Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

Nghệ sĩ và nợ nần

Sau vụ Siu Black nợ tiền tỉ, đến phiên nghệ sĩ Chánh Tín vỡ nợ mất nhà. Sự việc cũng tốn nhiều giấy mực và trên facebook mọi người cảm thương chia sẻ, một số kêu gọi quyên góp giúp đỡ. Chuyện cũng sẽ bình thường nếu một số báo chí vốn cạn kiệt thông tin bắt đầu quen thói lá cải đăng những tình tiết vớ vẩn hậu trường nhằm tạo nhiều luồng dư luận đại loại như anh ấy đã từng cưu mang người này người nọ, rồi giờ căm phẫn người nọ người kia. Phải nói Nguyễn Chánh Tín là một cái tên đủ lớn để người ta ghé mắt vào xem thông tin, nhưng khai thác nó theo kiểu giựt gân câu khách là chuyện rất phản cảm nếu không nói là thất đức.
Chuyện phá sản, xin thưa trong thời kinh tế khủng hoảng này nó xảy đến với mọi người chứ không riêng giới nghệ sĩ. Một nhà gì, dù là nhà đạo diễn nhà sáng tác nhà khoa học dẫu tên tuổi có lớn đến đâu nhưng nếu là nhà kinh tế tồi thì vẫn trắng tay mắc nợ như thường. Bản thân kẻ này là một nhà làm công ăn lương rất tốt nhưng khi làm nhà kinh doanh nhỏ cũng đã phá sản chỉ sau một năm. Cũng như một nhà thầu nọ mình tận mắt chứng kiến, làm ăn cực phất chỉ trong vài năm đầu thành lập, thế nhưng chỉ sau vài quyết định sai lầm chẳng những đã nướng toàn bộ tài sản theo cơn lốc khủng hoảng mà còn khiến những người thân xung quanh anh ấy và gia đình của họ ra đường như hoàn cảnh nghệ sĩ Chánh Tín hiện giờ.
Không biết có phải khi anh là nghệ sĩ thì sự phá sản của anh nó đáng thương hơn những người không-nghệ-sĩ khác bị phá sản hay không. Thế nhưng giả sử anh ấy thành đạt nhưng đổi lại là một tai nạn gì đó, giả sử như một cơn đột quỵ thì giữa phá sản và tai biến, cái nào đáng thương hơn? Một tên tuổi nghệ sĩ lớn khác, nhạc sĩ Thanh Tùng, cả đời hào hoa là thế, kinh doanh thành đạt là thế, sự nghiệp huy hoàng có kém gì Chánh Tín thế nhưng bị bán thân bất toại đến nỗi đêm nhạc sinh nhật ông, một nụ cười ông cũng không nhếch môi nổi. Nếu hỏi Thanh Tùng đem toàn bộ sự thành đạt trong kinh doanh của ông ra đánh đổi với sức khỏe, liệu ông sẽ trả lời thế nào?
Thật ra thì chuyện tay trắng, chuyện tai ương của kiếp người nó diễn ra với ai thì nỗi đau nó mang lại cũng là không đổi, dẫu người đó một nhà gì đi chăng nữa. Như một đạo diễn phim nào đó có nói: " Nỗi đau, dẫu có cộng từ lại từ rất nhiều người, thì cũng không phải là lớn hơn của một người". Thế nên Chánh Tín, Thanh Tùng không cần ai cảm thương lo toan bà tám chuyện của họ. Hãy để họ tự nhiên sống như một con người và tận hưởng mọi ân huệ cũng như sự trừng phạt của Chúa.
Albert Einstein nói: "Bản thân cuộc sống đã là một phép màu". Theo tinh thần đó, kẻ viết bài đã tận hưởng phép màu cuộc sống bằng bài "Bụi phấn" cung Đô trưởng đồng ca với ca sĩ nhí Bảo Nhi 6 tuổi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét