Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

Lượm lại status từ một nick đã khóa

Ngày 11/4/2014 ( Cứu vé số):


Tối nọ hai cha con đứng xớ rớ hóng mát ngoài công viên, một chú bé vẻ mặt đáng thương mắt rơm rớm lại mời vé số. Mình lắc đầu kiên quyết không mua vì biết tỏng kỹ thuật mau nước mắt của ông con này rồi. Thế nhưng chưa kịp hả hê vì không bị ăn quả lừa của chú bé, mình giật mình vì bé con nãy giờ đang quan sát chăm chú mình chợt hỏi: Này, sao cha không mua vé số cho anh đi, ảnh sắp khóc rồi kìa.
Ấy chà, thế này thì lợi bất cập hại rồi. Làm sao để nói trơn tru với một thiên thần về những lọc lừa thủ đoạn cũng đang khoác một bộ mặt rất thiên thần khác? Xem ra ăn thua đủ với một đứa trẻ thì không bao giờ là đúng.
Nhớ lại Tết vừa rồi, mình và một anh bạn quan chức làng nhàng cãi nhau chí tử về một cái chợ đêm chồm hổm mọc lên quét sạch chợ hoa truyền thống của thị trấn quê nhà. Ảnh bảo mày chả hiểu đếch gì xã hội, chợ này tạo biết bao công ăn việc làm cho người lao động. Cư dân thành phố có địa điểm tham quan, bộ mặt đô thị cũng khang trang nhộn nhịp. Mình gật đầu ừ tất, nhưng mà thắc mắc vậy chứ hàng hóa của mấy anh chị bán đó nhập rẻ từ TQ với chất lượng không ai kiểm duyệt nhiễm đầy hóa chất phân phối khắp cộng đồng thì sao nhỉ?
Cũng vậy với vé số. Vé số có thể tạo thu nhập cho tất cả các thành phần xã hội và chính quyền có thể yên tâm về khả năng đảm bảo dân sinh với loại nghề nghiệp dễ dãi này. Thế nhưng đánh đổi những mất mát cho cái lợi từ vé số thì không hề nhỏ. Đó là đẩy cả một lực lượng trẻ em người già người tàn tật vốn dễ tổn thương nhất ra đương đầu với những mối nguy khó bảo vệ nhất của xã hội. Và cái mất lớn hơn tất cả ngoài cái mất một thế hệ trẻ lớn lên vô học là cái mất trái tim rung cảm của toàn xã hội trước nỗi đau đồng loại.
Mất một nghề nghiệp tạo thu nhập cho lực lượng lao động dễ tổn thương thì còn có thể tạo ra loại nghề nghiệp mang lại thu nhập khác, nhưng đánh mất trái tim của trẻ con thì mất cả nền văn hóa.

Ngày 20/3/2014 (Cứu xe buýt)


Hôm nọ coi tivi buổi trưa thấy có phóng sự về xe buýt Tp.HCM, đại khái là chỉ toàn đăng những người trả lời phỏng vấn xe buýt chạy ẩu, không an toàn, chèn ép xe máy xô đẩy hành khách. Nói chung theo thuật ngữ thời thượng là dìm hàng xe buýt, nhân vài vụ tai nạn giao thông thương tâm liên quan đến xe này. Phóng sự sau đó như thường lệ là phân tích nguyên nhân. Rồi cũng như thường lệ, sau khi kể ra nhất nhiều nguyên nhân thì nguyên nhân được gán cho hàng đầu là "ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông quá kém". Giải pháp tương ứng là các biện pháp nâng cao ý thức người tham gia giao thông các thể loại. Hết phóng sự.
Phù. Có đoạn giới thiệu dài dòng về phóng sự này như vậy để có ý thế này. Rằng mình đã không ít lần đứng chen chúc chật chội trên những chiếc xe buýt bị phàn nàn đó. Đánh giá chung là những bất cập như phóng sự trên liệt kê ra thì xe buýt có hết. Nhưng cảm giác về những chuyện đó thì hoàn toàn chỉ là thông cảm, không có chút oán thán nào. Chỉ cần những ai đã một lần ngồi sau tay lái mà chứng kiến được cảnh tài xế xe buýt phải chịu đựng thì chỉ một từ duy nhất là "bái phục". Bất cứ chỗ nào trống trên đường đều được trám chỗ ngay bởi xe máy, kể cả khi nó chỉ còn cách đầu xe buýt 2 xen ti mét. Các bác tài ngoài việc liên tục chịu cảnh đâm ngang xẹt dọc vô tội vạ của xe máy còn phải thường xuyên tấp vô lề rước khách và lái trở lại làn đường của mình trong tình trạng xe máy nêm đầy xung quanh.
Trong hoàn cảnh như thế, rõ ràng gán các bác tài xe buýt vào tội "ý thức kém" thì e rằng hơi nặng tay.

Nhân tiện cũng xin thưa rằng "ý thức kém trong tham gia giao thông" có xuất hiện ở xe biển trắng (dân) thì cũng ở một tỉ lệ nhất định, dẫu là có cao. Nhưng ở xe biển màu (quan) thì cái tỉ lệ xe chạy với "ý thức tốt" dường như là số 0 tròn trĩnh. Đối mặt với những chiếc xe biển trắng tội chạy vượt tốc (dù biển báo tốc độ phi lý chiếm tỉ lệ không nhỏ), vượt phải, lấn làn, là một mức phạt đủ làm chùn tay tài xế. Nhưng cũng những tội ấy với một chiếc xe biển màu thì đa phần các ánh mắt áo vàng đều tảng lơ. Nghe giang hồ đồn đại, một chiếc biển xanh có số gì đó được cho là ở bộ, cái biển nó đắt gấp đôi cái xác xe là 1 con Lexus GX470.
Kể lại kinh nghiệm này chắc cũng thường với cánh tài xê biển trắng. Hôm nọ, một chiếc biển đỏ chạy ở đường ngoài đô thị với tốc độ quy định trong đường đô thị. Kẻ viết bài phải xin đường một đoạn với thời gian bằng chiều dài một điếu thuốc của chú bộ đội lái xe đang hút. Có lẽ, nhờ sự sảng khoái của điếu thuốc mang lại, anh mới từ tốn nhan đèn nhường đường cho kẻ sau chạy đúng tốc độ cho phép.
Ơn Chúa, chừng nào mà những chiếc bảng số xe còn phân biệt màu sắc thì chừng đó làm ơn đừng có đổ vấy lên đầu dân đen là thiếu ý thức. Như thế thì vì tội vừa ác lắm.

Ngày 27/02/2014 (Cứu điều dưỡng):

Hôm nay ngày thầy thuốc Việt Nam, một friend khều khều bảo viết gì đó đi mầy. Ngó tới ngó lui thấy ngành y bây giờ không biết khen chỗ nào mà chẳng lẽ lại chửi thì kì nên tịt mãi. Chợt nhớ trong vô số phát biểu rất nhân văn rất hợp pháp của dì Tiến, có đoạn nhắc bệnh nhân nhớ ghi camera làm bằng để chống nạn phong bì trong ngành y tế. Thế là nhớ ngay một tấm gương sáng ngời y đức, mà có điều không giống giáo khoa lắm.
Chuyện là hồi lúc ở với ông già trong một BV ở xì phố, có tay điều dưỡng nọ. Công việc của ảnh thì cũng như nghề điều dưỡng là chích thuốc thay băng vô nước biển, vân vân. Quen thói, mình cũng dấm dúi ảnh cái phong bì, ảnh vô tư nhận. Và ảnh chăm sóc ông già mình nhẹ nhàng cẩn thận thật, đúng y mong muốn gia đình. Mình thở phào, vậy là đúng đường rồi. Thế nhưng trong trại có nhiều bệnh nhân, và cũng không ít bệnh nhân phải nhận suất ăn miễn phí thì cái phong bì dúi vào túi điều dưỡng kia chỉ là điều không tưởng. Thế mới thành chuyện. Mình quan sát thấy anh điều dưỡng nọ cũng ân cần nhẹ nhàng chăm sóc cho các bệnh nhân không-phong-bì kia y chang bệnh nhân có-phong bì là ông già mình. Anh làm với tất cả tinh thần trách nhiệm của một điều dưỡng yêu nghề. Quan sát liên tục mấy ngày mình đều thấy vậy, ông già mình vẫn là bệnh-nhân-phong-bì và các bệnh nhân khác không-phong-bì trước sau chỉ là một thái độ phục vụ ân cần như nhau. Buổi tối ngày cuối trước khi xuất viện, mình có cơ hội lôi ảnh ra quán làm vài chai bia. Ảnh ăn uống từ tốn, nói chuyện chừng mực về các vấn đề chuyên môn và đặc biệt có cái nhìn đầy bao dung với người bệnh. Cuối buổi nhậu, rất Mỹ, ảnh đề nghị chia đều số tiền nhậu cho các thành viên và đề nghị trả phần của mình, phải năn nỉ lắm mình mới thuyết phục ảnh không phải trả tiền cho cuộc nhậu mình mời ấy.
Câu chuyện anh điều dưỡng nọ gây nên một cơn chấn động nho nhỏ với mình về cái gọi là lương thiện. Nó làm thay đổi hẳn bản chất của việc nhận phong bì bồi dưỡng. Bấy lâu nay ta quen đánh đồng hiện tượng phong bì với những việc làm xấu xa của đám người thiếu y đức. Thế nhưng, đã có người chứng minh rằng, y đức và tiền bạc không hề dính dáng nhau tẹo nào. Sự lương thiện, dường như cũng là một thái độ, người ta có quyền chọn nó, hoặc quay lưng đi. Cũng như phong bì, ta có thể chọn nhận hoặc không, bởi về bản chất, nó không có gì xấu xa khi làm cho cuộc sống vật chất của người nhận đàng hoàng hơn.

Ngày 19/02/2014 (Cứu giáo dục):

Mình luôn ủng hộ biện pháp giáo dục kiểu chăn cừu, đại khái là người thầy luôn hướng dẫn dìu dắt dạy dỗ bằng tình yêu bằng trách nhiệm bằng sứ mệnh. Thế nhưng mình chưa bao giờ lên án biện pháp trừng phạt trong giáo dục nào. Sự trừng phạt thích đáng đúng thời điểm mang lại một hiệu quả to lớn mà không lý luận giải thích hướng dẫn nào so sánh nổi. Nó như sự đốn ngộ trong thiền vậy. Và đương nhiên, nhất thiết không nên là việc thường xuyên hay phổ biến. Các biện pháp trừng phạt không nên là áp lực và đặc biệt không bao giờ là sỉ nhục. Bất cứ kẻ nào không phân biệt nổi điều này thì làm người còn chưa xong chứ đừng nói là thầy để ngông nghênh trên bục giảng rêu rao những thứ lố bịch khác.
Nhân gần đây có vụ choảng nhau giữa một học sinh và một tay côn đồ đội lốt thầy hành nghề giáo dục, chợt nhớ chuyện này.
Năm lớp 9, một bài làm văn của mình đã không chấm câu hết bài. Vị thầy, không ngần ngại cho ngay con điểm 4. Giữa một rừng toàn là học sinh giỏi, vài đứa tệ lắm loại khá, con điểm 4 khiến mình xếp loại trung bình và đội sổ tháng ấy. Cú trừng phạt đã gây cơn chấn động kinh hoàng cho mình lúc ấy để bây giờ mình luôn để ý cái dấu chấm câu. Và, hình như các friend của mình không có ai bị trừng phạt vì điều ấy hay sao mà khoảng hơn 80% những câu còm, xì ta tút, sms...mình ít khi gặp dấu chấm câu hết bài, hehe. Kể lại sự kiện này nhân một đợt có thằng bạn làm cái phỏng vấn bỏ túi cho phóng sự ngày 20/11 của nó, mình vẫn còn nguyên sự biết ơn và cảm phục ông thầy đã trừng phạt rất đúng lúc ấy.

Ngày 14/02/2014 (Cứu Côn Đảo):

Nghe đồn có một nghĩa trang rất linh thiêng ở một hòn đảo xinh đẹp nọ. Đặc biệt, khách phương xa chọn cách viếng lúc nửa đêm thì khấn gì được nấy, nói chung là linh ứng huyền vi không thể tả.
Chợt nhớ chuyện kể của Cao Huy Thuần. Rằng một nhà sư nọ, một hôm được một cô gái báo mộng rằng cô vất vưởng cõi trần đã lâu rồi, chỉ có đức độ của ông mới làm cô siêu thoát. Cô chỉ ông đến chỗ này, làm cái này, vân vân thì oan khí của cô sẽ tan. Tỉnh dậy, nhà sư y lời, lập chay đàn cúng kiếng đủ lễ. Thế nhưng, trong lúc tụng niệm, một vọng tâm xẹt ngang đầu ông. Ông mất định lực trong giây lát. Buổi lễ cầu siêu rồi cũng xong, nhà sư xem như giữ lời với cô gái. Bỗng hôm nọ, cô lại hiện về báo mộng, lần này dáng vẻ tiều tụy hơn, giọng điệu thì oán thán, trách: tôi đã tin tưởng nhờ ngài siêu thoát, thế mà ngài lại không chí tâm nên đã không đủ tha lực giải thoát cho tôi rồi.
Trở lại chuyện khấn nguyện nửa đêm ở nghĩa trang linh thiêng nọ, dẫu không biết chuyện đó là tốt hay xấu, đúng hay sai nhưng nếu có một lời khấn, mình thật tâm mong rằng cơ duyên nào đó mà một đại sư đủ công phu và định lực sẽ siêu thoát cho những thần thức oan khuất còn chưa tan đang tề tựu âm khí chốn này.

Ngày 25/01/2014 (Cứu kinh doanh):

Cuối năm rảnh rỗi thử gu mới với món không khoái lắm là cuốn "Tương lai của quản trị". Giở đại một chương đọc chơi mới giật mình nhớ câu "Gia trung hữu bảo hưu tầm mích" của Trần Nhân Tông. Hehe, cả năm nay nó bị hắt hủi nằm bơ vơ trên giá vì không cạnh tranh nổi với một lô quái bút mang họ Nguyễn. Xem ra nhà mình vẫn còn khá nhiều châu báu.
Bốn năm trước, mình phát sốt với câu chuyện kinh doanh của một công ty bán áo khoác trong một quyển sách của thiền sư Nhất Hạnh. Đó là một doanh nghiệp không có ông chủ, không có mệnh lệnh và nói không với chất liệu cotton vì những cánh đồng trồng cây nguyên liệu gây quái thai cho sinh vật xung quanh đó.
Thì ra, đó không phải là một tư tưởng lẻ loi bộc phát mà là đỉnh cao tư tưởng của quản trị hiện đại. Mà cũng chẳng hiện đại gì khi những thiên tài nghĩ ra nó đã áp dụng hàng ba bốn chục năm trước.
Đó là siêu thị Whole Foods với kim chỉ nam quản trị: Xây dựng doanh nghiệp bằng tình yêu chứ không bằng sự sợ hãi. Và với kiểu quản trị kiểu "tình yêu" như vậy, doanh nghiệp này đã tạo nên sức mạnh vô biên đủ khiến những kẻ cung cấp hàng hóa theo cách tồi tệ không tài nào có cơ hội trưng bày sản phẩm trên kệ của họ. Các động vật bị giết thịt theo cách ít gây đau đớn nhất và được nuôi nhốt trong một điều kiện đàng hoàng.
Đó là W.L Gore với kiểu quản trị mạng lưới và là nơi không phải ý tưởng đúng nhất sẽ đến từ nơi quyền lực nhất. Để từ đó người ta biến một sản phẩm chuyên dùng trong tim mạch thành sợi dây đàn được dùng nhiều nhất trên thế giới.
Điểm chung thú vị của kiểu quản trị "tình yêu" hay "vô chủ" này là luôn được sự dòm ngó và nhận xét tận tình nhanh chóng của đồng nghiệp và khách hàng. Bất kì một hành động nào của ai đó đều được phản hồi ngay lập tức bởi một biểu tượng "mặt cười" hay 'mặt khóc".
Thật vui khi mấy tháng trước, hệ thống công quyền ở một thành phố thuộc tỉnh đã được trang bị màn hình hai cái mặt này.
Càng vui hơn khi một bạn đồng nghiệp không biết có xem qua quyển sách này không nhưng lại có một ý tưởng hội nhập chung xu thế quản trị hiện đại.

Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015

Hay là chúng ta bỏ Tết?


Có câu chuyện cười nọ, ông chồng hấp hối trên giường bệnh, cầm tay bà vợ thều thào: lúc tui bị đuổi việc, bà ở bên tui, lúc tui rỗng túi, bà ở bên tui, lúc tui bị bạn bè phản bội, bà ở bên tui, và giờ này, lúc tui hấp hối, bà vẫn ở bên tui. Cho nên tui nghĩ...hic...bà...chính là nguyên nhân... mọi ...tai ...họa của...tui. Nói xong tắt thở.
Cũng còn chưa đầy tháng nữa, xứ Vịt hân hoan đón Tết. Nhà nhà người người nô nức sắm sửa dọn dẹp bày biện khang trang. Chính quyền theo đó cũng trang hoàng chuẩn bị đường hoa xe hoa pháo hoa đón Tết. Ôi thôi cả nước vui mừng, đất trời đon đả tưng bừng vào Xuân.
Cũng như thường lệ, để cho thắm cái bản sắc văn hóa lá lành đùm lá rách đậm đà tình dân tộc thương người như thể thương thân, chính quyền khắp nơi lại rầm rập khẩn trương ra quân cứu Tết. Đoàn đoàn, hội hội thi nhau đổ xô về chỗ nọ chỗ kia càng sâu càng xa càng tốt, rưng rưng trao tiền trao gạo trao muối mắm dầu đường. Những lời có cánh, những hình ảnh sụt sùi những những cái ôm siết chặt tràn lan mặt báo. Thế là coi như an tâm, ai ai cũng ăn được Tết.
Ở một phía đóng vai phản biện, các báo lại thống kê số liệu người tử vong/thương tật vì đi lại vì ăn nhậu vì vân vân vì Tết. Các bài viết về các tệ mê tín, cờ bạc, lười nhác của dân Việt lại thi nhau mổ xẻ. Giới văn phòng ăn lương ngân sách thì túc tắc từ trước Tết cả tuần kéo dài ra đến sau Tết cả tháng. Hội hè chùa chiền đình miếu triền miên liên tu bất tận trong cơn say buôn thần bán thánh. Giới bình dân làm công xa xứ thì rũ rượi chen chúc lúc nhúc trên những chặng đường ngàn dặm đầy trắc trở hiểm nguy bởi đặc trưng giao thông của xứ này. Giới chủ thì đau đầu toan tính lương thưởng trước Tết và chảy máu nhân sự sau Tết. Bác sĩ căng người cứu người, công an căng người bắt người, thầy chùa căng người ngửi khói.
Chợt nhớ quy luật Pareto, xem ra 80% chuyện xấu dân Vịt chỉ xoay chừng khoảng 20% thời gian dịp Tết. Ngay cả chuyện giúp người nghèo ăn Tết, nó cũng là cái bẫy tư duy khi sau khi có tí quà cáp này nọ xong, những người có trách nhiệm lại quên đi trách nhiệm của mình là làm cho những dân ấy hết nghèo. Cho nên chung quy, so với sức nặng của hai từ "truyền thống" cái hại do Tết mang lại không đủ đối trọng để làm dương lợi ích. Chưa kể, không biết bao nhiêu tiền chi cho những công trình không chết ai cũng không lợi ai chạy chỉ tiêu cuối năm đã được quy hoạch vốn đầu năm, làm tốc hành với chất lượng chỉ có giữa năm sau mới biết.

Ông bà có câu: Ăn no mặc ấm, ăn ngon mặc đẹp. Xưa, xã hội chỉ có nền kinh tế lúa nước, mùa màng bội thu, nông nhàn rãnh rỗi ông bà mới thư thái tận hưởng tiết trời, thư giãn sau vụ mùa mệt nhọc. Nay, xã hội công nghiệp, nền kinh tế thị trường phân hóa giàu nghèo ngày càng chênh lệch, ăn chơi ngày Tết thực ra chỉ còn cho một dúm người làm giờ hành chánh có của ăn của để. Đại bộ phận thiên hạ ai cũng tay làm hàm nhai, ngày nào kiếm được tiền ngày đó là Tết. Chưa kể, những năm gần đây báo chí còn có trò so nhau khoản tiền thưởng Tết, mới đầu còn có vẻ thương cảm, riết cảm giác như trò mua vui với những "quà" là sắt, gạch, xi măng, băng vệ sinh, keo dán sắt....Ở góc kinh tế vĩ mô, Tết là cái dịp chính danh tăng giá tiêu dùng mà không có bất kì lý do nào, để cùng với nạn tiêu pha phung phí tiền nhà nước góp phần đẩy cái hầu bao eo hẹp của dân đen nhanh tiến về phía rỗng.

Tết, được tính theo lịch mặt trăng, tức âm lịch. Và âm lịch thì, như một mảnh đất màu mỡ gieo trồng đủ loại cây mê tín gồm đồng bóng cầu hồn xin xăm xủ quẻ bói toán coi ngày coi giờ coi tuổi tha hồ bám rễ trổ hoa đâm lá. Vô số những câu chuyện (có vẻ) sự thật/ huyền thoại/ huyền bí/ ma mị/ lường gạt đính kèm nền văn minh âm lịch này, đến mức người ta thừa nhận nó như là bản sắc văn hóa. Những ai lỡ bị đóng đinh niềm tin vào trò coi ngày giờ tuổi tác sao hạn cung mệnh này bị ám ảnh về nó đến mức khó lòng tự chủ làm việc gì đó lớn mà không hoang mang giở cái âm lịch ra xem có gì đại kị hay không. Đỉnh cao vớ vẩn là chuyện gán cho đứa trẻ thiên thần vừa mở mắt chào đời một cái cái vận mệnh vô căn cứ đâu đó trên trời cho nó, cũng như gán những họa phúc cát hung vô lý cho tuổi này với tuổi nọ. Điều này ngang nhiên phủ nhận luật nhân quả của vũ trụ, tước đoạt man rợ nỗ lực lương thiện, nhu cầu tự hoàn thiện của con người bằng định kiến hoang đường về số mạng ngay từ trong nôi.

Ngày ở Việt Nam mặc nhiên tồn tại hệ thống kép. Không biết cái lịch tính ngày theo hệ thống kép nó có góp phần làm nên thói hai mặt của dân xứ này hay không, cũng như những tác động tốt/xấu đến đời người trong các ngày làm sự kiện lớn nó mạnh mẽ ra làm sao. Thế giới phẳng ngày nay cho thấy bọn Âu Mỹ Israel chúng nó chả biết cái gì là âm dương ngũ hành thiên can địa chi mệnh trạch, thế mà dân xứ nó không ai cần cứu Tết hay tự tử vì nghèo, thu nhập bình quân sơ sơ vài chục ngàn USD mỗi mùa lá rụng. Nước chúng nó thì không nước nào dám bắt nạt. Lãnh đạo chúng nó chẳng thấy ai nhang đèn heo gà khấn vái quỷ thần thiên địa. Quỷ thần phò hộ nếu có, chính là cái đám đối lập luôn soi mói trong từng chính sách. Công trình xứ chúng nó thì cứ như là không đẹp mê hồn thì cũng tối đa tiện dụng, mà lại ăn chắc mặc bền trơ cùng tuế nguyệt. Luật chúng nó thì cứ đọc lấy mà xài đố ai lách được, chả cần cả một hệ thống hành pháp ban hành thêm hướng dẫn này nọ vì dân thì ít mà vì lợi ích thì nhiều.

Tổng kết lại, theo kiểu phương pháp nghiên cứu khoa học diễn dịch quy nạp thống kê mô tả,  kết luận giả thuyết dựa trên phân tích (ở đây là định tính pha chút định lượng), cộng với câu chuyện cười mở đầu ở trên giờ bỗng hóa ra ...minh triết, tui dõng dạc kết luận: để nâng dân trí chấn dân khí hậu dân sinh như lời cụ chí sĩ Phan Chu Trinh trăm năm trước, dân xứ Vịt phải vứt mẹ cái lịch âm, kè theo đó là bỏ Tết. Ai muốn Tết thì bất kì lúc nào cũng cứ vô bảo tàng mà đón. 
Hết.

Hai trụ cột an sinh


Mấy hổm rày lượn xe ra đường gặp dày đặc băng-rôn ca ngợi như cái hình. Tự dưng tui nhớ có lần một em xinh đẹp tiếp thị một sản phẩm bảo hiểm nhân thọ mới, khoe rằng tính năng ưu việt của sản phẩm công ty ẻm là dùng được cho y tế, hàng năm có lãi, không bịnh tật gì có thể lấy lại được tiền…ôi thôi là lời quá. Nghe mắc ham nhưng nghĩ lại bảo hiểm y tế mà thằng nào không bịnh cũng lấy tiền lại như mình đến hồi mình bịnh lấy đâu tiền trả cho mình đây. Thế là xù, và còn xúi ẻm về nói lại công ty đừng chơi gói sản phẩm nhỏ mọn ấy nữa.

Đầu năm 2015, bảo hiểm y tế xứ Vịt đanh thép tuyên bố không trả một xu cho con bịnh trái tuyến ngoại trú, đồng thời đám bịnh thắt ngặt nghèo ung thư chạy thận tim mạch gì gì đó bất kể sống dở chết dở thế nào cắt chi trả xuống còn 50% vì mục tiêu “ được kỳ vọng là phương pháp hữu hiệu để ổn định quỹ bảo hiểm". (nguồn ở đây)
Xem ra cái bảo hiểm mà tui lầm tưởng là giống như chơi hụi trong dân gian, nhiều người hùn lại cho một người qua cơn thắt ngặt chỉ là một tưởng tượng dở hơi. Mục tiêu tối hậu của nó không phải giúp người mà là giữ ổn định túi tiền để trả lương cho những người giữ quỹ. (Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2013 chi quản lý bộ máy bảo hiểm xã hội ước hơn 3.718 tỉ đồng, tiếp tục tăng 1,42% so với thực chi của năm trước. Tính toán của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho thấy so với tỉ lệ lãi đầu tư từ nguồn kết dư quỹ bảo hiểm xã hội thì chi phí quản lý bộ máy năm 2013 chiếm gần 17% tiền sinh lời và 3,51% so với tổng số thu bảo hiểm xã hội. (nguồn ởđây).
Còn những người giữ quỹ được trả lương 3.718 tỉ đồng kia đã làm gì? Thưa rằng, bằng “nghiệp vụ hạn chế, trách nhiệm chưa cao” (chữ của báo Tuổi trẻ), họ đã trong hơn một năm (tháng 4-2008 đến tháng 8-2009), ký 14 hợp đồng cho Công ty Cho thuê tài chính II (ALC II) vay vốn với tổng số tiền 1.010 tỉ đồng, mà số tiền này được Bảo hiểm xã hội VN chính thức nhìn nhận rằng “khả năng trả nợ của ALC II là rất thấp”.

Thật khó để không nghĩ rằng 2 cái trụ cột kia đang bán rẻ sinh mạng người dân có bệnh để đánh đổi món nợ ngàn tỉ gần như mất khả năng thu hồi vì cái bọn thiểu năng đạo đức.

Thứ Hai, 5 tháng 1, 2015

Xuất khẩu gạo theo cơ chế thị trường để tăng thu nhập người trồng lúa


Với khái quát về tình hình sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long tại chương 2 cùng nhận xét về một số tồn tại của các chuyên gia trong lĩnh vực này ở chương 3, tôi đề xuất một số giải pháp mang lại hiệu quả hơn cho ngành xuất khẩu gạo. Nếu như các phân tích ở chương trước đã trả lời cho những câu hỏi nghiên cứu thì các giải pháp này là để khẳng định cho giả thuyết nghiên cứu đặt ra ở phần mở đầu, cũng là mục đích của đề tài này: “Một chính sách thu mua và xuất khẩu gạo theo cơ chế thị trường sẽ làm thay đổi căn bản đời sống người nông dân đồng bằng sông Cửu Long theo hướng giàu có hơn” là hoàn toàn đúng đắn.
Các giải pháp nhằm khẳng định cho giả thuyết là:

1. Bổ sung thêm một số điều khoản mở trong cấp phép doanh nghiệp xuất khẩu gạo

Cụ thể ở các biện pháp sau:
             + Tối thiểu hóa quy định điều kiện chuẩn kho với xu hướng mở rộng đa dạng của hàng xuất khẩu Việt Nam đối với sản phẩm gạo đặc thù (sản lượng ít, nhưng lợi nhuận và tính cạnh tranh rất cao) để các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm này tham gia vào thị trường, nhằm gia tăng cạnh tranh, làm lợi cho nông dân.
             + Với mục đích tập trung năng lực để xuất khẩu các hợp đồng lớn (hợp đồng chính phủ), Nghị định 109 nên làm theo tinh thần của Luật đấu thầu. Đó là chỉ quan tâm đến năng lực của Nhà thầu tại thời điểm đấu thầu chứ không phải sự sở hữu tài sản của họ. Điều đó có nghĩa, quy định về kho chứa 5.000 tấn và nhà máy chế biến 10 tấn lúa/giờ nên giới hạn ở mức quyền sử dụng. Tức chỉ yêu cầu doanh nghiệp chứng minh khả năng sử dụng các tài sản này (bằng các hợp đồng thuê mướn, liên danh, nhượng quyền...). Các doanh nghiệp không đủ năng lực theo quy định, được phép liên danh để cộng năng lực.
Điều này mang lại ba ý nghĩa to lớn:
             a. Mở rộng cạnh tranh;
             b. Khuyến khích hình thành các tổ chức chuyên môn hóa, từ kho dự trữ, nhà máy chế biến đến logictics, thương mại, xuất khẩu. Từ đó tạo nên chuỗi cung ứng chuyên nghiệp dựa vào nhau và tạo nên sức cạnh tranh cực lớn.
c. Các giá trị trong chuỗi được phân phối hợp lý và minh bạch thông qua các thỏa thuận và ràng buộc ngay từ đầu.

 2. Trả VFA về đúng chức năng là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp đúng nghĩa. Kinh doanh đúng luật doanh nghiệp và hoạt động theo quy luật thị trường

Với những vấn đề của VFA được chỉ ra ở chương trước cùng nhiều đề xuất của chuyên gia, tôi mạnh dạn xem đây là một giải pháp nâng cao thu nhập của người trồng lúa. Triết học cổ điển đã chỉ ra rằng ở đâu có quyền lực, ở đó có tha hóa. Đặc biệt khi quyền lực không được giám sát và dần trở nên tuyệt đối, nó tha hóa tuyệt đối. VFA là một tổ chức nghề nghiệp của các doanh nghiệp, khống chế thị phần xuất khẩu gạo trên 70% và chỉ quan tâm đến quyền lợi hội viên. Thế mà tổ chức này được chính thức giao quyền làm thay cơ quan quản lý nhà nước trong những chính sách lớn liên quan đến đời sống của hàng triệu người dân là nông dân. Do đó, việc làm đúng đắn là trả về đúng chức năng nhiệm vụ của các đơn vị như vốn có của nó. Trong đó, chỉ có người viết luật mới được làm chính sách. Cụ thể như sau:
a. Các chính sách lớn về giá và hạn mức xuất khẩu chỉ nên được cơ quan nhà nước công bố dưới dạng thông tin cần biết. Các đơn vị liên quan dùng dưới dạng tài liệu tham khảo (đây là cách Bộ xây dựng đang làm với các công bố về giá vật liệu xây dựng hàng tháng, chỉ số giá xây dựng, suất đầu tư...).
b. Các hoạt động mang tính nghiệp vụ thị trường như mức giá xuất khẩu, sản lượng tạm trữ, để cho thị trường quyết định theo luật cung cầu. Vấn đề an ninh lương thực cũng nên nhìn dưới góc độ thị trường và xử lý bằng các công cụ thị trường. Ví dụ, Nhà nước dự kiến sản lượng tiêu thụ trong nước và công bố cùng với giá sàn. Các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước có quyền mua hết lượng gạo này để dự trữ, bình ổn, đảm bảo các mục tiêu quốc gia. Sản lượng gạo còn lại trên thị trường lúc đó nên được xem như một loại hàng hóa thông thường mà mọi doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp được được phép kinh doanh.
c. Tháo dỡ chỉ tiêu xuất khẩu cho các doanh nghiệp. Dùng chính sách thuế thay cho hạn ngạch để điều tiết thị trường.

3. Nông dân tham gia vào chuỗi giá trị dưới hình thức thỏa thuận liên danh hoặc công ty cổ phần. Rút ngắn kênh phân phối

Phân tích chuỗi cung ứng lúa gạo ở chương trước đã chỉ ra, 93% người trồng lúa bán lúa tại ruộng cho thương lái. Các thương lái này lại qua nhiều tầng trung gian. Mức lợi nhuận cho chuỗi hàng xáo này lên đến 40%.
Ngoài ra, người nông dân hoàn toàn không biết gì về giá xuất khẩu. Mà mức giá này chính là nguyên nhân hình thành mức giá thu mua lúa tại ruộng của họ (Giá mua lúa = Giá xuất khẩu – Giá chế biến, trung gian).
Như vậy, hoàn toàn có thể chuyển lợi nhuận trong chuỗi từ thương lái này về người nông dân bằng cách kéo công ty xuất khẩu lại gần họ và cho họ chủ động tham gia vào việc hình thành giá gạo xuất khẩu.
Giải pháp của tôi là: Liên kết mọi thành phần trong chuỗi xuất khẩu lại bằng thỏa thuận liên danh, trong đó quy định mức ăn chia ngay từ đầu theo giá bán được. Trường hợp lỗ, mức lỗ này cũng được phân tán cho các đối tác chứ không tập trung chỉ một người trồng lúa.
Giải pháp toàn diện đầy nhân văn giải quyết vấn đề trên đã được đề xuất cách đây 4 năm của GS-TS Võ Tòng Xuân là hình thành “Công ty cổ phần nông nghiệp” được trình bày cặn kẽ trong bài báo “Mở lối ra cho nông dân” trên báo Người lao động ngày 12/12/2010. Khái quát như sau:
+ Cho nông dân xã viên được mua cổ phiếu liên tục sau mỗi mùa thu hoạch sản phẩm (vì mua một lần thì họ không có vốn), công ty trả tiền chậm 10 - 15 ngày cho nông dân.
+ Công ty bảo đảm vào thời điểm trả tiền cho nông dân, giá lúa phải bằng hoặc cao hơn giá ở thời điểm nông dân giao lúa cho công ty cộng với lãi suất 10 - 15 ngày.
+ Đến cuối niên vụ, công ty sẽ tính toán doanh số cả năm, xác định tiền lãi để chia cho các thành viên cổ đông. Mỗi nông dân cổ đông sẽ được chia lãi theo số cổ phần của họ, đồng thời được hưởng một số tiền thưởng tính trên lượng lúa đã bán cho công ty. Như thế, nông dân tham gia công ty sẽ luôn luôn được lãi, hoàn toàn khác với nông dân cá thể mua đứt bán đoạn cho thương lái không được chia lãi đồng nào.

Một phần quan trọng trong biện pháp đồng bộ này là quyền được xuất khẩu sản phẩm gạo của các công ty cổ phần. Hằng năm, Nhà nước ấn định lượng gạo xuất khẩu của VN căn cứ trên diện tích và sản lượng gạo của từng tỉnh. Sau khi trừ ra phần đóng góp vào khối lượng an toàn lương thực của cả nước, mỗi tỉnh dư ra bao nhiêu tấn gạo thì được quyền xuất khẩu khối lượng đó, không cần phải qua phê duyệt lần thứ hai của Nhà nước nữa. Trên cơ sở đó, các công ty cổ phần nông nghiệp của tỉnh sẽ an tâm sản xuất để xuất khẩu. (Nguồn:http://nld.com.vn/kinh-te/mo-loi-ra-cho-nong-dan-2010121212572711.htm).

4. Nhà nước hỗ trợ cho nông dân bằng chính sách, thay vì hỗ trợ trực tiếp bằng trợ giá và thu mua tạm trữ.

Các phân tích ở chương trước cho thấy các chính sách lớn của nhà nước hỗ trợ cho nông dân thực ra người nông dân được hưởng rất ít nếu không nói là chẳng được gì. Các chuyên gia đã chỉ ra, việc hỗ trợ này chỉ mang lại lợi nhuận cho nhà nhập khẩu (trường hợp trợ giá xuất khẩu), và lợi nhuận thương lái (trường hợp thu mua tạm trữ và ưu đãi lãi vay).
Vì thế, thay vì hỗ trợ như vậy, nhà nước chỉ cần tính đủ chi phí vào giá thành hạt gạo, công bố giá sàn, tổ chức thu mua theo giá thị trường với hệ thống kho chứa đủ công suất chính làm làm người nông dân thoát nghèo.
Mặc khác, ở các vùng đất không phù hợp để sản xuất lúa (chi phí cao, năng suất thấp), nhà nước mở chính sách bằng cách cho người dân tự trồng lấy sản phẩm phù hợp. Vì theo cách tiếp cận an ninh lương thực theo thu nhập hiện nay, mất an ninh lương thực có nghĩa là người dân không có tiền mua thực phẩm chứ không phải không có gạo để ăn. Việc thặng dư một khối lượng lúa quá lớn chỉ khiến lúa rớt giá chứ không hề làm tăng thu nhập cho người dân, ngược lại, làm giàu cho giới kinh doanh thuốc trừ sâu, phân bón.

5. Tháo dỡ hạn điền và tăng thời gian sử dụng đất.

Biện pháp cuối cùng cũng liên quan đến vấn đề thị trường là xem đất như một tài sản thông thường khác, khi đó người nông dân không phải bị giới hạn quyền sử dụng ở mức 3ha/người như hiện nay mà được quyền sử dụng tùy theo năng lực và nhu cầu của họ. Thời hạn sử dụng cũng chỉ cần như các đối tượng khác là 50 năm thay vì 20 năm như hiện nay. Có như thế, người nông dân mới dốc tâm huyết và quyết tâm làm giàu ngay trên chính mảnh ruộng của mình, tin tưởng và hãnh diện vào sản phẩm của mình.

Tóm lại, do đề tài thực hiện nghiên cứu định tính nên không thẻ kết luận thu nhập của người nông dân tăng lên bao nhiêu sau khi thực hiện các giải pháp. Nhưng, đề tài nàu hoàn toàn có thể kết luận, các giải pháp này chắc chắn nâng cao thu nhập cho người nông dân hiện giờ, nếu không phải là 70%  như năm 2006 thì cũng hơn 10% như hiện giờ. Chưa kể, do áp lực cạnh tranh, sẽ xuất hiện những phương thức sản xuất và kinh doanh mới mà mức lợi nhuận không thể lường trước.

PHẦN KẾT LUẬN

Qua các phần trình bày trên có thể thấy, sự nghèo khó của người trồng lúa đồng bằng sông Cửu Long hoàn toàn có thể thay đổi chỉ bằng giải pháp hành chánh, mà cụ thể ở đây chỉ đơn giản là cho phép họ được quyền tự do buôn bán thứ mà họ nai lưng bám đất lương thiện cày cục làm ra. Thật khó chấp nhận, rằng chỉ bằng những khái niệm mập mờ không định lượng như an ninh lương thực cùng vài nhận định đầy chủ quan mang tính cá nhân của một chủ tịch hội nghề nghiệp nhưng được giao quyền quản lý nhà nước có mức lương xấp xỉ 80 triệu đồng/tháng, những người trục lợi có thể thao túng cả một thị trường gần 4 tỉ USD mỗi năm. Quy luật 80/20 thể hiện trong bức tranh lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long thật nghiệt ngã: 80% lợi nhuận trong chuỗi giá trị chảy vào túi kẻ bỏ 20% vốn đầu tư. Bức tranh ấy còn cho thấy 4 triệu người trồng lúa kiếm chưa đầy 20% lợi nhuận kia có thu nhập dưới 1USD/ ngày dẫn đến bi kịch là khoảng 12,6% hộ gia đình còn hạn chế trong tiếp cận hoặc không tiếp cận được đầy đủ lương thực và thực phẩm, an ninh lương thực không đảm bảo. Điều đó có nghĩa, chính người trồng lúa  bị đói ngay trên đống gạo của mình.
Với thực tế này, các lãnh đạo điều hành hiệp hội Lương thực Việt Nam VFA cần phải thấy rằng: An ninh lương thực ngày nay không có nghĩa là không có gạo ăn, mà là không có tiền để mua gạo ăn. Cho nên, mục tiêu an ninh lương thực chính là mục tiêu nâng cao thu nhập cho người trồng lúa vậy.
Thực thi mục tiêu ấy, chỉ có một con đường duy nhất là tuân theo các quy luật thị trường. Các biện pháp điều tiết vĩ mô nếu cần thiết, cũng phải bằng chính các công cụ ấy. Chỉ cần xây dựng luật chơi sòng phẳng, người chơi sẽ chơi hết mình. Các hỗ trợ tự nó trở nên không cần thiết.
Mặc dù đề tài này không nghiên cứu định lượng để kết luận chính xác rằng người nông dân được nâng thu nhập lên bao nhiêu phần trăm khi hoạt động xuất khẩu lúa gạo được cởi trói theo cơ chế thị trường. Nhưng đề tài này hoàn toàn có thể kết luận, việc kinh doanh xuất khẩu lúa gạo theo các đề xuất giải pháp đã nêu, hoàn toàn có thể trả lại lợi nhuận cho nông dân như họ đã từng được trước đó: 70% thay thì 10% đến 20% như hiện tại.
Để làm được điều đó, việc điều hành bằng chính sách là hết sức quan trọng. Bởi vì, trong phạm vi điều chỉnh của luật, người dân phải là trung tâm. Để người dân là trung tâm, luật phải được soạn bởi chính tiếng nói đại diện người dân, cụ thể là Đại biểu Quốc hội. Cho nên, về tổng thể, tất cả các chính sách chạm đến đời sống người dân chỉ nên được ban hành ở tầm cao nhất là Luật.
Cuối cùng, xin lấy câu chuyện con bướm trong kén thay cho lời kết: Một anh chàng nọ trông thấy con bướm đang vất vả tìm mọi cách xé cái kén bao quanh mình. Thấy tội nghiệp, anh thò tay xé kén cho nó. Con bướm ấy đã vĩnh viễn chỉ còn bò quanh quẩn dưới đất. Nó không thể bay vì mất đi cái nỗ lực ban đầu tự nhiên để làm nền cho động cơ tồn tại và phát triển sau này.
Mong sao cho những năm tới đây ngành lúa gạo Việt không gặp phải bi kịch con bướm bị người ta xé kén.