Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

BẠO HÀNH


Trưa, cà phê với một người bạn. Thấy quán có trang trí chậu cá kiểng, bạn hỏi nhà mày có nuôi cá không? Rồi trả lời luôn, tao là tao căm thù cá chậu chim lồng. Hắn thao thao, mày nghĩ coi con cá nó ở ngoài sông rộng bao lớn, con chim bay trên trời sải cánh tự do thế nào. Thế mà mình nuôi nó trong cái chậu cái lồng bé tí. Chim nó hót nó nhảy cho mày nghe sướng tai không phải là là nó vui sướng gì đâu. Nó không tung cánh được nên bức bối nhảy loạn rồi kêu khóc thảm thiết đó.
Mình nghe hắn nói đực mặt ra thấy quá đúng. Quả thật nuôi nhốt động vật trong một không gian không tương thích với hoạt động của nó là một kiểu cầm tù tàn tệ thậm chí là cách bạo hành rất nhẫn tâm. Loài người bị cầm từ còn có hy vọng ngày tự do cũng như có cơ hội hít thở cái khoáng đạt của đất trời bằng những buổi lao động dã ngoại. Thế nhưng, loài chim cá đang tự do bay lặn kia không phạm bất cứ tội gì, nhưng vì cái sự thỏa mãn điểm tô thêm cho các món giải trí mà bỗng dưng chịu án chung thân không có bất cứ hứa hẹn nào ngày thoát khỏi kiếp nạn.
Chợt nhớ gần đây có dịp đưa con đi chơi ở khu du lịch Suối Tiên. Hôm ấy có màn biểu diễn cá heo rất đặc sắc. Mình và bé con cũng hả hê hoan hô. Cho đến khi một hôm có anh bạn share trên face, rằng loài cá này sinh sống ở đại dương, độ sâu hàng trăm mét, tầm bơi lên đến hàng ngàn ki lô mét. Do đó, việc nuôi nhốt huấn luyện nó đặc biệt trong một không gian chật chội như cái hồ ở Suối Tiên  là một kiểu bạo hành loài này dã man.Chưa dừng ở đó, vườn thú của khu du lịch này còn bất nhẫn hơn nữa. Đó là trại nuôi gấu lấy mật đúng nghĩa chứ không hề là một vườn thú để mọi người tham quan. Những kẻ kinh doanh tàn ác đã xây những cái chuồng sắt vừa gần khít thân hình con gấu để từ đó chúng chỉ còn nằm thừ trong chuồng cho đến cuối đời và chờ những mũi tiêm xuyên thân lấy mật định kì đầy đau đớn.
Không biết việc nuôi nhốt thú kiểu bạo hành như thế có ảnh hưởng gì đến thân tâm hay sự nghiệp gì của kẻ nuôi hay không, nhưng mình có biết một quan chức cũng thuộc hàng tứ phẩm có thú vui tao nhã là chơi đại bàng và một số thú gồm kỳ đà, khỉ, cá, chim các loại khác có một sự nghiệp gần cuối đời không hề như mong đợi.
Sở thích của bác này xem ra cũng rất nhân văn, so với một số sở thích khác là gái gú rượu chè bét nhè đàn đúm. Chú đại bàng chiều lòng sở thích quan này được nhốt trong chuồng mà đường kính chuồng có lẽ không lớn hơn sải cánh của nó. Chân bị xiềng và cánh không biết có bị cắt không mà mình chỉ thấy nó lâu lâu vỗ xoèn xoẹt. Những cú đập cánh đầy tuyệt vọng và hèn kém chẳng khác chi gà.
Trông cảnh ấy mình liên tưởng ngay đến cú sải cánh đầy uy dũng của loài đại bàng lúc tự do. Nó cũng giống như những bước đi uể oải đầy căm phẫn của những loài hổ báo bị nhốt trong vườn thú. Thật đúng là "Anh hùng khi đã sa cơ cũng hèn".
Gần đầy có phóng sự về các bảo mẫu bạo nhành trẻ con trông rất phản cảm. Trong vô số ý kiến ném đá thì mình thấy có một ý kiến rất giống ý mình. Đó là các bảo mẫu đánh đập trông dã man đấy nhưng không hề gây chấn thương nào cho trẻ. Nhưng rõ ràng chấn thương tinh thần đối với chúng không hề nhỏ chút nào. Điều này giống hết như việc nuôi nhốt động vật làm cảnh thỏa mãn sự giải trí của con người. Này thì ta cũng chăm chút miếng ăn, chăm lo bệnh tật tỉa tót lông cánh cho đám thú cưng này. Thế nhưng mình cảm giác với đám mãnh thú rừng xanh như đại bàng như gấu này điều đó có khác mấy chuyện danh tướng chịu cảnh kẻ thù làm nhục. Chả trách món quà cuối cùng mà Phạm Lãi tặng cho Ngô vương Phù Sai lúc Cô Tô thành thất thủ là một lưỡi gươm. Lưỡi gươm đoạn tuyệt với một tương lai tù hãm của bậc anh hùng. Thế Lữ có lẽ đã cảm thông sâu sắc với nỗi buồn này của mãnh thú:
Khinh lũ người kia ngạo mạn ngẩn ngơ
Giương mắt bé giễu oai linh rừng thẳm
Chỉ thương cho loài mãnh thú không có ai tặng gươm. 
Lan man trong câu chuyện bạo hành, từ trẻ con đến thú vật này mà thầm mong loài người nhanh tiến đến một nấc văn hóa nào đó để không vì vài sở thích cá nhân mà vô cớ tước đoạt thô bạo vĩnh viễn tự do loài khác cũng như sỉ nhục thiên nhiên bằng cách giam cầm mãnh thú.





Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

Nước mắt Huyền Trân


Anh hùng nan quá mỹ nhân quan.

Những câu chuyên về người đẹp và anh hùng luôn đẫm đầy nước mắt. Đã có những cuộc chia ly trở thành huyền sử, như Hạng Võ- Ngu Cơ, Tây Thi - Phạm Lãi. Ở Việt Nam, cuộc hôn nhân làm sụp đổ vương quốc Chiêm Thành Huyền Trân - Chết Mân cũng thấp thoáng bóng dáng anh hùng.
Theo chính sử, dường như Huyền Trân chưa có người yêu trước khi lên đường lấy chồng xa xứ. Tuy nhiên, có một chi tiết thú vị là khi Huyền Trân đang trên dàn hỏa để chết theo chồng theo tập tục Chiêm Thành, đại tướng Trần Khắc Chung đã lừa được người Chiêm lập dàn hỏa giữa biển, và ông giải cứu thành công người đẹp. Cuộc chu du trên biển suốt một năm trên đường trở về Thăng Long đã gây nhiều dị nghị cho giới đại thần phong kiến đương thời. Bởi lượt đi, Trần Khắc Chung chỉ vượt biển đến Chiêm Thành trong vòng chưa đầy một tháng. Như vậy cuộc tình Huyền Trân - Khắc Chung chắc chắn là có, nhưng nó bắt đầu từ khi nào thì chưa ai biết được. 
Khắc Chung, vốn dĩ là lính làng nhàng mang họ Đỗ nhưng dám tự nguyện lĩnh mệnh do thám quân tình cường địch. Sau màn đối chất không hề mất khí phách trong thế bị truy đuổi tại chính doanh trại Thoát Hoan, tổng chỉ huy địch đã hết sức kính trọng ông và lo sợ người anh hùng này đến nỗi cho người truy sát. Vì thế, khi xã tắc an bình, Huyền Trân công chúa đặt trọn tình yêu vào ông cũng không có gì là lạ.

Ngẫu hứng với tình tiết này, Vũ Quốc Bình đã sáng tạo một tác phẩm xứng đáng là kinh điển của âm nhạc Việt Nam đương đại. Ca từ cực đẹp trên nền nhạc được hòa âm công phu. Đặc biệt giọng ca Thái Thùy Linh được hỗ trợ bởi một phông bè nam quá ấm đã trở nên huyền ảo đến liêu trai đưa người nghe lạc vào thế giới của thế kỉ XIII, trong một buổi sáng mù sương nơi cửa biển. Và ở đó, Vũ Quốc Bình đã khắc họa đôi anh hùng mỹ nhân phút chia tay thật bi tráng. Với mỹ nhân Huyền Trân thì: Nhìn về cố hương mênh mông khói sương phủ vây đường về. Đó là một quyết định không chỉ là vâng mệnh thượng hoàng Trần Nhân Tông mà có lẽ còn là của riêng nàng với:
Thức trắng năm canh thương làng quê đang lầm than trong chinh chiến.
Lấy phấn son xua tan lửa binh đem bình yên cho quê nhà. 
Còn anh hùng Khắc Chung, cũng được khắc họa đẹp không kém: Gục đầu danh tướng cố nuốt nước mắt tiễn đưa người đi theo chồng. Vị danh tướng này có lẽ đã quá lão luyện để có thừa câu trả lời cho câu hỏi: Núi sông bao giờ thôi giáo gươm? Có lẽ sự hy sinh của công chúa An Tư dạo nào để cầm chân Thoát Hoan cứu sống Nhân Tông trong một đợt bị truy đuổi bí bách đã làm ông hiểu rõ sức mạnh vô địch của một phận hồng nhan. Bởi thế, ông đã lẳng lặng: Vì núi sông sông an nguy bao lần một mối tình riêng chôn kín.

Không biết Vũ Quốc Bình có phải một Khắc Chung tái thế hay không, nhưng sự đồng cảm của ông trong cuộc chia ly ấy được thể hiện qua ca từ cứ như là đang diễn ra trước mặt. Để rồi kết bài, như người trong cuộc, để trở về thực tại, ông phải Đốt nén tâm hương ru hồn ai xin ngủ yên nơi núi rừng.

Âm nhạc Việt Nam những năm gần đây được giới phê bình rất thất vọng vì liên tục có những sản phẩm phẩm là thảm họa. Thế nhưng, với một tác phẩm âm nhạc ngồn ngộn ca từ quá đẹp trong một giai điệu hiện đại đầy biểu cảm như Nước mắt Huyền Trân này, người hâm mộ hoàn toàn có thể yên tâm chúng ta không thiếu những tác phẩm pop đỉnh cao không hổ danh thuộc loại hàng đầu thế giới.

Các bác nghe toàn bài ở đây:
Phấn son da đẹp cho yên hàn.
Núi sông bao giờ thôi giáo gươm.
Hồng nhan phận bạc.
Dứt áo tha hương.
Mong nước non không còn can qua.

Tiếng gió âm u trong rừng khuya như ngàn câu ca ai oán.
Khúc hát năm nao vang vọng bên kinh thành xưa nay điêu tàn.
Như gợi lại ký ức xưa.
Đêm từng đêm khóc một mình.

Thức trắng năm canh thương làng quê đang lầm than trong chinh chiến.
Lấy phấn son xua tan lửa binh đem bình yên cho quê nhà. 
Thân một mình nơi xứ xa. 
Thương hồng nhan kiếp lưu đày.


Vượt ngàn sông nước sóng cuốn cánh chim hải âu tả tơi. Nhìn về cố hương mênh mông khói sương phủ vây đường về.

Gục đầu danh tướng cố nuốt nước mắt tiễn đưa người đi theo chồng.

Vì núi sông sông an nguy bao lần một mối tình riêng chôn kín. Ngàn đời sử xanh ghi sâu công ơn. Đời sau khóc thương cho nàng.
Một kiếp hoa phai tàn để núi sông luôn thanh bình.


Thức trắng năm canh thương làng quê đang lầm than trong chinh chiến.
Lấy phấn son xua tan lửa binh đem bình yên cho quê nhà.
Nước mắt tha hương thương hồng nhan chôn vùi thân nơi đất khách. 
Đốt nén tâm hương ru hồn ai xin ngủ yên nơi núi rừng