Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

MỘT MÌNH HAY MỘT NHÓM


Hôm nọ, một friend là bạn trung học phổ thông đã lâu không gặp nhắn tin hỏi mình: "Ê, nhớ mày học thợ hồ phải không? Lại sửa dùm cái toilet nhà tao coi."
Câu hỏi của bạn khiến mình giật mình ngó lại.  Thì cả chục năm nay hình như mình không còn làm một thứ gì để gọi là một thành phẩm, ví dụ như là đóng một cái bàn, xây một cái chuồng, vẽ một cái cống và được trả công từ những sản phẩm ấy. Đã gần 10 năm, công việc của mình phải làm việc chung với nhiều người. Là loại công việc phải gắn kết với nhiều người trong cùng tổ chức và nhiều tổ chức cho một công việc. Và khi buộc phải ở trong một nhóm, mình nhận ra thành quả do một cá nhân mang lại không bao giờ lớn hơn thành quả do một ê kíp mang lại. Khi làm việc một mình, tôi chỉ có được thứ tốt nhất mà tôi giỏi nhất, nhưng khi làm việc cùng với đồng đội của mình, tôi có thứ tốt nhất từ cái giỏi nhất của rất nhiều người. Khi John C. Maxwell giảng về làm việc nhóm, ông kể, một thính giả đứng lên phản bác rằng anh ấy vẫn có thể làm tốt mọi việc chỉ với một mình. Rất nhẹ nhàng, ông trả lời: Xin lỗi, như vậy những thứ anh đạt được tôi chắc chắn không có gì lớn lao cả.
Trở lại chuyện anh bạn phổ thông gọi nhờ sửa toilet. Chính nhờ việc không còn làm việc một mình, mình vẫn có thể giúp bạn việc ấy dù không trực tiếp thực hiện. Bởi mình biết một người bạn khác rất giỏi nghề sẽ làm công việc ấy một cách hết sức chuyên nghiệp, và do đó, rất nhẹ nhàng. Cũng như vậy, nhờ biết được những người bạn hành nghề ở nhiều lĩnh vực khác nhau, mình đã giúp những người bạn của mình giải quyết vấn đề của họ theo cách nhẹ nhàng như vậy. Điều ấy thực sự làm mình phấn chấn. Chợt nhớ một câu chuyện mới  đọc gần đây. Có một linh hồn mới chết, thánh Phero muốn anh ta trải nghiệm nên dắt đi coi thử địa ngục thiên đường. Ở cảnh địa ngục, có một nồi súp rất to, mỗi người được phát một cái muỗng với cán dài bằng cánh tay của người đó. Người nào người nấy tranh nhau đổ thức ăn vào miệng của mình. Nhưng do cán muỗng dài quá nên thức ăn không đến được miệng, ai nấy đều kêu than thẻm thiết vì đói. Ở cảnh thiên đường, cũng nồi súp to vậy, cũng muỗng dài vậy, nhưng người này đút cho người kia. Vì thế, ai nấy no bụng đầy đủ.
Một nhà văn nào đó hài hước, rằng tiền thì nó như phân. Chất đống thì bốc mùi, nhưng rải khắp mặt đất thì nó sinh sôi ra trăm ngàn hoa trái.
Mình thì không chỉ đồng ý với ông ấy ở chỗ tiền, mà còn tự thấy cuộc đời mình nó cũng như phân, hehe. Vì thế, mình cố gắng rải đi những gì có thể trong một hạn mức mà lý trí mông muội của mình cho rằng nó có thể đơm hoa ở đâu đó trên mặt đất có quá nhiều thùng phân thối nát như xứ Vịt này.

Thứ Ba, 25 tháng 3, 2014

LỰA CHỌN NGHIỆT NGÃ

Nhớ hồi sinh viên có coi một truyện ngắn, tựa là "Cô gái hay con hổ". Truyện hay đến nỗi nó đã ám ảnh mình đến tận mãi hôm nay, sau này search google, mới biết đây là một kiệt tác văn học của nhà văn Mỹ F. Stockton (1834 - 1902). Toàn bộ câu chuyện chỉ là sự lựa chọn của công chúa trước một tình huống. Đó là chàng trai người yêu của công chúa, đã bị trừng trị tội dám yêu công chúa bằng cách buộc phải đối mặt với 2 cánh cửa: một cánh mở ra một con hổ dữ và một cánh mở ra một cô gái xinh đẹp sẽ cưới anh ta làm chồng. Vấn đề là: công chúa sẽ đích thân lựa chọn cánh cửa nào cho người yêu của mình. Hết.
Chuyện không hề đơn giản khi bản ngã con người bị thử thách ở cấp độ cao nhất. Nhớ lại mấy năm trước, công ty cho đào tạo một khóa gọi là "kĩ năng quản lý thời gian". Có hai thứ khiến mình ấn tượng với diễn giả hôm ấy. Đó là: người ta thực ra không hề quản lý thời gian, mà chỉ là quản lý bản thân mình (đến giờ thì thỉnh thoảng mình lại hay cố tình hiểu nhầm khái niệm này). Điều thứ hai, ở ngày cuối của buổi diễn thuyết, ông cho mọi người thực hành một bài tập nho nhỏ, là trả lời thật thành thực ba câu hỏi sau đây:
1. Nếu bạn có nhiều tiền đến mức không lo lắng làm điều gì mà sợ thiếu tiền, bạn sẽ làm gì?
2. Nếu bạn có nhiều thời gian đến mức không lo lắng làm điều gì mà sợ thiếu thời gian, bạn sẽ làm gì?
3. Nếu ngày mai bạn chết, bạn sẽ làm gì?
Bài tập đó thầy không hỏi câu trả lời của bất cứ người nào mà giải thích rằng 03 câu hỏi thật ra là để thử thách bản ngã chúng ta. Nếu như hai câu đầu mở ra quyền hạn vô biên cho con người để xem khả năng bị tha hóa đến đâu với cái quyền lực không giới hạn đó, thì ở câu thứ ba, nó tập trung lại để ta nhận ra thứ gì là đáng đánh đổi cuộc đời để thực hiện nó (như một anh chàng trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, sẵn sàng chết chỉ để được một lần nhìn hoa Sầu nở trên đỉnh Puvan). Và với loại câu hỏi chạm thẳng vào bản ngã con người này, mình chợt nhớ một đoạn phim hoạt hình nọ, ông thầy giáo bảo với đứa học trò: Hãy ghi ra tất cả những người xung quanh có quan hệ với em. Đứa nhỏ ghi ra đâu được gần trăm người. Bài tập bắt đầu: ông thầy kêu hãy gạch tên người nào mà nếu không có họ, cuốc sống của em vẫn không có gì ảnh hưởng. Hehe, đơn giản thôi mà, đứa nhỏ gạch thoải mái cho đến khi nó nhận ra trên bảng chỉ còn lại những cái tên là cha, mẹ, anh em và vợ con (tưởng tượng) của nó. Bấy giờ là lúc nó đối diện với thực tại được lột bỏ lớp áo đạo đức: chọn ai là người mà mình muốn sống cùng cho đến cuối đời.
Cũng như ông thầy dạy quản lý thời gian, những câu trả lời cho loại lựa chọn nghiệt ngã như vậy đôi khi cũng thật nghiệt ngã, nên nó mãi sẽ là bí mật của từng người. Nhưng mình thật sự không bao giờ mong muốn phải đối mặt với một tình huống nghiệt ngã như dưới đây nghe kể từ một người từng suýt là đại gia: Thời khủng hoảng kinh tế đã kéo theo toàn bộ gia sản của anh bốc hơi theo những toan tính sai lầm. Những đứa con của anh đối mặt với nguy cơ thất học và cơm bữa no bữa đói hàng ngày. Ngân hàng tịch biên ngôi nhà đã cầm cố đẩy toàn bộ gia đình ra đường giữa xung quanh là tứ bề chủ nợ đằng đằng sát khí. Trong khi đó, mẹ ruột anh đang bị giày vò bởi chứng suy thận mãn ở giai đoạn cuối, tiền thuốc thang mỗi ngày đã thực sự quá sức chịu đựng của gia đình. Bà sẽ được một món tiền bảo hiểm khổng lồ do bảo hiểm chi trả nếu qua đời. Số tiền ấy chẳng những trang trải hết nợ nần cho anh mà còn đưa gia đình anh trở lại cuốc sống sung túc. Rõ ràng, về mặt đạo đức thuần túy, anh, và có lẽ tất cả chúng ta sẽ tuyên bố phải nuôi mẹ sống đến đồng tiền cuối cùng. Thế nhưng, ở tận cùng bản ngã, khi phải thành thực với chính mình nhất, suy nghĩ của mỗi người ở trường hợp nghiệt ngã này có lẽ sẽ không giống nhau như khi ta mở mồm nói.
John. C. Maxwell dẫn lời của một huyền thoại bóng rổ, rằng: Dù bạn chọn lựa bất cứ điều gì, thì hãy thành thực với bản thân. Lạy Chúa, mình không bao giờ muốn bị buộc phải thành thực với bản thân trong những trường hợp nghiệt ngã như trên cả. Và, chừng nào mà trái đất còn xoay quanh mặt trời và không gian còn đầy không khí để thở thì chừng đó phép màu vẫn còn xảy ra trong cuộc sống này. Thế nên, mình sẽ cầu nguyện để cho mỗi ngày sẽ luôn được sống trong phép màu và tình yêu của Chúa.


 

 

Thứ Năm, 20 tháng 3, 2014

Chào cuộc sống ngây thơ giẫy chết, tất cả như đang là một kịch bản (Tuấn Khanh)

Bài này phù hợp với ý mình. Miễn bình luận.
 
Trong chuyện chiếc máy bay của Mã Lai MH370 bị cho là rơi ở gần mũi Cà Mau, VN, nếu tinh ý một chút, bạn có thể nhận ra rằng cuộc sống đã trở thành một chuỗi kịch bản của những âm mưu chung và riêng.

Nổi bật là bản tin về chuyện một thân nhân người bị nạn đại lục kêu gào chính quyền Trung Cộng hãy tự mình giải cứu vì không tin Việt Nam.


 Hãy lược qua sự ngu dốt của người rất trẻ dại đó, rất dễ nhận thấy đó là một cách sắp đặt chủ ý của truyền thông Trung Cộng nhắm vào dư luận quốc tế, là chỗ dựa cho hai chiến hạm Trung Cộng đi vào biển Việt Nam, nhất là khi sáng ngày 10-3 lại có tướng Trung Cộng lên tiếng thăm dò, đòi xây sân bay trên Trường Sa.

Một bản tin khác, nói rằng một quan chức Mã Lai giấu tên cho rằng chính Trung Cộng là người tổ chức bắt cóc chiếc máy bay này. Dĩ nhiên là nhất tiễn xạ phi điêu: một là lấy cớ giới thiệu người Ngô Duy Nhĩ là khủng bố để tiện tay đàn áp, hai là lấy cớ đi chiến hạm vào biển Việt (có thỏa hiệp hay không thì chỉ có trời biết) và dễ dàng cài cắm các mục tiêu quân sự cho tham vọng lưỡi bò.
Các sân bay VN tăng cường an ninh như một màn trình diễn. Buồn cười. Điều đó có lợi cho ai, không lâu sau sẽ rõ.

Chỉ thương các thường dân bị hy sinh một cách đáng thương cho các kịch bản lớn.

Các thường dân ở đây bao gồm hành khách trên chiếc máy bay MH370 và cả ngư dân Việt Nam. Câu tuyên thệ của ông tướng quân đội VN chỉ huy tìm kiếm máy bay MH370 là "sẽ tìm kiếm bằng cả trái tim" nghe tự nhiên mà buồn nôn. Biết bao lần sinh mạng ngư dân Việt bị tàu Trung Cộng đâm chìm, bắt cóc... trái tim của họ để ở đâu? Hay trái tim của họ chỉ dành cho những người không là dân tộc mình?

Cả thế giới đang dõi theo cây chuyện về lòng nhân ái và ngây thơ giẫy chết bên những âm mưu của con người.

Có thể ai đó sẽ trả lời quan điểm trên đây bằng sự nghi ngờ. Nhưng cũng xin nhắc rằng bản thân sự nghi ngờ là niềm tin ngây thơ, và ở đây, thì ngây thơ của cuộc sống nhân loại đang giẫy chết.

Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

Nghệ sĩ và nợ nần

Sau vụ Siu Black nợ tiền tỉ, đến phiên nghệ sĩ Chánh Tín vỡ nợ mất nhà. Sự việc cũng tốn nhiều giấy mực và trên facebook mọi người cảm thương chia sẻ, một số kêu gọi quyên góp giúp đỡ. Chuyện cũng sẽ bình thường nếu một số báo chí vốn cạn kiệt thông tin bắt đầu quen thói lá cải đăng những tình tiết vớ vẩn hậu trường nhằm tạo nhiều luồng dư luận đại loại như anh ấy đã từng cưu mang người này người nọ, rồi giờ căm phẫn người nọ người kia. Phải nói Nguyễn Chánh Tín là một cái tên đủ lớn để người ta ghé mắt vào xem thông tin, nhưng khai thác nó theo kiểu giựt gân câu khách là chuyện rất phản cảm nếu không nói là thất đức.
Chuyện phá sản, xin thưa trong thời kinh tế khủng hoảng này nó xảy đến với mọi người chứ không riêng giới nghệ sĩ. Một nhà gì, dù là nhà đạo diễn nhà sáng tác nhà khoa học dẫu tên tuổi có lớn đến đâu nhưng nếu là nhà kinh tế tồi thì vẫn trắng tay mắc nợ như thường. Bản thân kẻ này là một nhà làm công ăn lương rất tốt nhưng khi làm nhà kinh doanh nhỏ cũng đã phá sản chỉ sau một năm. Cũng như một nhà thầu nọ mình tận mắt chứng kiến, làm ăn cực phất chỉ trong vài năm đầu thành lập, thế nhưng chỉ sau vài quyết định sai lầm chẳng những đã nướng toàn bộ tài sản theo cơn lốc khủng hoảng mà còn khiến những người thân xung quanh anh ấy và gia đình của họ ra đường như hoàn cảnh nghệ sĩ Chánh Tín hiện giờ.
Không biết có phải khi anh là nghệ sĩ thì sự phá sản của anh nó đáng thương hơn những người không-nghệ-sĩ khác bị phá sản hay không. Thế nhưng giả sử anh ấy thành đạt nhưng đổi lại là một tai nạn gì đó, giả sử như một cơn đột quỵ thì giữa phá sản và tai biến, cái nào đáng thương hơn? Một tên tuổi nghệ sĩ lớn khác, nhạc sĩ Thanh Tùng, cả đời hào hoa là thế, kinh doanh thành đạt là thế, sự nghiệp huy hoàng có kém gì Chánh Tín thế nhưng bị bán thân bất toại đến nỗi đêm nhạc sinh nhật ông, một nụ cười ông cũng không nhếch môi nổi. Nếu hỏi Thanh Tùng đem toàn bộ sự thành đạt trong kinh doanh của ông ra đánh đổi với sức khỏe, liệu ông sẽ trả lời thế nào?
Thật ra thì chuyện tay trắng, chuyện tai ương của kiếp người nó diễn ra với ai thì nỗi đau nó mang lại cũng là không đổi, dẫu người đó một nhà gì đi chăng nữa. Như một đạo diễn phim nào đó có nói: " Nỗi đau, dẫu có cộng từ lại từ rất nhiều người, thì cũng không phải là lớn hơn của một người". Thế nên Chánh Tín, Thanh Tùng không cần ai cảm thương lo toan bà tám chuyện của họ. Hãy để họ tự nhiên sống như một con người và tận hưởng mọi ân huệ cũng như sự trừng phạt của Chúa.
Albert Einstein nói: "Bản thân cuộc sống đã là một phép màu". Theo tinh thần đó, kẻ viết bài đã tận hưởng phép màu cuộc sống bằng bài "Bụi phấn" cung Đô trưởng đồng ca với ca sĩ nhí Bảo Nhi 6 tuổi.