Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015

Hay là chúng ta bỏ Tết?


Có câu chuyện cười nọ, ông chồng hấp hối trên giường bệnh, cầm tay bà vợ thều thào: lúc tui bị đuổi việc, bà ở bên tui, lúc tui rỗng túi, bà ở bên tui, lúc tui bị bạn bè phản bội, bà ở bên tui, và giờ này, lúc tui hấp hối, bà vẫn ở bên tui. Cho nên tui nghĩ...hic...bà...chính là nguyên nhân... mọi ...tai ...họa của...tui. Nói xong tắt thở.
Cũng còn chưa đầy tháng nữa, xứ Vịt hân hoan đón Tết. Nhà nhà người người nô nức sắm sửa dọn dẹp bày biện khang trang. Chính quyền theo đó cũng trang hoàng chuẩn bị đường hoa xe hoa pháo hoa đón Tết. Ôi thôi cả nước vui mừng, đất trời đon đả tưng bừng vào Xuân.
Cũng như thường lệ, để cho thắm cái bản sắc văn hóa lá lành đùm lá rách đậm đà tình dân tộc thương người như thể thương thân, chính quyền khắp nơi lại rầm rập khẩn trương ra quân cứu Tết. Đoàn đoàn, hội hội thi nhau đổ xô về chỗ nọ chỗ kia càng sâu càng xa càng tốt, rưng rưng trao tiền trao gạo trao muối mắm dầu đường. Những lời có cánh, những hình ảnh sụt sùi những những cái ôm siết chặt tràn lan mặt báo. Thế là coi như an tâm, ai ai cũng ăn được Tết.
Ở một phía đóng vai phản biện, các báo lại thống kê số liệu người tử vong/thương tật vì đi lại vì ăn nhậu vì vân vân vì Tết. Các bài viết về các tệ mê tín, cờ bạc, lười nhác của dân Việt lại thi nhau mổ xẻ. Giới văn phòng ăn lương ngân sách thì túc tắc từ trước Tết cả tuần kéo dài ra đến sau Tết cả tháng. Hội hè chùa chiền đình miếu triền miên liên tu bất tận trong cơn say buôn thần bán thánh. Giới bình dân làm công xa xứ thì rũ rượi chen chúc lúc nhúc trên những chặng đường ngàn dặm đầy trắc trở hiểm nguy bởi đặc trưng giao thông của xứ này. Giới chủ thì đau đầu toan tính lương thưởng trước Tết và chảy máu nhân sự sau Tết. Bác sĩ căng người cứu người, công an căng người bắt người, thầy chùa căng người ngửi khói.
Chợt nhớ quy luật Pareto, xem ra 80% chuyện xấu dân Vịt chỉ xoay chừng khoảng 20% thời gian dịp Tết. Ngay cả chuyện giúp người nghèo ăn Tết, nó cũng là cái bẫy tư duy khi sau khi có tí quà cáp này nọ xong, những người có trách nhiệm lại quên đi trách nhiệm của mình là làm cho những dân ấy hết nghèo. Cho nên chung quy, so với sức nặng của hai từ "truyền thống" cái hại do Tết mang lại không đủ đối trọng để làm dương lợi ích. Chưa kể, không biết bao nhiêu tiền chi cho những công trình không chết ai cũng không lợi ai chạy chỉ tiêu cuối năm đã được quy hoạch vốn đầu năm, làm tốc hành với chất lượng chỉ có giữa năm sau mới biết.

Ông bà có câu: Ăn no mặc ấm, ăn ngon mặc đẹp. Xưa, xã hội chỉ có nền kinh tế lúa nước, mùa màng bội thu, nông nhàn rãnh rỗi ông bà mới thư thái tận hưởng tiết trời, thư giãn sau vụ mùa mệt nhọc. Nay, xã hội công nghiệp, nền kinh tế thị trường phân hóa giàu nghèo ngày càng chênh lệch, ăn chơi ngày Tết thực ra chỉ còn cho một dúm người làm giờ hành chánh có của ăn của để. Đại bộ phận thiên hạ ai cũng tay làm hàm nhai, ngày nào kiếm được tiền ngày đó là Tết. Chưa kể, những năm gần đây báo chí còn có trò so nhau khoản tiền thưởng Tết, mới đầu còn có vẻ thương cảm, riết cảm giác như trò mua vui với những "quà" là sắt, gạch, xi măng, băng vệ sinh, keo dán sắt....Ở góc kinh tế vĩ mô, Tết là cái dịp chính danh tăng giá tiêu dùng mà không có bất kì lý do nào, để cùng với nạn tiêu pha phung phí tiền nhà nước góp phần đẩy cái hầu bao eo hẹp của dân đen nhanh tiến về phía rỗng.

Tết, được tính theo lịch mặt trăng, tức âm lịch. Và âm lịch thì, như một mảnh đất màu mỡ gieo trồng đủ loại cây mê tín gồm đồng bóng cầu hồn xin xăm xủ quẻ bói toán coi ngày coi giờ coi tuổi tha hồ bám rễ trổ hoa đâm lá. Vô số những câu chuyện (có vẻ) sự thật/ huyền thoại/ huyền bí/ ma mị/ lường gạt đính kèm nền văn minh âm lịch này, đến mức người ta thừa nhận nó như là bản sắc văn hóa. Những ai lỡ bị đóng đinh niềm tin vào trò coi ngày giờ tuổi tác sao hạn cung mệnh này bị ám ảnh về nó đến mức khó lòng tự chủ làm việc gì đó lớn mà không hoang mang giở cái âm lịch ra xem có gì đại kị hay không. Đỉnh cao vớ vẩn là chuyện gán cho đứa trẻ thiên thần vừa mở mắt chào đời một cái cái vận mệnh vô căn cứ đâu đó trên trời cho nó, cũng như gán những họa phúc cát hung vô lý cho tuổi này với tuổi nọ. Điều này ngang nhiên phủ nhận luật nhân quả của vũ trụ, tước đoạt man rợ nỗ lực lương thiện, nhu cầu tự hoàn thiện của con người bằng định kiến hoang đường về số mạng ngay từ trong nôi.

Ngày ở Việt Nam mặc nhiên tồn tại hệ thống kép. Không biết cái lịch tính ngày theo hệ thống kép nó có góp phần làm nên thói hai mặt của dân xứ này hay không, cũng như những tác động tốt/xấu đến đời người trong các ngày làm sự kiện lớn nó mạnh mẽ ra làm sao. Thế giới phẳng ngày nay cho thấy bọn Âu Mỹ Israel chúng nó chả biết cái gì là âm dương ngũ hành thiên can địa chi mệnh trạch, thế mà dân xứ nó không ai cần cứu Tết hay tự tử vì nghèo, thu nhập bình quân sơ sơ vài chục ngàn USD mỗi mùa lá rụng. Nước chúng nó thì không nước nào dám bắt nạt. Lãnh đạo chúng nó chẳng thấy ai nhang đèn heo gà khấn vái quỷ thần thiên địa. Quỷ thần phò hộ nếu có, chính là cái đám đối lập luôn soi mói trong từng chính sách. Công trình xứ chúng nó thì cứ như là không đẹp mê hồn thì cũng tối đa tiện dụng, mà lại ăn chắc mặc bền trơ cùng tuế nguyệt. Luật chúng nó thì cứ đọc lấy mà xài đố ai lách được, chả cần cả một hệ thống hành pháp ban hành thêm hướng dẫn này nọ vì dân thì ít mà vì lợi ích thì nhiều.

Tổng kết lại, theo kiểu phương pháp nghiên cứu khoa học diễn dịch quy nạp thống kê mô tả,  kết luận giả thuyết dựa trên phân tích (ở đây là định tính pha chút định lượng), cộng với câu chuyện cười mở đầu ở trên giờ bỗng hóa ra ...minh triết, tui dõng dạc kết luận: để nâng dân trí chấn dân khí hậu dân sinh như lời cụ chí sĩ Phan Chu Trinh trăm năm trước, dân xứ Vịt phải vứt mẹ cái lịch âm, kè theo đó là bỏ Tết. Ai muốn Tết thì bất kì lúc nào cũng cứ vô bảo tàng mà đón. 
Hết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét