Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

Nụ cười hỉ xả Thanh Cường và cơn giận Chi Phong

Không biết khi ngài A Nan nắn nót cặm cụi ghi không sót từng lời Phật để thành một bộ đại tạng kinh truyền lại hậu thế, điều đó lợi hay hại cho Phật giáo. Và, Phật đã nghĩ gì ở giai thoại Niêm hoa vi tiếu gây cảm hứng tạo ra kiểu truyền thừa độc đáo ở Thiền tông, cũng như câu nói của ngài vào cuối đời: tám mươi năm qua ta chưa hề giảng thứ gì.
Vô số đại sư luận giải câu nói bí hiểm này. Tui đây hạ trí hạ tiện hạ nhân cũng mông muội mạo phạm cắt nghĩa. Với trí tuệ cùng lòng từ bi vô hạn, Phật đã không ngần ngại dùng mọi phương tiện dùng mọi biện pháp để làm giác ngộ mọi tầng lớp người từ thượng căn đến hạ trí. Và A Nan cẩn thận ghi chép lại mọi chuyện. Cuối đời, có lẽ ngài nhận ra sai lầm chính là chỗ kinh thư văn tự. Vì những thứ ngài nói chỉ đúng cho một loại người nghe vào một thời điểm. Chấp vào những thứ ấy, tự nó đã phá hoại giáo lý của chính nó rồi. Chưa kể, kẻ chưa ngộ được đạo mà ra rả giảng pháp thì đọa địa ngục chẳng biết ngày ra.
Du nhập vào Việt Nam, Phật giáo chịu ảnh hưởng bởi Trung Quốc với 2 trường phái: gõ mõ tụng kinh kiểu Thần Tú và trực chỉ chân tâm kiểu Huệ Năng. Thấm nhuần văn hóa bản xứ, giai đoạn này Phật giáo xứ Việt sản sinh ra một giáo chủ đã kiến được tánh là Huỳnh Phú Sổ. Thế nhưng sự mất mát vị giáo chủ này một cách đột ngột khiến Phật giáo xứ Việt chỉ còn mỗi Giáo hội Phật giáo Việt Nam chủ trương đường lối tu hành kiểu gõ mõ tụng kinh mê đắm từ bi hỉ xả.
Không nói từ bi hỉ xả không phải là một kiểu tu nhưng chấp vào nó để cho rằng Phật giáo chính là bốn thứ này thì tai hại khôn lường. Cụ thể là người ta cứ nhân danh Từ để xí xóa mọi vi phạm giới luật, nhân danh bi để tha thứ cho bọn quỷ đội lốt người, nhân danh hỉ để vẫn vui tươi shopping trên sự đói nghèo của đồng loại và nhân danh xả để câm miệng nhắm mặt bịt tai trước mọi xấu xa đang diễn ra hàng ngày trên trái đất này.
Bạn bè tôi thỉnh thoảng post hoặc share lại những lời giảng những hình ảnh về buông xả về yêu thương của Phật của sư. Thường thể loại này nhận được không dưới ngàn like cùng hàng trăm còm A di đà phật vô thưởng vô phạt. Không rõ cái ấn tượng Phật giáo là nhẫn nhịn là xa lánh thế tục là nguyền rủa tội ác nó bắt đầu từ đâu và khi nào trên cái xứ sở có nhiều người xưng là Phật tử này. Chưa nói những di căn dài hạn, những tệ tục vàng mã, phóng sinh, xin xăm, coi ngày, gọi hồn, cùng cúng kiếng xin xỏ đầy toan tính đổi chác cửa chùa cứ sống mạnh mẽ song hành cùng tổ chức giáo hội phật giáo Việt Nam đang điều hành tín đồ cả nước cho thấy những tín điều nhà Phật đang được hiểu sai hoặc cố tình hiểu sai nhằm phục vụ ý đồ nào đó của bọn nhân danh đạo đức, cái bọn mà Khổng tử gọi là bọn phá hoại đạo đức và lý tưởng một cách tàn tệ hơn ai hết, bọn “đức tặc”.
Năm 2007 Phật giáo Việt Nam đứng trước cơ hội phục hưng khi ngọn gió lành chánh pháp mang tên Nhất Hạnh thổi đến. Nhưng, không như kì vọng, hạt mầm chánh pháp gieo được một năm đã bị sự phản trắc mang tên Đức Nghi dưới sự làm ngơ gần như là bảo trợ của giáo hội đã hung bạo đào bới cây chánh đạo non trẻ và man rợ đẩy nó ra khỏi biên giới.
Từ đó, người ta chứng kiến một loạt hệ thống chùa chiền lộng lẫy xa hoa như cung điện được đầu tư bài bản và theo khuôn quy hoạch sẵn mọc lên trên khắp dải đất hình chữ S. Đi theo hệ thống chùa chiền đó là nhân sự trụ trì xe hơi láng cóng smartphone đời mới nhất cùng những bài giảng dạy yêu thương và giữ gìn bổn phận. Yêu thương đó là yêu thương kẻ xâm lược và giữ gìn bổn phận là câm miệng trước bạo quyền. Và, cái giáo hội dung dưỡng sự phản trắc đã tiếp tục sản sinh vô số những kẻ tu từ bi hỉ xả kiểu Đức Nghi như Pháp Định khóa môi Mr Đàm, Minh Phượng đúc tượng chính mình thay tượng Phật, Thanh Dũng, Đức Thiện, Thanh Quyết chém gió về đất đai tham nhũng nhân quyền. Gần đây, sự trắng án của người đẹp cực giàu Đàm Lan trước tội ác mua bán trẻ con vẫn khiến người mộ đạo nhấp nhổm. Và, như giọt nước tràn ly, tên “tu tặc” Thanh Cường bất chấp giới quy thản nhiên xa hoa bên cạnh đứa trẻ 3 tuổi chết đói và 2 mẹ con treo cổ vì nghèo đã dấy lên làn sóng căm phẫn không chỉ tín đồ mà của cả cộng đồng.
Lần lên trên, nỗi căm phẫn ấy hướng về giáo hội với sự im lặng thản nhiên của nó.
Thế kỉ XV, khi hệ thống nhà thờ Cơ đốc giáo đã trở nên quan liêu và tham nhũng sau hàng ngàn năm ở trong quyền lực, châu Âu sản sinh Martin Luther khai sáng giáo phái Tin Lành thổi làn gió tươi mát trở lại cho niềm tin Chúa.
Thế kỉ XXI, khi bạo quyền lăm le đè bẹp tự do, chàng trai 17 tuổi Chi Phong nổi cơn giận dẫn dắt hàng trăm ngàn người xuống đường đòi lại quyền mà Martin Luther đã tìm ra 5 thế kỉ trước.
Ở đỉnh cao của văn hóa và đức tin, người ta nhìn thấy không còn sự phân biệt. Ta có thể thấy điều đó ở câu nói của nhà sáng lập Tin Lành, như một chân lý nhà Phật: Tôn giáo không phải là "kiến thức thần học", mà là sự thông tuệ sản sinh từ trải nghiệm cá nhân.
Cần thêm bao nhiêu phản trắc Đức Nghi và tởm lợm Thanh Cường để đủ bùng ngọn lửa giận cỡ Chi Phong hoặc sản sinh ra một Martin Luther thế kỉ XXI soi đường cho đức tin xứ Việt?

P/s. Theo trang wiki: Giáo hội Phật giáo Việt Nam là giáo hội Phật giáo duy nhất được chính phủ Việt Nam công nhận hiện nay và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Giáo hội được thành lập sau Đại hội Phật giáo Việt Nam tổ chức tại tùng lâm Quán Sứ, Hà Nội vào ngày 7 tháng 11 năm 1981 nhằm thống nhất tất cả sinh hoạt Phật giáo của tăng ni, phật tử Việt Nam. Phương châm của Giáo hội là: "Đạo pháp, Dân tộc, Chủ nghĩa xã hội.”
P/s tiếp theo

Từ nay chỉ gọi sư là trọc
Bọn lưu manh chỉ biết sướng mình
Lũ ăn không tự xưng tu học
Bán đứng thầy và chôn sống đức tin

Giáo lý ngàn năm đặt dưới chân mặt trận
Lòng Từ Xả thành phương tiện ủ u mê
Huệ Khả ngài ở đâu, hãy đốt lên cơn giận
Chặt nốt tay cho chánh pháp quay về

Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

Thơ Liban

Dưới đây là một bài thơ tôi chép lại từ trên mạng. Vốn có tên là Khốn khổ nước tôi  - nguyên tác Pity the Nation, tác giả là nhà thơ Kahlil Gibran, Từ Linh phỏng dịch.

Khốn khổ nước tôi
Mê tín thì vô hạn
Tôn giáo thì nông cạn
Khốn khổ nước tôi
Mặc áo mình không dệt
Ăn gạo mình không trồng
Uống rượu mình không làm
Khốn khổ nước tôi
Ca ngợi côn đồ là anh hùng
Gọi kẻ xâm lăng là bạn vàng
Khốn khổ nước tôi
Trong mơ thì ghét cay ghét đắng
Tỉnh dậy lại đầu hàng
Khốn khổ nước tôi
Chỉ dám nói năng khi đưa tang
Chỉ dám khoe khoang di sản hoang tàn
Chỉ dám phản kháng khi đầu sắp lìa khỏi cổ
Khốn khổ nước tôi
Chính khách xảo quyệt như chó sói
Triết gia tung hứng chữ làm xiếc
Nghệ thuật bắt chước chắp và vá
Khốn khổ nước tôi
Kèn loa tưng bừng rước kẻ cai trị mới
Rồi tống cổ chúng bằng la hét phản đối
Rồi lại tưng bừng kèn loa đón kẻ cai trị khác
Khốn khổ nước tôi
Vĩ nhân càng nhiều tuổi càng lú
Thánh nhân chờ mãi chưa ra đời
Khốn khổ nước tôi
Cứ chia năm xẻ bảy chơi
Phe nào cũng xưng mình là nước