Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

Câu chuyện Tăng Sâm và sức mạnh truyền thông


"Ông Tăng Sâm ở đất Phi . Ở đấy có kẻ trùng tên với ông giết chết người .
Một người hớt hải chạy đến báo mẹ ông Tăng Sâm rằng: "Tăng Sâm giết người " . Bà mẹ nói: "Chẳng khi nào con ta lại giết người". Rồi bà điềm nhiên ngồi dệt cửi .
Một lúc, lại có người đến bảo: "Tăng Sâm giết người". Bà mẹ không nói gì, cứ điềm nhiên dệt cửi .
Một lúc nữa lại có người đến bảo: "Tăng Sâm giết người". Bà mẹ sợ cuống, quăng thoi, trèo qua tường chạy trốn.
" (Trích Cổ học tinh hoa).
Chuyện này thời Xuân Thu bên Tàu, tức cách nay cũng cỡ 2.500 năm, nó để lại một bài học kinh điển về sức mạnh truyền thông, hay nói theo kiểu giang hồ xứ Vịt là kỹ thuật nhồi sọ. Nó hé lộ phần nào bản chất quỷ quyệt của những thuật ngữ gần đây hay dùng là "nhân danh" và "đánh tráo khái niệm".
Nếu như trước kia chỉ có một người lặp lại một sự kiện 3 lần đã đủ biến chuyện không thành có mới dễ hiểu ngày nay, với cả chục kiểu truyền thông đến người nghe từ từ chủ động đến bị động cùng hàng chục phương tiện kỹ thuật cao trong một thế giới không còn ranh giới, truyền thông đã cho thấy một sức mạnh kinh người trong xây dựng, thổi phồng, lèo lái, làm tắt, và biến mất bất cứ một câu chuyện/ sự kiện/ vấn đề nào liên quan đến toàn bộ lĩnh vực đời sống nhân loại. Nó khiến một sự kiện tồn tại hay không không nằm ở chính sự có mặt của sự kiện đó, mà là ở trên mặt những tờ báo in hay những cú click chuột vào bài viết ở báo mạng. Nói như Kiều là: "Bắt phong trần phải phong trần. Cho thanh cao mới được phần thanh cao" với bất kì đối tượng nào mà truyền thông muốn hướng tới.

Chuyện thế giới gần đây có vụ mất tích máy bay MH370, sau thời gian cả thế giới nháo nhào tìm kiếm, thì hiện nay khi truyền thông thôi nhắc nữa, nó bỗng như chưa hề xảy ra. Mới nhất có chuyện chú Ủn, sau thời gian được truyền thông như kẻ độc tài đầy ghê sợ, giờ đây anh ấy đột nhiên hóa anh hùng với lời tuyên bố sẵn sàng chơi tay đôi với đàn anh Trung Quốc.
Còn ở xứ Vịt, truyền thông không chỉ mạnh mà mạnh đến mức như lên đồng. Điển hình gần đây là kì tích biến anh nông dân trồng ổi thành ca sĩ chính hiệu với cát xê ngất ngưỡng tầm ngôi sao. Xa xa trước đó là chiếc xe công vụ tông người sau vào kì trên mặt báo cũng thôi không còn biết kết cục. Bi kịch hơn là một nhóm người tận cùng đói rách ngày này tháng nọ lê la vất vưởng ở các công viên để chờ công lý nhưng tuyệt nhiên cái sức mạnh truyền thông lên đồng ấy xem họ như không hề tồn tại dù trụ sở của một trong nhưng tiếng nói uy lực cách cái công viên có nhiều dân tìm công lý kia chỉ vài bước chân dạo bộ.
Nếu như chuyện nặn một người vô danh thành ngôi sao là kĩ thuật bình thường thì chuyện làm biến mất một nhóm người một sự kiện đã trở thành kĩ năng điêu luyện của truyền thông xứ Vịt.
Nhớ lại 2 tháng trước, cả nước sục sôi với cái dàn khoan khủng ngông nghênh trước thềm lục địa, nhà nhà người người bày tỏ căm phẫn rồi ùa nhau đổi ảnh đại diện facebook như cách cho thế giới thấy lòng sắt son yêu nước. Khắp nơi công nhân trí thức tuần hành biểu tình biểu ngữ băng rôn như sẵn sàng lao vào cuộc chiến. Thế nhưng trong vòng 60 ngày, đặc biệt là khi  World cup bắt đầu chuyển động thì cái lòng sắt son đó được truyền thông khéo léo chuyển sang sái bóng Adidas Brazuca đã lăn tới vòng chung kết.
Thật vậy, dàn khoan đã không chỉ một. Bốn cái lừng lững ngoài biển Vịt đã từ lâu mà truyền thông xứ ấy chỉ đành lòng đưa vài dòng sau tin những người tình của cầu thủ.
Nhớ chuyện xưa có thành nọ bị hãm đã lâu, tướng giữ thành đã thoát thân bằng kế sách hay cực. Mỗi ngày, ông dắt một nhóm quân lên mặt thành trông như có vẻ chuẩn bị thoát. Trong tháng đầu tiên, kẻ thù cảnh giác ông cao độ, nhưng dần dần hình ảnh quen thuộc, họ lơ là. Thế là một ngày như mọi ngày ông dắt quân xuyên thẳng kẻ thù mà thoát trong sự lơ là vì quen thuộc của họ.

Xem ra khi những cái dàn khoan đã dần trở nên quen thuộc với dân Vịt, thì cái ngày cả hạm đội hải quân kẻ thù đậu ngay bờ biển  xứ ấy chắc cũng không có gì lạ.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét