Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

Hồng hoang Cựu ước


Chục năm trước, lần đầu tiếp xúc với Cơ đốc giáo mình đã hết sức mỉa mai về sự sống lại của Chúa Jesus cùng những phép màu của Chúa. Mình cho rằng đó là những kỹ thuật truyền giáo của dàn tông đồ. Thế nhưng theo thời gian đọc lại, càng ngày mình càng thấy chuyện phép màu hay thậm chí chết đi sống lại cũng không có gì lạ lẫm. Có quá nhiều sự kiện trong đời sống ghi dấu bàn tay của Chúa. Chỉ cần thử đặt câu hỏi vì sao ta ở đây, vào lúc này; vì sao chuyện đó lại xảy đến với người này mà không vận vào người khác; tại sao tai ương liên tục đổ lên đầu kẻ nọ mà may mắn lúc nào cũng mỉm cười với người kia, ta sẽ thấy thế thế giới này thật là kì diệu. 
Quả thật, mỗi chuyện trong Kinh thánh đều dường như là một dụ ngôn, người ta cần đào bới lớp chữ nghĩa lên để trực nhận phép màu trong những câu chuyện ấy. Thế nhưng có 2 câu chuyện mà dù đào đến mấy mình cũng không tài nào thấy được ẩn ý gì đằng sau nó. Đó là chuyện Abraham hiến tế Issac và Mose dắt dân Israel thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập.
Cả hai chuyện đều liên quan đến trẻ con. Nếu như chuyện Abraham sẵn lòng đâm lưỡi dao vào đứa con rứt ruột là câu chuyện thử thách đầy nghiệt ngã đức tin của tín đồ vào quyền năng của Chúa thì chuyện toàn bộ con trai đầu lòng của dân Ai Cập bị giết trong cuộc đào thoát vĩ đại của dân Israel lại là thử thách kinh hoàng của kẻ ngoại đạo vào tình yêu của Ngài. 
Vâng, những câu chuyện trong Cựu ước thường đẫm máu như vậy. Những cuộc tắm máu liên tiếp trong cuộc hành trình tìm đất của dân tộc Israel gây toát mồ hôi cho nhưng người đang thập thò ngoài đạo. Cách mà Chúa ra lệnh cho các vua Israel tận diệt toàn bộ dân trong thành sau mỗi cuộc chinh phạt đã mặc khải một thông điệp rõ ràng: theo Ta hoặc là Chết. 
Nhắm mắt lắng lòng cố thả tâm về 5.000 năm trước, kẻ ngoại đạo chỉ có một cách biện giải duy nhất cho những câu chuyện giết chóc đẫm máu thuở hồng hoang: ở giai đoạn hình thái xã hội sơ khai, phải cần một ý chí duy nhất đủ mạnh đến cực đoan nhằm thiết lập một trật tự để phát triển. 
Căn cứ cho kết luận này có thể thấy sau đó vài ngàn năm, Thiên Chúa đã sai Jesus con Người xuất hiện và xô ngã gần như toàn bộ các tín điều mà Mose đã thiết lập kiên cố rất lâu trước đó. Để ngày nay, chúng ta có một tôn giáo Ki-tô đầy tình yêu thương nhân loại.
Thế nhưng, loài người vẫn còn một số chủng quyết tâm không đón nhận tình yêu của Chúa, bọn này kiên quyết cầm tù trí tuệ bằng bản năng sơ khai của loài người và hoàn toàn chỉ chọn văn hóa chinh phạt với triết lý thuở hồng hoang: theo Ta hoặc là Chết. Thế kỉ XXI vẫn tràn ngập những hình ảnh giết chóc đẫm máu để khuất phục con người vào lề thói cũ xưa. Các đảng phái cực đoan phát xít vẫn âm thầm có chỗ đứng trong lòng bất cứ xã hội văn minh nào. Cá biệt có nơi, nó leo lên nắm chính quyền và cầm tù cả một dân tộc.
Bất hạnh thay, những đất nước ở thế kỉ XXI mà tổ chức xã hội và tôn chỉ dẫn đường vẫn chọn kiểu hồng hoang.

Ngày nay, xứ Vịt thế sự nhiễu nhương kẻ thù vỗ mặt, thiên hạ chúi mũi đồn đoán vợ chồng nhà người khi nào bỏ nhau hơn là quan tâm khổ nạn của đồng bào. Dưới biển ngư dân bị đâm tàu, thân mạng nổi trôi lềnh bềnh vô định, trên bờ trẻ con bị chặt đầu, xác vứt giữa lộ vì món nợ không đâu. Bất giác kẻ ngoài đạo ngu muội thế kỉ XXI bỗng dưng thấy sáng rõ thông điệp của Chúa thuở hồng hoang: không thể nói suông với mối nguy có thật, người ta phải sẵn sàng đánh đổi thứ quý giá hơn cả thân mạng mình mới mong nhận được quyền năng của Chúa. Và, trong một cuộc đào thoát vĩ đại, nhất thiết không được dung dưỡng mầm mống kẻ thù.
Ngó lại các diễn đàn gần đây bàn về thoát này thoát nọ, thấy thiệt khó cho dân Vịt vì không phải là mầm mống mà là đại thụ kẻ thù đã cắm trên toàn đất ấy, từ cục xúc xắc đồ chơi đến đại công trường khoáng sản, từ tệ mê tín vàng mã cho đến những học viện Khổng Khâu, đặc biệt còn là lời đề nghị khiếm nhã xin đặc khu tự quản gì gì ấy ở một vùng được coi là huyết mạch.

Vậy thì cần lắm một ý chí cực đoan kiểu hồng hoang theo Ta hay là Chết để xác lập cái trật tự lòng người xứ Vịt đang hỗn mang với cái văn hóa lá cải ngập ngụa nghiện ngập hiện nay.
 

Có một Mose nào cho Đại Việt thế kỉ này không?







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét