Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

Ngày đầu tiên đi học



Mấy nay sắm sửa đồ đạc cho con chuẩn bị vào ngưỡng đầu tiên của chương trình giáo dục nước nhà. Nhìn nó xúng xính trong bộ đồng phục, tôi cũng nhớ về những ngày đầu tiên ngồi trong lớp 1/5 ở trường tiểu học Trưng Vương của mình. Nếu kí ức về lớp mẫu giáo mầm non là những mẩu vụn khá rời rạc thì quãng đời tiểu học vẫn còn đọng trong tôi nhiều hình ảnh khá rõ ràng. Những nhà nghiên cứu giáo dục đánh giá đây là giai đoạn cực nhạy cảm hình thành nhân cách của trẻ. Và hiện giờ, tôi hoàn toàn cảm nhận được chuyện đó. Nhưng tôi cho rằng không phải là hình thành nhân cách mà là giữ gìn nhân cách của trẻ. Hay nói cách khác, trẻ phải học cách giao tiếp với xã hội nhưng hạn chế tối đa việc làm mất đi căn tính chân thực hồn nhiên nguyên sơ mà Chúa ban tặng cho loài người. Bởi chính trẻ con mới là những người thầy đích thực dạy cho đám người lớn những khái niệm về trung thực, nhiệt thành, can đảm bằng chính cuộc sống của nó. Khi nhìn vào mắt trẻ thơ, tôi nhận ra nó chính là vị thầy vĩ đại đích thực dạy tôi những điều tốt đẹp trên thế giới này. Ở độ tuổi lên ba, con tôi đã cho tôi thấy sự triệt ngộ những giáo lý sâu xa nhà Phật chỉ qua những hành động đơn giản như khóc cười giận dỗi. Những giáo lý tôi đọc rải rác đâu đó về Tứ diệu đế (bốn sự thật), Bát chánh đạo (tám con đường đúng đắn), hiển lộ mồn một chỉ qua sự có mặt của nó. Có một câu chuyện trong Kinh thánh, khi một người mù đến với Chúa Jesus, các tông đồ hỏi Chúa: có phải vì y đã đắc tội với Chúa Trời? Jesus bảo: chẳng phải y phạm tội gì cả mà mù, chẳng qua là để phép màu của Chúa được thể hiện. Jesus nói xong, người mù liền sáng mắt. 

Cho đến tận 30 tuổi, tôi vẫn còn không biết tôi sẽ làm gì cho thế giới này ngoài chuyện đi làm lĩnh lương và thanh toán các khoản phí. Thế nhưng, từ khi con tôi ra đời, mẩu chuyện trong Kinh thánh đã làm tôi sáng rõ: tôi có mặt trên đời này là để đón nhận món quà tặng vô giá của Chúa. Và, trong mới giáo lý bòng bong nhà Phật, tôi thấy mình thật đồng cảm với sự thật thứ 3: Hạnh phúc là điều có thật (chữ của thiền sư Thích Nhất Hạnh). Theo thời gian con tôi lớn lên, sự kiên định và lì lợm đến khó ưa của nó đã dạy cho tôi thứ mà tôi đã đánh mất không biết từ lúc nào: Chánh kiến. Một CEO trong buổi họp đã nói: dẫu trước bất kì sự thay đổi nào, các bạn hãy cứ chỉ làm điều đúng. Câu ấy có vẻ đơn giản nhưng tôi biết nó không dễ thực hiện. Bởi thói quen thỏa hiệp để tồn tại đã khiến người ta chỉ suy nghĩ làm điều "đáng" chứ ít chịu suy nghĩ để làm điều "đúng". Và khi bị giằng co trong việc có phải làm điều đúng hay không, tôi lại trở về chơi với con tôi để được nó truyền cho thứ lửa chánh kiến vốn chỉ còn lại trong tôi thứ ánh sáng lập lòe.
Nên tôi đã gọi nó là "Nhà hiền triết đái bô".
Và hôm nay, nhà hiền triết đái bô, vị thầy vĩ đại của tôi, chập chững bước chân vào lớp một. 
Ở trường, tất nhiên, các thầy cô sẽ dạy nó cách đọc chữ cách làm toán cách lao động cách thương yêu. Nhưng Lạy Chúa, xin đừng bao giờ dạy nó cách bẻ gãy ý chí của người khác. Chuyện này đương nhiên không hề có trong giáo trình, nhưng nó sẽ nằm trong  chính cách truyền đạt kiến thức của những quý vị thầy cô và trong bản thân cuộc sống của các vị. Bởi thế, 

Khi con tôi vẽ một cái cây trên mây và tô mặt đất màu hồng, hãy đừng bắt nó tô lại đất màu nâu và kéo những cái cây xuống cắm vào đó.

Khi nó trả lời tổng ba góc trong của một tam giác là 181 độ thì hãy hỏi lại "còn có ý kiến nào khác không?" chứ đừng quát "Sai rồi, đồ con lợn".

Xin đừng dạy nó trả lời cho câu hỏi "học để làm gì" bằng những câu trả lời sáo rỗng và vớ vẩn như để làm hài lòng thầy cô, xứng đáng công ơn dưỡng dục của cha mẹ. Hãy dạy nó học để làm hài lòng chính mình bằng vốn kiến thức bằng vốn kĩ năng, xa hơn là để tự gánh lấy trách nhiệm làm chủ cuộc đời của mình. Vì nếu không, theo Jack Welch, sẽ có người khác làm chuyện đó.

Làm ơn đừng quấn thêm lên cổ nó bất kì thứ quái quỷ gì nữa, bởi đồng phục hiện giờ đã rất đẹp. Ở xứ lạnh phía Bắc tận phương trời xa xôi nào đó thì các vị cứ thoải mái quấn thêm bất cứ thứ gì lên cổ nhưng ở cái miền Nam Việt Nam nắng gió này, nó chẳng hợp thể tạng bọn trẻ chút nào.

Trong các hoạt động như sống như học tập như lao động, nhất thiết xin đừng cho nó noi theo bất kì tấm gương nào, dù tốt đến mấy. Quý thầy cô hãy tìm một thứ gì trong chính con người nó để nuôi dưỡng và phát triển. Vì sự thật là Chúa chỉ có thể biến bất kì ước mơ nào của chính bạn thành hiện thực, chứ không thể biến bạn thành người khác. 

Xin đừng dạy nó yêu những thứ nó không hình dung nổi như tổ quốc như đồng bào, mà hãy cứ để nó tự nhiên yêu thương cha mẹ và dạy nó yêu những vật xung quanh tầm thường như con chó, lá cây. Vì với khả tính vô biên của tình yêu, nó sẽ yêu cả thế giới này chỉ từ việc yêu hòn đất dưới chân nó.

Nó sẽ phải được dạy về lễ phép và tôn trọng, tất nhiên. Thế nhưng không cần phải tôn trọng tất cả người lớn, thậm chí cũng chả phải lễ phép làm gì. Bởi sự lễ phép và tôn trọng chỉ đáng dành cho những ai sở hữu trí thức, và lẽ công bằng. Còn những gã đồi bại, dẫu có đang 70 tuổi thì vẫn cứ đồi bại như thường. Càng thận trọng hơn khi tiếp xúc các vị có quyền có chức, vì sẽ thật khó phân biệt được ranh giới giữa thân thiện và xu nịnh. Lại nữa, ngày nay, những giá trị mà đáng ra những người nắm quyền phải có như là minh bạch, công bằng thì đáng tiếc thay, nó là thứ xa xỉ trong đội ngũ những người nắm quyền lực. Càng đáng tiếc hơn, những vị quan trong ngành giáo dục cũng không ngoại lệ.

Trong cư xử, chắc chắn nó sẽ được dạy đức khiêm tốn. Đức tính này thì nói thật càng ngày tôi càng hồ nghi nó, bởi tôi thấy thật đúng cái câu nghe lờ mờ đâu đó: Khiêm tốn là một kiểu tự hào của kẻ thủ đoạn. Xét về bản chất tôi cảm giác nó không khác ngụy quân tử là mấy. Vì thế nếu được, xin hãy dạy nó trở thành người tự tin, chỉ cần ngời ngợi tự tin, người ta sẽ có thái độ ứng xử phù hợp nhất trong bất kì hoàn cảnh nào, mà không hề có chút giả tạo. Nó khác hẳn cái đám ngày đêm rêu rao đạo đức nhưng lòng đầy mưu sâu kế hiểm, ngoài mặt vỗ vai thân tình bằng hữu, nhưng lòng luôn chực chờ cơ hội nhấn bạn xuống vũng bùn.

Tôi nhớ những năm học lớp 7, có một gã thầy dạy văn đã biến tôi từ một đứa thường xuyên nhận điểm 4 môn này ngay lập tức nhân đôi điểm số chỉ sau một ngày ghi danh vào lớp dạy thêm của gã. Lên lớp 8, trường hợp lặp lại y vậy với một cô giáo dạy tiếng Anh. Tôi không hề có ý kiến về việc dạy thêm, nhưng dùng thủ đoạn đê tiện trong môi trường giáo dục đối với một lứa tuổi hết sức hồn nhiên trong vai trò người dẫn dắt thì điều đó thật đồi bại. Đó không phải là thầy, đó là những gã bất lương hành nghề làm băng hoại xã hội. Và nếu phát hiện một gã như thế đang gọi là dạy dỗ con tôi, dù không giàu nhưng dứt khoát tôi đủ tiền để ném vào mặt gã hàng tháng thay cho tiền học thêm để con tôi không phải nghe bất cứ thứ gì từ cái xác thối nặng mùi đó.Vì thế, khi nói về chính trực và dũng cảm, nếu các vị thầy cô chưa sống được với những điều đó thì tốt nhất không nên phá đi cái sự chính trực dũng cảm đã có sẵn trong mỗi đứa trẻ rồi.


Các thầy cô chắc cũng sẽ nói với nó đoàn kết là sức mạnh. Điều này rất đúng, nhưng cũng đừng quên cho nó biết rằng, hầu hết các quyết định làm thay đổi thế giới đều xuất phát từ một cá nhân.

Trong các bài học đạo đức, chắc chắn nó sẽ được dạy thương người và tương trợ, học cách làm từ thiện, công tác xã hội. Khi làm điều ấy, các thầy cô hãy dạy cách cho đi. Cho đi để giúp người khác chỉ là phụ, nhưng giúp cho tâm hồn của chính mình mới là cốt yếu. Hãy dạy nó cách cho đơn giản như ông tổ ngành ghép tạng, bác sĩ Joseph E. Murray và Donnall E. Thomas cha đẻ của ghép tuỷ xương đã dạy: "Cống hiến cho xã hội là món nợ chúng ta trả cho việc được sống trên trái đất này” (nguồn SGTT, nay đã khuất).

Đừng cho rằng đối xử tốt với bản thân mình trước là tội lỗi, bởi ta chỉ làm người khác tốt hơn khi bản thân ta là thành thạo kĩ năng đó. Những tai nạn thương tâm các học sinh chết khi cứu bạn đuối nước chính là sự thiếu trí tuệ trong từ bi. Không cần làm người tốt, chỉ cần người dám nhận trách nhiệm, chí ít với tội lỗi của chính mình, thế là đủ tốt hơn hàng ngàn quan chức. Đơn giản, thậm chí chỉ cần không gây hại, bạn cũng thuộc nhóm hàng tỉ người có ích rồi. Nói như thiền sư Nhất Hạnh, chỉ cần cây tùng sống được giữa mùa đông, nó cũng đã cứu rỗi được biết bao nhiêu tinh thần suy sụp.

Cái xấu cái ác là đáng bị lên án, nhưng điều thiện điều tốt cũng đừng nhân đó làm làm chuyện ti tiện hơn vạn lần chỉ vì nhân danh loại trừ cái ác. Nỗ lực giết một con quỷ, không khéo ta đã biến thành một con quỷ dữ tợn hơn gấp nhiều lần. Tôi thật sự buồn nôn với cái kết của câu chuyện cổ tích kinh điển của dân gian Việt Nam, truyện Tấm Cám. Nếu nó vẫn còn trong sách giáo khoa, ai đó làm ơn đừng kể đoạn kết man rợ đó.

Rồi nó sẽ phải vượt qua các kì thi này nọ, hay theo cách khác hơn, là phải vượt qua các mục tiêu lần lượt trong đời. Khi ấy, các thầy cô hãy dạy nó cách đạt mục tiêu bằng cách lường hết được cái giá phải trả đến đâu, chứ không phải đạt được bằng mọi giá hay không từ thủ đoạn nào. Hoặc giả, hãy chỉ nó nhiều con đường đi đến mục tiêu, chứ không chỉ có một con đường duy nhất. Đơn giản, hãy chỉ nó phân biệt phương tiện và cứu cánh.


Cuối cùng, những phát minh kỹ thuật hiện đại, những thành tựu khoa học tối tân đúng là quan trọng, nhưng đừng vì thế mà giết chết những bà tiên những ông bụt những ông già Noel trong thế giới của con tôi. Bởi phép màu vẫn đang diễn ra hàng ngày trên khắp trái đất này. Và bản thân việc mỗi ngày nó đến lớp ngồi ngồi nghe cô giảng cũng đã là phép màu. Không phải mọi chuyện đều cần có lý do.
Chỉ có một lý do duy nhất đúng.

Đó là ý Chúa.


Người chết nối linh thiêng vào đời (Tuấn Khanh)

Quả như lời bình của Nguyễn Quang Lập, nhạc sĩ Tuấn Khanh là người cầm bút hay nhất hiện nay, hay hơn cả chính ông. Lại phải cóp về nhà làm tư liệu.
 
Thế giới như đang bước vào thời đại của những bữa tiệc về cái chết. Mỗi ngày, người ta nhìn thấy chết xuất hiện ở phía Đông, hướng Bắc, đâu đó trên hành tinh này và cũng xảy ra ngay chính ở nơi cư trú của mình. Sự kiện MH17 của Malaysia bị bắn rơi và 298 người chết vào giữa tháng 7/2014 này, lại vừa mở ra một thảm kịch mới. 

Trong một câu hát cũ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, những cái chết được mô tả rằng “người chết nối linh thiêng vào đời” lại gợi ra những suy nghĩ mới: Liệu những người chết đang nối nhau trên thế gian này, sẽ mang điều linh thiêng nào vào thế giới?
Hãy tưởng tượng rằng mình đang ngồi trên một chiếc máy bay, êm ả băng qua một vùng mây trắng, đột nhiên mọi thứ bùng nổ, bốc cháy. Có những người kịp nhận ra mình chết và những người nhận ra mình sẽ chết. Tíc tắc đó, người ta sẽ mang điều linh thiêng nào vào đời mình và cõi người? Có thể là sự ngây thơ, có thể là tiếc nuối… nhưng rất nhanh. Sự đau đớn đến rất nhanh và vụt tắt. Điều thiêng liêng nhất còn lại, là họ sẽ mãi mãi trở thành chứng cứ để tố cáo tội ác giữa con người và con người trong những toan tính dã thú.
Không phải ai cũng muốn chuẩn bị cho mình một cái chết, nhưng khi đã quyết chọn cho mình một cái chết, tức chọn một mối nối cho sự ra đi của mình vào chốn linh thiêng nào đó, trong ước muốn vĩ đại có thể còn hơn cả cho bản thân mình. Tôi nhớ đại sư Thích Quảng Đức. Tôi nhớ những người Tây Tạng tự biến mình thành lửa, hóa thân như phượng hoàng bay lên từ tro tàn để dự báo cho một nỗi đau của nhân loại trước ngàn biến động của trần thế.
Trong những câu chuyện gần đây về cái chết, tôi vẫn tự hỏi vì sao câu chuyện 7 người nông dân ở tỉnh Giang Tô uống thuốc trừ sâu và nằm chờ chết trước cửa tòa soạn báo Thanh niên Trung Quốc để đòi công lý, sao lại có thể đi qua lặng lẽ một cách đáng buồn như vậy với nhiều người.
Cũng là những cái chết nối nhau vào đời, nhưng các hành khách MH17 hồn nhiên chết đáng thương trong tíc tắc, vì sao lại được lưu tâm nhiều hơn những con người khốn khổ, mang oan ức của ruộng đồng, đã chọn một cách chết khốc liệt và nằm chờ điều đó xảy ra, như để mang một nỗi linh thiêng hiến dâng cho loài người về công lý. Những người dân quê chống áp bức bằng chính mạng sống của mình, liệu sẽ có “và nụ cười nở trên môi” sau cái chết của họ hay không? Những người dân quê có gương mặt và nỗi niềm, vốn không nhiều khác biệt với gương mặt, số phận của những người nông dân Việt Nam bị mất đất mà bạn đã nhìn thấy ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng, Hà Nội hay lề đường Võ Thị Sáu, Sài Gòn.
Cái chết không có giai cấp, nhưng cái chết chỉ ra số phận của cá nhân, và cả nhân loại. Trong bản tin truyền hình của một đêm, tôi nhìn thấy các quốc gia thề sẽ làm ra lẽ cho cái chết của 298 hành khách trên chuyến bay MH1. Rồi có cả hình ảnh của những đứa bé Palestin chết vội vàng, chết lạnh lùng, mình cháy như than từ phi đạn lạc đường của nhóm khủng bố Hamas, nhưng lời bình chỉ có thể là một tiếng thở dài.
Tôi cũng tự hỏi khi nào, 63 người thanh niên trong quân phục của Việt Nam đã chết trên đảo Gạc Ma năm 1988 rồi sẽ có ai thề viết lại cho họ đầy đủ bằng lẽ phải và công chính cho những con người yêu hòa bình và chết tíc tắc hồn nhiên, không khác gì những hành khách trên MH17? Hay đã 30 năm cuộc chiến Vị Xuyên, hàng ngàn người lính rất trẻ đã chết trong sự chọn lựa trung chính – khác với những nông dân ở Giang Tô, Trung Quốc – với niềm tin là chết cho tổ quốc, họ gợi nhớ cho chúng ta những mối nối vĩ đại và bi thương. Những anh linh đã mất đó, đã mang được điều linh thiêng nào vào cho nước Việt ngàn đời sau?
Họ, những con người ấy có đang mỉm cười – và nụ cười nở trên môi không? – tôi tự hỏi.
Hàng triệu năm rồi, con người đã chết. Có những cái chết xô loài người vào hố sâu của thù hận, nhưng cũng có những chết đến để cứu chuộc, để chắt chiu cho mầm bác ái của nhân loại. Và nếu những cái chết, nếu không đem lại cho chúng ta những bài học nào, một phút suy niệm xa hơn là những thông tin tò mò, những tuyên bố để chứng tỏ mình thông minh, những dối trá né tránh sự thật… thì cái chết dù có nối nhau, sẽ không thể nào mang nổi linh thiêng vào đời. Hay khi tin tức đó đến, chỉ còn có thể biến chúng ta thành bầy kên kên không ký ức, reo hò quanh bàn tiệc của tử thần, với cái chết mới mỗi ngày.
Trên bàn, khi tôi viết xong những dòng này, bỗng rơi ra tờ báo cũ, đăng bản tin trong năm về một ngư dân bị tàu của Trung Quốc đâm chìm, đã thiệt mạng. Có lẽ, vài người nhớ và nhiều người đã quên. Cũng là một người chết nối, hiển linh thiêng nhắc về biển quê hương đầy máu và bị chiếm đoạt, họ đã chết trong số phận nào?

Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

Câu chuyện Tăng Sâm và sức mạnh truyền thông


"Ông Tăng Sâm ở đất Phi . Ở đấy có kẻ trùng tên với ông giết chết người .
Một người hớt hải chạy đến báo mẹ ông Tăng Sâm rằng: "Tăng Sâm giết người " . Bà mẹ nói: "Chẳng khi nào con ta lại giết người". Rồi bà điềm nhiên ngồi dệt cửi .
Một lúc, lại có người đến bảo: "Tăng Sâm giết người". Bà mẹ không nói gì, cứ điềm nhiên dệt cửi .
Một lúc nữa lại có người đến bảo: "Tăng Sâm giết người". Bà mẹ sợ cuống, quăng thoi, trèo qua tường chạy trốn.
" (Trích Cổ học tinh hoa).
Chuyện này thời Xuân Thu bên Tàu, tức cách nay cũng cỡ 2.500 năm, nó để lại một bài học kinh điển về sức mạnh truyền thông, hay nói theo kiểu giang hồ xứ Vịt là kỹ thuật nhồi sọ. Nó hé lộ phần nào bản chất quỷ quyệt của những thuật ngữ gần đây hay dùng là "nhân danh" và "đánh tráo khái niệm".
Nếu như trước kia chỉ có một người lặp lại một sự kiện 3 lần đã đủ biến chuyện không thành có mới dễ hiểu ngày nay, với cả chục kiểu truyền thông đến người nghe từ từ chủ động đến bị động cùng hàng chục phương tiện kỹ thuật cao trong một thế giới không còn ranh giới, truyền thông đã cho thấy một sức mạnh kinh người trong xây dựng, thổi phồng, lèo lái, làm tắt, và biến mất bất cứ một câu chuyện/ sự kiện/ vấn đề nào liên quan đến toàn bộ lĩnh vực đời sống nhân loại. Nó khiến một sự kiện tồn tại hay không không nằm ở chính sự có mặt của sự kiện đó, mà là ở trên mặt những tờ báo in hay những cú click chuột vào bài viết ở báo mạng. Nói như Kiều là: "Bắt phong trần phải phong trần. Cho thanh cao mới được phần thanh cao" với bất kì đối tượng nào mà truyền thông muốn hướng tới.

Chuyện thế giới gần đây có vụ mất tích máy bay MH370, sau thời gian cả thế giới nháo nhào tìm kiếm, thì hiện nay khi truyền thông thôi nhắc nữa, nó bỗng như chưa hề xảy ra. Mới nhất có chuyện chú Ủn, sau thời gian được truyền thông như kẻ độc tài đầy ghê sợ, giờ đây anh ấy đột nhiên hóa anh hùng với lời tuyên bố sẵn sàng chơi tay đôi với đàn anh Trung Quốc.
Còn ở xứ Vịt, truyền thông không chỉ mạnh mà mạnh đến mức như lên đồng. Điển hình gần đây là kì tích biến anh nông dân trồng ổi thành ca sĩ chính hiệu với cát xê ngất ngưỡng tầm ngôi sao. Xa xa trước đó là chiếc xe công vụ tông người sau vào kì trên mặt báo cũng thôi không còn biết kết cục. Bi kịch hơn là một nhóm người tận cùng đói rách ngày này tháng nọ lê la vất vưởng ở các công viên để chờ công lý nhưng tuyệt nhiên cái sức mạnh truyền thông lên đồng ấy xem họ như không hề tồn tại dù trụ sở của một trong nhưng tiếng nói uy lực cách cái công viên có nhiều dân tìm công lý kia chỉ vài bước chân dạo bộ.
Nếu như chuyện nặn một người vô danh thành ngôi sao là kĩ thuật bình thường thì chuyện làm biến mất một nhóm người một sự kiện đã trở thành kĩ năng điêu luyện của truyền thông xứ Vịt.
Nhớ lại 2 tháng trước, cả nước sục sôi với cái dàn khoan khủng ngông nghênh trước thềm lục địa, nhà nhà người người bày tỏ căm phẫn rồi ùa nhau đổi ảnh đại diện facebook như cách cho thế giới thấy lòng sắt son yêu nước. Khắp nơi công nhân trí thức tuần hành biểu tình biểu ngữ băng rôn như sẵn sàng lao vào cuộc chiến. Thế nhưng trong vòng 60 ngày, đặc biệt là khi  World cup bắt đầu chuyển động thì cái lòng sắt son đó được truyền thông khéo léo chuyển sang sái bóng Adidas Brazuca đã lăn tới vòng chung kết.
Thật vậy, dàn khoan đã không chỉ một. Bốn cái lừng lững ngoài biển Vịt đã từ lâu mà truyền thông xứ ấy chỉ đành lòng đưa vài dòng sau tin những người tình của cầu thủ.
Nhớ chuyện xưa có thành nọ bị hãm đã lâu, tướng giữ thành đã thoát thân bằng kế sách hay cực. Mỗi ngày, ông dắt một nhóm quân lên mặt thành trông như có vẻ chuẩn bị thoát. Trong tháng đầu tiên, kẻ thù cảnh giác ông cao độ, nhưng dần dần hình ảnh quen thuộc, họ lơ là. Thế là một ngày như mọi ngày ông dắt quân xuyên thẳng kẻ thù mà thoát trong sự lơ là vì quen thuộc của họ.

Xem ra khi những cái dàn khoan đã dần trở nên quen thuộc với dân Vịt, thì cái ngày cả hạm đội hải quân kẻ thù đậu ngay bờ biển  xứ ấy chắc cũng không có gì lạ.



Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

Quan tòa 2.000 năm trước ở xứ người



Có nhiều cách lý giải sự siêu cường của dân tộc Do Thái, từ đơn giản như ăn uống đến phức tạp như tư duy, từ duy lý như dạy con đến tâm linh như tín ngưỡng. Thế nhưng, có một chi tiết khá thú vị nhặt được từ kinh thánh mà các sách best-seller ít thấy nhắc tới. Đó là gần 2.000 trước, dân tộc này đã có một hệ thống tư pháp cực kì minh bạch với những nhà lãnh đạo từ cấp cao nhất là nhà vua đến cấp thừa hành tương đương quan huyện xứ Vịt.
Khi Phaolo không ngại nguy hiểm rao giảng đạo Kitô tại Jerusalem, đúng như dự đoán của ông và các bạn hữu, ông bị bắt. Thế nhưng khi bị nhà cầm quyền tra tấn, ông chỉ nói: Có quyền đánh công dân khi chưa xét xử không? đã khiến Felix là quan chức phụ trách vụ án chùng tay. Vị quan chức tiếp theo xử án Phaolo, muốn gán tội ông bằng cách mở phiên tòa xét xử ngay tại Gierusalem là nơi số đông bài xích ông, bị Phaolo không đồng ý và kháng cáo lên hoàng đế, cũng đã hết sức tôn trọng ý kiến này và để đích thân hoàng đế xét xử Phaolo.
Không nói Phaolo có tội hay không với việc truyền bá một thứ tôn giáo đạp đổ thói quen hình thành từ hàng ngàn năm trước đã tạo nên nhà cầm quyền hiện hành. Thế nhưng, trước mối nguy "mở mắt" dân chúng có tên Phaolo, hệ thống tư pháp nước này đã ứng xử cực kì chuyên nghiệp: không tra tấn ép cung, không dùng tòa có xu hướng thiên vị, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của can phạm và, cho phúc thẩm đến cấp tối cao trong những cuộc tranh luận tay đôi đầy học thuật.
Hai ngàn năm sau, ở một vùng đất cách Israel nhiều ngàn cây số, dân xứ ấy chuyền tay nhau quyển sách Bí mật giàu có của người Do Thái với mong muốn đổi đời. Có kẻ hỏi bao giờ các bác tính được như dân ấy? Một gã dở hơi nghiện rượu ngoác mồm nói đại: chí ít cũng phải 2.000 năm cho những ông quan tòa học xong cách xử án.
Kẻ đặt câu hỏi nghe đồn đau buồn uất ức quá bèn lấy sách lót đít ngồi rồi tung lên truyền hình cho thiên hạ ném đá.

Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

Hồng hoang Cựu ước


Chục năm trước, lần đầu tiếp xúc với Cơ đốc giáo mình đã hết sức mỉa mai về sự sống lại của Chúa Jesus cùng những phép màu của Chúa. Mình cho rằng đó là những kỹ thuật truyền giáo của dàn tông đồ. Thế nhưng theo thời gian đọc lại, càng ngày mình càng thấy chuyện phép màu hay thậm chí chết đi sống lại cũng không có gì lạ lẫm. Có quá nhiều sự kiện trong đời sống ghi dấu bàn tay của Chúa. Chỉ cần thử đặt câu hỏi vì sao ta ở đây, vào lúc này; vì sao chuyện đó lại xảy đến với người này mà không vận vào người khác; tại sao tai ương liên tục đổ lên đầu kẻ nọ mà may mắn lúc nào cũng mỉm cười với người kia, ta sẽ thấy thế thế giới này thật là kì diệu. 
Quả thật, mỗi chuyện trong Kinh thánh đều dường như là một dụ ngôn, người ta cần đào bới lớp chữ nghĩa lên để trực nhận phép màu trong những câu chuyện ấy. Thế nhưng có 2 câu chuyện mà dù đào đến mấy mình cũng không tài nào thấy được ẩn ý gì đằng sau nó. Đó là chuyện Abraham hiến tế Issac và Mose dắt dân Israel thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập.
Cả hai chuyện đều liên quan đến trẻ con. Nếu như chuyện Abraham sẵn lòng đâm lưỡi dao vào đứa con rứt ruột là câu chuyện thử thách đầy nghiệt ngã đức tin của tín đồ vào quyền năng của Chúa thì chuyện toàn bộ con trai đầu lòng của dân Ai Cập bị giết trong cuộc đào thoát vĩ đại của dân Israel lại là thử thách kinh hoàng của kẻ ngoại đạo vào tình yêu của Ngài. 
Vâng, những câu chuyện trong Cựu ước thường đẫm máu như vậy. Những cuộc tắm máu liên tiếp trong cuộc hành trình tìm đất của dân tộc Israel gây toát mồ hôi cho nhưng người đang thập thò ngoài đạo. Cách mà Chúa ra lệnh cho các vua Israel tận diệt toàn bộ dân trong thành sau mỗi cuộc chinh phạt đã mặc khải một thông điệp rõ ràng: theo Ta hoặc là Chết. 
Nhắm mắt lắng lòng cố thả tâm về 5.000 năm trước, kẻ ngoại đạo chỉ có một cách biện giải duy nhất cho những câu chuyện giết chóc đẫm máu thuở hồng hoang: ở giai đoạn hình thái xã hội sơ khai, phải cần một ý chí duy nhất đủ mạnh đến cực đoan nhằm thiết lập một trật tự để phát triển. 
Căn cứ cho kết luận này có thể thấy sau đó vài ngàn năm, Thiên Chúa đã sai Jesus con Người xuất hiện và xô ngã gần như toàn bộ các tín điều mà Mose đã thiết lập kiên cố rất lâu trước đó. Để ngày nay, chúng ta có một tôn giáo Ki-tô đầy tình yêu thương nhân loại.
Thế nhưng, loài người vẫn còn một số chủng quyết tâm không đón nhận tình yêu của Chúa, bọn này kiên quyết cầm tù trí tuệ bằng bản năng sơ khai của loài người và hoàn toàn chỉ chọn văn hóa chinh phạt với triết lý thuở hồng hoang: theo Ta hoặc là Chết. Thế kỉ XXI vẫn tràn ngập những hình ảnh giết chóc đẫm máu để khuất phục con người vào lề thói cũ xưa. Các đảng phái cực đoan phát xít vẫn âm thầm có chỗ đứng trong lòng bất cứ xã hội văn minh nào. Cá biệt có nơi, nó leo lên nắm chính quyền và cầm tù cả một dân tộc.
Bất hạnh thay, những đất nước ở thế kỉ XXI mà tổ chức xã hội và tôn chỉ dẫn đường vẫn chọn kiểu hồng hoang.

Ngày nay, xứ Vịt thế sự nhiễu nhương kẻ thù vỗ mặt, thiên hạ chúi mũi đồn đoán vợ chồng nhà người khi nào bỏ nhau hơn là quan tâm khổ nạn của đồng bào. Dưới biển ngư dân bị đâm tàu, thân mạng nổi trôi lềnh bềnh vô định, trên bờ trẻ con bị chặt đầu, xác vứt giữa lộ vì món nợ không đâu. Bất giác kẻ ngoài đạo ngu muội thế kỉ XXI bỗng dưng thấy sáng rõ thông điệp của Chúa thuở hồng hoang: không thể nói suông với mối nguy có thật, người ta phải sẵn sàng đánh đổi thứ quý giá hơn cả thân mạng mình mới mong nhận được quyền năng của Chúa. Và, trong một cuộc đào thoát vĩ đại, nhất thiết không được dung dưỡng mầm mống kẻ thù.
Ngó lại các diễn đàn gần đây bàn về thoát này thoát nọ, thấy thiệt khó cho dân Vịt vì không phải là mầm mống mà là đại thụ kẻ thù đã cắm trên toàn đất ấy, từ cục xúc xắc đồ chơi đến đại công trường khoáng sản, từ tệ mê tín vàng mã cho đến những học viện Khổng Khâu, đặc biệt còn là lời đề nghị khiếm nhã xin đặc khu tự quản gì gì ấy ở một vùng được coi là huyết mạch.

Vậy thì cần lắm một ý chí cực đoan kiểu hồng hoang theo Ta hay là Chết để xác lập cái trật tự lòng người xứ Vịt đang hỗn mang với cái văn hóa lá cải ngập ngụa nghiện ngập hiện nay.
 

Có một Mose nào cho Đại Việt thế kỉ này không?







Thứ Tư, 2 tháng 7, 2014

Nhạc sĩ Tuấn Khanh kêu gọi đưa vụ án hai người Trung Quốc chặt đầu em bé Việt Nam ra ánh sáng

Nhạc sĩ Tuấn Khanh ngầy càng thể hiện mình là một công dân đầy trách nhiệm, hơn hẳn cả hệ thống báo chí chính danh nước nhà. Đất nước cần hàng ngàn người như ông mới mong hết cảnh nhiễu nhương thế sự văn hóa suy đồi như hiện nay.
Lời bình:
Biển ta nó khoan dầu
Công trình ta nó lấy thầu
Ngư dân ta nó đâm tàu
Trẻ con ta nó chặt đầu
Công đạo hỡi, ở đâu?

Đất nước một nồi sâu
Dân đen cày hơn trâu
Kinh tế ngày mỗi sầu
Cảnh này còn bao lâu?


Nhạc Sĩ Tuấn Khanh:
Kính gửi toàn bộ giới truyền thông tự do Việt Nam

Đã gần 6 tháng, kể từ khi vụ án man rợ của 2 người Trung Quốc chặt đầu một em bé Việt Nam học lớp 4 ở Lạng Sơn, do cha của em này nợ tiền.

Rất nhiều thông tin trái ngược nhau được đưa ra. Nơi thì nói sẽ xử nghiêm. Nơi thì nói phải giao 2 kẻ phạm tội về Trung Quốc. Tới nay, đã không còn tin tức về sự kiện này nữa. Số phận em bé Việt Nam chết thảm thiết và gia đình của em nay ra sao, không hề được biết tới.

Vì lẽ công lý thuộc về nhân dân. Vì sự thật thuộc về lịch sử để chứng minh cho những điều khác lớn hơn. Xin gửi phần tối của sự kiện này đến cho những ai đứng về phía con người Việt Nam, nếu có điều kiện đi đến nơi, mong cậy nhờ tìm hiểu kết cục của câu chuyện này và ghi lại.

Đã có quá nhiều oan khiên bị chìm khuất. Xin hãy bắt đầu từ chuyện nhỏ nhất để có thể tiếp tục với những điều lớn hơn.

Xin đừng bao giờ quên rằng những oan hồn Việt Nam vẫn đang chờ chúng ta chứng minh một tình đồng bào có thật.