Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

Là Satan hay là Chúa?



Quỷ hay là Chúa, dường như đó chỉ là một bộ mặt. Vì thế khi nỗ lực giết một con quỷ, là bạn đang đào mồ cho chính mình.

Những hình ảnh dữ dội cuối phim The Omen đã khiến người xem bật ra kết luận cho câu hỏi xuyên suốt phim trước đó (qua suy nghĩ của Thorn): Cuộc sống chỉ có hiện tại hay còn có quỷ dữ và Chúa?

Đại sứ Thorn đã đi từ một cực đoan là kẻ tuyệt đối vô thần đến một cực đoan là tên cuồng tín khi lảm nhảm một đoạn kinh vô nghĩa rồi đè nghiến đứa con của mình trước tượng Chúa và chuẩn bị cắm phập chiếc đinh ngàn năm từ thành cổ Jerusalem vào tim nó. Hình ảnh gợi lại lễ hiến sinh đầu tiên của loài người khi tổ phụ Abraham cũng chuẩn bị cắm phập con dao vào tim đứa con rứt ruột của mình dâng Chúa. May mà phút cuối Chúa đã đổi ý. Lần này cũng vậy, nhưng Abraham của thế kỉ XXI không may mắn như tổ phụ của mình. Để cứu đứa trẻ khỏi cơn cuồng tín từ chính cha của nó, Chúa buộc phải nhờ đến những người cảnh sát nổ súng vào đầu người cha đã trở nên cực đoan kia.

Bộ phim The Omen sau toàn bộ thời gian đầu dẫn dắt người xem vào những tình huống kinh dị để tập trung vào chú bé quỷ ám, đã có một kết cục xung đột tâm linh cực dữ dội. Sẽ rất dễ dàng để chiến đấu với loài quỷ khi nó xuất hiện trong vai một thế lực hắc ám như các thể loại thần thoại khác. Nhưng nếu quỷ xuất hiện trong bộ mặt một đứa trẻ, đặc biệt là đứa con của chính mình thì cuộc chiến khốc liệt hơn nhiều. Bởi chính bạn sẽ trở thành một con quỷ thứ thiệt khi cầm dao đâm vào tim chính đứa con của mình, dẫu cho bên trong nó là cả thế giới loài quỷ đủ sức tàn phá cả thế giới loài người. Và khi cho cảnh sát bắn vỡ đầu Thorn trong hoàn cảnh anh ta chuẩn bị hạ sát đứa trẻ, đạo diễn John Moore hẳn đã muốn truyền thông điệp: Cuộc chiến với loài quỷ đích thực, thật ra là cuộc chiến với chính mình. Không bao giờ ta có thể giết được con quỷ ấy. Nói như Phật giáo đại thừa, ta chỉ có thể biến Quỷ thành Chúa. Không cần phải dọn hết bóng tối ra ngoài mới có thể đón nhận ánh sáng, đơn giản là chỉ cần thắp sáng.

Phim có tình tiết gợi lên cuộc chiến triền miên của Satan và Chúa. Đó là khi người thợ chụp hình Keith Jennings quyết định nhặt lại đống vũ khí từ thành cổ Jerusalem sau khi Thorn (lúc này vô thần) cho rằng tay cha xứ ở đó là gã nghiện rượu nói toàn điều nhảm nhí. Jennings đã chết ngay khi khởi ý muốn giết một con quỷ. Cái chết đến với y có vẻ rất ngẫu nhiên, khi những người thợ đang làm việc trên mái nhà vô tình làm rơi chiếc búa xuống đầu, ngay khi anh ta vừa chuẩn bị xong kho vũ khí giết quỷ. Có lẽ, một con quỷ sắp bị giết đã khều nhẹ cây búa để nó rơi vỡ đầu anh ấy. Chuyện này làm mình nhớ cách nay mấy năm, cũng có một con quỷ xô một cánh cửa sổ nhôm kính từ tầng 3 xuống đầu mình. May mà Chúa đã đẩy nhẹ cánh cửa ấy để nó rơi theo một hướng mà chỉ có mặt kính vỡ tan vì thử độ cứng với sọ người, còn cái khung nhôm thì chỏng chơ nằm đất. Hay gần đây, một con quỷ nào đó lại thổi một gã xỉn quắc cần câu bay thẳng vào đầu xe mình với tốc độ trên 80km/h trong thành phố. Lần này, Chúa vẫn lại là người nhanh hơn khi kịp đẩy cái đầu xe tránh được cú tông trực diện, đồng thời giang tay đỡ cái gã mềm nhũn ấy sau cú rơi tự do từ độ cao hơn 2 mét và phóng xa hàng chục mét sau cú va chạm. Cú ngã cầm chắc chết người đó chỉ khiến gã xây xát ngoài da và đái một bãi to tướng giữa đường.

Ngẫm lại, thì các sự kiện lớn của đời người của thế giới đều dường như là cuộc chiến miên viễn giữa Satan và Chúa.

Sáng uống cà phê, thằng bạn bảo, mày mở mồm ra chúa chúa cha cha thế kia bộ theo đạo rồi à? Mình cười hehe, bảo tao có đạo, là đạo hồi, tức ba hồi đạo này ba hồi đạo nọ. Keke.


Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

Bẫy cảm xúc


Hôm nay có một friend share lại bài "Tôi sẽ ngừng than vãn" của diễn giả Trần Đăng Khoa. Bài viết thuộc dạng cửa sổ tâm hồn dễ đọc dễ hiểu dễ cảm và đương nhiên dễ share.
Xin trích lại một số nội dung rất dễ đồng cảm ấy:
"Nếu bạn có thực phẩm để ăn, có áo quần để mặc, có một mái nhà để che và một nơi nghỉ qua đêm là bạn đã giàu hơn 75% thế giới này.
Nếu bạn thức dậy vào buổi sáng và cảm thấy khoẻ hơn hôm qua thì bạn đã may mắn hơn 1 triệu người không thể sống qua nổi tuần này.
Nếu bạn đọc được thông điệp này thì bạn đã sung sướng hơn 2 tỉ người trên thế giới chẳng bao giờ đọc được thứ gì cả."
Nếu trong kinh tế có thuật ngữ "Bẫy thu nhập trung bình" để chỉ tình trạng trì trệ của một kinh tế khi đạt đến ngưỡng no cơm ấm cật thì thông điệp truyền đạt của bài viết trên mình tạm gọi là "Bẫy cảm xúc", để đặt tên cho một hiện tượng thoạt nghĩ nó bình thường tốt đẹp nhưng giấu trong đó là tư duy hết sức tàn nhẫn. Cách nay gần 20 năm, ở một độ tuổi được cho là chưa trưởng thành, một thằng bạn nhí nhố đã phát hiện điều tàn nhẫn trong cách nhìn nhận vấn đề kiểu thông điệp trên. Kết luận nhố nhăng của thằng Thế Anh ở thời mộng mơ áo tím đã ám ảnh mình đến tận bây giờ: Khổ cách mấy mà miễn còn có một thằng khổ hơn thì cũng không sao.
Thật vậy, xem tất cả các chương trình phỏng vấn trẻ em nghèo học giỏi, người tàn tật vươn lên, người già neo đơn khi được nhận tài trợ, ai nấy đều mặt mày rưng rưng nghẹn ngào trình bày lý do vượt khó: Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng nghĩ còn nhiều cảnh đời éo le hơn em nữa nên em đã nỗ lực phấn đấu. Bẫy cảm xúc trong lối nghĩ này chính là tư duy phải đạp được một thằng nào đó tệ như mình thì mình mới mong hơn nó được. Sự tàn nhẫn ở chỗ nó lấy sự tuyệt vọng của người khác làm hy vọng của chính mình. Bồ tát Thường Bất Khinh vì thế mà trở nên vĩ đại: Ta không vào địa ngục thì ai vào.
Mọi nỗ lực luôn luôn đáng được trân trọng. Mọi thành quả của ý chí càng đáng được tôn vinh. Thế nhưng nền tảng suy nghĩ cho mọi quyết tâm có lẽ cần được xem xét ở nhiều góc. Giả sử thay cho câu xác định ta được thế này đã hơn khối kẻ bằng một câu hỏi làm thế nào để khối kẻ cũng được như ta thì thế giới sẽ còn năng động hơn rất nhiều.
Xin mượn một giai thoại thiền thay cho lời kết. Có một thiền sư ngồi thiền, chốc chốc, người ta thấy ông tự gõ đầu mình cái cốc, đồng thời nghe được thần chú ông đọc: Cẩn thận, kẻo bị người lừa.

Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

Bán hàng và nghệ thuật quản trị


Đó giờ chỉ biết ông nhà máy sản xuất hàng ra rồi có ông phân phối bán hàng đến tay người tiêu dùng. Hôm nay đi học cô giáo dạy, còn có thêm 1 thằng làm nghề giám sát/chăm sóc cho thằng bán hàng nữa. Tức thành ra mô hình: Sản xuất - Phân phối - Giám sát bán hàng. Cổ bảo, cả thế giới người ta làm thế, và không chỉ có trong kinh doanh. Lý luận cho kết luận ấy là: sản phẩm như con của nhà sản xuất, giao cho ông phân phối đứa con thì phải ngó coi ổng chăm con mình thế nào. Y như việc bạn gửi con mình vào nhà trẻ vậy.
Nhớ lại đâu đó cũng trên thế giới, có mô hình quản trị là: Làm luật - Xài luật - Giám sát việc xài luật. Bởi người ta cho rằng cái ông đã tham gia cuộc chơi thì không biết hoặc cố tình/giả vờ không biết mình có phạm luật hay không. Vì thế ông đóng vai tuýt còi có vai trò vô cùng quan trọng.
Triết học cũng dẫn lời triết gia lắm mồm nào đó chỉ ra rằng: Quyền lực dẫn đến tha hóa. Quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối. Minh chứng cho điều ấy rõ nhất hiện nay có chàng trai tóc đẹp họ Kim với những lời đồn về hàng loạt trò rùng rợn quái đản không hề có dấu hiệu dừng lại.
John C. Maxwell chỉ dẫn một trong bốn tố chất rèn luyện mỗi ngày có "tìm kiếm trách nhiệm giải trình". Ông lý giải, không ai tự động phát triển cả. Để phát triển, người ta rất cần có một cái gì hấp dẫn dẫn dụ phía trước và một con mắt tinh tường soi mói phía sau. Con mắt tinh tường đó có thể là một đồng nghiệp, một đối thủ hoặc một hệ thống pháp lý đủ mạnh sao cho người ta không thể phạm luật (không còn chỗ lách), không dám phạm luật (trừng phạt quá nghiêm) và không muốn phạm luật (không thèm đánh đổi vì đã quá sướng). Hoặc giả những thứ trên tất thảy không có hoặc khó hiểu lằng nhằng quá thì người ta nhất thiết phải tin Chúa hoặc nhờ đến con mắt của Trời.
Có dạo 2 friend của mình tranh cãi nhau quyết liệt nhau rằng một xã hội nhân trị hay pháp trị là đúng. Một ông nhảy vào còm rằng nhân hay pháp gì cứ phải xây dựng kỉ cương và giám sát việc thực hiện kỉ cương như lo cho đứa con gửi nhà trẻ vậy.
Xã hội bây giờ quá nhiều chuyện đại loạn như giết cha như đốt chồng như hiếp cháu có phải chăng do hệ thống giám sát việc thực thi kỉ cương phép nước đã không được chăm lo như người ta giữ gìn con mắt.

Cuộc chiến thịt chó, cho đến bao giờ?


“Nếu ai ăn thịt và lên án những người ăn thịt chó vì lý do đạo đức, tôi nghĩ đó là đạo đức giả". (Huyền Chip).
Phát biểu mới đây của ngôi sao du lịch vừa được học bổng Mỹ làm dấy lại cuộc chiến không có hồi kết của phe ăn thịt chó và những người còn lại. Cuộc chiến này dai dẳng, nóng bỏng đến mức người của phe này có thể miệt thị người của phe kia. Đây rõ ràng không còn là giới hạn của ẩm thực nữa, nó đã tiến vào địa hạt của văn hóa và đức tin. Ở đó đang có cuộc chiến ngàn năm về sự hiện diện Chúa Trời, cuộc chiến trăm năm về giai điệu của nhạc sến. Phần thắng đến nay vẫn đang là một ẩn số.
Không biết Huyền Chip phát ngôn như vậy là dùng kỹ thuật phản tỉnh để tìm một mục đích lớn lao là làm cho thế giới bớt đi những người ăn thịt hay đơn giản em ấy đang cơn cao hứng sau khi xì xụp một bát tiết chó.
Nhớ lại nhà Phật có thuật ngữ "ngón tay chỉ trăng" để nói về phương tiện và cứu cánh. Chân lý, cũng như những giá trị tốt đẹp như là ánh trăng. Người ta không thể một bước đến trăng mà cần rèn luyện mỗi ngày bằng nhiều cách thức/phương tiện để đến. Thậm chí, nếu chả cần rèn luyện gì thì nhất thiết cũng nên biết có một ánh trăng chân lý trên đầu để bất chợt lúc nào đó ý thức quá tăm tối thì biết mở mắt ra mà đi cho đúng.
Giải thoát chỉ có sau khi bị trói buộc.
Eva và Adam chỉ biết được cảnh giới Niết bàn của vườn địa đàng sau khi vô minh đi theo loài rắn.
Theo tinh thần không thể "đời đục cả mình ta trong", chuỗi siêu thị lớn hạng nhất nước Mỹ Whole Foods đã chọn hướng đi của mình là từ chối bán các loại thịt động vật được nuôi nhốt trong điều kiện tồi tệ; kiện đến cùng những kẻ giết thịt động vật dã man; cấm cửa những khách hàng có sở thích giết thịt động vật man rợ quái đản theo kiểu đại gia Việt Nam. Nhờ sức ảnh hưởng lớn mạnh của họ mà một bộ phận nhỏ động vật nước này được thêm một chút hạnh phúc. Có thể số phận những con heo bò gà vịt đó kết cục vẫn là chui vào dạ dày của ai đó. Nhưng ít nhất chúng vẫn được sống cuộc sống đàng hoàng theo cách mà Chúa mong muốn nhất trước khi chịu cái chết theo hình thức nhanh gọn nhất.
Hùa theo Whole Fooods, kẻ mê muội này cũng cố gắng tự đặt mình đi theo một con đường mà càng gần điểm cuối càng vắng bóng thịt. Trên con đường đó hiện đã vắng bóng những con sau:
- hột vịt lộn
- cút chiên bơ
- heo sữa
- ba ba, rùa (điểm tiếp theo là rắn).
Tất nhiên, hiện kẻ này cũng đang là đồ đạo đức giả, nhưng nhờ ơn Huyền Chip, hắn đang biết rất rõ rằng vẫn đang cố kì cọ lớp đạo đức giả đó mỗi ngày và cầu nguyện phần thắng trong cuộc chiến thịt chó sẽ nghiêng về phe những người không ăn nó.

Và đây, một clip rất kinh. https://www.facebook.com/photo.php?v=760092490669301

Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

ĐÂU LÀ CHÁNH ĐẠO?


Trưa đi tàu rảnh rỗi vơ đại tờ báo của ông bạn đang coi đặng đi ngủ, gặp phải tin này. Điểm qua thì thấy có rất nhiều thuật ngữ to tát dành cho sự kiện, này là "sự kiện Phật giáo lớn nhất năm 2014 mang tầm cỡ quốc tế", rồi thì "góp phần tôn vinh giá trị nhân văn, hòa bình của nhân loại" cùng những con số rất khủng như hội trường 3500 chỗ, đón 1,5 vạn du khách trong 7 ngày, vân vân.
Không rõ đây là phật giáo gì bởi những gì to lớn vĩ đại vốn chưa bao giờ nằm trong khái niệm của thái tử Tất Đạt Đa từ ngày thành đạo. Ngay như đại sư Huyền Diệu, khởi niệm xây một vườn Lâm Tì Ni để sánh với Mecca cũng chỉ dùng sức chỉ rất nhỏ nhưng của rất nhiều người. Bởi công đức phải được tạo cơ hội phân phát cho nhiều người. Ngay quy mô ngôi chùa này, cũng hơi thấy mùi hợm hĩnh của những kẻ đã giành quá dư vật chất về mình nay lại còn thè lưỡi tham lam muốn liếm hết phần công đức thiên hạ.
Chợt nhớ ở miền Tây Nam bộ có một giáo phái theo Phật lặng lẽ hoạt động bằng kinh phí của lượng tín đồ gần 2 triệu người chẳng những không xin một xu ngân sách mà còn có những hoạt động làm thay đổi hàng vạn số phận. Đó là những chiếc xe cứu thương chuyên nghiệp hơn cả bệnh viện công không quản ngại bất cứ địa điểm hiểm trở nào để cấp cứu người bệnh về bệnh viện lớn. Đó là những nồi nước sôi hay suất cơm miễn phí tại các nhà thương. Rồi các phòng thuốc nam cùng vô số hoạt động cứu trợ cho từng hoàn cảnh cụ thể. Tất cả hoạt động ấy nằm ngoài mọi truyền thông của phật giáo gọi là chính thống nước nhà, bởi nó quá bé nhỏ so với những đại sự như là hối hả cho đại lễ vesak gì ấy.
Phật giáo VN, vốn được du nhập từ TQ, mà Phật giáo TQ vốn phân hóa mạnh mẽ sau sự kiện Huệ Năng ôm y bát nửa đêm xuống thuyền lặng lẽ về phương nam truyền giáo. Để từ đó, một nửa phương bắc được Thần Tú truyền dạy nhắm mắt ôm mõ tụng kinh cùng vô số hình thức tu tập không dụng công nhiều trí tuệ cũng như ý chí.
Tại VN, trừ hệ thống thiền viện được hòa thượng Thích Thanh Từ khai sáng, có lẽ còn lại đều theo trường phái Bắc Thần Tú. Không khó để nhận ra điều đó khi nó qua thiếu ý chí để mạnh mẽ loại trừ những tệ nạn ngụy danh phật giáo đang ngày càng ăn sâu vào não trạng mê tín.
Nhìn những vị thượng tọa điều hành giáo hội tướng tá bóng nhoáng hăng hái phát biểu những công cuộc dựng xây những quảng bá hình ảnh không khỏi nhớ lại gần trăm năm trước, có một chàng trai trẻ sáng lập môn phái gọi là Hòa Hảo còn lưu truyền đến ngày nay chỉ trong vòng 7 năm hành đạo, đã nhận chân cốt tủy phật giáo và nắm chắc tâm thức Việt để sáng tạo ra một kiểu truyền giáo có một không hai. Hãy xem tư tưởng của giáo chủ trẻ tuổi cách đây gần trăm năm ấy:
"Theo Thần-Tú tạo nhiều chuông mõ,
Mà xưa nay có mấy ai thành!
. . .
Làm hiền-lành hơn tụng hơ-hà,
Hãy tưởng Phật hay hơn ó ré.
. . .
Những giấy tiền vàng bạc cũng thôi,
Chớ có đốt tốn tiền vô lý."
......................
Tu vô-vi chớ cúng chè xôi,
Phật chẳng muốn chúng sanh lo-lót.
Phật giáo VN thao thao thuyết pháp, kể chuyện nhà phật nhưng hoạt động thì chạy theo phong trào chạy theo bề nổi chứ không quyết tâm tiêu trừ mê tín cũng như đặt nặng đào luyện tâm linh, ngó lại vai trò được cho là dẫn dắt thì xem chừng đã hóa thành đạo khác.