Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

Mừng Chúa giáng sinh




Đức tin của tui ngắn chẳng tày gang, cho nên cứ đến Noel thì tui mới chịu nghĩ về Chúa. Cứ nghĩ về Chúa thì tui lại nghĩ về tình yêu của ngài. Nghĩ về tình yêu của ngài thì tui lại nghĩ về sự tồn tại của bọn IS, về động đất về sóng thần và về những chế độ cai trị man rợ vẫn còn khắp nơi trên thế giới. Nghĩ về đám ác ôn đó tui lại quay sang nghĩ về tình yêu của ngài. Nghĩ về tình yêu của ngài tui lại nhớ đến đức tin. Nhớ đức tin tui nhớ chuyện này:

Tối nọ có một tín đồ đi ngang nhà thờ. Anh dựng xe trước cổng vào cầu nguyện. Khi ra về anh ta đãng trí đi thẳng về nhà mà quên mất chiếc xe. Sáng thức dậy anh hớt hãi lao ra nhà thờ thì thấy chiếc xe vẫn còn nguyên vẹn. Mừng rỡ, anh cho rằng niềm tin đức Chúa của anh đã khiến ngài cảm động và bảo vệ tài sản cho anh nên lại vội vào nhà thờ để bày tỏ lòng tôn kính với Chúa lần nữa. Khi anh hào hứng trở ra thì chiếc xe anh bây giờ đã mất.
 

Đau đầu với câu chuyện này cùng với sự ác ôn của loài người cũng như thiên tai tồn tại song hành trong tình yêu Thiên Chúa, tui bèn đi hỏi ông Google. Google mang lại câu trả lời đến từ Baruch Spinoza(1623 - 1677): Spinoza lý luận rằng Chúa trời và Thiên nhiên là hai cái tên của cùng một thực tại. Các kết quả của hệ thống triết học Spinoza còn đem lại hình dung về một vị Chúa trời không cai trị vũ trụ bằng quyền năng, mà chính Chúa trời lại là một phần của hệ thống tất định mà mọi thứ trong thiên nhiên đều là một phần của hệ thống này. Do đó, Chúa trời là thế giới tự nhiên và không có tính cá nhân.
Quan điểm này đã được nhà bác học Einstein đồng tình trong bức điện trả lời Goldstein năm 1929: "Tôi tin vào vị Chúa trời của Spinoza, vị Chúa thể hiện mình trong sự hài hòa trật tự của những gì tồn tại, tôi không tin vào một vị Chúa quan tâm đến số phận và hành động của con người."

Trở lại chuyện đức tin, nhà khai sáng Tin Lành, Martin Luther đã có một cái nhìn ôn hòa trung dung đầy minh triết: “Tôn giáo không phải là "kiến thức thần học", mà là sự thông tuệ sản sinh từ trải nghiệm cá nhân”. Với hạ trí của mình, tui cũng bày đặt nghĩ, ở tầm cao nhất của niềm tin tôn giáo, có lẽ là thứ tôn giáo như Châu Diên hình dung qua lời giới thiệu bản dịch tác phẩm Nhà tiên tri của Khalinl Gibran dưới đây:

“Ta bắt gặp ở đây một tôn giáo mới, cái tôn giáo của người có văn hóa cao, của văn minh đích thực, cái niềm tin tôn giáo ở trong lòng từng con người khi sống hồn nhiên với chính mình và sống hồn nhiên với kẻ khác. Đó là một niềm tin vào một lối sống thuận tự nhiên cao nhất vì có văn hóa cao nhất và văn minh nhất. Ta có thể đoán biết những ai chắc chắn chống lại niềm tin mang tính tôn giáo cao đến mức ấy. Song, một niềm tin tôn giáo như thế chắc chắn sẽ là thuộc tính sắp tới của con người trong thế giới văn minh đích thực, không sống sượng.”

Mừng Noel 2014.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét