Thứ Ba, 25 tháng 3, 2014

LỰA CHỌN NGHIỆT NGÃ

Nhớ hồi sinh viên có coi một truyện ngắn, tựa là "Cô gái hay con hổ". Truyện hay đến nỗi nó đã ám ảnh mình đến tận mãi hôm nay, sau này search google, mới biết đây là một kiệt tác văn học của nhà văn Mỹ F. Stockton (1834 - 1902). Toàn bộ câu chuyện chỉ là sự lựa chọn của công chúa trước một tình huống. Đó là chàng trai người yêu của công chúa, đã bị trừng trị tội dám yêu công chúa bằng cách buộc phải đối mặt với 2 cánh cửa: một cánh mở ra một con hổ dữ và một cánh mở ra một cô gái xinh đẹp sẽ cưới anh ta làm chồng. Vấn đề là: công chúa sẽ đích thân lựa chọn cánh cửa nào cho người yêu của mình. Hết.
Chuyện không hề đơn giản khi bản ngã con người bị thử thách ở cấp độ cao nhất. Nhớ lại mấy năm trước, công ty cho đào tạo một khóa gọi là "kĩ năng quản lý thời gian". Có hai thứ khiến mình ấn tượng với diễn giả hôm ấy. Đó là: người ta thực ra không hề quản lý thời gian, mà chỉ là quản lý bản thân mình (đến giờ thì thỉnh thoảng mình lại hay cố tình hiểu nhầm khái niệm này). Điều thứ hai, ở ngày cuối của buổi diễn thuyết, ông cho mọi người thực hành một bài tập nho nhỏ, là trả lời thật thành thực ba câu hỏi sau đây:
1. Nếu bạn có nhiều tiền đến mức không lo lắng làm điều gì mà sợ thiếu tiền, bạn sẽ làm gì?
2. Nếu bạn có nhiều thời gian đến mức không lo lắng làm điều gì mà sợ thiếu thời gian, bạn sẽ làm gì?
3. Nếu ngày mai bạn chết, bạn sẽ làm gì?
Bài tập đó thầy không hỏi câu trả lời của bất cứ người nào mà giải thích rằng 03 câu hỏi thật ra là để thử thách bản ngã chúng ta. Nếu như hai câu đầu mở ra quyền hạn vô biên cho con người để xem khả năng bị tha hóa đến đâu với cái quyền lực không giới hạn đó, thì ở câu thứ ba, nó tập trung lại để ta nhận ra thứ gì là đáng đánh đổi cuộc đời để thực hiện nó (như một anh chàng trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, sẵn sàng chết chỉ để được một lần nhìn hoa Sầu nở trên đỉnh Puvan). Và với loại câu hỏi chạm thẳng vào bản ngã con người này, mình chợt nhớ một đoạn phim hoạt hình nọ, ông thầy giáo bảo với đứa học trò: Hãy ghi ra tất cả những người xung quanh có quan hệ với em. Đứa nhỏ ghi ra đâu được gần trăm người. Bài tập bắt đầu: ông thầy kêu hãy gạch tên người nào mà nếu không có họ, cuốc sống của em vẫn không có gì ảnh hưởng. Hehe, đơn giản thôi mà, đứa nhỏ gạch thoải mái cho đến khi nó nhận ra trên bảng chỉ còn lại những cái tên là cha, mẹ, anh em và vợ con (tưởng tượng) của nó. Bấy giờ là lúc nó đối diện với thực tại được lột bỏ lớp áo đạo đức: chọn ai là người mà mình muốn sống cùng cho đến cuối đời.
Cũng như ông thầy dạy quản lý thời gian, những câu trả lời cho loại lựa chọn nghiệt ngã như vậy đôi khi cũng thật nghiệt ngã, nên nó mãi sẽ là bí mật của từng người. Nhưng mình thật sự không bao giờ mong muốn phải đối mặt với một tình huống nghiệt ngã như dưới đây nghe kể từ một người từng suýt là đại gia: Thời khủng hoảng kinh tế đã kéo theo toàn bộ gia sản của anh bốc hơi theo những toan tính sai lầm. Những đứa con của anh đối mặt với nguy cơ thất học và cơm bữa no bữa đói hàng ngày. Ngân hàng tịch biên ngôi nhà đã cầm cố đẩy toàn bộ gia đình ra đường giữa xung quanh là tứ bề chủ nợ đằng đằng sát khí. Trong khi đó, mẹ ruột anh đang bị giày vò bởi chứng suy thận mãn ở giai đoạn cuối, tiền thuốc thang mỗi ngày đã thực sự quá sức chịu đựng của gia đình. Bà sẽ được một món tiền bảo hiểm khổng lồ do bảo hiểm chi trả nếu qua đời. Số tiền ấy chẳng những trang trải hết nợ nần cho anh mà còn đưa gia đình anh trở lại cuốc sống sung túc. Rõ ràng, về mặt đạo đức thuần túy, anh, và có lẽ tất cả chúng ta sẽ tuyên bố phải nuôi mẹ sống đến đồng tiền cuối cùng. Thế nhưng, ở tận cùng bản ngã, khi phải thành thực với chính mình nhất, suy nghĩ của mỗi người ở trường hợp nghiệt ngã này có lẽ sẽ không giống nhau như khi ta mở mồm nói.
John. C. Maxwell dẫn lời của một huyền thoại bóng rổ, rằng: Dù bạn chọn lựa bất cứ điều gì, thì hãy thành thực với bản thân. Lạy Chúa, mình không bao giờ muốn bị buộc phải thành thực với bản thân trong những trường hợp nghiệt ngã như trên cả. Và, chừng nào mà trái đất còn xoay quanh mặt trời và không gian còn đầy không khí để thở thì chừng đó phép màu vẫn còn xảy ra trong cuộc sống này. Thế nên, mình sẽ cầu nguyện để cho mỗi ngày sẽ luôn được sống trong phép màu và tình yêu của Chúa.


 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét