Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

Bấp bênh ý Chúa

Có anh chàng nọ hết lòng tin Chúa. Ngày kia, có trận lũ lớn, ai nấy đều lo chạy, chỉ riêng anh ở lại tại chỗ, anh bảo: đã có Chúa lo cho anh rồi. Anh hàng xóm thấy lũ gần tới nguy hiểm quá lần lượt 3 lần giục anh bỏ chạy, anh vẫn cứ trơ trơ. Cuối cùng, lũ đến quét anh chết. Khi ấy, linh hồn anh than trách Chúa, bảo sao người không đến cứu con dù con đã hết lòng tin người như vậy. Nghe vậy Chúa bảo, thì ta chả đã cứu con bằng cách cử anh hàng xóm đến giục con bỏ chạy những 3 lần còn gì.

Kể từ sau Thiên Chúa trổ thần oai qua Mose dẫn dắt dân Israel thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, tất cả các vì vua sau đó, từ Yasua đến Saul rồi Đavít, chỉ chiến thắng trong các cuộc chiến khi Thiên Chúa ở cùng. 
Cách Israel ngàn dặm xa xôi, trên đất Đại Việt nhỏ bé, Thiên Chúa cũng đã từng ở cùng dân ấy khi đánh đuổi quân xâm lược từ giặc Nam Hán, Nguyên Mông đến người Pháp với lực lượng quân sự hiện đại bậc nhất thời ấy.
Thế kỉ XXI, biển nước Việt sôi sùng sục với gã khổng lồ mang tên HD-981 được họ tống bởi đội quân hùng hậu hàng trăm chiến thuyền, tàu cá các loại nhẩn nha trước thềm nhà xịt nước.
Nhưng lần này, chàng Đavít xứ Việt chứng kiến ý sự giằng co dữ dội trong suy nghĩ của Chúa khi quyết định có ở cùng anh ấy hay không.
Bởi vì đức tin ở đất ấy từ lâu dường như là một điều cực kì xa xỉ.
Nhưng sau cuộc hiến sinh nung chảy ý chí kiểu Lê Chiêu Thống của huynh trưởng Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, bà Lê Thị Tuyết Mai thì dường như ý Chúa đã muốn đứng về chàng Đavít xứ Việt, dẫu những phát biểu trống vắng đức tin vẫn còn đầy rẫy.
Và, cũng như các vua Israel được Chúa ở cùng trong những cuộc chiến, có lẽ Chúa cũng đang ngóng chờ tiếp những biểu hiện của đức tin tiếp theo của dân Việt qua cách đối xử với ngôn sứ của ngài để quyết định có cử gã hàng xóm xa nửa vòng trái đất giương oai trợ sức hay không, đại khái sơ bộ kiểu vài chục ngàn chữ kí cho một lệnh xem xét trừng phạt của anh ấy.
Cuối cùng thì Chúa có đứng về phía dân Việt trong mọi cuộc chiến hay không, xem ra ý Chúa  những ngày tới vẫn còn bấp bênh lắm lắm.






Thứ Năm, 15 tháng 5, 2014

Thực ra Trung Quốc đang chỉ cho chúng ta nên làm gì (Tạ Duy Anh)

Tạ Duy Anh viết về Trung Quốc bài nào cũng hay. Trong rất nhiều luồng ý kiến xung quanh tình hình thời sự nóng này,  ý kiến này của ông đáng giá hơn cả.

Nguyễn Trãi: “Thằng nhãi con Tuyên Đức động binh không ngừng.”
Nguyễn Huệ: “Bọn chó Ngô kia là cái thá gì mà ta phải sợ”.

Khi người Nga tiến vào bán đảo Crưm, tôi đã giật mình lo lắng cho những gian nan có thể sớm xảy ra với đất nước mình.

 Chắc chắn Trung Quốc sẽ lợi dụng sự phân tán của dư luận để thực hiện mưu đồ đánh úp các nước láng giềng, kịp khi thiên hạ nhận ra thì mọi việc đã xong xuôi. Tại sao Việt Nam là lựa chọn của Trung Quốc lần này để ra tay thì rất dễ lý giải. Với Philippines hay Nhật Bản, Trung Quốc chỉ e ngại Mỹ can dự và trên thực tế điều đó là khó tránh khỏi. 
Gây sự với Việt Nam, ngoài một chút dè chừng Hoa Kỳ, Trung Quốc biết rằng không thể dễ dàng qua mặt Nga, dù không có bất cứ cam kết đồng minh nào với Việt Nam nhưng có nhiều lợi ích kinh tế và địa chiến lược. Thế mà cả hai cường quốc này lại đang bị cuốn vào vòng xoáy khủng hoảng Ucraina. Trong khi Mỹ phải thể hiện nghĩa vụ không thể thoái thác với các đồng minh châu Âu, vì thế không thể tập trung sự quan tâm thích đáng đến các khu vực ít bị giàng buộc nghĩa vụ hơn, thì Nga phải cần đến Trung Quốc để phá thế bị bao vây.
 Có lẽ Trung Quốc cũng bất ngờ với cơ hội hiếm hoi này. Vì thế họ lập tức hành động như những gì chúng ta đã thấy trong 2 tuần qua. Nhưng lại phải nói ngay rằng, giàn khoan HD 981 đã được chế tạo trước đó nhiều năm, với mục tiêu duy nhất là khoan ở vùng nước sâu tại biển Đông. Nó được khởi công từ trước khi ông Tập Cận Bình long trọng cam kết với người đồng cấp Việt Nam là sẽ chỉ đạo giải quyết tranh chấp giữa hai nước trên tinh thần hữu nghị anh em, coi trọng đại cục. Còn khi ngài thủ tướng Lý Khắc Cường đích thân sang Hà Nội thể hiện tình “đồng chí” cao hơn lợi ích có được từ những tranh chấp lãnh thổ, thì giàn khoan HD 981 đã sắp hoàn tất.
 Cái giàn khoan khổng lồ và tốn kém đó không phải được sản xuất ra để chơi! Vì thế cho dù không xảy ra sự kiện Ucraina thì cái căn cứ quân sự nổi trá hình đó vẫn sẽ phải được hạ đặt ở vị trí hiện nay, thuộc vào tử huyệt quân sự ở biển Đông. Vì thế, nếu chỉ dừng lại ở sự kiện Ucraina như là nguyên nhân khiến Trung Quốc xâm chiếm lãnh hải Việt Nam, thì có thể chúng ta sẽ phạm sai lầm lớn trong đánh giá tình hình và đưa ra các đối sách. Khi đó chúng ta dễ nhầm lẫn giữa một hành động mang tính thời cơ của Trung Quốc, với ý đồ được họ nuôi dưỡng từ nhiều chục năm qua và lên kế hoạch đạt được nó trong hàng trăm năm tiếp theo. Loại bỏ một hành động cơ hội của Trung Quốc không quá khó, kể cả với sức mạnh quân sự hiện tại của họ. Nhưng cắt được gốc của khối ung thư tham tàn mang tên Trung Hoa mới là khó. Và rồi thế giới sẽ hiểu ra rằng, nhiệm vụ đó không chỉ của riêng Việt Nam.

Nhưng từ nay đến khi nhân loại trả giá, như đã từng trả giá trong thế chiến thứ 2 (có nguyên nhân từ những toan tính ích kỷ của các quốc gia trong việc ngăn chặn Hitler) còn nhiều trò chơi lợi ích đủ làm tối mắt khiến người ta chả hơi đâu mà tính xa cho mệt người. Chỉ những ai bị tai nạn trực tiếp là phải tìm cách mà chiến đấu giành lại quyền sống. Chúng ta đang thuộc về những người yếu thế và lẻ loi như vậy trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.

Để bớt sự phân tán không cần thiết, tôi sẽ bỏ qua nguyên nhân đẩy Việt Nam đến tình cảnh phải đơn độc đối đầu với Trung Quốc như thời gian qua, vì chính chúng ta luôn dạy con cháu “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Sau đây có lẽ chúng ta nên thể hiện thái độ xấu hổ và tìm cách chuộc lỗi với Philippines qua lời lên án công khai, mạnh mẽ của ông Tổng thống Aquino trước hành động xâm lấn lãnh hải Việt Nam của Trung Quốc. Giờ đang là lúc nước sôi lửa bỏng, tôi không được phép làm bất cứ điều gì gây sự chia rẽ.

Trước hết tôi đánh giá cao những ứng xử khá thông minh của chính phủ cho đến thời điểm này.  Nó khớp với truyền thống của người Việt trước những mối họa xâm lăng từ bên ngoài. Chúng ta phải trù tính mọi khía cạnh để duy trì sự đối đầu có giới hạn trong nhiều ngày, thậm chí là nhiều tháng nữa, cho đến khi Trung Quốc tìm thấy một cái cớ danh dự  nào đó để đưa giàn khoan ra khỏi lãnh hải. Cái cớ dễ đoán nhất là họ tuyên bố việc khoan thăm dò đã hoàn thành mục tiêu. (Việc họ đưa ra thời hạn 3 tháng là chuẩn bị trước cho tình thế phải thoái lui nếu mọi việc không như họ mong muốn và có vẻ tình hình đó đang xảy ra).
 Bất cứ một ý tưởng thiếu quyết tâm nào của Việt Nam lúc này đều ngang bằng với việc công nhận yêu sách của Trung Quốc với Hoàng Sa và biển Đông. Đây là cuộc chiến tranh thực sự, thử thách bản tính bất khuất của toàn thể người dân Việt. Vì tương lai của con cháu, chúng ta chỉ được phép thắng chứ không có quyền thất bại. Nếu chúng ta đặt nhiệm vụ hiện nay ngang với sự sinh tồn của quốc gia, thì phải mạnh mẽ dấn thân. Tôi tin rằng, dù còn nhiều chia rẽ, phía sau chính quyền đang là cả dân tộc với hừng hực tinh thần chống ngoại xâm. Người Việt phải tạm thời bỏ qua những bất đồng để kết lại thành một khối trước hiểm họa giặc phương Bắc, như cha ông ta đã từng làm! Hiện tại Việt Nam đang gặp khó nhiều bề, nhưng không có gì đảm bảo Việt Nam thuận lợi hơn nếu Trung Quốc lùi hành động lại một thời gian nữa. Vì thế, với cá nhân tôi, hành động quyết đoán, chớp thời cơ gây bất ngờ của Trung Quốc cũng lộ ra sự nôn nóng, hấp tấp và nhờ thế mà chính họ đã chỉ cho chúng ta nên làm gì trước khi làm gì cũng là quá muộn.

Trước hết-và là điều quan trọng nhất-nó tạo ra tình thế để các nhà lãnh đạo Việt Nam buộc phải nhanh chóng thống nhất về ý chí trong đối sách với Trung Quốc. Từ nay không ai còn có thể viện dẫn “16 chữ vàng” lừa mị mà không cảm thấy xấu hổ. Trung Quốc là tác giả của dòng chữ đó và chính họ quẳng nó vào sọt rác khi đã hết tác dụng. Không còn lý do gì để bất cứ người Việt nào lại bới nó lên.
Vậy là xong một hậu hoạ khôn lường. Xét trong điều kiện hiện nay, không ai làm nổi điều này cho người Việt, ngoài Trung Quốc.

Trung Quốc, với hành động trắng trợn vừa rồi đã giúp chúng ta nhìn ra điểm yếu nguy hiểm của mình. Điểm yếu ấy là Việt Nam quá thụ động trong chính sách ngoại giao liên quan đến Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc công khai ưu tiên hàng đầu quan hệ với Hoa Kỳ, nhưng Việt Nam thì không dám vì e ngại phản ứng bực bội của họ. Khi Philippines bị tầu Trung Quốc quẫy nhiễu khiến họ bắt buộc phải kiện Trung Quốc, để tránh bị đòn hội đồng, Trung Quốc muốn Việt Nam im lặng, đứng ngoài. Nếu chúng ta đủ bản lĩnh để chủ động liên kết lợi ích với Philippines, có thể cục diện đã khác. Nay chính Trung Quốc  tạo cho các nhà lãnh đạo của chúng ta cơ hội vàng để thoát cái bóng u ám của họ. Không còn lý do gì để chúng ta không chủ động thảo luận chiến lược an ninh hàng hải, hợp tác quân sự với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, chủ động cùng với những nước có biển trong Asean dẫn dắt, chi phối chính sách ngoại giao của toàn khối với Trung Quốc. Có một sự thật là, nếu chính chúng ta, nước có tranh chấp nhiều nhất với Trung Quốc, lại tỏ ra nhu nhược, thì không thể đòi hỏi người khác phải cứng rắn.

Tôi tin rằng, qua sự kiện giàn khoan HD 981, các nhà quân sự của Việt Nam sẽ giật mình nhận ra tầm quan trọng sống còn của phòng thủ bờ biển. Cái giàn khoan khổng lồ đó hoàn toàn có thể đóng vai trò căn cứ hậu cần cho một cuộc xâm lược quy mô lớn trên biển nhưng lại mang danh nghĩa là một cơ sở công nghiệp dân sự để tránh bị tấn công. Nếu chiến tranh xảy ra ở khu vực Trung Quốc đang hạ đặt giàn khoan, chúng ta chỉ có ưu thế hơn họ khi có một hệ thống tên lửa đất đối hạm mạnh, có tầm bắn 500 km, đặt toàn bộ Hoàng Sa trong tầm bảo vệ.

Nay cũng là thời điểm để Quốc Hội Việt Nam sớm ban hành một đạo luật về hoà giải dân tộc. Không cần phải chờ sự kiện giàn khoan HD 981 cũng có thể biết trước về mức độ can dự của thế giới. Chúng ta phải chấp nhận thực tế đó, rằng sẽ chỉ có người Việt sống chết vì lợi ích của đất nước mình. Xét về dân số, chúng ta là một nước lớn, đủ sức hóa giải mọi tham vọng của Trung Quốc. Vấn đề là phải huy động được mọi ưu thế người Việt đang có. Không hoà giải dân tộc rất khó mà bảo vệ được lãnh thổ lãnh hải trước tham vọng của Trung Quốc. Và xét thực tế tao loạn, ly tán của con dân Việt nửa thế kỷ qua, phải cần đến một đạo luật về sự hòa hợp, hòa giải mới có thể giải quyết được nhiều vấn đề mà lịch sử đau thương để lại.

Sau những việc cấp bách vừa nêu, việc quan trọng nhất mà Việt Nam phải làm, là tiến hành cải cách chính trị sâu rộng, toàn diện, theo hướng tiếp cận những giá trị văn minh. Chính thực tế nội tình Trung Quốc lại một lần nữa mách bảo chúng ta không được chần chừ. Thể chế chính trị hiện nay của Trung Quốc trước sau cũng là thảm họa của thế giới và của chính dân tộc Trung Hoa (chỉ riêng việc trong 50 năm qua cái thể chế ấy đã khởi động tới 3 cuộc chiến quy mô khu vực vì tham vọng lãnh thổ, tự giết hại hàng trăm triệu người Trung Quốc, hiện đang là mối nguy hiểm khôn lường cho thế giới…đã đủ là bằng chứng về điều đó). Trong khi không thể tách núi tách sông để thoát phải làm láng giềng của họ, thì điều chúng ta có thể làm là tránh xa họ về mặt chính trị. Đi theo họ, chúng ta vĩnh viễn thành cái bóng bị cớm nắng và luôn ở vào vị thế của kẻ cắp tráp.

Trung Quốc làm gì cũng tính toán kỹ lưỡng. Giàn khoan HD 981 là một thử nghiệm 5 ăn 5 thua với Trung Quốc, là bước đi mang tính quyết định cho tham vọng độc chiếm biển Đông của họ nhưng cũng rất có thể là nước cờ tàn. Họ sẽ tìm cách theo kiểu cố đấm ăn xôi để chiếm đoạt của Việt Nam, Philippines…và vài nước khác một số lãnh hải rồi mới “gương mẫu” thúc giục Asean ký kết COC- thỏa thuận  đang bị họ lảng tránh, câu giờ-trên cơ sở tôn trọng hiện trạng mới do họ tạo ra! Khi đó họ sẽ là người bám vào COC nhiều nhất trước khi nó hết tác dụng và bị chính họ xé bỏ để giở những trò tiếp theo. Chúng ta phải tỉnh táo để không bị mắc vào cái bẫy của họ.

Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014

Nơi hướng về



Mấy ngày qua facebook nhuộm đỏ avatar Hướng về biển Đông với nhiều stt, còm rất máu lửa, nào là quét sạch nó đi nào là giết sạch giặc thù. Trong khi chờ lắng nghe phản ứng chính thức từ những nhà lãnh đạo cấp cao, tui thấy có một stt như vầy:
Bộ luật Hình sự hiện hành của Việt Nam tại Điều 341 về "Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược" quy định như sau:
"Người nào tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược hoặc chuẩn bị, tiến hành, tham gia chiến tranh xâm lược nhằm chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ một nước khác, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.”

Trong sự mong manh không lằn ranh của các khái niệm, đặc biệt là sự lập lờ trong tư thế sẵn sàng tráo trở của các giá trị, chẳng hạn như phản biện và phản động, nhẫn nhục và hèn nhát, anh dũng và xốc nổi, nhiệt tình và ba phải...thì sự cám dỗ của hai chữ anh hùng rất là ma mị. Mới chỉ hơn năm trước, một em sinh viên xinh tươi xộ khám vì nói những điều mà cả nước mấy ngày qua đang nói. Vì vậy, giữa nhiệt tình yêu nước và "kích động chiến tranh" xem ra cũng khá nhập nhằng.

Có một câu chuyện ông vua hỏi một thiền sư:
- Thời gian nào là quan trọng nhất?
- Nhân vật nào là quan trọng nhất?
- Công việc nào là quan trọng nhất?
Diễn giải câu trả lời của thiền sư theo cách hiểu mông muội của tui, là thế này:
- Con tui là người quan trọng nhất. Thời gian chơi với nó là thời quan trọng nhất. Và nuôi dạy nó là công việc quan trọng nhất.
Với ước vọng chỉ ở tầm "ngủ trong giường chiếu hẹp" và những "giấc mơ con" chỉ đủ lớn "đè nát cuộc đời con", tui sẽ hướng về bất cứ nơi nào có con tui ở đó.
Những ai thấy cái gì khác vĩ đại thiêng liêng quang vinh cao cả ở trong tim ở trên đầu gì gì ấy quan trọng hơn 3 điều trên của tui thì thoải mái ném đá. Tui hoan hỉ xin nhận.
Về thời sự nóng, những ý kiến như thế này phản ánh hiểu biết của tui:
Chúng tôi đang theo dõi sát sao diễn biến tình hình và hết sức quan ngại. Chúng tôi kịch liệt phản đối các hành động bạo lực và làm phức tạp thêm tình hình.
Hết.