Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Nghề y nên vì người nghèo hay người giàu?

Đó giờ tui cũng nghĩ cứ cái gì vì người nghèo là tốt, nghề y càng đặc biệt tốt, như bài báo này. Nhưng giờ thấy vậy chưa đủ, mà nó còn phải vì người giàu nữa thì mới gọi là cần và đủ.
Năm ngoái, cũng ngày này, tui có kể chuyện một điều dưỡng nhận phong bì nhưng vẫn chăm sóc như nhau cho tất cả bệnh nhân mà anh ấy phục vụ, cả phong-bì và không-phong-bì, nên tui kết luận: Y đức và tiền bạc không hề dính dáng gì nhau. Sự lương thiện, cũng như phong bì, nó là một thái độ, người ta có quyền chọn, hoặc không. Bởi về bản chất, phong bì không có gì xấu xa khi làm cho cuộc sống vật chất của người nhận đàng hoàng hơn.
Tiếp nối mạch tư duy này, năm nay tui cho rằng nghề y phải vì người giàu. Nghe có vẻ đê tiện trọc phú nhưng sự thật là chỉ có người giàu mới làm thay đổi cuộc sống (báo cáo của tổ chức nhân đạo Oxfam chỉ ra rằng 1% dân số thế giới đang nắm tài sản nhiều hơn 99% còn lại). Vì thế, bao nhiêu cảnh đời bất hạnh thê lương vì bệnh tật báo chí đăng nhan nhản kêu gọi hảo tâm hằng ngày, chỉ cần một tay nhà giàu nào đó động tâm ra tay nghĩa hiệp thì mọi thứ ổn ngay lập tức.
Ngành y, tư duy vì người nghèo là tư duy đi vào ngõ cụt, giống như ôm nhau chết chìm vậy. Thử nghĩ, cứ bán cái gì mà dưới giá thành hoài thì vốn nào còn mãi. Cho nên, cần phải mang lý thuyết Marketing vào nghề này, tức là phân khúc khách hàng ra. Cứ chăm sóc anh nhà giàu cho ảnh thật sướng, rồi lấy tiền cao vào, nói rõ là bao nhiêu phần trăm của anh tui lấy để tài trợ cho các trường hợp ABCD hiểm nghèo bi kịch gì gì đó, bảo đảm đây là một giải pháp win-win. Có một nhân vật trong tiều thuyết tui đọc hồi đó, tên truyện thì quên nhưng tên bác sĩ thì nhớ, là Geraudin, thuộc loại giáo sư đầu ngành, ông mở phòng mạch tư lấy  giá cực cao, nhưng trong bệnh viện, ông làm mọi thứ cho bệnh nhân nghèo, kể cả thử phân cho họ.
Cái lý thuyết Marketing phân khúc khách hàng không chỉ đúng trong ngành y, mà còn đúng cho mọi loại hình sản phẩm dịch vụ. Đặc biệt trong quản lý xã hội, nó là cái phao cho các ngành tiêu tiền ngân sách nhưng không có nguồn thu. Thu được hay không là do ta có tạo ra giá trị hay không thôi, chứ tiền trong thiên hạ chỗ nào mà không có. Cái cách tạo ra giá trị gia tăng để thu người giàu rồi tài trợ lại cho người nghèo này không mới. Nó là cách của mafia Ý kiểu lấy mỡ nó rán nó, kiểu quân tử Tàu lấy của người giàu cho người nghèo, còn qua kiểu hàn lâm học thuật thì mang cái tên phân khúc khách hàng vậy thôi.

Rốt cục lại thì nghề y vì người giàu hay người nghèo, tui xin lấy câu trả lời đủ ý của bác sĩ (thứ thiệt) Trương Hữu Khanh trong bài báo này thay cho lời kết: “Dịch vụ khám chữa bệnh tốt nhất chỉ nên thực hiện theo hướng tiện nghi, thuận tiện. Còn chuyên môn hay phương pháp điều trị phải công bằng".


Thứ Tư, 4 tháng 2, 2015

Chuyện dài kế hoạch


Thằng bạn làm kĩ thuật ở công trường xây dựng, mỗi ngày làm cái kế hoạch tiến độ thi công gửi cho chủ đầu tư. Thằng chủ đầu tư đọc kế hoạch, thấy đúng với mong muốn của ảnh thì thôi, không đúng thì một hai kêu sửa cho đúng ý, bất kể hôm đó công nhân nghỉ việc đột xuất, trời mưa, máy hư…nên năng suất không như thường lệ.
Chuyện của nó làm mình nhớ chuyện chạy Tết. Gần như đã thành thông lệ, mấy cái nắp cống hư hỏng cả năm nằm chơ vơ lòi sắt, mấy cái trụ đèn mất nắp lòi mấy dây điện chắp nối lộ cả ruột đồng cứ chỏng chơ mặc cho bao đơn thư kêu gào sửa chữa là thế, chả ai buồn mó tay vào. Tầm cuối năm, những thứ hư hỏng kia, cùng với đường sá vỉa hè cây xanh chiếu sáng vẫn còn đang tốt, bị ào ào cuốn lên dặm vá nâng niu tô trát trong cơn lốc đào bới không cách gì ngăn nổi.
Lần mò lên căn nguyên, mới hay thế sự trên đời có thứ được đặt tên là kế hoạch. Là vầy, các ông các bà cứ tự tưởng tượng chuyên trên trời dưới đất địa phương cơ quan tổ chức mình năm tới xảy ra thứ gì theo kiểu năm sau cao hơn năm trước. Đèn vẽ chuyện đèn, hoa vẽ chuyện hoa cống vẽ chuyện cống….Xong xuôi ai nấy xí phần được một cục vốn. Sẽ đẹp đẽ biết bao khi chuyện đời chuyện trời nó diễn biến rầm rập tuyến tính như các vị xin vốn đã hình dung. Éo le thay, ông xin tiền chống 5 trận bão nhỏ thì gặp phải 10 trận bão to. Cụ xin tiền sửa 100km đường như thường lệ thì năm nay đường bỗng tốt lạ thường không thấy hỏng. Bác pháo hoa hội hè đình đám thì cứ đếm đủ lễ hội theo lịch để nhân với đơn giá rồi theo đó mà lấy đủ vốn, bất chấp sức khỏe của nền kinh tế nó mạnh yếu thế nào.
Cũng sẽ chẳng có gì đáng nói nếu người ta quyết toán cái đồng vốn kế hoạch kia theo đúng diễn biến cuộc sống là thiếu xin thêm dư trả lại. Nhưng vấn đề là, khi cuộc sống lỡ chạy theo một đường đi không theo con đường kế hoạch, người ta lại đẽo gọt cuộc sống cho vừa với hình dung của mình. Bi kịch của kế hoạch vốn bắt đầu từ đó. Bi kịch có thể từ một chuyện nhỏ như cái nhà vệ sinh của trẻ con ở trường mẫu giáo hư nhưng không sửa được hay lớn hơn tí là chuyện một lan can cầu bị xe tông sập vẫn cứ trơ trơ giữ nguyên hiện trường. Ở chiều ngược lại, bi kịch là những vỉa hè những mặt đường đang láng ơ sạch bóng, được vô tư tháo lên đặt xuống, tô trát thêm một tí màu mè. Hoặc khi cả nước đang cơn thắt ngặt, mua sắm cái ăn cái mặc tiện tặn từng đồng, thì những trang trí phù du xanh xanh đỏ đỏ đường hoa pháo hoa xe hoa dương dương phô bày đỏng đảnh với lời trấn an ngó pháo quên nghèo, bão cuốn tan hoang nhưng người người hân hoan ngắm pháo.

Cái vòng kế hoạch bên Tây Plan-Do-Check-Act, hội nhập vào văn hóa Vịt, hình như trở thành Plan-Play-Fix-Eat.

Thứ Hai, 2 tháng 2, 2015

Kenji Goto – Khúc ca bi tráng


John. C Maxwell kể: Những thổ dân Quinchua của bộ lạc Auca ở Ecuquador nổi tiếng tàn bạo. Với mong muốn mang thông điệp yêu thương của Chúa đến để cảm hóa bộ lạc này, Jim cùng 4 nhà truyền giáo khác quyết tâm tìm đến cảm hóa. Kết cục, xác cả năm người được tìm thấy trôi dạt trên sông. Tất cả họ đều chết bởi mũi giáo của người Auca.
Cái chết của nhà báo người Nhật Kenji Goto mới đây cũng nhuốm màu bi tráng tương tự. Với mong muốn một thế giới không có chiến tranh và cứu vớt trẻ em, anh quyết định dấn thân vào vùng đất dữ. Thế nhưng trong chuyến dấn thân cuối cùng đầy nghĩa hiệp giải cứu người bạn Haruna Yukawa, không may thay, anh cũng chịu chung số phận bị bọn IS cắt đầu man rợ.
Cái chết của anh tự dưng làm tôi liên tưởng đến cái chết của chúa Jesus. Hơn hai ngàn năm trước, khi lòng người ngày càng tích tụ tham lam và đố kị, khi tâm thức bị gông cùm bởi tri kiến sai lầm, Jesus Christ đã phải tưới tẩm hạt mầm yêu thương bằng chính giọt máu của mình và cái chết đớn đau trên thập tự giá. Loài người nhờ đó mà có thêm một ngọn đèn chỉ hướng để sống cho đàng hoàng hơn. Thế kỉ XXI, lòng tham, lòng thù hận và vô minh lại tích tụ đủ lớn để nhân loại sản sinh một giống loài quái đản.

Nhớ lại sự kiện 11/9/2001, tổng thống Mỹ G.W. Bush khi ấy đã không ngần ngại và hầu như ngay lập tức triệt tiêu bọn quỷ mang tên Taliban, trả chúng về địa ngục.Hy vọng rằng, cái chết của Kenji Goto là cái chết cuối cùng. Máu của anh và những người bị giết man rợ trước đó, nếu không đủ để tưới tẩm hạt mầm yêu thương ở vùng đất này mọc lên, thì hy vọng rằng nó đủ nóng để nấu sôi ý chí những nhà lãnh đạo của các cường quốc có con tin bị giết. Lời cầu nguyện khả thi nhất, có lẽ là vào Abe, khi Chúa ứng vào ông để cùng với Nhật Bản xua IS trở lại địa ngục như Bush đã làm thuở nào.
Cái kết trong câu chuyện của John. C Maxwell kể là, vợ Jim - Elisabeth Elliot, cuối cùng cũng tiếp xúc được với thổ dân Quinchua của bộ lạc Auca và giúp họ nhận được thông điệp yêu thương của Chúa. Thế nhưng, với IS, tôi mong rằng tình yêu của Chúa dành cho chúng không phải hoa hồng, mà là những tấn bom, những hỏa tiễn dội xuống, để cho thể xác và ý chí chúng hòa tan cùng không gian theo mùi thuốc súng.