Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

Hoàng đế băng hà

Năm 979, đương kim hoàng đế Đinh Bộ Lĩnh cùng thái tử Đinh Liễn đột ngột băng hà với lý do kì khôi đến nực cười là hoạn quan hạng bét Đỗ Thích vì mơ làm vua mà ám sát. Nhà Tống dấy binh toan thôn tính triều đình đang trong tình trạng vô chính phủ. Xã tắc nguy nan, thái hậu Dương Vân Nga không ngần ngại trao trọng trách giữ nước cho thập đạo tướng quân Lê Hoàn. Ngày Lê Hoàn dấy binh chinh phạt quân xâm lược phương Bắc, sĩ tốt đồng thanh dập đầu khẩn thiết: Chúng tôi vì nước giết giặc máu xương chẳng tiếc, thề đánh nhau đến nước mất thì thôi. Nhưng ngộ nhỡ đánh giặc thành công, mà tướng quân cũng chỉ là đại tướng, thì chúng tôi lúc ấy cũng chỉ quân quèn, há chẳng phải công sức đổ sông đổ biển lắm ru? Lê Hoàn thuận lòng quân đăng cơ. Và với một mục tiêu rõ ràng, chỉ trong lần đầu xuất trận, với hai chiến thắng oanh liệt Bạch Đằng, Bình Lỗ, ông cùng các tướng lĩnh nhanh chóng đập tan đội quân xâm lược.

Nhắc lại chuyện xưa để thấy tầm nhìn vĩ đại của Dương Vân Nga khi trao quyền cho Lê Hoàn, tạo nên cuộc đảo chính lãng mạn nhất trong lịch sử Đại Việt. Bởi ngày nay, thế kỉ XXI, bậc guru lãnh đạo John C. Maxwell đã xác định nguyên tắc nhà lãnh đạo phải phát triển để nhân viên phát triển. Ông đúc kết: muốn biết lãnh đạo, hãy nhìn vào nhân viên. Và động lực cho phát triển, không gì khác ngoài mục tiêu. Điều này có lẽ tất cả các nhà lãnh đạo đích thực đều thấu hiểu. Vì thế, hơn ngàn năm trước, Lê Hoàn nêu gương tự mình phát triển tiên phong và rõ ràng tạo một động lực cực lớn thúc đẩy sĩ tốt liều mình chiến đấu. Rất đơn giản bởi đến từng người lính đều thấy được mục tiêu của mình, một mục tiêu rất "SMART".

Văn hóa doanh nghiệp cũng không ngoài mục tiêu SMART. Và, thấu hiểu trọn vẹn cũng như truyền lửa cho nó vẫn còn đủ nóng đến từng nhân viên phải nhà lãnh đạo cực giỏi. Một doanh nghiệp lớn thành công không chỉ doanh thu mà còn tạo được bản sắc để mỗi nhân viên tự hào khoác áo đồng phục doanh nghiệp ấy thì đích thực nhà lãnh đạo doanh nghiệp ấy là bậc anh tài.

Tại Việt Nam, các anh tài thường yểu mệnh. Do không khí? Do thổ nhưỡng? Hay đại khái kiểu Khuất Nguyên đời đục cả mình ta trong?

Trong cơn lốc tái cơ cấu những doanh nghiệp khủng làm thất thoát hàng tỉ đô la cho nền kinh tế hom hem xứ Vịt, những bậc anh tài cũng được coi đánh đồng số phận với những gã thiểu năng quản lý và không có nổi một gram gen lãnh đạo.

Tiếp nối anh tài ngân hàng Đặng Văn Thành sau một đêm ngủ dậy mất trắng hệ thống 20 năm tích lũy và gầy dựng. Hôm nay, một anh tài viễn thông sau gần 10 năm gắn liền với một mạng điện thoại di động lớn đột ngột thõng tay về cơ quan khác.

Kế hoạch và mục tiêu ở xứ Vịt xem ra là điều cực kì xa xỉ. Thế nên chả trách dân Vịt chọn cách sống "giấc mơ con đè nát cuộc đời con". Và, xứ ấy ngày nay còn nguyên 10 nỗi nhục mà cụ Phan Chu Trinh nhìn thấu cách đây hàng thế kỉ:



1. Trong khi người nước ngoài có chí cao, dám chết vì việc nghĩa, vì lợi dân ích nước; thì người nước mình tham sống sợ chết, chịu kiếp sống nhục nhã đoạ đày.
2. Trong khi người ta dẫu sang hay hèn, nam hay nữ ai cũng lo học lấy một nghề; thì người mình chỉ biết ngồi không ăn bám.
3. Trong khi họ có óc phiêu lưu mạo hiểm, dám đi khắp thế giới mở mang trí óc; thì ta suốt đời chỉ loanh quanh xó bếp, hú hí với vợ con.
4. Trong khi họ có tinh thần đùm bọc, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau; thì ta lại chỉ quen thói giành giật, lừa đảo nhau vì chữ lợi.
5. Trong khi họ biết bỏ vốn lớn, giữ vững chữ tín trong kinh doanh làm cho tiền bạc lưu thông, đất nước ngày càng giàu có; thì ta quen thói bất nhân bất tín, cho vay cắt cổ, ăn quỵt vỗ nợ, để tiền bạc đất đai trở thành vô dụng.
6. Trong khi họ biết tiết kiệm tang lễ, cư xử hợp nghĩa với người chết; thì ta lo làm ma chay cho lớn, đến nỗi nhiều gia đình bán hết ruộng hết trâu.
7. Trong khi họ ra sức cải tiến phát minh, máy móc ngày càng tinh xảo; thì ta đầu óc thủ cựu, ếch ngồi đáy giếng, không có gan đua chen thực nghiệp.
8. Trong khi họ giỏi tổ chức công việc, sắp xếp giờ nghỉ giờ làm hợp lý, thì ta chỉ biết chơi bời, rượu chè cờ bạc, bỏ bê công việc.
9. Trong khi họ biết gắng gỏi tự lực tự cường, tin ở bản thân; thì ta chỉ mê tín nơi mồ mả, tướng số, việc gì cũng cầu trời khấn Phật.
10.Trong khi họ làm việc quan cốt ích nước lợi dân, đúng là “đầy tớ” của dân, được dân tín nhiệm; thì ta lo xoay xở chức quan để no ấm gia đình, vênh vang hoang phí, vơ vét áp bức dân chúng.

 







Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014

Yêu nước thời mạt pháp


Kể từ sự kiện dàn khoan Trung Quốc HD981 lững lững ngoài biển Việt Nam với đội ngũ hàng trăm tàu chiến thứ thiệt cùng tàu chiến giả dạng và cả máy bay chiến đấu tạo hàng rào bảo vệ dày đặc xung quanh nó trong nỗ lực xua đuổi tuyệt vọng của cảnh sát biển Việt Nam, tôi cảm thấy như rơi vào trầm cảm. Tôi lẳng lặng đọc hàng trăm bài viết từ các trang lề trái lề phải các share các còm của bạn bè trên facebook. Tôi lặng lẽ theo dõi diễn biến của sự kiện các phát ngôn của nguyên thủ. Và đọng lại là không xuất nổi một chữ nào trong suốt thời gian này. Tất cả lời nói như nghẹn lại ở cuống họng. Tất cả ý chí như bị bẻ gãy.  Đó là cảm giác của một đứa trẻ lớp 1 mồ côi học chung trường với đứa lớp 5 mất dạy mà bị đứa ấy bạo hành mỗi ngày. Đứa nhỏ không có người thân để cầu cứu, không có sức lực để chống trả. Và thằng mất dạy hoàn toàn ý thức được điều đó cũng như sức mạnh của mình. Nó bóp cổ đứa nhỏ lè lưỡi, nó bắt đứa nhỏ chui qua háng, nó tát vào mặt. Và nó chực chờ một phản ứng chống đối sẽ mặc sức thỏa thuê đấm đá.
Trong tình thế đầy khó chịu như hiện nay của đất nước, có vài phát ngôn của những nhà lãnh đạo hàng đầu với hai xu thế trái ngược cứng rắn và ôn hòa thu hút được dư luận. Dư luận bốc lên mây những lời cứng rắn và dè bỉu thái độ ôn hòa. Cũng dễ hiểu vì khái niệm ôn hòa dường như không có ranh giới với nhu nhược.
Lọc qua các ý kiến người khác và lắng nghe tâm thế của chính mình, tôi nhận thấy điều bi đát là dù cho thái độ có cứng rắn hay ôn hòa, thì kết cục của tình thế này cũng là một bức tranh màu tối. Giống như một ván bài xì phé, sau nhiều động thái hư thực lẫn lộn ở 4 lá bài trước, dàn khoan HD981 chính là con át cuối cùng mà đối phương đã lật lên để hạ gục trong sự ngỡ ngàng của đối thủ.
Ở phía dư luận cứng rắn, nếu một phát đạn đã bay ra thì giống như thằng mất dạy lớp 5 chờ thằng nhỏ lớp 1 nổi điên phản kháng, nó sẽ đấm đá đứa nhỏ đến nát nhừ. Vâng, rất đơn giản để phóng một quả tên lửa hạ cái dàn khoan kia như rất nhiều còm trên mạng. Nhưng cái giá sau đó là gì? Hàng trăm quả tên lửa thậm chí hàng ngàn quả ngay lập tức sẽ bay vèo vèo trên đầu toàn bộ dân cư các thành phố lớn ở Việt Nam. Và với một ngân khố mấy ngàn tỉ đô la Mỹ thì cơn mưa tên lửa đó không biết bao giờ tạnh. Tôi kinh hoàng nhận ra những hình ảnh tang thương, những cuộc đối đầu thảm khốc và những hoàn cảnh nghiệt ngã trong những bộ phim chiến tranh đang bước ra màn ảnh và sống với cuộc đời thực. Bi kịch là tôi cũng sẽ phải tham gia bộ phim đó. Chiến tranh gắn liền nỗi đau. Mà nỗi đau của một con người cũng không hề nhỏ hơn nỗi đau của một dân tộc. Khi con tôi bi bô nói chuyện, tôi hốt nhiên nhìn vào mắt nó và thảng thốt nhận thấy bất kì nỗi đau nào trên thế giới này cũng sẽ không bao giờ bằng được nỗi đau tôi mất nó. Và tôi thực sự căm thù chiến tranh với tất cả cảm xúc của mình.
Thế nhưng ở phía thái độ ôn hòa, tình cảnh cũng chẳng hề sáng sủa hơn nếu không nói là bi thảm gấp bội. Với Nam Hải 9, dàn thứ hai sau HD981 đã tiến vào biển Đông, thái độ ôn hòa sẽ khiến nó lặng lẽ yên vị ở vị trí dành cho nó, có lẽ không ngoài một điểm đã định trên đường lưỡi bò. Cứ thế cho đến Nam Hải 10 hay HD982, 983 sao cho vừa đủ dày tạo thành đường liền lạc 9 đoạn mà Trung Quốc đã vẽ trên bản đồ. Những đoạn đầu tiên là đoạn liếm biển Việt Nam. Tình cảnh này có lẽ giống cảm giác căn nhà mặt tiền khang trang đẹp đẽ của chúng ta một ngày đẹp trời nào đó bỗng có một thằng mất dạy xây cái nhà to đùng án ngữ trước mặt. Bước ra khỏi nhà thay vì được vỉa hè lòng đường sáng sủa trước kia thì giờ chỉ còn con hẻm ngột ngạt tối tăm nhỏ xíu phải len người đi qua. Chưa hết, cả một nền kinh tế biển với hàng triệu người mưu sinh phải lên bờ và phá sản. Cơn kiệt quệ kinh tế sẽ thổi bùng ngọn lửa bạo lực xã hội. Viễn cảnh 3 người bị chết bởi những tay trộm chó là một tin tức bình thường hiển hiện gần hơn bao giờ. Và với một xã hội không còn chút sinh khí nội lực nào như thế đương nhiên sẽ nô bộc văn hóa cho bất cứ thế lực nào mang lại chén cơm đủ no. Người mang chén cơm đủ no đó có thể một quan chức dạng Thái Thú nước mẹ đến trợ giúp kinh tế nhân tiện cắt đặt nhân sự làng xã và đương nhiên áp đặt các lề thói văn hóa. Nếu muốn ăn cơm thì cạo nửa đầu, chẳng hạn vậy, hic.
Thế là mất văn hóa.
Còn nhớ vương quốc Chiêm Thành tuy gọi là mất nước từ 1471 bởi vua Lý Thánh Tông mang quân đánh chiếm, nhưng vẫn không hề mất dấu vết khi các tập tục văn hóa của họ vẫn còn và phát triển song song cùng Đại Việt. Thế nhưng đến triều Gia Long, qua vài sắc lệnh đánh đồng văn hóa, người Chiêm không còn bản sắc và vĩnh viễn xóa khỏi bản đồ thế giới từ đó. Nhận ra điều tối quan trọng ấy, nhà Minh thâm độc đã có rất nhiều chính sách hòa nhập văn hóa Đại Việt với Trung Hoa nhằm xóa sổ hoàn toàn Đại Việt. May mắn là cha ông ta đã sáng suốt vượt qua một giai đoạn đầy khó khăn của lịch sử.

Kế sách ấy đến thế kỉ XXI này vẫn không hề giảm chút giá trị nào. Và những người Trung Hoa hiện đại không ngần ngại dùng bất cứ thủ đoạn nào để áp đặt văn hóa xứ họ lên xứ khác.

Bởi lịch sử ngàn đời đã chứng minh: Mất văn hóa là mất nước.

Nhưng xem ra không cần ai áp đặt, giới trẻ xứ Vịt dường như muốn tự đánh mất mình khi sẵn lòng chạy theo bất cứ thứ phong trào nào nhân danh điều này điều nọ mà không hề có chút tự vấn. Họ bỏ ít tiền tham gia và chụp hình tự sướng khoe mẽ khắp nơi chứng minh mình yêu đủ thứ rồi bắt mọi người yêu theo cách mông muội đó.