây).  
Bất chấp tất cả, những dự án đẩy nền kinh tế lao dốc không phanh vẫn chưa bao giờ có dấu hiệu dừng lại.
Khi cả nước còn phải lao đao thắt lưng buộc bụng thì ở Bộ vận động, cùng với đại sứ chân dài, người ta đã vẻ vang vượt qua Ả Rập Xê Út trong cuộc đua "khốc liệt"  giành quyền đăng cai với một chi phí ước tính sơ bộ (nhưng sẽ phát sinh gấp đôi) là 3.000 tỉ đồng (Nước chủ nhà thường lỗ nặng vì ASIAD). Không biết số tiền ấy sẽ tạo được thành tích vẻ vang gì cho thể thao nước nhà, nhưng vị chủ tịch đã về hưu của hội bóng đá quyền lực nhất VN là tổ chức VFF, sau khi bị chất vấn nhiều về Trung tâm Đào tạo trẻ tồn tại sáu năm trời nhưng không đào tạo được cầu thủ trẻ nào đã “thú nhận” việc VFF “dối” nhà nước để lấy hơn 100 tỉ đồng (ở đây).

Gần đây, sau vài động thái ca ngợi sự huyền bí của tâm linh, một con đường dài 50km đẹp như mơ phục vụ cho 6,5 triệu người chông chênh đức tin tìm nơi an ủi đã được phê duyệt với số vốn 4.300 tỉ đồng (ở đây). 
Và, đáng sợ hơn cả mọi thiên tai nhân tai ở trên cộng lại kể cả động đất sóng thần bão lũ bùn đỏ, là 2 cái nhà máy điện hạt nhân có công nghệ không biết ở năm nào sẽ được đặt ở Ninh Thuận từ năm tới. Điểm qua 2 sự cố nổ nhà máy sản xuất pháo hoa thuộc bộ quốc phòng, có công nghệ đơn giản hàng trăm năm qua, thế nhưng một sự sự cố kỹ thuật không lớn mấy cũng khiến 24 người thiệt mạng và nhiều người mất tích (ở đây), cho thấy lý do mà giáo sư đầu ngành Nguyễn Khắc Nhẫn đã muốn phát khóc trong thông điệp cảnh báo của mình: VN sẽ cắt làm đôi nếu có sự cố hạt nhân, hay: Chẳng có một công nghệ quái lạ và tệ hại như điện hạt nhân: tiền đập phá lại cao hơn kinh phí xây dựng và thời gian tháo gỡ gấp 10 lần lâu hơn khi xây cất ! Tepco đã tuyên bố phải 40 năm mới tháo gỡ xong nhà máy ĐHN Fukushima (những công dân có trách nhiệm không thể không đọc bài báo đầy cảm xúc này ở đây).
Nhân tai cũng không chỉ ở những con người vô cảm và dự án mù mờ, nhân tai đến từ quan niệm trồng người mà hiệu trưởng một trường chất lượng cao nổi tiếng ở Tp.HCM đã cảm thán là Bất công và bất hợp lý với một mô hình giáo dục quái thai được gọi là "chất lượng cao" (ở đây). Để từ mô hình đó, những người thầy người cô khả kính luôn mồm dạy những bài học tốt đẹp làm người cho học sinh, đã thẳng tay đạp một đứa bé lớp 2 ra đứng giữa trưa nắng trước cổng trường vì chậm nộp tiền ăn (ở đây).

Qúa nhiều sự kiện đau lòng đến từ văn hóa giáo dục y tế đầu tư như vậy tạo ra một bức tranh hỗn mang xã hội vô tình gợi nhớ về cái thời được gọi là mạt pháp trong các kinh sách. Đó là thời mà con người khủng hoảng niềm tin, mất đi hai món quà tặng vô giá của thánh thần là lương tâm và công lý. Ở đó, ta bắt gặp những tay thầy tu ném tượng Phật xuống sông và thay thế bằng tượng chính mình, đốn bỏ cổ thụ trăm năm xây gara cho xế hộp, dán tranh thiếu nữ gợi cảm trong nhà vệ sinh. Chỉ trước đó không lâu, là gã thầy tu đồng tính công khai khóa môi một ca sĩ lắm trò trong một hộp đêm.
Ngoài những gã đốn mạt khoác áo nhà chùa đó, thời mạt pháp còn thể hiện qua những hoạt động của tổ chức Phật giáo chính danh xứ Vịt: Giáo hội Phật giáo VN. Những hoạt động này chẳng những không xiển dương được tinh hoa đạo pháp mà ngược lại nó còn gây cảm giác như là báng bổ, làm đau lòng các Phật tử thuần thành. Đó là các nhà sư không biết tu hành công đức thế nào nhưng có những phát biểu cực hăng tiết vịt: Tư nhân hóa đất đai là nuôi dưỡng lòng tham, và việc từ bi bác ái sẽ kém đi, đi ngược lại tinh thần từ bi của Đức Phật (Thượng tọa Thích Thanh Dũng, trụ trì Chùa Phúc Nghiêm, Thuận Thành, Bắc Ninh phát biểu ở đây) hoặc như ngài Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó tổng thư ký Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì đầy hoan lạc như thiền sư đã giác ngộ thõng tay vào chợ với: Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân”(ở đây).
Chưa hết, vị đại biểu quốc hội nhà sư thượng tọa Thích Thanh Quyết công lực tu hành không biết đã ai chứng giám chưa nhưng công lực chém gió đủ loại đề tài đã làm cả nước một phen bàng hoàng. Này là tham nhũng: Các đồng chí khám phá được bởi có chuyên môn nghiệp vụ, có nhân lực được đào tạo, tôi luyện tốt, có kinh nghiệm đấu tranh, khám phá án và có phẩm chất cao. Này là nhân quyền: Trên thực tế, chính những kẻ tung ra các luận điệu bịa đặt, vu khống đó mới vi phạm dân chủ, nhân quyền nhất. Này là thời sự: Tức ngành nào cũng có chuyện này, chuyện kia mà thực ra là động đâu bung đấy. Cho nên bây giờ chúng ta phải tìm nguồn, kiểm tra lại tổng thể đạo đức của con người..." (ở đây).
Cá nhân là thế, tổ chức báng bổ còn ...đầy tổ chức hơn. Đó là sự làm cái việc mà đức Phật chưa bao giờ nói tới trong tất cả các pháp môn giải thoát của mình: cầu siêu, và không rõ những người làm nó hiểu hành động ấy đến đâu. Cái tục cầu siêu này nó ăn sâu vào não tu hành tới mức gần như trở thành một nghi thức chính trị, mà mới nhất là vụ Giáo hội liên kết với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia làm Đại lễ cầu siêu cho hơn 8.000 nạn nhân tử vong vì TNGT. 
Sở dĩ sự am hiểu hành động cầu siêu của Giáo hội khiến mình nghi ngờ là vì Giáo hội đã tham gia một hoạt động hết sức nhảm nhí cùng người đẹp siêu lừa Bích Hằng trong một vụ nói chuyện với 3 anh em nhà Quang Trung sặc mùi mê tín, chỉ mới hồi tháng 7/2013 này: Các sư làm lễ cũng không ngừng đưa vạt áo lau nước mắt (nói thật, mình cũng lau nước mắt cho Phật giáo với các vị thầy bà mê tín ấy, xem bài ở đây).
Chẳng hề kém cạnh các bạn đồng tu ở Làng Gò, Quy Nhơn, các bác nữ tu ở Bình Chánh tỏ ra vô cùng hào hứng với bài ca xung trận cùng khẩu AK nhằm thẳng quân thù mà bắn. Có thể thấy sự hồ hởi phảng phất quanh giọng điệu của nữ tu Thượng tọa Thích Huệ Minh, phó Ban trị sự Phật giáo huyện Bình Chánh khi liên kết tổ chức với Hội liên hiệp phụ nữ: Bên phụ nữ yêu cầu chủ để ca ngợi đất nước và người phụ nữ nên làm như vậy thôi (ở đây). Xem ra, mấy câu này của nhà thơ Tú Mỡ vẫn còn nóng hổi tính thời sự:
Các ngài Bồ Tát, Thích Ca,

Độ từ phù hộ sư bà trẻ son.

Đẻ ra một cậu sư con,

A Di Đà Phật ! Mẹ tròn con vuông.

Có phải chăng một vì một tổ chức Phật giáo như vậy mà những hủ tục cực phản văn hóa cứ ngang nhiên đội lốt Phật giáo cứ thản nhiên hành xử như một bản sắc dân tộc là tệ đốt vàng mã bị nhà Đường lừa lọc từ hơn ngàn năm (ở đây) hay tệ nạn đạp đầu, cưỡi cổ nhau để xin lộc ấn đền Trần vô cùng phản cảm mỗi dịp Tết nguyên đán.
Có phải chăng vì một tổ chức Phật giáo như vậy mà cả nước bỗng dưng xuất hiện hàng ngàn "nhà ngoại cảm" có năng lực siêu phàm chỉ sau một đêm ngủ dậy. Lực lượng ấy đông đến nỗi phải lập cả một tổ chức hoành tráng được bảo trợ mà vị đứng đầu không biết am hiểu đời sống tâm linh đến mức nào, chủ trương làm những hành động rất vô luân với người đã khuất: lập giả mộ, lừa dối thân nhân liệt sĩ là “việc làm rất nhân văn .

Lao đao với niềm tin chông chênh giữa thời mạt pháp đầy rẫy thiên tai nhân tai này, trong vô thức của gã lữ hành kiệt sức, kẻ viết bài lạc bước vào một cửa hàng sữa tươi. Với bản tính bần tiện vốn có, liền hoang mang cân đong đo đếm so sánh lựa chọn một hộp sữa yêu thích đúng giá với một hộp sữa không thích có khuyến mãi. Có lẽ cái bộ mặt của hắn khi ấy nó bộc lộ sự đần độn tham lam quá rõ đến nỗi một ni sư trẻ cũng đang mua hàng gần đó, đã cầm đúng lốc sữa hắn yêu thích đề nghị được tặng. Nghĩa cử của sư cô bất giác làm hắn trải nghiệm một cảm giác như là bừng ngộ, đó là một trải nghiệm cực hạnh phúc khi cái đẹp xua tan sự tham lam ngu muội và thắp lên một ngọn lửa tình người thật ấm áp. Chỉ kịp từ chối và lắp bắp cám ơn, sư cô trẻ đã lên xe. Điều tiếc nuối duy nhất của hắn cho đến giờ là đã không kịp hỏi ngôi chùa của sư cô để tặng vị ấy một thùng sữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét