Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Một nền giáo dục cấm đái



Tuần trước con gái đi học về có triệu chứng viêm tiết niệu. Nghỉ học khám và điều trị cho nó mới nghe nó bảo rằng, để duy trì ổn định, cô giáo bắt cả lớp chỉ được đái ỉa vào giờ ra chơi. Đứa nào buồn đái ỉa sai quy định của cô thì miễn giải quyết. Quy định trên sau khi áp dụng từ lúc nhập học đến giờ mang lại kết quả như sau: 3 đứa viêm nhiễm như con mình,1 đứa ị ngay tại lớp.

Có lẽ các quy định chính thức của Bộ Học không có điều khoản cấm đái này.Nhưng cùng với sự suy đồi giáo dục chung cả nước kéo theo sự lười sáng tạo của người dạy đã khiến không ít vị giáo viên cấp1 chọn cách tạo ổn định đầy áp bức theo kiểu cấm đái như trên. Chưa kể, có nơi còn khuyến mãi thêm vài hình thức sỉ nhục từ bạo lực hành động như xé tập, táng mặt, gõ đầu...đến bạo hành tinh thần kiểu: mày cứ đi đái hoài trong lớp thế thì mang bàn vào toilet học luôn đi.

Những năm gần đây, nền giáo dục được hàng trăm trí thức nhà báo nhà giáo liên tục kêu gọi chấn hưng. Một trong vài hình thức tiếp thu của bộ Học là xã hội hóa mần sách giáo khoa bằng cách đấu thầu với chính... Bộ.

Khoan nói tới những giải pháp vĩ mô tầm quốc gia quốc tế, kẻ hèn ngu dân có con viêm bọng đái này căn cứ vào cái thang nhu cầu Maslow mà thống thiết xin đề nghị: dù cho bất kì giải pháp nào được chọn thì nó cũng phải cho trẻ con cái quyền bản năng nhất là quyền được tự do đái ỉa. Bởi cái đỉnh tháp Nhu cầu Hoàn thiện chỉ được xây trên cái nền móng là Nhu cầu sinh lý.

Suy cho cùng, nền giáo dục nước nhà khó lòng mà thăng hoa cất cánh với cái bụng căng đầy cứt đái của hàng triệu học trò cấp 1 cả nước.

Thứ Năm, 6 tháng 11, 2014

BÚN RIU VÀ TRIẾT HỌC


Sáng nay ngồi ăn tô bún riu. Một người đẹp vào quán gọi: cho em tô bún riu, nhưng đừng để bún, chỉ để mì. Cú gọi món của người đẹp làm mình nhớ tới cách nhập đề triết học của Bùi Văn Nam Sơn về 2 cha con tranh cãi nhau chuyện mở rộng quy mô một quán phở: mở rộng tới cỡ nào thì quán phở vẫn còn gọi là quán phở. Tương tự như vậy, tô bún riu của người đẹp buổi sáng đã gợi mở một vấn đề triết học lớn lao: Khi nào thì một tô bún riu vẫn còn là một tô bún riu?

Trả lời cho câu hỏi của người đẹp là động chạm đến toàn bộ nền triết học của nhân loại. Vì, cũng như tô bún, vốn là hình ảnh có sẵn trong đầu mỗi người tùy theo họ ấn tượng về món ấy thế nào, thế giới như cách loài người nhìn thấy, nó cũng chỉ là kinh nghiệm của vỏ não. Nói như Platon, thế giới thực tại chỉ là phản ánh ý niệm con người. Hay như Francis Bacon, chính bốn giới hạn của con người về cấu tạo thể chất, về giáo dục, về ngôn ngữ, về khái niệm đã ngăn cản sự hiểu biết thực sự của con người về thế giới. Ngôn ngữ nhà Phật gọi là bất khả tư nghì, tức phải mượn tạm những thứ không phải sự thật để miêu tả sự thật. Vũ trụ vẫn cứ hoạt động theo quy luật của nó mà không cần đến sự hiểu biết của bất cứ ai về vũ trụ. Kiến thức loài người từ khi hiểu trái đất là một chiếc đĩa cho đến khi tìm được hạt Higg cũng chỉ khiến vũ trụ mỉm cười. Sau hạt Higg là gì nữa? Nhưng có phải vũ trụ chỉ được tạo thành bởi vật chất?

Có lẽ chính cái cách phản ánh sự thực khách quan tùy theo ý niệm của mỗi người như vậy mà những người làm văn hóa đã coi tất cả mọi tư tưởng và hành động khác họ là vô văn hóa nên cần phải cách mạng. Những người làm truyền thông xem những câu chuyện cười chọc nhau chơi là tuyên truyền sai sự thật nên phạt vạ kẻ chọc cười. Nhưng hại não hơn hết là khi những người làm an ninh coi những tiếng nói phản biện chính sách là bọn phản động nói xấu thể chế; coi những con mắt soi rọi sự thật là xuyên tạc chân lý.

Mà, chân lý là gì?

Trả lời của tui: Là con tui. Những thứ còn lại là cục gạch hết.

Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

Lượm lặt chuyện chết chóc


 HAI NGƯỜI TREO CỔ TRONG ĐỒN CÔNG AN CHỈ TRONG 1 TUẦN

 

 

 Nạn nhân là Nguyễn Tùng Lâm, sinh năm 1984, ngụ tại quận Lê Chân, TP Hải Phòng. Vào khoảng 10h30 ngày 31/10, Nguyễn Tùng Lâm bị bắt quả tang hành vi cướp xe đạp tại huyện An Dương, Hải Phòng. Lâm bị người dân vây bắt và đưa đến UBND xã Nam Sơn. Đến sáng sớm ngày 1/11, người trực đi vệ sinh quay vào thì thấy Lâm trong tư thế treo cổ ở lan cửa hoa bằng thắt lưng.
Theo Đại tá Trần Quang Hợp – Trưởng Công an huyện An Dương thì sau khi tiếp nhận đối tượng, cơ quan công an đã làm theo đúng các quy định của pháp luật, ghi lời khai bản tường trình. Giám định tài sản trộm cắp ở mức độ nào để xử lý.
“Ở trụ sở không có phòng giam giữ nên đã để Lâm ở phòng văn hóa của UBND xã Nam Sơn. Khi chuyển lên mọi cái vẫn bình thường, anh em còn đi mua chanh muối về cho Lâm. Cả đêm không có vấn đề gì bất thường, Lâm thi thoảng còn xin nước uống.
Nhưng đến sáng sớm ngày 1/11, người trực đi qua thì thấy Lâm im lìm trong tư thế treo cổ bằng thắt lưng. Chân vẫn chạm đất và treo ở độ cao thấp. Ngay lập tức có người đến tháo dây thắt lưng ở cổ Lâm nhưng không cứu được”
Đây là trường hợp treo cổ tự tử trong đồn công an thứ 2 chỉ trong vòng 1 tuần. Lần gần đây nhất là vào ngày 28/10/2014. Ông Nguyễn Văn Hạ, 47 tuổi, trú tại phường Tân An, thị xã La Gi, Bình Thuận cũng đã treo cổ trong đồn công an.
Ông Nguyễn Văn Hạ bị bắt lên trụ sở công anh phường Tân An vì hành vi đốt xe máy nhà hàng xóm vào đêm 28/10. Đến rạng sáng ngày 28/10 thì gia đình ông Hạ được tổ trưởng tổ dân phố thông báo ông Hạ đã chết trong đồn công an.
Theo chị Nguyễn Thị Diễm - con ông Hạ cho biết ông Hạ chết trong tư thế đứng. Sợi dây treo cổ là dây rút nhỏ ở thắt lưng. Trong phòng không có ghế đứng. Với tư thế như vậy thì rất khó để treo cổ. Ngoài ra trên người ông Hạ còn có nhiều vết bầm tím.
Nguyên nhân ông Ha tự tử được phía công an cho rằng ông sợ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Thiết nghĩ nạn nhân dù có phải trách nhiệm hình sự đi chăng nữa thì với hành vi trộm cắp có đáng để phải đánh đổi cả tính mạng hay không? Nếu nghi phạm đang ở trong đồn công an thì công an phải chịu trách nhiệm và đảm bảo an toàn cho tính mạng cũng như sức khỏe của người đó.
http://danviet.vn/thoi-su/doi-tuong-trom-cap-treo-co-chet-bat-thuong-tai-tru-so-xa-499454.html
http://baodatviet.vn/phap-luat/tin-tuc-phap-luat/trom-treo-co-tu-tu-tai-uy-ban-chan-van-cham-dat-3119303/
http://nld.com.vn/phap-luat/mot-nguoi-dan-treo-co-chet-tai-tru-so-cong-an-phuong-20141028161956532.htm

Văn Công Hùng: VÔ CẢM ĐẾN CÙNG CỰC !

Ông Huỳnh Văn Nén cởi áo, chỉ những vết sẹo mà ông nói là do bị đánh trong tù,
tại phiên tòa phúc thẩm (lần 3) “Vụ án vườn điều” ngày 9/3/2005. Ảnh: Nguyễn Đình Quân.  Báo Tiền Phong
Đáng nói là, đây không phải là một vụ án oan vô tình, mà có thể người ta đã biết, nhưng vì sự vô cảm đến cùng cực, vì gì gì đó, người ta đã để cho một người lương thiện ở trong tù mười mấy năm, đến thân tàn ma dại, nhà cửa tan nát hết, tiền đồ tối hơn cả chị Dậu ngày xưa nữa...
Theo báo Thanh Niên thì vụ án đã có dấu hiệu oan sai từ 14 năm trước, nhưng tất cả đơn từ gửi đi đều như rơi vào đáy vực. Mà cũng không phải đáy vực, bởi đáy vực có khi nó còn thoảng được một tiếng kêu, đằng này im như thóc trong bồ suốt mười mấy năm, khiến một con người bình thường, một nông dân chất phác, giờ nửa sống nửa chết. Ông Chấn còn chỉ có 10 năm, ông Huỳnh Văn Nén này đã 14 năm rồi. Ông Chấn còn gần thủ đô, còn hiểu biết ít nhiều, ông Nén ở xa, sự cam chịu lớn hơn, nếu không có sự bền gan vững chí của 1 ông cộng sản thứ thiệt, nguyên chủ tịch xã, giờ là chủ tịch mặt trận huyện, ông Thận, mười mấy năm vẫn vững tin ông Nén bị oan mà kiên trì kêu oan, cùng với một số luật sư, đã khiến cho, ngày tự do của ông Nén đang rất gần trước mặt.
Có một cựu phạm nhân nữa, tên là Nguyễn Phúc Thành, vì cắn rứt lương tâm mà đã dũng cảm viết đơn kêu oan, khẳng định ông Nén không phải là thủ phạm, cũng từ mười mấy năm trước. Anh Thành vĩ đại ở chỗ, anh kêu oan cho bạn khi mình cũng đang ở trong tù, và khi anh gửi đơn kêu oan thì điều tra viên đã đến phòng  giam dọa nạt anh, thế mà anh vẫn cương quyết gửi đơn vì lương tâm bảo thế.
Còn bao nhiêu công bộc của dân, lẽ ra phải là người cắn rứt trước tiên, thì họ lại để cái thứ gọi là lương tâm của họ cho... muỗi đốt, họ trơ lỳ trước nỗi khổ cùng cực của người dân, nỗi khổ do chính họ gây ra. Tất nhiên rồi cũng sẽ như vụ án ông Chấn, sẽ vài ba ông bị khởi tố, bị bắt vì sự vô cảm, vô trách nhiệm đến ác độc  của họ, nhưng nỗi đau của ông Nén, của gia đình ông thì sẽ không bao giờ giải được, dù tôi tin ông Nén và gia đình ông rất vị tha, bởi, bây giờ được thả là đã mừng hết lớn rồi...
Báo Người Lao Động miêu tả hoàn cảnh ông Nén bây giờ:
"Trong ngày, Huỳnh Thanh Lượng (con của Huỳnh Văn Nén) sau chuyến thăm cha ở trại giam trở về, cho biết: “Sức khỏe của cha càng ngày càng yếu. Một con mắt bên phải bị mờ không thấy gì, có nguy cơ mù”.
Sau khi Huỳnh Văn Nén vướng tù tội, gia đình ông rơi vào cảnh tan nát và khốn khổ. Căn nhà cấp 4 trống hoác, cửa không khóa, mỗi người trong nhà đi làm mướn một nơi. Vợ ông ở nhà bán bánh canh kiếm sống. Ba đứa con học đến lớp 3, lớp 4 đều phải nghỉ học. Một thời gian cả 3 anh em được gửi vào làng SOS, sau 2 năm thì bị cơ sở này trả về.
Con trai đầu là Huỳnh Thành Công (25 tuổi), từng phải đi tù 2 năm vì sử dụng ma túy, mãn hạn tù thì đi làm mướn. Lượng cũng vướng vòng lao lý vì trong một lần thấy mẹ bị người ta đánh nên em chém người này bị thương, bị phạt 3 năm tù. Nay ra tù, Lượng cũng đi làm mướn cùng đứa em út là Huỳnh Thành Phát.".
Còn vụ động trời Lê Bá Mai nữa, còn vụ cô giáo Đỗ Thị Hằng bị đi tù oan vì bị xử bán phụ nữ sang Trung Quốc, còn vân vân và vân vân nữa... năm nay ngành tư pháp rất được lòng dân, ấy là lật lại các vụ án động trời, như boong ke hàng mười mấy năm, bao nhiêu đơn từ kêu oan kêu cứu gửi nhưng chắc năm nay năm tốt nên mới được kháng nghị cả loạt. Ơn giời, năm nào cũng được như năm này...

Võ Thị Hảo: AI BẢO KÊ CHO TRA TẤN ?

http://www.rfa.org/vietnamese/blog/who-protect-the-torture-11022014120006.html
Dư luận bàng hoàng và phẫn nộ với vụ án 5 công an TP Tuy Hòa tỉnh Phú Yên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã tra tấn, nhục hình, đánh đến chết anh Ngô Thanh Kiều ở tỉnh Phú Yên vào những ngày cuối tháng 3 năm 2014.
Công ước cấm việc tra tấn, và yêu cầu các bên ký kết phải có biện pháp hữu hiệu để phòng chống tra tấn ở bất kỳ lãnh thổ nào dưới thẩm quyền pháp lý của mình. Việc cấm này là tuyệt đối và không được vi phạm. Không có bất cứ trường hợp đặc biệt nào có thể được viện dẫn để biện minh cho tra tấn. (Quy định của  của Liên hợp quốc về chống tra tấn)
Ngày càng nhiều “quan tài diễu phố”
"Đến nơi, mấy chú dắt cháu vào phòng, bắt cháu đứng trước bàn và liên tục nạt nộ. Sau đó hai chú công an vừa quát vừa đánh cháu. Một chú lấy cái gậy đen ngắn (dùi cui) đánh liên hồi vào mông và đùi cháu, còn chú kia dùng chân đạp và đá cháu. Cháu càng kêu đau các chú ấy càng đánh mạnh”, Phát – cháu bé 11 tuổi, bị mấy công an thành phố Huế đánh như tra tấn trong khoảng 30 phút - kể lại khi đang nằm cấp cứu ở một bệnh viện tại Huế.
"Sợ quá, cháu ngã quỵ xuống nền nhà nhưng hai chú công an vẫn bắt cháu đứng tựa vào bàn làm việc và tiếp tục đánh”, cậu bé kể rồi òa khóc (theo VnExpress- 20/6/2011, bài “Cậu bé 11 tuổi nhập viện sau khi vào đồn công an”).
Ngày 30/8/2012, ông Nguyễn Mậu Thuận trú tại thôn Đoài xã Kim Nỗ Đông Anh Hà Nội đã bị 4 công an canh gác cho nhau tra tấn ông đến chết. Ông bị trói quặt vào lưng ghế, ghế này bị đánh gãy, công an liền thay ghế khác để đánh tiếp. Ông bị đánh nứt vỡ cả đùi, toàn thân bầm tím, gãy 3 xương sườn, tụ máu dưới da đầu, mười ngón tay bị kẹp bằng bút bi bóp nát... Ông chết chỉ vài giờ sau khi bị bắt vào đồn công an. Con trai ông đã ngất xỉu tại chỗ khi chứng kiến thi thể đầy thương tích của bố.
Xem ảnh về ông, không ai không công phẫn khi thấy ông bị tra tấn tàn bạo đến thế. Vụ án xử những kẻ giết ông đã hoãn đi hoãn lại, cho đến hai năm sau - tháng 9/2014 vẫn còn tiếp diễn và luật sư phát hiện có bỏ lọt tội phạm.
Ngày 21/10/2014, nạn nhân Lê Thanh Hải ở TP HCM tố cáo và đưa ra chứng cứ anh bị công an đánh mù mắt trong khi đang điều khiển phương tiện giao thông.
Những vụ công an hành hung dân ngày càng dồn dập. Liên tiếp trong hai ngày gần đây nhất đã xẩy ra hai vụ gây căm phẫn cho người dân.
Theo báo Pháp luật, đêm 27/10/2014, ông Nguyễn Văn Hạ bị công an phường Tân An, thị xã La Gi tỉnh Bình Thuận bắt đưa đi. Đến 7 h sáng ngày 28, người nhà đến tìm ông để lấy chìa khóa thì thấy ông đã chết trong đồn và hỏi thì mới được thông báo rằng ông “ bỗng nhiên treo cổ tự tử chết”!
Em Ngô Đình Phát (11 tuổi, ở phường Thủy Xuân, thành phố Huế) bị bắt vào đồn công an vì 1 vụ trộm đã bị công an đánh phải nhập viện
Cái chết của ông Hạ đặc biệt đáng ngờ, nếu nói rằng ông chết do tự treo cổ. Người nhà ông tố cáo, khi trong quá trình khám nghiệm tử thi thì thấy từ phía cổ lên mặt ông bầm tím, sườn trái bầm tím, khiến người ta ngờ rằng ông chết do bị đánh đập hoặc bóp cổ chứ không phải do treo cổ tự sát. Sợi dây treo cổ tại hiện trường chỉ là sợi dây rút nhỏ ở quần và ông đứng sát vào song cửa sắt, chân chỉ cách mặt sàn 10 cm!
Trưa ngày 29/10/2014, cũng tại Hà Nội, lại xuất hiện vụ công an hành hung nhà báo. Công an ấy đã “lôi phóng viên Hoàng Văn Đức của báo Đại đoàn kết vào bốt, vừa vào tới nơi, anh Đức rút giấy giới thiệu ra thì đã bị cảnh sát lao và giật điện thoại, đồng thời có hai cảnh sát khác lao vào giữ tay, chẹn cổ, đánh đấm liên tiếp vào đầu, mặt và ngực ngay trước sự chứng kiến của phóng viên báo Kinh doanh và Pháp luật và nhiều người đi đường. Anh Đức kêu la và vùng chạy nhưng không thoát ra được. Đức bị hành hung dã man chỉ vì anh và đồng nghiệp đang ngồi uống nước ở chân cầu vượt Mai Dịch, Hà Nội thì thấy cảnh sát giao thông chặn một người đi đường, có sự giằng co và người điều khiển phương tiện bị ngã xuống đường nên anh muốn tìm hiểu tình hình. Nếu không có sự chứng kiến và can ngăn của PV báo Kinh doanh và pháp luật cùng nhiều người dân đi đường, tính mạng của PV Đức liệu có được bảo toàn trước “đòn thù” chỉ vì anh là nhà báo (theo Một thế giới).
Trong một thống kê chưa đầy đủ, từ 3/1 đến 8/8/2014 đã có ít nhất 17 vụ người dân bị chết trong đồn công an hoặc liên quan đến công an, trong đó có tới khoảng 7 vụ được công an nói rằng họ “tự treo cổ chết”, mặc dù khám nghiệm tử thi thì thấy trên mình họ đầy thương tích của sự tra tấn hết sức tàn bạo, chưa kể những vụ “tự ngã”, “nhảy lầu”, “sốc ma túy” , “vì súng cướp cò”...
Căn cứ danh sách những cái chết bất thường trong trụ sở công an do cộng tác viên của Pro&contra cung cấp, từ 8/8/ 2010 đến 18/8/2014 đã có tới 67 người chết theo dạng nói trên, trong đó có tới 36/67 trường hợp “tự tử”, trong đó có 29 người “treo cổ” ngay tại trụ sở công quyền hoặc trong buồng tạm giam của công an.
Thực trạng cho thấy sự tra tấn, dùng nhục hình , bức cung với công dân tại VN ngày càng tăng nặng và mang tính côn đồ, thậm chí trong một số vụ còn mang tính chất tàn bạo, thích tra tấn như trong cơn say máu.
Ngay cả trong ác mộng, người VN cũng không thể hình dung được trong đội ngũ những người ăn lương mồ hôi nước mắt của dân, tồn tại chỉ với lý do bảo vệ an ninh trật tự cho dân, mà lại có những công an đang tâm tra tấn, dùng nhục hình dã man với dân đến như vậy. Nguy hiểm thêm bởi sự ngang nhiên, thách thức dư luận của họ bởi họ được một hệ thống bao che thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật.
Còn tra tấn vì còn được bảo kê
Vì sao ngày càng có thêm nhiều công an dùng tra tấn, bức cung, nhục hình với dân?
Những công an độc ác với dân ấy ban đầu họ vốn không phải người xấu. Họ bắt đầu thay đổi khi cuộc sống đã dạy họ rằng cứ mặc sức làm việc ác, miễn là có lợi và được cấp trên cũng như hệ thống hành pháp bao che. Vì họ nắm súng và dùi cui trong tay nên họ là kẻ mạnh muốn đánh giết ai thì người đó phải chết , họ rất ít khi bị trả giá. Mặt khác, tình trạng bạo lực, tội phạm xã hội ngày càng nhiều, khiến họ phải nhận nhiều vụ việc bắt bớ ngăn chặn, trong khi họ không được đào tạo, kiểm soát đúng mức, thiếu hiểu biết về pháp luật nên họ bất chấp luật pháp.
Ai cũng biết, lực lượng tham gia tra tấn, bức cung...trong ngành công an thường được bảo kê, bao che trước hết bởi đồng nghiệp và cấp trên của họ. Khi một vụ việc xẩy ra, thường là cấp trên đổ tội cho nạn nhân và những nguyên nhân khác để thoát tội, thay vì điều tra làm rõ và khắc phục hậu quả. Đồng nghiệp biết cả, nhưng hoặc đồng lõa, ngại, sợ làm chứng hoặc nói lên sự thật thì bị trả thù. Chưa kể là việc dung túng của cơ quan điều tra – người cùng hội cùng thuyền với họ - khiến cho họ khi khoác chiếc áo đồng phục, cầm chiếc dùi cui trong tay là coi mạng dân như cỏ rác. Ngành kiểm sát và tòa án cũng nương tay xử nhẹ, chưa nói là thường xuyên bỏ lọt tội phạm.
Họ còn có thể tra tấn và giết dân nếu thích, bởi đa phần cấp trên của họ hết sức bao che vì đã ăn hối lộ, tay đã nhúng chàm, hoặc vì sợ trách nhiệm. Như thế, lợi ích cá nhân và lợi ích cục bộ của một nhóm người đã hình thành một thứ “quả bóng tuyết”, càng vận hành càng thêm tội trạng.
Và nguyên nhân lớn nhất của mọi nguyên nhân, chính thể chế độc tài đã vô hiệu hóa sự giám sát và thực thi pháp luật trong mọi ngành mọi lĩnh vực trong xã hội. Từ đó, hệ thống lập pháp, tư pháp và hành pháp VN tuy ba nhưng chỉ là một, vô hình trung những lỗ hổng của nó cũng bảo kê cho những kẻ tra tấn và dùng nhục hình với dân.
Vì thế, không ngạc nhiên khi ngày càng nhiều vụ “quan tài diễu phố”. Thật đắng cay cho phận người dân. Nhà có người chết đã phải chịu nỗi đau tột cùng, Mang quan tài diễu phố là điều hết sức khốn khổ  mà người dân thấp cổ bé họng buộc phải làm để đánh động dư luận, thức tỉnh các nhà chức trách vô cảm, mong trả lại chút công bằng cho người đã khuất mà thôi.
Bao giờ dân VN hết nạn bị tra tấn, bức cung nhục hình và quan tài  người chết oan không còn phải mang diễu phố, như một hình thức “kêu trời nhưng xa”?





Sư sãi ngày nay






Chuyện sư sãi Việt suy đồi với số lượng ngày càng tăng, mức độ ngày càng nặng làm mình viết vài dòng xả stress. Ai dè cao nhân Tuấn Khanh phóng bút một bài thật sướng.

Đây là bài của mình:

Bữa nọ đi xe ôm về nhà, đưa tờ tiền không lớn để trả cho cuốc xe không đắt, nhưng bác xe ôm nhăn nhó bảo không có tiền thối, rồi rồ ga chạy bảo bữa khác tính.

Bữa nay ngồi ăn một cái nhà hàng chay có giá hơn 200 nghìn cho 3 người có 1 trẻ em. Bàn kế bên là 4 anh nâu sồng thư thái đàm đạo sau khi no bụng, thi thoảng 1 anh vuốt vuốt cái Samsung tổ bố, 1 anh rút iphone cáu cạnh alo alo.

Liên tục những năm gần đây, ai cũng thấy sao đồng tiền ngày càng teo tóp. Món nào giữ giá thì bớt lượng, giữ lượng thì tăng giá. Chi tiêu khổ sở vô cùng. Doanh nghiệp khốn đốn sa thải lao động đến nỗi một anh bạn đang làm bốc vác, than đến cái nghề bán sức hạng bét này còn hổng ai mua, thiệt không biết sống sao. Bất giác tui nhớ tới mới đây một anh bí bách đi trấn lột 50 ngàn để thăm con bệnh bị xử tù 7 năm. Kinh tế èo uột thêm, e rằng không đủ nhà tù để chứa những ông bố cùng quẫn như vậy nữa.
Trở lại chuyện sư Việt trẻ ngày nay, vẫn biết pháp thí là một kiểu bố thí lợi lạc cao nhất, nhưng nhìn các anh thể lực sung mãn, no nê sành điệu lướt smartphone trong nhà hàng máy lạnh sang trọng, tui thấy thật khó lòng nhận được "pháp" gì từ sự "thí" của các anh. Nhớ lại tổ Bách Trượng Hoài Hải, dẫu đã 80 ngài vẫn kiên quyết "bất tác bất thực". Đệ tử giấu cuốc mần rau thì nhịn đói ngồi thiền chớ nhất quyết không ăn. Không biết các sư trẻ tui gặp đã "tác" gì nhưng rõ ràng "thực" thì rất oách.
Chỉ cách bên ngoài nhà hàng một lớp cửa kính là một bà cụ quang gánh đủ thứ hàng linh tinh giá trị bằng một suất ăn của "thầy", mà nếu cày cục cả ngày bán hết, chắc cụ kiếm được vài chục ngàn bạc. Cụ chỉ là một trong hàng trăm ngàn người bám vỉa hè bám đường bạc mặt kiếm dăm đồng lương thiện, cũng như hàng triệu công nhân tuổi cũng trẻ như "thầy" đang quần quật trong nhà máy tiện tặn từng đồng gửi về quê.
Tui không bình luận gì hết chuyện thanh niên phơi phới tuổi xuân hiến mình cho Phật. Tui chỉ thông báo rằng, nếu các "sư" được tiêu xài bởi tiền ngân sách, thì đồng tiền đó có tiền của bác xe ôm rỗng túi, cụ bà gánh rong, công nhân kiệt sức. Nên, nếu không làm cái gì đó cho tiền của những người đó nhiều hơn thì cũng đừng làm nó bớt đi, bằng cách chí ít là tự mình nuôi sống thân mình, bằng lao động.
Trong cái thời khủng hoảng kinh tế khủng hoảng niềm tin này.



Còn đây là bài của sư phụ Tuấn Khanh:

TÁN GẪU ĐÊM MA QUỶ

Đêm Halloween, ngồi nói chuyện sư sãi đời nay, nghe mà phát khiếp không kém gì kể chuyện ma. Văn minh nhân loại dần tàn, không ít loại sư cũng như ma, cứ trộn lẫn trong đời thường chúng sinh.

Mới đây, một anh bạn hay vào internet, gửi cho xem câu chuyện đang xôn xao khắp nơi, về một vị sư kêu gọi xây dựng quân đội vững mạnh như Triều Tiên. Bài phát biểu được ghi lại ở Quốc Hội Việt Nam, tháng 10/2014. Phóng viên chụp hình ghi lại khoảnh khắc ông sư mở to miệng, mắt trừng lên quả quyết. Chiến tranh và kẻ thù chính trị có thể nhìn thấy rõ từ miệng và mũi của ông. Sư hừng hực sát tâm.

Mọi người trong cuộc trò chuyện, nhân đêm ma quỷ trên trần gian, nhắc nhau rằng trên thế gian này, chỉ có quân đội Triều Tiên là duy nhất điên cuồng với lý tưởng Cộng sản, sẳn sàng chết để bảo vệ chế độ chứ không phải là bảo vệ dân tộc hay tổ quốc. “Một bài phát biểu có tính toán với tư duy chính trị xuyên suốt. Ông sư này không hề điên khùng, chỉ có điên cuồng thôi”, một người nói.

Khác với nhiều quốc gia khác, quân đội của Triều Tiên lừng danh với máu lạnh và sự hy sinh vô nghĩa cho một nhà nước độc tài nhất nguyên. Lịch sử của cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) để lại không biết bao nhiêu là đau thương, đặc biệt là sự tàn độc của những người lãnh đạo Cộng sản Bắc Triều. Kể cả khi rút đi vì thua trận, đạo quân này vẫn được lệnh phải cài lại các bẫy rập, để mong giết thêm được một ít người dân miền Nam.

Tạp chí Jane, năm 2013, các cuộc phối hợp sáng tạo vũ khí quân sự của Mỹ và Israel, các bộ óc siêu việt nhất của 2 quốc gia này đang đi dần đến kết quả của loại vũ khí hằng mơ ước là tấn công hiệu quả mà không cần phải sát hại bất cứ ai, thì trong khi đó, Bắc Triều lại tìm ra cách xử tử con người ghê rợn bằng đại bác hoặc cho chó đói xé thịt.

Chắc hẳn vị sư này đã nghiên cứu và hả hê về tính tàn bạo của Bắc Triều nên nêu đích danh quân đội này để yêu cầu Việt Nam noi theo. Không nghe ông sư này nói gì và băn khoăn gì trước thời mạt pháp đảo điên, chính nơi xứ Việt, sư thầy, sư cô quái gở lừng danh như những hot boy, hot girl.

Cuộc trò chuyện Halloween với những người bạn về Phật giáo Việt Nam chắc mấy chốc trở thành một cái nhìn bao quát. Những sự kiện náo loạn về sư, về chùa… hôm nay đọc mà đỏ mặt. Từng chuyện xâu lại như chuỗi tràng hạt nhưng không phải để niệm lên Phật tính, mà như cào cấu đến cõi tâm linh phải rướm máu. Đạo Phật buồn như chiều hiu hắt, mắt Phật buồn như ngày thấy cảnh lâm chung của nhân gian.

Nước Việt trong lịch sử, trãi qua những thời kỳ Phật giáo phát triển vĩ đại nhất như 200 năm thời Lý – Trần, khó mà tìm được các sư lạ kỳ như lúc này. Điện thoại Iphone 6 đắt như quan tài thượng hạng, vừa xách tay đến xứ Việt thì các sư đã có. Có sư còn đập hộp khoe hàng. Dân chúng cười khinh khi, các sư quan trên thì tím mặt, hô to “phải kỷ luật!”.

Ai mà biết được những sư quan giận tím mặt đó, ai là đang lo lắng cho an nguy Phật đạo, ai là lo cho những sự xa xỉ không kém của mình bị trò lố của đồng đạo làm vỡ lỡ? Nói theo kiểu Kinh thánh, thì nếu như sư khoe của vỗ tay, hát rằng “ở đây ai không giấu của cải ăn xài, không hưởng thụ riêng thì hãy ném tôi viên đá đầu tiên”. Chắc rằng sẽ không ai trong nhóm sư quan đòi kỷ luật ấy dám giơ tay động thủ.

Bởi vậy, chuyện từ bên trong lộ ra, mới nghe kể rằng ông sư xài điện thoại sang như bí thư, chủ tịch quận đến họp kiểm điểm cười hề hề, nhân tiện lại chụp hình post lên facebook làm vui và ra về. Chẳng ai làm được gì ông. Tín đồ buồn giận trách ông sao lố bịch, ông trợn mắt nói là người “thẳng thắn” mới vậy.

Những câu chuyện nước Việt đêm ma quỷ khiến tôi nhớ lại những tháng ngày lặn lội lên các chùa làm từ thiện, nhìn thấy mình, nhìn thấy người, tự cười rồi quay lưng ra về không bao giờ muốn quay lại.

Có chùa mở ra chuyện coi bói. Sư mập béo nghe cô gái đến đặt quẻ hỏi chuyện tình duyên chờ ngày kết hôn đi nước ngoài, sư gầm lên, vằn vện như cọp, nói như chính trị viên “tại sao mà cô cứ mơ màng đi mấy cái nước tư bản đó, đi đi, đi cho chết đi!”.

Có chùa xin quỹ cho trẻ em hiếu học. Leo núi hồng hộc đến giao quà. Đến giờ phát, tự nhiên sư trẻ giật micro giữa chương trình, hớn hở hô to “các con phải biết ơn bác Hồ, phải thuộc 5 điều bác dạy nghe”. Người cho quà phải giằng co, giật micro lại “Đây là quà của cá nhân chú, chú muốn tụi con thương cha mẹ, học giỏi để đỡ đần cho cha mẹ thôi nha”. Chịu thôi, 5 điều bác dạy, đâu có thấy dạy thương cha mẹ bao giờ.

Có chùa bước vô, tượng Phật nhỏ đìu hiu đặt bên cạnh hình ông Hồ Chí Minh to vật vã. Người miền Nam ngưỡng Phật thiệt tình không quen mấy cảnh này. Một người bạn đi cạnh thì thầm “trời ơi, sao kỳ vậy”, vậy mà một sư cũng nghe được, nhanh nhẹn như Hoả Hầu Vương, nhảy ra, hỏi bằng giọng Bắc cộc lốc “cần gì?”. Thôi. Bái bai sư để đời còn vô sự.

Cũng đâu cần đến chùa. Có lần đi máy bay vô tình ngồi kế một Sư trẻ, tưởng được nghe Phật pháp, ai ngờ nói chuyện được một chút, nghe sư nói rắn như đang trong đồn thẩm vấn “Giáo hội Phật giáo VN Thống nhất là một tổ chức phản động, đã chết”. Một anh bạn làm trong Liên hội Phật ở California kể chuyện phong trào các sư trẻ cầm sự vụ lệnh qua Mỹ mở chùa, kiếm tiền nhiều khôn xiết. Làm ăn có trưng hình Phật giờ khá lắm. Có sư làm lộ quá bị trục xuất đuổi về. Ô hô ai tai.

Ngàn năm trước, nghe rằng khi chuẩn bị nhập diệt, đức Phật để lại lời dặn “Thời mạt pháp, rồi chính đệ tử Như Lai sẽ bán Như Lai”. Ở xứ Việt hôm nay, sư và chùa nhiều vô kể, nhưng kẻ bán Như Lai cũng nườm nượp không kém chợ đời. Lời dặn của Phật đáng lưu hơn ngàn bài giảng nơi cửa miệng của kẻ tu hành ám muội.

Khoác chiếc kasaya đâu có nghĩa là sư, miệng xưng Phật cũng đâu là Phật. Thời chính thể vô thần, khó biết được sư khoác chiếc áo hôm nay, là che chiếc áo gì hôm qua, hay để tiện giấu khẩu K.54. Đôi khi đi ngang chùa, nghe mõ chuông rầm rĩ, chỉ muốn chạy về ruộng đồng để nghe tiếng mô Phật không lời, giữa thinh không.